Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Có tin mới hy vọng

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

CÓ TIN MỚI HY VỌNG

 

Theo công lịch (kể cả âm lịch và nói chung các thứ lịch trên thế giới) thì Năm Mới bắt đầu vào mùa Xuân là mùa của hoa xinh cỏ đẹp, mùa của vạn vật đua tươi khoe thắm; nhưng đối với lịch Phụng vụ, thì Năm Mới lại bắt đầu bằng Mùa Vọng (thời điểm cuối mùa Đông) là mùa Trông Đợi, mùa Hy Vọng. Mùa Trông Đợi là mùa mong ngóng một mùa khác sắp đến, còn mùa Hy Vọng là mùa trông mong (Vọng) điều tốt lành (Hy) sẽ đến. Vâng, ý nghĩa vô cùng khi mở đầu năm Phụng vụ là mùa Vọng. Vậy thì mở đầu cuộc đời là mùa Vọng cho cuộc lữ hành trần thế “ba vạn sáu ngàn ngày”. Sự chuẩn bị cho ngày chào đời của một con người suốt 9 tháng 10 ngày (khám thai định kỳ, siêu âm xét nghiệm, dưỡng thai, dưỡng mẫu, sắm sửa tã lót, áo quần v.v… và v.v…) há chẳng phải là những hành động biểu lộ sự trông đợi ngày chào đời của một con người đó sao ? Còn cuối đời ? Thời gian cuối năm công lịch tượng trưng cho quãng đời cuối cùng ấy, mà công lịch thì lại lấy ngày sinh của Đấng Cứu Thế làm một cái mốc để tính lại thời gian lịch sử cho mãi đến thời thượng cổ, thời tối cổ; đồng thời cũng là cái mốc khởi điểm cho tương lai ngàn sau. Vậy thời gian trước Công nguyên chính là mùa Vọng cho Công nguyên – hay nói khác đi, thời Cựu Ước chính là mùa Vọng (mùa Trông Đợi Chúa đến lần thứ nhất) của thời Tân Ước (mở ra Kỷ nguyên Chúa Giê-su Ki-tô giáng trần Cứu Độ nhân loại). Như vậy, thì rõ ràng thời gian cuối cuộc đời – không, phải nói là cả cuộc đời trần thế mới đúng – sẽ là Mùa Vọng, mùa trông đợi điều tốt lành sắp đến (Trông Đợi Chúa đến lần thứ hai)  cho Mùa Xuân vĩnh cửu chào đón Vua Vinh Hiển "... đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến" (Lc 21, 27).

 

Còn nhớ Năm Thánh 2010 ở Việt Nam có chủ đề là “Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ”. Bước sang năm mới 2012, Giáo Hội Việt Nam sẽ “triển khai định hướng và nội dung Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010”, như Thư gửi cộng đồng Dân Chúa của HĐGMVN ngày 7/10/2011 cho biết cụ thể là : – Năm 2012: Hiểu biết và sống mầu nhiệm Giáo Hội; – Năm 2013: Vun trồng và củng cố sự sống hiệp thông trong Giáo Hội; – Năm 2014: Hiệp thông để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Vậy thì mùa Vọng năm nay Giáo Hội Việt Nam đang trông đợi mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, đồng thời cũng là mùa Hy Vọng được “Hiểu biết và sống mầu nhiệm Giáo Hội” một cách cặn kẽ và thiết thực hơn, để từ đó có hành trang sẵn sàng Trông Đợi Chúa đến lần thứ hai. Mầu nhiệm Giáo Hội ư? Vâng, được gọi là mầu nhiệm Giáo Hội vì khởi nguyên Giáo Hội xuất phát từ mầu nhiệm Giáng Sinh do chính Ngôi Lời là Đức Giê-su – Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật – thiết lập (“Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” – Mt 16, 18).

 

Trong Thư của HĐGMVN (dẫn trên) đã chỉ rõ: “Cách cụ thể, chủ đề của năm 2012 là Hiểu biết và sống mầu nhiệm Giáo Hội, với châm ngôn là: “Hãy mang trong anh em những tâm tư của Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 2, 5). Để triển khai chủ đề này, về mặt tuyên xưng đức tin, tất cả chúng ta sẽ cùng học hỏi, đào sâu ý thức về Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, Nhiệm Thể Đức Ki-tô, Đền thờ của Chúa Thánh Thần (Thư Chung, số 10,12,13). Về mặt cử hành đức tin, chúng ta sẽ tập trung vào bí tích Thánh Thể và Lời Chúa (Thư Chung, số 11 và 12)”. Có thể nói đặc tính của Hội Thánh nơi trần thế là một “Mầu nhiệm của mầu nhiệm” (mầu nhiệm Giáo hội của mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể), để từ đó sẵn sàng cho sứ vụ trông đợi mầu nhiệm Cánh chung, ngõ hầu hy vọng đón nhận “ơn cứu chuộc” như Thông điệp “Đức Tin là Hy Vọng” khẳng định: “SPE SALVI facti sumus ” - chúng ta được cứu rỗi nhờ hy vọng, Thánh Phao-lô đã nói như thế với dân chúng thành Rô-ma, cũng như với chúng ta (Rm 8, 24)” (Tđ Spe Salvi, số 1).

 

Một sự trùng hợp kỳ thú là ngày 16-10-2011 vừa qua, Đức Thánh Cha Biên Đức XVI đã công bố thiết lập một “Năm Đức Tin” (“Tôi xin thông báo rằng tôi đã quyết định thiết lập một Năm Đức Tin”) bắt đầu từ 11/10/2012 và kết thúc vào ngày 24/11/2013, để đánh dấu kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Va-ti-ca-nô II – Công đồng đã phê duyệt những cải cách chính trong Giáo Hội Công giáo. Vậy là năm 2012, Giáo Hội Việt Nam “hiểu biết và sống mầu nhiệm Giáo Hội” để cùng với Giáo Hội toàn cầu sống “Năm Đức Tin”  nhằm “thúc đẩy hơn nữa sứ mạng của toàn thể Giáo Hội là đưa con người ra khỏi sa mạc, là nơi họ thường chỉ gặp được chính mình, để đến với sự sống và hướng tới tình bạn với Chúa Ki-tô, Đấng ban cho chúng ta cuộc sống này với tất cả sự đa dạng của nó”. Rõ ràng “Đây sẽ là thời điểm của ân sủng và dấn thân hơn bao giờ hết cho Thiên Chúa, củng cố niềm tin nơi Người và loan báo niềm tin ấy cho con người ngày nay” như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định (ibid).

 

Gọi là một trùng hợp kỳ thú vì sống mầu nhiệm Giáo Hội hay sống “Năm Đức Tin”  thì cũng chỉ là thực thi sứ vụ “củng cố niềm tin nơi Thiên Chúa và loan báo niềm tin ấy cho mọi người”. Ngày hôm nay, chúng ta đang sống trong mùa Vọng cuộc đời mai sau, đồng thời bước vào Mùa Vọng của năm Phụng vụ 2012 (“Năm Đức Tin sống Mầu nhiệm Giáo Hội”), ắt hẳn phải nắm vững điều cốt yếu “Đức Tin là Hy Vọng”, bởi vì “chúng ta cần lắng nghe gần hơn một chút với chứng tá của Thánh Kinh về hy vọng. “Hy vọng”, thực ra, là một từ chủ yếu trong Thánh Kinh – đến mức trong nhiều đoạn những từ “đức tin” và “hy vọng” dường như có thể hoán chuyển cho nhau. Vì thế Thư Do Thái liên kết chặt chẽ “sự viên mãn của đức tin” (Dt 10, 22) với “sự tuyên xưng cách quả quyết niềm hy vọng của chúng ta” (Dt 10, 23). Cũng thế, trong thư Thứ Nhất khi Thánh Phê-rô khích lệ các Ki-tô hữu hãy luôn luôn sẵn sàng đưa ra câu trả lời liên quan đến logos – ý nghĩa và lý do – cho niềm hy vọng của họ (x. 3:15), từ “hy vọng” là tương đương với “đức tin” (Tđ Đức Tin là Hy vọng – “Spe Salvi”, số 2).

 

Để hiểu biết và sống mầu nhiệm Giáo Hội thì phải có một niềm tin vững vàng vào Đấng sáng lập Giáo Hội: Đức Giê-su Thiên Chúa. Niềm tin ấy là Đức Tin, mà Đức Tin là Hy Vọng, nên bước vào Mùa Vọng – với 4 tuần tượng trưng cho 4.000 năm thời Cựu Ước trông đợi Chúa đến lần thứ nhất – để có được niềm hy vọng trông đợi Chúa đến lần thứ hai, tất cả mọi Ki-tô hữu  “… hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm, còn ngoài xác thì đã được tắm rửa bằng nước tinh tuyền. Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín” (Dt 10, 22-23). 

 

Có tin mới hy vọng. Một cách rất trần tục: Có tin khi trúng số độc đắc sẽ có được cuộc sống dư dả về vật chất, thì mới bỏ tiền mua vé số để hy vọng mình sẽ trúng độc đắc. Dám bỏ tiền ra mua một cái hy vọng ảo, thế thì tại sao lại không bỏ hết tâm lực ra để hy vọng đạt được phần thưởng đích thực nơi Thiên Quốc? Chỉ lo tích trữ kho tàng vật chất, tại sao không biết tích trữ kho tàng tinh thần mà đầu tư vào ngân hàng Nước Trời? Vâng, “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được” (Mt 6, 19-20), mà hãy đầu tư vào ngân hàng Nước Trời như Lời Ông Chủ nói với tên đầy tớ vô dụng: "Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!" (Mt 25, 26-27).

 

Có tin thì mới hy vọng, bởi chính "Đức Tin là Hy Vọng". Vậy thì chúng ta còn đợi gì mà không thể hiện niềm “Hy Vọng” vào “Đức Tin” của chúng ta qua hành động dọn đường cho Chúa đi, bằng cách bạt phẳng gò đống chia rẽ, phát quang chông gai hận thù, san bằng gập ghềnh ghen tị, và với một kiệu hoa rực rỡ hào quang Bác Ái trong Chân Lý đón Chúa vào lòng. Và như thế, thì tại sao chúng ta lại không duy trì 4 tuần Mùa Vọng bằng cả cuộc lữ hành trần thế này, để làm hành trang trông đợi ngày Chúa quang lâm lần thứ hai? Vâng, xin hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, ngay từ hôm nay ngẩng cao đầu “tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng” (Dt 10, 23), để mạnh dạn bước vào MÙA VỌNG – MÙA TRÔNG ĐỢI CHÚA ĐẾN – MÙA TRÔNG ĐỢI CUỘC SỐNG VĨNH CỬU mai sau. Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.