Hai cột trụ, một mái nhà
HAI CỘT TRỤ – MỘT MÁI NHÀ (CN XIII/TN-A – THÁNH PHÊ-RÔ VÀ THÁNH PHAO-LÔ TÔNG ĐỒ)
Lễ kính hai thánh Phê-rô và Phao-lô là dịp cử hành mầu nhiệm Hội Thánh Chúa đặt nền móng trên “tảng đá Phê-rô” và “cột trụ Phao-lô”, để Giáo Hội bền vững và phát triển đến thiên thu vạn đại. HAI CỘT TRỤ cùng nâng đỡ MỘT MÁI NHÀ của ràn chiên Giáo Hội, được mừng kính trọng thể trong một ngày nhất định (29/6), ai cũng nghĩ đó là 2 vị Thánh có nhiều điểm chung, kể cả điểm “đến với Đấng sáng lập Hội Thánh, Đấng là Đầu của Giáo Hội: Đức Giê-su Ki-tô”. Nói cách khác là Ơn gọi làm Tông đồ của 2 cột trụ Hội Thánh có lẽ cũng giống nhau, mà vì thế, nên Giáo Hội mới tuyên phong các ngài là “Hai Cột Trụ của Hội Thánh”. Thực ra, hai vị Thánh chỉ có duy nhất một điểm chung là hai rường cột bất khả thay thế của Giáo Hội tiên khởi. Còn ngoài ra, hai vị có rất nhiều điểm khác biệt nhau, đặc biệt nhất là điểm “Được mời gọi đến với Đức Giê-su Ki-tô” (Ơn gọi) thì khác nhau hoàn toàn, nếu không muốn nói là xung khắc, đối kháng nhau như nước với lửa.
Tông huấn “Ki-tô hữu Giáo dân – Christifiideles laici” (số 2) đã nói về Ơn gọi như thế này: "Thánh Công Đồng, lấy danh nghĩa Chúa, hết lòng kêu cầu mọi giáo dân hãy tình nguyện và hăng hái đại độ đáp lại lời mời của Chúa Ki-tô là Đấng chính trong lúc này đang mời gọi họ một cách khẩn khoản, cũng như đáp lại sự thúc đẩy của Chúa Thánh Linh. Riêng với giới trẻ, họ phải cảm nghiệm rõ ràng là tiếng mời gọi ấy đặc biệt dùng cho họ, và tiếp nhận nó với niềm hân hoan và lòng quảng đại. Chính Chúa dã dùng Công Đồng để thôi thúc mọi giáo dân mỗi ngày phải kết hợp với Ngài mật thiết hơn và coi lợi ích của Chúa như chính lợi ích của mình (Pl 2, 5), phải hợp tác sứ mệnh Cứu rỗi của Ngài. Một lần nữa, Ngài lại sai họ vào các thị thành, các nơi chỗ mà chính Ngài sẽ đến (Lc 10, 1)”
Thánh Phê-rô (tức Si-mon) là một trong 4 môn đệ được thu nhận đầu tiên (“ông Si-mon và người anh là An-rê, ông Gia-cô-bê và người em là Gio-an” – Lc 5, 1-11). Thánh nhân được Đức Giê-su thu nhận cách khá đặc biệt: Đó là khi Đức Giê-su tới hồ Ghen-nê-xa-ret giảng cho dân chúng xong, Người bảo ông Si-mon chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới. Ông Si-mon đã trả lời: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới." Mẻ lưới bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới, khiến Si-mon sấp mặt xuống dưới chân Đức Giê-su và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!" Từ mẻ cá đặc biệt thông qua phép lạ ấy, Đức Giê-su mời gọi bằng cách nói ẩn dụ: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." (Mt 4, 19).
Tính tình bộc trực của Si-mon Phê-rô bộc lộ ngay từ phút đầu tiên gặp Đức Giê-su ("Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!" – ibid) và liên tiếp mãi về sau: Khi thấy Thầy bảo sẽ lên Giê-ru-sa-lem, biết là Thầy chuẩn bị bước vào cuộc thương khó, vì thương Thầy sẽ phải chịu khổ nạn, nên Phê-rô đã “xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy phải gặp cảnh ấy” (Mt 16, 22). Thương Thầy đến độ bị Thầy gọi là Xa-tan! (“Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy. Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người. ” – Mt 16, 23). Khi quân dữ tới bắt Thầy, cũng vì yêu thương Thầy, thấy Thầy không có một lỗi lầm nào dù rất nhỏ, nên giận quá, chém đứt phăng một cái tai của một tên quân. Bị Thầy quở mắng và thấy Thầy chấp nhận để quân dữ bắt đi, tuy không dám cãi lời Thầy, nhưng Phê-rô vẫn lẽo đẽo theo từ xa xa để xem họ sẽ làm gì đối với người Thầy mà mình rất mực yêu thương, kính trọng.
Cho đến khi chối Thầy, thì Phê-rô vẫn rất thật với lòng mình. Bởi vì Phê-rô chỉ là một con người với bản tình người 100%, mà đã là con người thì ai chẳng sợ sự dữ. Nếu nhận là cùng nhóm với Chúa, biết đâu bọn chúng chẳng bắt trói và đánh đập như họ đã làm với Thầy mình. Đến Thầy mình là Thiên Chúa, khi bản tính loài người trỗi dậy cũng rất sợ cuộc khổ nạn, sợ đến độ đổ cả mồ hôi máu ra nơi vườn Ghết-sê-ma-ni và cầu xin cùng Chúa Cha: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này.” (Mt 26, 39), huống hồ! Phê-rô sợ bị bắt như Thầy nên phải chối, trong lòng nghĩ chối là thượng sách nên nói thẳng ra, “nghĩ sao nói vậy” mà!
Thánh Phê-rô đã “rất người” khi bộc lộ chân tính của mình (xuất thân từ một làng quê ven biển mộc mạc, làm nghề chài lưới chất phác, và tính tình thật thà, ngay thẳng). Cũng chính cái bản tính rất người ấy của ngài đã khiến Đức Giê-su thương mến và tin tưởng tuyệt đối. Người quá hiểu rằng với một con người có được bản chất tốt lành như vậy, chỉ cần thêm sức mạnh và sự soi sáng của Thần Khí là có thể làm được những việc “di sơn đào hải” (dời non lấp biển). Một sự kiện minh họa rõ ràng đức tính của Si-mon Phê-rô đã được Đức Giê-su tin tưởng như thế nào, đó chính là Lời truyền: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy." (Mt 16, 18-19),. Đức tính ấy của thánh Phê-rô đã được củng cố, phát triển và thật sự thăng hoa vào ngày lễ Ngũ Tuần, sau khi Đức Giê-su Ki-tô phục sinh. Thánh Thần đã biến đổi căn tính của ngài trở nên can trường, dám nói lên Sự Thật về Chân lý Cứu Độ mà Thầy Chí Thánh đã vâng mệnh Chúa Cha thực hiện tại trần gian này. Ngài đã được đền đáp xứng đáng bằng hồng ân Tử vì Đạo.
Còn Thánh Phao-lô thì từ nơi xuất thân đến môi trường sống, môi trường giáo dục, năng lực học thức, tất cả đều khác, nhất là sự kiện ngài được ơn gọi làm Tông đồ của Đức Giê-su thì gần như trái ngược hẳn với Thánh Phê-rô. Đó là Thánh Phê-rô thì theo Đức Giê-su, còn Phao-lô thì lùng giết Giê-su và những kẻ theo Người (Ki-tô hữu). Tuy nhiên, xét cho cùng thì ở giai đoạn đầu, 2 vị thánh nhân tuy có những hoạt động và hành động đối kháng nhau, nhưng cùng chung một xuất phát điểm, đó là lòng yêu mến Thiên Chúa. Phê-rô vì yêu mến Thiên Chúa nên theo Đức Giê-su vì tin rằng chính Người là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật. Còn Phao-lô – mà trước đó là Sao-lô – cũng yêu mến Thiên Chúa hết lòng, nhưng vì bị ảnh hưởng bởi giáo lý sai lạc của Giáo quyền Do-thái thời đó, không những không tin Đức Giê-su là Thiên Chúa mà còn cho Người là kẻ phản nghịch, phạm thượng. Chung quy cũng chỉ vì yêu mến Gia-vê Thiên Chúa, đồng thời muốn bảo vệ Do-thái Giáo, nên thánh nhân mới quyết tâm bách hại Ki-tô Giáo.
Chính thánh Phao-lô đã thú nhận: “Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do-thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa. Trong việc giữ đạo Do-thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông.” (Gl 1, 13-14). Điều đó cho thấy: Về phương diện tôn giáo, Phao-lô là một tín đồ Do-thái giáo nhiệt thành, theo gương cha ông, muốn bảo vệ đạo mình và chống lại tất cả những tổ chức gây nguy hại cho Do-thái giáo. Về phương diện chính trị (mà chính trị không thể tách ra khỏi tôn giáo với nhiều người Do-thái thời đó), Phao-lô tỏ ra yêu dân tộc Do-thái qua việc bảo vệ Do-thái giáo chống lại ảnh hưởng của một giáo phái mới (là Ki-tô giáo – một tôn giáo đã chấp nhận sự có mặt của người ngoại quốc như Rô-ma, Hi Lạp… sinh hoạt chung với người Do-thái).
Về phương diện thần học, lý do Phao-lô cưỡng bức Ki-tô giáo, vì :
*1- Đức Giê-su Ki-tô và những tín hữu theo Người đều coi nhẹ Luật Mô-sê (một bộ luật được coi là Lề Luật của Thiên Chúa thời đó);
*2- Đức Giê-su và những kẻ theo Người dám ngang nhiên chấp nhận những người được coi là dân ngoại vào trong cộng đoàn chung với những người Do-thái;
*3- Điều khó công nhận nhất là trong khi những nhà lãnh đạo tôn giáo (thượng tế, luật sĩ, biệt phái…) kết án Đức Giê-su là người phạm thánh, và bị giết chết treo như một tội đồ, thì những Ki-tô hữu lại tôn thờ và công bố Đức Giê-su được Thiên Chúa cho trỗi dậy từ cõi chết, là Đấng Mê-si-a của It-ra-en.
Như vậy, đủ rõ Thánh Phao-lô đã được hưởng một sự giáo dục về một niềm tin tôn giáo và Thánh nhân đã tin – tin đến độ cuồng tín – mà vì quá tin vào sự giáo dục đó nên Thánh nhân mới phạm lỗi lầm. Có thể coi đây là một phán đoán sai lầm của lương tâm, nếu nhìn trên phương diện nhân sinh quan; nhưng trên phương diện siêu hình học, thì phải nói Thánh nhân đã mắc phải căn bệnh “mù nội tâm” (như nhận xét của Đức Giáo hoàng Bê-nê-đic-tô XVI trong “Bài Giáo lý III”: “Tất cả những gì được ám chỉ theo thần học cũng được thể hiện cách thể lý nơi Thánh Phao-lô: Một khi bệnh mù nội tâm được chữa lành, ngài cũng được thấy rõ ràng”). Còn về niềm tin vào Gia-vê Thiên Chúa của Thánh nhân thì không thể phủ nhận.
Thánh Phao-lô đã mắc phải căn bệnh “mù nội tâm” mà không tự biết. Và qua biến cố Đa-mat, ngài đã được chính Đức Ki-tô Phục Sinh chữa lành căn bệnh trầm kha đó. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong Sứ điệp “Ngày Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi – 2008” (số 2) đẽ giải thích rõ: “Một cuộc trở lại như thế có nghĩa là được sinh ra một lần nữa. Biến cố này mang lại một sự mới mẻ tận căn. Phao-lô bị mù lòa trước sự mạc khải của Đức Ki-tô. Phép Rửa phục hồi thị giác cho Ngài (Cv 19, 8), một biểu tượng đầy uy lực. Con người cũ kỹ không thể nhìn thấy tỏ tường trước khi được sinh ra trong sự sống mới. Một thế giới mới đã được mạc khải cho Thánh Tông Đồ. Toàn bộ tư tưởng của Phao-lô đặt nền tảng trên kinh nghiệm này.” Chính nhờ Ơn gọi Trở Lại đặc biệt đó, Thánh Phao-lô đã trở thành một Tông đồ dân ngoại kiệt xuất, thành lập nhiều Giáo đoàn, mở mang phát triển Hội Thánh cách quang minh chính đại, khiến bản thân phải ra toà, tù tội, vất vả trăm đường. Cuối cùng, ngài cũng được lãnh ấn Tử Vì Đạo.
Cả hai vị (Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô) đã bằng lòng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để làm chứng cho Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh. Rõ ràng hai vị đã trở nên 2 trụ cột nền tảng của Giáo Hội tiên khởi: Phê-rô là Anh Cả, đứng đầu Tông Đồ Đoàn; Phao-lô là Tông Đồ Dân Ngoại kiệt xuất (thành lập nhiều Giáo đoàn từ những địa phương được coi là “đất của dân ngoại”). Hai vị có tính tình khác nhau, trình độ văn hóa khác nhau, khả năng làm việc khác nhau, nhưng lại cùng hăng say hoạt động, xây dựng và mở mang Nước Chúa. Những khác biệt của hai vị là để bổ túc cho nhau, giúp đỡ nhau, cùng nhau thăng tiến trong sứ vụ Tông đồ. Trên “tảng đá Phê-rô” và “cột trụ Phao-lô”, Giáo Hội Chúa Ki-tô bền vững và phát triển đến thiên thu vạn đại.
Trong sự nghiệp Tông đồ, Thánh Phê-rô và Phao-lô đã hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng niềm tin vào Đấng Cứu Độ, hiệp nhất trong cùng một tâm huyết nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, để rồi mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin hun đúc bởi lòng Mến, đem chính sinh mạng của mình làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh. Mặc dù có nhiều khác biệt về thành phần bản thân, về ơn gọi theo Chúa, về hướng truyền giáo, nhưng cả hai vị đã tạo nên sự hiệp nhất trong đa dạng. Cũng chẳng khác các bộ phận trong cơ thể có những đặc tính và phận vụ khác nhau nhưng cùng chung mục đích là duy trì và tăng trưởng sự sống cho thân thể duy nhất. Tính cách hiệp nhất trong nhiệm thể Đức Ki-tô cũng vậy (“anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận.” – 1Cr 12, 27).
Tóm lại, HAI CỘT TRỤ (Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô) tuy có “khác nhau trong điều phụ”, nhưng lại “hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả” để cùng xây dựng MỘT MÁI NHÀ (Giáo Hội Hiệp Nhất) là Nhiệm thể Đức Ki-tô. Quả thực hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nỗ lực của con người dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”, đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo Hội. Người Ki-tô hữu ngày hôm nay hãy cầu xin Thần Khí Chúa soi sáng và hướng dẫn theo tấm gương ngời sáng của HAI CỘT TRỤ Phê-rô và Phao-lô, để mãi mãi là những chứng nhân Tin Mừng Cứu Độ, với tinh thần hiệp nhất trong yêu thương và phục vụ.
Ôi! “Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng con, Chúa đã sai hai thánh Phê-rô và thánh Phao-lô tông đồ đến giảng dạy cho Hội Thánh những điều căn bản của đức tin. Xin nhận lời các ngài cầu thay nguyện giúp, mà thương tình nâng đỡ và ban cho chúng con vững vàng tiến bước trên con đường cứu độ. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ Lễ Vọng kính Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô Tông đồ).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: