Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Người gieo giống kỳ lạ

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

NGƯỜI GIEO GIỐNG KỲ LẠ             

(CN XV/TN-A)

 

Chúa Giê-su xuống thế làm người, sinh trưởng ở thôn quê, mãi tới năm 30 tuổi, Người mới đi khắp đó đây thu nhận môn đệ và công khai rao giảng Tin Mừng Cứu Độ. Những sinh hoạt nơi thôn dã, nhất là cảnh gieo trồng lúa mạ của người nông dân, Người thường xuyên chứng kiến; nên khi đi rao giảng Tin Mừng, Người đã mượn những hình ảnh dân dã ấy để minh hoạ cho Lời giảng. Đó là cách giảng dạy mà ngày nay con người đã đúc kết thành những quy phạm trong giáo dục và gọi là những biện pháp nghệ thuật giảng thuyết. Quả thật với biện pháp ẩn dụ trong những dụ ngôn, Đức Giê-su đã làm cho những bài giảng của Người trở nên sinh động, gần gũi, thân tình, giúp cụ thể hoá những ý niệm trừu tượng, khiến người nghe dễ tiếp thu.

 

Bài Tin Mừng hôm nay (CN XV/TN-A) trình thuật một trong những dụ ngôn đầu tiên của Đức Giê-su là dụ ngôn “Người gieo giống” (Mt 13, 1-23). Nếu chỉ đọc thoáng qua dụ ngôn, chắc chắn sẽ nảy sinh những ý nghĩ cho rằng người gieo giống trong bài Tin Mừng thật là một con người lạ đời, không giống ai. Chẳng có người nông dân nào có đầu óc bình thường lại đi phung phí hạt giống trên mọi mảnh đất, kể cả những mảnh đất đầy sỏi đá và gai góc, cũng chẳng ai dại gì đem hạt giống gieo bên vệ đường. Cứ suy ngay việc gieo mạ cấy lúa của nông dân cũng đủ thấy đó không phải là một công vịêc đơn giản. Hạt giống phải được chọn lựa kỹ càng, phơi nắng cho thật khô ráo (vì nếu để ẩm ướt, hạt sẽ nảy mầm khi thời vụ gieo trồng chưa tới). Tới mùa, cho hạt giống vào bao và đem ngâm nước (nước giếng, ao, hồ) khoảng chừng ba ngày. Trong thời gian này thì phải cày bừa ruộng cho thật kỹ và dọn đất sạch sẽ (không còn một cọng cỏ rác nào). Sau ba ngày, hạt giống nảy mầm (hạt giống mới chỉ nứt vỏ để lộ cái mầm trắng) thì lấy ra rải đều trên mặt chiếu ở nơi thoáng mát (trong nhà hoặc trong bóng râm), để mầm nhú dài ra một chút mới đem gieo (trường hợp nếu vội vàng đem gieo khi mầm chưa ló ra ngoài thì có thể nhiều hạt giống sẽ bị hư thối; còn nếu cứ để trong bao ngâm dưới nước, chờ mầm nhú dài ra thì khi lấy ra khỏi bao đem gieo, nhiều hạt sẽ gãy mầm và cũng sẽ hư thối khi gieo xuống ruộng). Kỹ như vậy thì mới hy vọng có lúa tốt và mùa gặt bội thu.

 

Chính vì thấy người gieo giống trong dụ ngôn có vẻ khác thường như vậy, nên cần phải đọc tiếp phần giải thích dụ ngôn: "Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục." (Mt 13, 18-23).

 

Từ đó mới hiểu được ngụ ý của dụ ngôn: Người gieo giống ở đây chính là Thiên Chúa (một cách cụ thể thì đó chính là Người kể dụ ngôn: Đức Giê-su Ki-tô). Người muốn dùng hình ảnh thông dụng trong công việc thường nhật của con người, để mạc khải cho con người hiểu về tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa. Vì tình yêu, Người muốn cứu rỗi tất cả loài người đang ngụp lặn trong tội lỗi, không phân biệt đối xử với bất cứ một ai. Vì thế, có những hạt giống Lời Chúa gieo bên vệ đường, gieo trên sỏi đá, gieo vào bụi gai, và cũng có những hạt gieo vào ruộng đất màu mỡ, tươi tốt. Tuy nhiên, cũng không loại trừ có thể có những con người có một thửa ruộng tâm linh hội đủ những yếu tố trên: Thửa ruộng đó có thực sự là một thửa ruộng màu mỡ, đã được cày bừa, dọn dẹp sạch sẽ, hay cũng vẫn còn nhiều sỏi đá, bụi gai, thậm chí còn hoang hoá như bờ cỏ bên vệ đường?

 

Vấn đề đặt ra hôm nay lại phải trở về với mảnh đất tâm linh của con người. Thật thế, trên thực tế không có người gieo giống nào lại điên rồ đem hạt giống gieo lung tung (từ bên vệ đường tới bụi gai, nơi sỏi đá, hay mảnh đất màu mỡ) như trong dụ ngôn. Nhưng với sự gieo vãi Tin Mừng thì có thể có (không phân biệt mảnh đất “nội” hay “ngoại”, chai đá hay màu mỡ) và vì thế mới gọi là “ Dụ ngôn 喻 言 ” (Nói ví, dùng cách so sánh, ví von để nói cho dễ hiểu). Có nhiều cách dùng dụ ngôn như “Ví dụ” (nói ví); “Ẩn dụ” (ví ngầm); “Tỉ dụ” (so sánh); “Ám tỉ” (so sánh ngầm). Nếu như nói “Lời nói của Thiên Chúa gieo vào lòng người  như gieo vào sỏi đá gai góc” thì khó hiểu, bởi Lời nói là một âm thanh vô hình vô ảnh, người nghe không thể hình dung được việc đem lời nói mà gieo vãi khắp nơi. Chi bằng mượn hình ảnh hạt lúa giống đem gieo (tượng hình Lời Chúa) thì dễ hiểu hơn. Sự đắc dụng của dụ ngôn chính ở điểm này: cụ thể hóa những ý niệm trừu tượng cho người nghe, người học dễ hiểu, dễ tiếp thu.

 

Ở đây “hạt giống” đem gieo là Lời Chúa, mà Lời Chúa đươc Tông huấn “Lời Chúa” (phần Nhập đề) định nghĩa: “Lời Chúa tồn tại đến muôn thuở muôn đời. Lời ấy chính là Tin Mừng đã được rao giảng cho anh em” (1Pr 1, 25; Is 40, 8). Với lời quả quyết trích từ Thư thứ nhất của Thánh Phê-rô, chúng ta đang đứng trước mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng đã tự mạc khải bằng chính ơn phúc Lời Người. Lời tồn tại muôn đời này đã bước vào thời gian. Thiên Chúa nói Lời Người theo ngôn ngữ con người; Lời Người đã “trở thành xác thịt” (Ga 1:14). Đó chính là Tin Mừng. Đó chính là lời công bố đã từ bao thế kỷ qua truyền đến chúng ta ngày nay.” Lời Chúa không những là Lời nói của Thiên Chúa mà còn là chính Thiên Chúa Ngôi Hai bằng xương bằng thịt được tượng thai trong cung lòng Đức Maria sinh hạ làm người trần thế (Ngôi Lời nhập thể). Như vậy, giảng dạy về Lời Chúa mà không đi sâu vào tâm ấn (ấn tượng tâm linh) thì cũng kể như không có tác dụng gì (“Thánh Au-gus-ti-nô từng nói: “Người giảng dạy lời Chúa ở bên ngoài mà không nghe lời ấy trong nội tâm chắc chắn là người vô bổ (barren)” – T/H ”Lời Chúa”, số 46).

 

Lời Chúa chính là Tình Yêu Cứu Độ, mà nói đến Tinh Yêu tức là nói đến phạm trù tâm linh không giới hạn. Thiên Chúa yêu thương nhân  loại đều khắp, không phân biệt giai cấp, sắc tộc, thiện ác. Hiện thân Tình Yêu của Thiên Chúa là chính Đức Giê-su Ki-tô, Người luôn khẳng định: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn." (Lc 5, 31-32). Đó là lý do giải thích tại sao Lời Chúa lại được gieo vào những nơi sỏi đá, gai góc hay bên vệ đường. Cuối cùng thì vấn đề đã thực sự sáng tỏ bằng lời giải thích của Thánh Âu-tinh: “Thiên Chúa có thể dựng nên chúng ta mà không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng Người không thể cứu rỗi chúng ta nếu chúng ta không ưng thuận”. Rõ ràng mảnh đất tâm linh của con người mới chính là nơi hạt giống Lời Chúa có sinh sôi nảy nở hay không.

 

Cón một thắc mắc: Tại sao Chúa không nói thẳng vào vấn đề, mà lại dùng dụ ngôn? Xin nghe chính Người hay kể dụ ngôn giải thích: “Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: "Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?" Người đáp: "Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.” (Mt 13, 10-15).

 

Chúa hay dùng dụ ngôn để giảng dạy, ấy cũng bởi vì có những sự kiện, những công việc nếu chỉ dùng trí khôn của con người thì không thể hiểu được. Cũng giống như đám người Do-thái “họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu” (Mt 13, 13). Mà cũng vì thế, Chúa mới dùng dụ ngôn để giúp họ sáng mắt, hiểu ra vấn đề mà Chúa muốn truyền dạy. Vâng, không chỉ những người sống cách đây 20 thế kỷ, mà ngay chính ở thế kỷ XXI này, cũng vẫn còn không ít những người không hiểu và cố tình không hiểu Lời Chúa. Khoan thử nói đến những người xung quanh mình đón nhận Lời Chúa như kiểu hạt giống gieo bên vệ đường, gieo trên sỏi đá hoặc gieo vào bụi gai; mà hãy nhìn lại mình xem có phải mình đã thờ ơ bàng quang với Lời Chúa (như đứng bên vệ đường), hoặc khô khan nguội lạnh chai lì (như sỏi đá) hoặc không tin thì chớ, mà còn chống đối lại (như bụi gai).

 

Vâng, người Ki-tô hữu hãy nhìn lại chính mình xem cái sà trên mắt mình nó lớn tới cỡ nào, trước khi đi tìm cọng rác nơi mắt người anh em. Và để lấy được cái sà nơi mắt mình ra, cũng đừng vội ỷ tài cậy sức mình, mà phải cậy nhờ vào Thần Khí Chúa, và chỉ có như vậy mới mong thửa ruộng tâm hồn trở nên màu mỡ tốt tươi, ngõ hầu đón nhận được hạt giống Lời Chúa. Cũng đừng quên “làm cỏ khi lúa còn con gái” (lúa đã trưởng thành, nhưng chưa trổ bông – “đòng đòng”) như đồng bào miền Bắc VN vẫn quen làm. Nói cách cụ thể, hãy luôn luôn chăm sóc cho thửa ruộng tâm hồn sạch cỏ tội lỗi, đồng thời cũng phải hết sức cảnh giác kẻo ”Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất” (Mt 13, 25). Nếu làm được như vậy thì mới hy vọng bản thân mình sẽ trở nên “người gieo giống” như Lời Chúa dạy “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.