Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sống chung với cỏ lùng

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

SỐNG CHUNG VỚI … CỎ LÙNG (CN XVI/TN-A)

 

Từ sau 1975, miền Nam Việt Nam được nghe những khẩu hiệu rất ư là... hoành tráng: “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, “chống  hạn, chống lũ, chống lụt, chống... chống... chống đủ thứ...”. Gặp bác Ba Phi (nhân vật huyền thoại của đồng bào miền Nam VN) hỏi thăm, bác cười cười: “Ui cha! Chống hoài, chống miết, bi giờ thì nhà cửa trống trơn, lấy chi mà chống?” Théc méc, hỏi tiếp, bác càng cười lớn hơn: “Chú mày không thấy đó sao? Chống hạn thì mỗi năm hạn càng tăng lực và kéo dài thời gian. ‘vắt đất ra nước’, nước chẳng thấy đâu, chỉ thấy nước mắt trào ra nơi khóe mắt vì lúa khô, cỏ héo, người mất mùa, trâu bò thiếu cỏ ăn. Chống lụt thì mỗi năm nước lụt một cao hơn và ngày càng lan rộng. Trước đây, Saigon chỉ có vùng đồng Ông Cộ, bi giờ thì ba phần tư thành phố chìm trong nước. Dzậy đó!” Bác rầu rầu nét mặt: “Chi bằng sống chung với lũ sướng hơn. Chỉ có cách đó là ‘số dzách’ (số 1). Hì... hì...”

 

Viết bài này đang khi trời mưa lớn – mưa Saigon, “mưa ngoài song, mưa trong lòng” – mà Saigon bây giờ chẳng cần mưa lớn đâu, chỉ cần một trận mưa nho nhỏ thôi cũng đủ cho khối người phải “sống chung với lụt”, còn đồng bào miền Tây thì luôn luôn sẵn sàng “sống chung với lũ”. Lũ thì nhiều khi cuốn trôi cả nhà cửa mùa màng, có khi còn kéo theo người về ở với hà bá nữa! Còn lụt thì ôi thôi, những con đường, phố xá… bỗng nhiên trở thành những con “kinh nước đen” (tên một ký sự của Nguyễn Thụy Long, nhà văn miền Nam trước 1975) kinh hoàng táng đởm. Tất nhiên bị bó buộc thôi, chớ chẳng ai dại gì mà sống chung với lũ. Nhưng chính nhờ nó, mà người Việt Nam lại có được nhiều cái hay hay: Đồng bào miền Tây thì rút kính nghiệm, làm nhà trên cao và thật kiên cố, mùa màng tuy bị thất bát nhưng ruộng đất lại được phù sa bồi bổ cho mùa sau. Saigon thì rút kinh nghiệm mua ghe về làm “taxi thuyền”, vừa lạ vừa hấp dẫn. Nói cho vui vậy, chớ thực tế thì phải xắn ngay tay áo lên tát nước bì bõm, rồi nâng nền nhà cho cao chừng nào đụng trần, chạm mái thì thôi; rồi xây bờ kè chắn ngang cửa ngõ chừng nào không trèo lên xây được nữa mới ngưng! Ôi chao! Thật nhiều kinh nghiệm quý báu lưu truyền cho thế hệ mai sau.

 

Nói tới chuyện sống chung với lũ lụt, lại nhớ tới chuyện sống chung với cỏ lùng. Sống chung với cỏ lùng? Nghe ra có vẻ trái thường nghịch lý, thậm chí còn bị “chạm tự ái” nữa: “Mình như thế này mà lại sống chung với ma quỷ sao?” Ồ, nhưng mà … Coi bộ có lý lắm, không những sống chung với cỏ lùng, mà chưa biết chừng mình cũng là một thứ cỏ lùng ngoại hạng. Ai chẳng biết câu chuyện cỏ lùng là bài Tin Mừng CN XVI/TN-A (Mt 13, 24-30): “Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: "Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?" Ông đáp: "Kẻ thù đã làm đó!" Đầy tớ nói: "Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?" Ông đáp: "Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi". Lời ông chủ: "Cứ để cả hai (lúa và cỏ lùng) cùng lớn lên cho tới mùa gặt", đó chẳng phải là cảnh "sống chung với cỏ lùng" đó sao?

 

Trở lại với bài Tin Mừng Chúa nhật trước (CN XV/TN-A – Mt 13, 1-23) xem thử cái mảnh đất nội tâm (tâm địa) của con người đã đón nhận những hạt giống từ tay "Người gieo giống" như thế nào? Đó có thể hờ hững như bên vệ con đường cái quan, để hạt giống gieo xuống không bén rễ được, rồi thì chim chóc đến tha đi mất; có thể khô khan, cằn cỗi, đầy sỏi đá để hạt giống gieo xuống rễ bám chẳng sâu, cũng đến khô héo dưới nắng thiêu mà thôi; có thể gai góc um tùm, hạt giống có nẩy mầm cũng khó mà trưởng thành cho nổi, nếu không muốn nói là sẽ bị chết nghẹt (Mt 13, 4-9). Tuy cũng còn những mảnh đất tốt nên hạt giống “sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.” (Mt 13, 8); nhưng nói chung thì mảnh đất tâm linh (tâm địa) của con người vẫn thê thảm lắm! Và vẫn rất cần Người chuyên dùng dụ ngôn để dạy các môn đệ, giảng cho hiểu:

 

"Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục." (Mt 13, 18-23). Rõ ràng Người Gieo Giống thì vì lòng thương yêu rộng khắp, đem hạt giống Lời rải đều trên mọi mảnh đất tâm linh. Còn những mảnh đất tâm linh ấy đón nhận hạt giống như thế nào thì là do chủ thể tự ý quyết định. Vì thế nên mới sinh ra nhiều cảnh trớ trêu như vậy.

 

Đón nhận hạt giống tốt mà còn như thế, thì tránh sao khỏi bàn tay "kẻ thù đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa" cho được! Chính vì thế nên cái thửa ruộng lòng người đã đầy cỏ lùng mà chủ sở hữu không tự biết; mà dù có biết cũng không thể dùng sức mình mà làm sạch được cỏ lùng, đành để đến mùa gặt, “ông chủ” sẽ có cách. Vậy thì chỉ còn cách sống chung với cỏ lùng thôi. Cũng chẳng khác cảnh sống chung với lũ, nhờ sống chung sẽ biết rõ được diện mạo, nhận chân được những nguy cơ do chúng đem lại, có thể tránh được, có thể ngừa được. Hãy học kinh nghiệm nơi những người sống chung với lũ: Có sống chung với lũ mới biết được lũ lụt lợi hại như thế nào. Vậy có sống chung với cỏ lùng mới biết rõ diện mạo cỏ lùng. Nói cách khác, đây chính  là dịp để học hỏi. Học nơi những kẻ tốt lành, đồng thời cũng học (đúng ra là tìm hiểu để rút ra những bài học kinh nghiệm) nơi những "kẻ thù của ông chủ" đầy ác hiểm. Về phương diện này, bởi chúng ta là những con người trưởng thành, có ý thức, thì học không phải là để sống theo, làm theo, mà là để biết rõ được những hành vi như vậy là tội lỗi, là ác độc, mà tự răn mình hầu lánh xa, đề phòng những thói hư, tật xấu.

 

Còn nhớ Đức TGM Giu-se Ngô Quang Kiệt (hồi còn là Tổng Giám Mục TGP Hà Nội, đầy kinh nghiệm “sống chung với cỏ lùng”) trong một bài giảng về đề tài này, ngài cũng dạy: “Mọi sự đều nên tốt cho kẻ lành. Thật vậy, việc cấm đạo là sự dữ. Nhưng nhờ đó mà Giáo Hội có được những chứng nhân anh hùng. Đau khổ và bệnh tật là những khiếm khuyết trong cuộc sống, nhưng lại giúp con người được thông phần đau khổ với Chúa.  Thánh Nữ Tê-rê-sa đã nhìn thấy tất cả là hồng ân của Chúa. Sự lành cũng như sự dữ. Hạnh phúc cũng như đau khổ. Thành công cũng như thất bại. Tất cả đều góp phần rèn luyện, vun đắp và thăng tiến người lành”. Vậy thì “sống chung với cỏ lùng” cũng giống như “sống chung với lũ lụt”, nếu là con người quả cảm, thì đó chính là dịp trui rèn để nên người công chính như “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Thật vậy, “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, – vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự.” (1Pr 1, 6).

 

Ôi! Lạy Chúa! Cái thửa ruộng tâm hồn của chúng con khi Chúa ban cho thì thật màu mỡ tốt lành, nhưng chúng con đã để cho ma qủy làm cho khô cằn, chai đá, cỏ lùng rậm rịt. Xin Chúa thương ban cho chúng con ơn sáng suốt để phân biệt được đâu là cỏ lùng và những nguy hại của nó, đâu là những nhánh lúa tốt lành có thể trổ sinh 30, 60, 100. Xin Chúa ban cho chúng con có đủ dũng khí, can đảm để “sống chung với cỏ lùng” không phải là để hùa theo, a dua, mà là để có cơ hội sống ngày một tốt hơn ngay bên sự dữ hằng rình rập. Chúng con vững tin rằng, đến mùa gặt "Ông Chủ Trời" (Thiên Chúa) sẽ “gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi”. Chỉ đến khi đó, chúng con mới xứng đáng được Chúa “thu vào kho lẫm” Nước Trời.

 

Vâng, lạy Chúa, “Con vẫn trông cậy Chúa, lòng con tin tưởng nơi Ngài. Con hy vọng vào Ngài, đời con nương bóng Chúa thôi. Con xin trao về Chúa niềm tin và ước mơ này được quên đi những âu lo tìm vui theo bước chân Cha. ĐK: Con luôn trông cậy Chúa khác nào em bé ngủ yên trong tay mẹ hiền bên lời yêu mến. Tình Chúa mãi mãi theo con, cho tâm hồn dù trong mưa gió, mãi mãi bình yên, mãi mãi bình yên.” (TCCĐ “Trông cậy Chúa”). Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.