Dĩ thực vi tiên
DĨ THỰC VI TIÊN (CN XVIII/TN-A)
Với con người sống trên đời thì chuyện ăn uống để bảo dưỡng thân xác là điều tất yếu. Cứ nhìn trẻ sơ sinh khi cất tiếng khóc chào đời, chỉ cần đưa vú mẹ vào miệng là nín ngay và bú cách ngon lành. Ấy là chưa kể ngay từ khi hình thành bào thai trong lòng mẹ, thì thai nhi cũng không thể thiếu máu huyết của người mẹ truyền cho để tăng trưởng. Tục ngữ có câu: "Nhân dĩ thực vi tiên 人 以 食 為 先 " (con người lấy sự ăn làm điều quan trọng hàng đầu). Do đó, khi đói thì tìm kiếm lương thực, cơm bánh là chuyện dĩ nhiên. Câu tục ngữ trên còn một cách viết khác nhưng nghĩa không thay đổi: "Nhân dĩ thực vi thiên 人 以 食 為 天 " (chữ “thiên” ở đây chỉ có nghĩa là cái tối quan trọng để tồn tại; không dùng theo nghĩa “thiên” là trời, ông Trời). Nhưng lại có câu cũng nói về chuyện ăn uống, lương thực ( 粮 食 ), nhưng dùng chữ “thiên” ( 天 ) theo nghĩa ông Trời: “Nhân hữu thực do thiên 人 有 食 由 天 ” (Con người có thức ăn là do Trời ban). Với nghĩa này, suy niệm Lời Chúa sẽ thấy tỏ tường:
Thực thế, ngay từ khi vì tình yêu mà dựng nên con người, Thiên Chúa luôn luôn lo thức ăn (lương thực) cho con người (“Ngay cả chuyện ăn uống và hưởng những thành quả do công lao khó nhọc mình làm ra, thì đó đã là một món quà Thiên Chúa ban tặng rồi.” – Gv 3, 13; “Điều tốt lành và thích hợp cho con người là ăn uống và hưởng những thành quả do công lao khó nhọc mình làm ra dưới ánh mặt trời trong suốt cuộc sống Thiên Chúa ban cho mình. Quả thế, đó là phần con người được hưởng.” – Gv 5, 17). Lịch sử đã chứng minh khi dân Do-thái đi trong sa mạc về đất hứa không có lương thực, không có nước uống, Mô-sê đã cầu khẩn Thiên Chúa, được Người chấp nhận. Người đã ban Manna cho họ (“Con cái Ít-ra-en đã ăn man-na suốt bốn mươi năm, cho đến khi họ tới đất định cư; họ đã ăn man-na cho đến khi tới ranh giới đất Ca-na-an.” – Xh 16, 35); “Ta sẽ đổ xuống muôn hồng ân, cho Xi-on được lương thực dồi dào, và ban cho kẻ nghèo được no nê cơm bánh.” (Tv 132, câu 15).
Lòng thương xót Thiên Chúa dành cho nhân loại là vô cùng vô tận, “Vì có ai ăn uống, có ai cảm thấy vui mừng phấn khởi mà không nhờ Thiên Chúa ban cho?” (Gv 2, 25). Một bằng chứng hiển nhiên là bài Tin Mừng hôm nay (CN XVIII/TN-A – Mt 14, 13-21) trình thuật Đức Giê-su làm phép lạ hóa bánh ra nhiều: Trước một đám đông dân chúng, Đức Giê-su Thiên Chúa chạnh lòng thương xót họ. Các môn đệ cũng thương dân, nên mới thưa với Đức Ki-tô: "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn." Tuy nhiên, khi Đức Giê-su bảo “chính anh em hãy cho họ ăn” thì các ngài thưa: "Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!" Lực bất tòng tâm, với số bánh và cá ít như vậy thì làm sao cho hơn 5.000 người no bụng? Chỉ có Đức Giê-su Thiên Chúa mới làm cho bánh và cá hóa ra nhiều để nuôi dân chúng. Và chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa đã làm phép lạ để nuôi “năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà trẻ con” (Mt 14, 21) được ăn no nê và còn dư tới 12 giỏ đầy.
Điều đó cho thấy, nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa luôn bày tỏ sự liên đới với cái đói khát của con người trần thế (từ cơn đói thể xác đến cơn đói tinh thần). Cơn đói thể xác thì cần nỗ lực tìm kiếm cơm bánh vật chất. Còn cơn đói tinh thần thì cũng cần – rất cần – nỗ lực, gắng sức tim bánh trường sinh là chính Thịt và Máu Chiên Thiên Chúa. Đó chính là Lời Thiên Chúa, bởi vì "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra." (Mt 4, 4). Lời dạy của Đức Giê-su cho thấy giữa cơn đói thể chất và cơn đói tinh thần luôn có một liên hệ khăng khít. Người không dạy là con người sống không cần cơm bánh, mà vẫn cần lương thực bảo dưỡng thân xác; tuy nhiên cũng rất cần lo cho cơn đói tinh thần, đó là Lời Chúa.
Đói nghèo về vật chất đã là điều đáng sợ, nhưng đến nghèo đói tinh thần thì càng đáng lo hơn. Khi cả hai cơn đói cùng tồn tại trong một con người thì rất dễ sinh ra “Bần cùng sinh đạo tặc”, “Đói ăn vụng, túng làm liều”. Vì thế, tục ngữ Việt Nam lai có câu: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Dân gian mượn hai yếu tố thiết yếu nhất trong cuộc sống hàng ngày là “ăn” và “mặc” để thông qua đó phản ánh quan niệm sống cao đẹp. Một vấn nạn nảy sinh: “Lúc đói, bản năng tự nhiên của con người trỗi dậy rất mạnh để bảo tồn sự sống. Liệu có còn đủ lý trí để giữ cho sạch sẽ? Khi nghèo nàn, rách rưới, mấy người còn nghĩ tới thơm tho?”
Thực ra, câu tục ngữ này không chỉ đề cập đến cái đói, cái rách thể chất, mà cao hơn thế, nó nêu lên một triết lý sống, một quan điểm sống làm nền tảng đạo đức con người. Đói thì phải kiếm miếng ăn, rách thì phải lo cái mặc; nhưng kiếm ăn, tìm mặc phải bằng chính sức lao động của mình, không trộm cướp, gian tham, lường gạt. Một cách cụ thể là sống bằng, sống với đạo đức và lương tâm chính trực. Quan điểm này là sự đối nghịch với quan điểm sống tiêu cực của giai cấp giàu sang quyền quý nhờ bóc lột, hút máu hút mủ đồng bào. Họ không hề nhìn lại bản thân xem “cái sà trong mắt mình” (cách làm giàu của bản thân), mà chỉ chăm chú vào “cọng rác nơi mắt người”, để cho rằng “Bần cùng sinh đạo tặc”, “Đói ăn vụng, túng làm liều”.
Như vậy thì với Đức Giê-su, lương thực có cần thiết cho Người không? Với chàng thanh niên Giê-su Na-da-ret thì cũng cần và nhờ lương thực mà “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.” (Lc 2, 52). Khi vào hoang địa ăn chay 40 đêm ngày, Người cũng đói và vì thế quỷ mới đem cơm bánh ra cám dỗ Người (Mt 4, 1-11). Tuy nhiên, ngoài cơm bánh nuôi thể xác, Người còn một thứ lương thực khác nữa, đó là “thi hành ý muốn và hoàn tất công trình của Chúa Cha” (“Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng: "Ráp-bi, xin mời Thầy dùng bữa." Người nói với các ông: "Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết." Các môn đệ mới hỏi nhau: "Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?" Đức Giê-su nói với các ông: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.” (Ga 4, 31-34). Lương thực đó chính là lương thực tinh thần – lương thực trường tồn – là Lời Hằng Sống vậy.
Rõ ràng là con người thì chuyện cơm bánh lương thực (cả vật chất lẫn tinh thần) là chuyện thiết yếu. Vấn đề đặt ra là phải luôn tâm niệm: Lương thực vật chất (cơm bánh) chỉ là thứ dưỡng nuôi thể xác, con người cần nó nhưng phải làm chủ nó, đừng để nó làm chủ mình để rồi thì “Đói ăn vụng, túng làm liều”, “Bần cùng sinh đạo tặc”. Còn lương thực tinh thần thì đừng quên “Lời nhắn nhủ trở nên nghèo khó, sống thanh bần theo tinh thần Tin Mừng” (Sứ điệp Mùa Chay 2014). Ấy cũng bởi vì “Quả thật, anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.” (2Cr 8, 9).
Nói cơm bánh lương thực là chuyện thiết yếu đối với con người nhưng lại khuyên người Ki-tô hữu hãy “trở nên nghèo khó, sống thanh bần” thì có gì là mâu thuẫn? Thực ra vấn đề là phải hiểu vì sao Đức Giê-su trở nên nghèo khó? “Cái nghèo của Chúa Ki-tô làm cho chúng ta được giàu sang chính là sự kiện Ngài làm người, gánh lấy những yếu đuối của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, thông truyền cho chúng ta lượng từ bi vô biên của Thiên Chúa. Cái nghèo của Chúa Ki-tô là sự giàu sang lớn nhất: Chúa Giê-su giàu lòng tín thác vô biên nơi Thiên Chúa Cha, tín thác nơi Cha trong mọi lúc, luôn luôn và chỉ tìm kiếm thánh ý và vinh danh Thiên Chúa” (Sứ điệp Mùa Chay 2014). Sống nghèo khó như Đức Giê-su tức là sống vị tha, bác ái, bởi vì “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).
Thực ra, cứ đọc tiếp Thư 2 gửi tín hữu Cô-rin-tô của Thánh Phao-lô (đoạn kế tiếp đoạn được trích trong Sứ điệp Mùa Chay nêu trên) thì vấn đề sẽ sáng tỏ ngay: “Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều, hợp với lời đã chép: Kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu.” (2Cr 8, 13-15). Thánh Gio-an Tẩy Giả cũng từng khuyên: “Ai có hai áo hãy chia cho người không có, ai có của ăn thì cũng hãy làm như vậy” (Lc 3,11). Có 2 áo thì chia bớt 1 áo cho người không có, chớ không nhất thiết là cho luôn cả 2, để rồi thì mình cởi trần. Tinh thần nghèo khó là như vậy.
Người Ki-tô hữu ngày hôm nay hãy sống Đức Tin bằng “hành động qua đức ái” (Gl 5, 6) để trở thành một chuẩn mực mới giúp thông hiểu và hành động, làm thay đổi toàn thể cuộc sống con người, “Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Gl 5, 14). Sống không chỉ là sống cho riêng mình mà còn phải sống cho tha nhân. Không thể tách rời giữa “cái tôi” và “chúng ta”. Nói cách cụ thể là đừng quên sự hiện diện của anh chị em, nhất là những người đói khát và bệnh tật, không quên những nhu cầu thiết thực của họ. Hãy mở lòng ra bằng trái tim của vị Mục Tử Nhân Lành, chạnh lòng thương đối với mọi người. Đoạn Tin Mừng hôm nay không chỉ là những gì đã xảy ra hai ngàn năm trước tại Ga-li-lê; nhưng nó cần phải được lập lại ở đây và lúc này trong gia đình, trong Giáo Hội và rộng ra toàn xã hội.
Tóm lại, lời khuyên mãi mãi vẫn là “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Nếu dư dả thì hãy nghĩ tới anh em, đừng sống như ông nhà giàu mà hãy sống như anh nghèo khó La-da-rô trong dụ ngôn “Ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó” (Lc 16, 19-31). Ôi! Lạy Chúa! Nếu con được Chúa ban cho của cải nơi trần thế, thì xin Chúa cũng ban dũng khí và can đảm cho con sống theo gương Tổ phụ Ap-ra-ham, sống tinh thần nghèo khó là biết đem những của cải dư thừa phù du ấy gửi vào ngân hàng Nước Trời, đầu tư vào những công trình thiện ích mà Chúa đã làm và đã dạy con thực hiện. Còn nếu Chúa thử thách con trong hoàn cảnh nghèo khó, thì xin Chúa cũng ban Thần Khí cho con để con có đủ nghị lực và kiên tâm sống như anh La-da-rô trong dụ ngôn nêu trên (Lc 16, 19-31). Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: