Gia đình - Ngôi trường đầu tiên
TÂN PHÚC-ÂM-HÓA GIA ĐÌNH: GIA ĐÌNH – NGÔI TRƯỜNG ĐẦU TIÊN
DẪN NHẬP:, Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – 2013 (số 6) đã khẳng định: “Gia đình phải là ngôi trường đầu tiên dạy các đức tính nhân bản và đức tin, là thành trì bảo vệ sự sống thể lý cũng như tinh thần của con cái trước sự tấn công của cái ác và cái xấu trong cuộc sống. Vì thế, các bậc cha mẹ phải ý thức trách nhiệm của mình là những nhà giáo dục đầu tiên và không thể thay thế, bằng chính gương sáng của mình.” Thử tìm hiểu xem vai trò và trách nhiệm gia đình trong công cuộc giáo dục đáp ứng nhu cầu của thời đại.
I/- VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH: Gia đình được hình thành ngay từ khi con người hiện diện trên trái đất và đã trải qua một quá trình lịch sử phát triển lâu dài. Thực tế, gia đình có những ảnh hưởng và những tác động mãnh liệt đến xã hội. Không những thế, đối với tôn giáo, gia đình còn là nơi thể hiện mối tương quan mật thiết giữa con người với thần linh (Đấng Tối Cao, Thượng Đế, Ông Trời, Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa Allah…). Có thể nói gia đình phản ánh trung thực bản chất của xã hội (“gia đình là nền tảng xã hội, là xã hội thu nhỏ”), của tôn giáo (“Hội Thánh tại gia”). Cũng vì thế, nên vấn đề giáo dục gia đình là tối quan trọng, là yêu cầu cấp thiết bất khả thay thế. Nói cách cụ thể thì gia đình chính là ngôi trường đầu tiên giáo dục, đào tạo con người trở thành những nhân tố tương lai của xã hội, của Giáo Hội.
Nhận chân được vấn đề quan trọng ấy, Tuyên ngôn về Giáo Dục Ki-tô Giáo “Gravissimum Educationis” (số 1) đã khẳng định: “Tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giai cấp và tuổi tác, do phẩm giá con người, đều có một quyền bất khả nhượng là phải được hưởng một nền giáo dục đáp ứng với sứ mệnh riêng, phù hợp với cá tính của từng phái, thích nghi với văn hóa và truyền thống dân tộc, đồng thời mở rộng sự hợp tác huynh đệ với các dân tộc khác, để hỗ trợ công cuộc hợp nhất chân chính và hòa bình trên mặt đất. Vậy nền giáo dục chân chính là việc đào tạo con người, nhằm đạt tới cùng đích của mình cũng như lợi ích của các đoàn thể mà họ là đoàn viên, và họ sẽ tham gia phục vụ khi đến tuổi trưởng thành.”
II/- TRÁCH NHIỆM CỦA GIA ĐÌNH: Với tư cách là tế bào căn bản của xã hội và Giáo Hội, gia đình xây dựng và duy trì những giá trị vô cùng cao quí của đời sống hôn nhân và gia đình Công giáo. Quả thực, gia đình chính là ngôi trường đầu tiên và quan trọng nhất trong việc giáo dục những đức tính căn bản của đời sống con người bao gồm 2 lãnh vực: Nhân quyền (công dân nước trần thế) và thần quyền (công dân Nước Trời). Như vậy, 2 trách nhiệm chủ yếu mà ngôi trường đầu tiên là gia đình phải thực thi là: Giáo dục nhân bản và giáo dục đức tin.
A.- Giáo dục nhân bản: Quan niệm xã hội trong các nước Á Đông đều đồng nhất về nhân bản (cái gốc của con người): Con người khi mới sinh rất tốt lành (“Nhân chi sơ tính bản thiện”: Người mới sinh tính vốn lành). Đức tính nhân bản là những đức tính tự nhiên, giúp người có giáo dục và rèn luyện đạt được mức trưởng thành nhân bản. Nói chung, đức tính nhân bản Á Đông bao gồm 10 nhân đức trong 2 mối quan hệ:
1- Với bản thân thì có 5 đức tính: -“Cần” (Siêng năng, chăm chỉ); -“Kiệm” (Tiết kiệm tiền của, sức khỏe, thời giờ); -“Liêm” (Tâm hồn trong trắng, thể xác lành mạnh); -“Chính” (Công bằng, ngay thẳng); -“Dũng” (Can đảm, tự chủ).
2- Với tha nhân thì có “Ngũ thường” (năm điều hằng có): -“Nhân” (Lòng yêu thương); -“Nghĩa” (Cư xử công bằng theo lẽ phải); -“Lễ” (Sự tôn trọng, hòa nhã trong khi giao tiếp với mọi người); -“Trí” (Sự hiểu biết lý lẽ, phân biệt thiện ác, đúng sai); -“Tín” (Sự tin tưởng vào lẽ phải, luôn giữ đúng lời hứa).
3- Cách riêng dành cho nữ giới: “Tứ đức” (bốn đức tính cần có): -“Công” (nữ công, gia chánh giỏi); -“Dung” (biết tôn trọng và giữ gìn dung mạo, nhan sắc bản thân); -“Ngôn” (Lời ăn tiếng nói khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng); -“Hạnh” (Tính nết hiền thảo, nhu mì chín chắn, hòa nhã thương yêu).
Tổng hợp lại, sách Giáo Lý HTCG (số 1804-1809) cho biết: “Các đức tính nhân bản là những thái độ kiên định, những xu hướng bền vững, thói quen hướng thiện của lý trí và ý chí, giúp con người điều chỉnh các hành vi, điều tiết các đam mê, và hướng dẫn cách ăn nết ở của ta theo lý trí và đức tin. Các đức tính này đem lại cho con người sự thoải mái, tự chủ và an vui, để sống một cuộc đời tốt lành. Người nhân đức tự nguyện làm điều thiện. Có bốn đức tính đóng vai trò "bản lề," quy tụ các đức tính khác, gọi là các đức tính "căn bản": khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ. "Con người mến chuộng điều chính trực ư? thì chính Khôn Ngoan sản sinh các nhân đức: Quả vậy, Khôn Ngoan dạy cho biết sống tiết độ, khôn ngoan, công bình và can đảm" (Kn 8, 7).”
Với những đức tính ấy, đòi hỏi phải có giáo dục từ gia đình cho tới xã hội. Tất nhiên, vì là nơi xuất thân của con người, nên gia đình phải có nhiệm vụ là giáo dục con trẻ ngay từ bước sơ khởi cho tới khi trưởng thành sẽ có sự tiếp tay của xã hội và Giáo Hội. Tuy nhiên, vì là nhà giáo dục đầu tiên, các bậc cha mẹ phải khai tâm sự giáo dục con cái không phải bằng những lý thuyết cao siêu, mà bằng hành động, bằng gương sáng thể hiện những đức tính căn bản của con người. Ấy cũng bởi vì giáo dục nhân bản là làm cho con người hiểu biết về phẩm giá siêu việt, về lương tâm ngay thẳng, về vị trí của mình trong vũ trụ (nhân vị, nhân bản vị), về tình liên đới giữa con người với con người (liên bản vị).
Nói cách khác, khi giáo dục về nhân bản, tức là đã nhắm đến giáo dục tính hiệp thông, liên kết giữa các phần tử trong một cộng đồng (từ cộng đồng đầu tiên là gia đình tiến đến cộng đồng xã hội, Giáo Hội). Ngoài ra, giáo dục nhân bản cũng giúp con người biết tôn trọng và bảo vệ sự sống của mình và của tha nhân. Song song với công cuộc giáo dục đức tính nhân bản, thì gia đình Ki-tô giáo còn một trách nhiệm tối cần thiết là giáo dục cho con người trở nên một công dân Nước Trời, đó là giáo dục đức tin.
B.- Giáo dục đức tin: Khi con người hết lòng yêu mến ai thì sẽ đặt trọn vẹn niềm tin vào người ấy. Con người đã biết được sự có mặt của mình trên thế gian này xuất phát từ Tình Yêu Thiên Chúa, thì – để đáp trả – lẽ đương nhiên con người sẽ yêu mến Thiên Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực”. Từ căn bản đó, con người sẽ đặt niềm tin trọn vẹn vào Thiên Chúa, và đó chính là Đức Tin ("Nếu mạc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người thì đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa" – Thánh Âu-tinh).
Sách Giáo Lý HTCG (số 1657) đã dạy: “Gia đình là nơi thể hiện đặc biệt chức tư tế cộng đồng của người cha, người mẹ, con cái và mọi phần tử trong gia đình, "nhờ lãnh nhận các bí tích, kinh nguyện và tạ ơn, chứng từ đời sống thánh thiện, hy sinh và đức ái hữu hiệu" (x. LG 10). Gia đình là trường học đầu tiên về đời sống Ki-tô giáo và là "một trường học phát triển nhân tính" (x. GS 52, 1). Chính trong gia đình, người ta học biết làm việc với sự nhẫn nại và niềm vui, yêu thương huynh đệ, quảng đại tha thứ luôn, nhất là phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và hy lễ đời sống.” (xc thêm GL/HTCG từ số 2221-2230). Sự giáo dục đức tin trong gia đình có 2 chiều kích gắn kết với nhau:
1- Vơ chồng giáo dục lẫn nhau: Nói vơ chồng giáo dục lẫn nhau nghe có vẻ khiên cưỡng. Tuy nhiên, Giáo lý GL/HTCG (số 1623) dạy: “chính đôi hôn phối là thừa tác viên ân sủng Đức Ki-tô; họ ban bí tích Hôn Phối cho nhau khi họ bày tỏ sự ưng thuận kết hôn trước mặt Hội Thánh.” Đến như bí tích Hôn Phối mà đôi tân hôn còn ban cho nhau được, thì vấn đề giáo dục phải hiểu theo nghĩa rộng là có bổn phận khuyên bảo nhau, nhắc nhở nhau, làm gương sáng cho nhau cùng thực hiện cụ thể lời hứa trước Thiên Chúa, trước Giáo Hội và cộng đồng Dân Chúa khi đón nhận bí tích Hôn Phối.
Khi đôi lứa nam nữ được Thiên Chúa kết hợp thành một gia đình qua bí tích Hôn Phối, chắc chắn một điều là – thông qua các lớp giáo lý, các bí tích mà họ đã được lãnh nhận – họ đã hiểu được vì đâu họ có mặt trên trái đất này, vì đâu họ trở thành vợ chồng một xương một thịt. Đã hiểu, thì ở thời điểm này, họ phải đem cái hiểu ấy ra thực hành, hay nói cách khác là họ phải sống đúng với những điều mà họ đã hiểu. Ý thức được mỗi người vừa là khởi điểm vừa là đích điểm của sự “cho” và “nhận” trong tình yêu, như Thiên Chúa đối với loài người, như Đức Hôn phu Giê-su Ki-tô đối với Hiền thê Giáo Hội và ngược lại, thì vợ chồng hãy sống gắn bó khăng khít với nhau “thuỷ chung như nhất”; để từ đó hợp tác mật thiết với nhau trong việc giáo dục cái nhân tố thứ ba trong gia đình là con cái do họ sinh ra.
2- Cha mẹ giáo dục con cái: Quan sát con trẻ khi tập nói, sẽ thấy chúng chăm chú nhìn vào miệng người mẹ, lắng nghe mẹ phát âm, sau đó mới bập bẹ nói tiếng đầu tiên trong đời (vd: ba, má…). Điều đó cho thấy giáo dục bước đầu là noi gương, là bắt chước, là tập những thói quen tốt. Vì thế, cha mẹ muốn giáo dục con cái thì trước hết phải sống như một mẫu gương sinh động thể hiện tình yêu, mà tình yêu đó được diễn tả bằng những thói quen tốt diễn ra hàng ngày trong đời sống gia đình. Nói gọn lại, bước đầu là phải giáo dục tình yêu bằng chính cuộc sống chan hoà yêu thương trong cái nôi tình yêu là gia đình. Đó chính là Đức Ái Ki-tô giáo, bởi “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” (Cl 3, 14). Vậy muốn giáo dục Đức Tin cho con cái, thì hãy giáo dục Đức Ái, mà không chỉ giáo dục bằng lời, nhưng phải bằng hành động, bằng cử chỉ, bằng cung cách cư xử, đối đãi cụ thể – tắt một lời, bằng chứng tá – trong cuộc sống. Khi con cái thấy rõ được cha mẹ chúng yêu thương nhau và yêu thương con cái thật lòng, chúng sẽ tin vào những điều cha mẹ dạy bảo.
Khi cha mẹ đã ý thức được sự có mặt của mình trong gia đình chính là do Tình Yêu Thiên Chúa, tức là cha mẹ đã xây dựng, củng cố cho mình một niềm tin sắt đá vào Thiên Chúa Tình Yêu, để rồi từ đó truyền thụ lại cho con cái. Vâng, hãy giáo dục Đức Ái Ki-tô giáo bằng cuộc sống chứng tá, nhiên hậu mới gieo hạt giống đức tin vào lòng con trẻ. Chúng yêu ai chúng sẽ tin vào người đó. Chúng yêu cha mẹ, chúng sẽ tin vào đức tin do cha mẹ truyền thụ. Vậy thì, khi con cái đã đáp trả tình yêu mà cha mẹ dành cho chúng bằng sự tin yêu, thì không lý gì chúng lại không tin vào những lời giáo huấn của cha mẹ: “Yêu Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn”, bởi chính chúng đã thấy cha mẹ chúng “yêu người thân cận như chính mình” (Lc 10, 27).
Rõ ràng, thông qua bí tích Thánh Tẩy, người Ki-tô hữu được tái sinh bởi nước và Thánh Thần đã trở nên những tạo vật mới, được nhận là con cái Thiên Chúa, nên có quyền hưởng một nền giáo dục Ki-tô giáo. Nền giáo dục này không những giúp con người được trưởng thành về nhân bản, nhưng cốt yếu là nhằm giúp những người đã rửa tội ngày càng ý thức hơn về hồng ân Ðức Tin đã nhận lãnh trong khi họ được hướng dẫn để dần dần hiểu biết mầu nhiệm Cứu Độ. Chính “Nền giáo dục ấy còn giúp họ biết cách thờ phượng Thiên Chúa Cha trong tinh thần và chân lý (Ga 4, 23), nhất là qua việc cử hành phụng vụ, cũng như huấn luyện họ biết sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý (Ep 4, 22-24). Nhờ vậy họ đạt tới con người hoàn thiện, tới tuổi sung mãn của Chúa Ki-tô (Ep 4, 13) và góp phần vào việc tăng trưởng của Nhiệm Thể. Hơn nữa, vì ý thức được ơn kêu gọi của mình, chính họ phải tập thói quen minh chứng niềm cậy trông của mình (1Pr 3, 15) cũng như phải giúp cải tạo thế giới theo tinh thần Ki-tô giáo.” (Tuyên ngôn GDKTG, số 2).
Hiển nhiên sứ mạng giáo dục của gia đình Ki-tô hữu là một thừa tác vụ do chính Thiên Chúa trao ban, nhờ thừa tác vụ ấy Tin Mừng được thông truyền và phổ biến. Xét trên bình diện tổng thể, đời sống gia đình trở thành sự khai tâm Ki-tô giáo trên hành trình đức tin và là trường học đời sống dạy cho người tín hữu noi gương Thánh gia Na-da-ret. Do đó, “Nhờ kết quả của thừa tác vụ giáo dục, qua chứng từ đời sống, cha mẹ là những người đầu tiên loan báo Tin Mừng cho con cái. Hơn nữa, khi cùng cầu nguyện với chúng, khi cùng với chúng lao mình vào việc đọc Lời Chúa, và khi làm cho chúng sống thân mật trong thân thể Đức Ki-tô – cả nơi bí tích Thánh Thể và nơi Hội Thánh – bằng việc khai tâm Ki-tô giáo, họ trở nên cha mẹ theo nghĩa trọn vẹn, nghĩa là không những họ sinh ra chúng theo sự sống phần xác mà còn theo cả sự sống tuôn trào từ thập giá và sự phục sinh của Đức Ki-tô, khi chúng được tái sinh trong Thần Khí.” (Tông huấn về Gia Đình “Familiaris Consortio”, số 39).
Ca dao Việt Nam có câu “Dạy con từ thủa còn thơ, Dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về”. Quả thực ngay từ bước đầu của hôn nhân, “vơ chồng giáo dục lẫn nhau” (số 1 nêu trên), thì khi có con cái, “Cha mẹ phải giáo dục đức tin cho con cái ngay từ tuổi ấu thơ. Việc giáo dục này khởi đầu ngay khi các phần tử trong gia đ́nh giúp nhau lớn lên trong đức tin, nhờ chứng từ của một đời sống đạo phù hợp với Tin Mừng. Việc dạy giáo lý trong gia đình đi trước, đồng hành và làm phong phú thêm các hình thức giáo dục đức tin khác. Cha mẹ có sứ mạng dạy cho con cái biết cầu nguyện và khám phá ra ơn gọi làm con Thiên Chúa (x. LG 11). Giáo xứ là cộng đồng Thánh Thể và là trung tâm đời sống phụng vụ của các gia đ́nh Ki-tô giáo, nên là nơi tốt nhất để giáo dục đức tin cho trẻ em và cha mẹ chúng.” (GL/HTCG, số 2226).
III.- KẾT LUẬN: Chung quy, vì gia đình là “Đền Thánh Sự Sống”, có sứ vụ “Truyền Sinh” và “Truyền Giáo”, nên tất nhiên gia đình là “Ngôi Trường Đầu Tiên” đào tạo công dân nước trần thế và công dân Nước Trời. Mẫu gương tuyệt vời là Thánh gia Na-da-ret, ở đó “Dân Ki-tô giáo theo học tại ngôi trường của Đức Maria và được dẫn đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên dung nhan của Đức Ki-tô và kinh nghiệm chiều sâu thẳm tình yêu của Người.” (Tông thư “Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria – Rosarium Virginis Mariæ”, số 1).
Nói “Dân Ki-tô giáo theo học tại ngôi trường của Đức Maria” tức là muốn nói đến Đức Maria là nhà giáo dục, đúng như Hiến chế “Tín Lý về Giáo Hội – Lumen Gentium” (số 63) đã khẳng định: “Ngài đã sinh chính Con Chúa Cha nơi trần gian, mà không hề biết đến người nam, nhưng được Chúa Thánh Thần bao phủ. Như một Eva mới, Ngài đã đặt niềm tin vào sứ giả của Thiên Chúa, chứ không đặt vào con rắn xưa, một niềm tin không bị một nghi ngờ nào làm phai nhạt. Nhưng Người Con mà Ngài đã sinh ra, Thiên Chúa đã đặt làm Trưởng Tử trong nhiều anh em (Rm 8, 29), nghĩa là các tín hữu, mà Ngài cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục với tình thương của một người mẹ.”
Người Ki-tô hữu muốn chu toàn sứ vụ giáo dục gia đình nơi Ngôi Trường Đầu Tiên của mình, xin hãy chạy đến với Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội, Mẹ Gia Đình Ki-tô Giáo, đồng thời cũng là Nhà Giáo Dục mẫu mực vô song – cầu xin Mẹ dạy dỗ, chở che và hướng dẫn đến với Người Thầy Chí Thánh duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ. Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: