Niềm tin của một "dân ngoại"
NIỀM TIN CỦA MỘT “DÂN NGOẠI” (CN XX/TN-A)
Bài Tin Mừng hôm nay lại một lần nữa biểu lộ lời nói và hành động khó hiểu của Đức Giê-su. Miền Tia và Xi-đon vốn được người Do thái coi là dân ngoại. Người đàn bà từ Ca-na-an ở miền ấy tới gặp Đức Ki-tô, xin Người chữa bệnh cho con mình. Lần thứ nhất bà cầu xin, nhưng Đức Ki-tô không trả lời. Không trả lời thì cũng có nghĩa là không đáp ứng lời cầu xin của bà ta. Nhưng với một niềm tin vững vàng, bà vẫn tiếp tục năn nỉ. Các môn đệ có vẻ không hài lòng về bà và xin Đức Ki-tô đuổi bà ấy đi, thì Người lại nói: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi." (Mt 15, 24). Câu nói này của Đức Ki-tô trái ngược hẳn với thái độ trước đó của Người, đồng thời còn cho biết bà Ca-na-an là dân ngoại và Người được sai đến với họ.
Sự kiện mâu thuẫn không dừng lại ở đây. Người đàn bà vẫn tiếp tục năn nỉ "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!" và Đức Ki-tô đã nặng lời với bà ấy: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con" (Mt 15, 26). Với câu trả lời này, Đức Ki-tô đã ví việc chữa bệnh như đem bánh cho người ta ăn và bánh đó không được cho "lũ chó con" ăn. Bà bị coi như chó và nếu giả thử gặp cỡ các kinh sư hay Pha-ri-sêu chắc chắn sẽ phản ứng rất mạnh. Nhưng bà này vẫn không buồn rầu bỏ đi, mà nhất định ở lại cầu xin cho bằng được. Lời cầu xin quả thật khiêm tốn và tin tưởng: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống" (Mt 15, 28). Tuyệt vời!
Phải nói rằng bà này là típ người thông mình, rất thông mình. Nếu không, bà sẽ thấy lời của Đức Ki-tô không dính dáng gì tới việc bà cầu xin, và sẽ xảy ra 2 trường hợp: Một là thấy người mình cầu xin không hiểu được ý mình. Đã không hiểu được mình, thì cầu xin cũng vô ích, bỏ đi cho rảnh. Trường hợp thứ hai, sẽ cho là Đức Ki-tô không nghe rõ lời cầu xin nên mới nói về bánh, và nếu còn tin tưởng, bà ta sẽ cứ một mực xin Người chữa bệnh cho con mình. Cả 2 trường hợp đều không đúng với bà, vì bà đã hiểu ngay Lời dạy của Người mà bà tin tưởng. Khẳng khái nhận mình là "lũ chó con" (Người Do-thái vẫn coi những dân ngoại như lũ chó con), không dám xin ăn bánh trực tiếp, mà chỉ khiêm tốn xin được ăn những mảnh vụn rơi vãi.
Thêm một đức tính đặc biệt của bà nổi bật lên: Tuyệt đối khiêm nhường! Dù có bị coi là chó, bà cũng xin vâng ("Thưa Ngài, đúng thế!"), vì bà nghĩ rằng Người mà bà đang cầu xin đích thị là Đấng Quyền Năng, là Thiên Chúa. Là Thiên Chúa mà chấp nhận xuống phàm trần làm một con người bình thường như bao người khác, thì mình có bị coi là chó cũng xứng đáng thôi. Đức tình khiêm tốn tuyệt vời ấy chắc chắn không thể có được nơi những thượng tế, những kinh sư, luật sĩ, những Pha-ri-sêu, những con người vẫn luôn miệng nói “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” và tự coi mình mới là “hàng nội” chính tông, là con dòng cháu giống của Thiên Chúa; những con người luôn kiêu ngạo tự cho mình là đệ nhất thông minh và chỉ thích được “ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy” thiên hạ. Vậy đó!
Thông minh nhưng khiêm tốn, người đàn bà Ca-na-an đã khiến Đức Giê-su Thiên Chúa động lòng trắc ẩn, buột miệng khen ngơi: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật". Và thế là: "Bà muốn sao thì sẽ được vậy." Từ giờ đó, con gái bà được khỏi" (Mt 15, 28). Quả thực, bài học rút ra được ở đây là đức tính khiêm nhường, đức tính đứng hàng đầu trong bảy đức tính căn bản của Ki-tô giáo. Phải luôn nghĩ rằng tất cả những gì con người có được nơi trần thế đều là ân sủng của Thiên Chúa ban tặng. Những ân sủng đó Thiên Chúa ban cho mỗi người mỗi khác là vì ich chung (1Cr 12, 4-10). Không tự kiêu, tự mãn khi mình có được sự thông minh hơn người, hoặc có được những đặc ân khác những người xung quanh; nhưng cũng không tự ti mặc cảm khi thấy mình không có được những ân sủng như những người khác Tuy nhiên, bài học lớn nhất, bao trùm lên tất cả là đức tin của người đàn bà ở Ca-na-an.
Bà thực sự tin tưởng Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ và bà vững tin rằng Thiên Chúa không thiên vị một ai, không phân biệt “nội hay ngoại”, nếu chân thành cầu xin với một niềm tin vững vàng, thì dù xin gì, Người cũng sẽ ban cho ("Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho." – Mt 7, 7-8). Bà không chỉ tin ở trên môi miệng, mà chính là ở chỗ đối diện với thử thách nghiệt ngã (bị dân Do thái coi là dân ngoại và chính Người mà bà tin tưởng mãnh liệt nhất lại coi bà và con gái bà là chó), vậy mà bà vẫn trung kiên với niềm tin của mình.
Với một người chưa được coi là Ki-tô hữu, mà đã có một niềm tin sắt đá như vậy, thiển nghĩ cũng rất đáng xấu hổ cho những người đã được coi là Ki-tô hữu (đã nhận lãnh Phép Rửa) mà chỉ hơi chạm đến tự ái, hoặc chỉ mới phỏng đoán mình sẽ bị “thử lửa”, đã vội vàng chối bay chối biến Chúa của mình một cách ngon lành. Hoá cho nên, chính trong cuộc sống đời thường, trong gian truân thử thách, trong tất cả mọi nghịch cảnh, người Ki-tô hữu vẫn sống đức tin một cách chân thực như bà mẹ người Ca-na-an trong bài Tin Mừng, không màu mè sáo rỗng, ấy mới thực sự xứng đáng với danh hiệu mà Đức Giê-su Ki-tô đã ban tặng: Ki-tô hữu (“Thầy không gọi anh em là tôi tớ, mà gọi anh em là bạn hữu” – Ga 15, 15).
Cho đến hôm nay, phần đông người Công Giáo Việt Nam vẫn giữ được đời sống đức tin rất tốt, được cụ thể hóa qua việc tham dự Thánh Lễ cũng như lãnh nhận các bí tích. Tuy nhiên, đời sống đức tin ấy nhiều khi chỉ là những thói quen do ảnh hưởng của gia đình, xứ đạo hơn là một chọn lựa và dấn thân cá nhân. Một đức tin như thế sẽ khó lòng đứng vững trong khung cảnh đô thị hóa và xã hội hóa đang và sẽ diễn ra mỗi ngày một nhanh hơn. Vì thế, cần xây dựng một đức tin mang tính cá vị, hiểu như một chọn lựa tự do và ý thức trước tiếng gọi của Thiên Chúa (Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục VN về Năm Tân Phúc Âm Hóa, số 3). Đức tin là lời đáp trả của con người toàn diện trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Con người toàn diện ấy bao gồm cả lý trí, tình cảm, ước muốn và hành động. Vì thế, để sống đức tin, người tín hữu không chỉ ngừng lại ở những hiểu biết thuần lý, nhưng phải bước vào hành động – hành động và liên lỉ cầu nguyện – bởi vì “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2, 17).
Xin đừng bao giờ quên Lời Thầy Chí Thánh: "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em.” (Lc 17, 6); "Thầy bảo thật anh em, nếu anh em tin và không chút nghi nan, thì chẳng những anh em làm được điều Thầy vừa làm cho cây vả, mà hơn nữa, anh em có bảo núi này: "Dời chỗ đi, nhào xuống biển!", thì sự việc sẽ xảy ra như thế. Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được." (Mt 21,21-22). Vâng, nhờ cầu nguyện, chúng ta gặp gỡ chính Đấng mà chúng ta tin. Và niềm tin đích thực được thể hiện qua đời sống hằng ngày là "Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa, đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người" (1Ga. 2, 3). Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: