Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tư tưởng con người

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

TƯ TƯỞNG CON NGƯỜI           

(CN XXII/TN-A)

 

Bài Tin Mừng Chúa nhật trước (Mt 16, 13-20) trình thuật việc Thánh Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, được Thầy khen ngợi và tin tưởng trao cho một trách vụ hết sức quan trọng: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi" (Mt 16, 17-18). Ấy vậy mà tiếp liền sau đó (bài Tin Mừng hôm nay – CN XXII/TN-A – Mt 16, 21-27), thánh nhân lại bị quở trách rất nặng: "Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."

 

Cũng vì Đức Giê-su gọi thánh Phê-rô là Xa-tan, nên đã có nhiều bài chia sẻ cho rằng Thánh Phê-rô cám dỗ Chúa Giê-su, cũng giống như khi mở đầu cho hành trình công khai rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su vào hoang địa ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày, bị quỷ cám dỗ (Mt 4, 1-11). So sánh như vậy thì có vẻ hơi khập khiễng, vì với lần vào sa mạc, quỷ đem những mồi nhử vinh hoa, phú quý, danh vọng cám dỗ Chúa, mục đích của chúng chỉ là để hạ bệ, làm nhục Chúa, và cũng vì thế, chúng thất bại nhục nhã, phải lủi thủi “bỏ Người mà đi”. Còn việc “Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!" (Mt 16, 23) có mục đích khác hẳn mục đích của quỷ dữ. Thánh nhân thấy Thầy mình tỏ cho biết hành trình khổ nạn tại Giê-ru-sa-lem mà Thầy sắp phải gánh chịu, thì vì quá thương Thầy, nên Thánh nhân mới thốt ra những lời nói làm phật ý Thầy. Như vậy thánh nhân chỉ cầu xin Thiên Chúa cho Thầy khỏi gặp cảnh ấy, chớ có mời mọc, dụ dỗ Thầy mình làm chuyện gì đâu, mà gọi là cám dỗ?

 

Thánh Phê-rô chỉ vì thương Thầy quá nên mới cầu xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy phải gánh chịu cuộc khổ nạn, mà cứ theo như lởi kể của Thầy thì quá sức khủng khiếp. Không thể vì thấy những lời quở trách của Đức Giê-su (gọi Thánh Phê-rô là Xa-tan) để rồi coi lời nói xuất phát tự đáy lòng của một con người chất phác bộc trực ấy là lời cám dỗ được, dù cho có nói chệch đi là ma quỷ mượn thánh Phê-rô để cám dỗ Chúa (theo từ nguyên thì "Cám dỗ" là "khêu gợi lòng ham muốn đến mức làm cho sa ngã"). Thiết tưởng mỗi Ki-tô hữu cần phải nhìn lại bản thân xem, đặt giả thử trực diện với hoàn cảnh tương tự (khi thấy Người Thầy mà mình vẫn tuyên xưng là Con Thiên Chúa sắp phải chịu thương khó cho đến chết), mình có được như Thánh Phê-rô hay không? Đã không được như Thánh Phê-rô thì chớ, biết đâu lại chẳng nghĩ rằng “Số của Thầy, Thiên Chúa đã định như thế, thì phải chịu, vậy thôi!” Không tin vào Thầy, mà lại đi tin vào cái thuyết định mệnh “ấm ớ hội tề”, đó phải chăng mới chính là một cách gián tiếp vô hình chung đồng loã với tội ác? Vâng, và vì thế mới cần phải đi xa và sâu hơn một chút, sẽ thấy Thánh Phê-rô cũng chỉ là một con người không hơn không kém, mà đã là con người thì tất yếu sẽ có những suy nghĩ rất con người ("vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.").

 

Như vậy thì đâu mới là tư tưởng của Thiên Chúa? Và đây: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?" (Mt 16, 24-26). Khó hiểu quá! Đi theo Chúa thì chẳng phải mục đích là “cứu lấy mạng sống mình” hay sao? Vậy tại sao lại “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất”? Nhưng, suy cho cùng thì Lời Chúa dạy chính là để diễn cho rõ ý nghĩa "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Đi theo Thầy không phải là để được sống một cuộc sống vật chất dư thừa, đi theo Thầy cũng không phải là để được làm ông nọ ông kia, quyền lực danh vọng đầy mình – kiểu như Gia-cô-bê và Gio-an muốn làm Tả Hữu Thừa Tướng của Vua Giê-su ("Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang." – Mc 10, 35-40).

 

Đi theo Thầy là phải từ bỏ tất cả, kể cả cha mẹ, vơ con, thậm chí hy sinh cả mạng sống mình; như vậy thì chẳng phải là vác thập giá đó sao? Còn những ai còn quyến luyến cuộc sống phù phiếm, mê đắm với bả vinh hoa, tức là muốn “cứu lấy mạng sống mình” nơi cõi thế, như vậy thì làm sao mà tìm được mạng sống mình nơi cõi phúc trường sinh? Chuyện đã rõ ràng như 2 với 2 là 4: Đi theo Thầy tức là muốn trở nên hạt lúa giống để Người đem gieo, “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất, mà không thối đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Chỉ có “liều mất mạng sống mình” nơi trần thế khổ đau, mới “cứu được mạng sống mình” nơi Quê Trời vĩnh cửu. Hiểu được tư tưởng Thiên Chúa qua Lời Thầy dạy đã thấy khó khăn, nhưng để sống được, thực hành được Lời Thầy dạy, mới là thiên nan vạn nan. Ấy cũng bởi vì “tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người".

 

Ôi chao! Loài người mà! Nếu chẳng vậy thì Chúa đâu có phải chịu “đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết”. Chung quy cũng chỉ tại cái tư tưởng loài người mà ra thôi. Thật vậy, “Vì lời ĐỨC CHÚA mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày. Có lần con tự nhủ: "Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa." Tuy nhiên, nếu được tư tưởng của Thiên Chúa soi sáng thi “Lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20, 8-9). Không nén được thì phải để cho ngọn lửa ấy bừng lên, bởi chính đó là ngọn lửa Thần Khí.

 

Tóm lại, hãy để cho “Lời Chúa như ngọn lửa bừng cháy trong tim”. Nói cách cụ thể là “Hãy sống theo Thần Khí” và dứt khoát “không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn” (Gl 5, 16-17). Vâng, “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” (Rm 12, 2). Chỉ có như thế mới có hy vọng “sẽ tìm được mạng sống” mình nơi cõi phúc trường sinh.

 

Ôi! Lạy Chúa! Cúi xin Chúa thương ban Thần Khí cho con để con hiểu được đâu là tư tưởng của loài người đang chế ngự con, để con biết vượt qua “cái tôi” hẹp hòi, ích kỷ, mà sẵn sàng mở lòng ra đón nhận tư tưởng của Thiên Chúa; ngõ hầu tiến bước theo Thầy Chí Thánh Giê-su Ki-tô. Ôi! “Lạy Chúa! Con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường, mão gai nào hằn sâu trên trán. Lạy Chúa! Thánh giá nào Ngài vác trên vai, đau thương nào phủ kín tâm tư, đường tình đó Ngài dành cho con. Lạy Chúa! Xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa! Xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang” (Văn Chi - “Con đường Chúa đã đi” - TCCĐ).

 

JM. Lam Thy ĐVD.