Vinh quang Thập Giá
VINH QUANG THẬP GIÁ
(LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ – CN.XXIV/TN-A)
Cũng đã có những ý kiến trái chiều về việc suy tôn Thánh Giá, đa phần là của những người không cùng tín ngưỡng. Họ lý luận: Dù cho Đức Giê-su Thiên Chúa có thực sự chết treo trên thập giá để cứu chuộc nhân loại, thì thập giá – vì là hình cụ ác độc giết Chúa (tức là biểu trưng cho tội lỗi loài người) – cũng không thể trở nên một biểu tượng để tôn vinh, tôn thờ. Hình ảnh Chúa Giê-su chết treo trần truồng trên thập tự đáng lẽ phải dấu đi, chớ sao lại để ở những nơi công khai, nhất là trên các bàn thờ. Làm như vậy chẳng hóa ra là bêu riếu Chúa như một kẻ tội đồ sao?
Đúng là cổ nhân đã dùng thập tự giá để treo tội nhân bị xử án tử lên, lột hết quần áo nhằm phơi bày hết hình hài của họ để bêu riếu, nhục mạ. Và cũng vì thế nên ngày xưa ở Việt Nam, các cụ vẫn gọi cây thập tự treo Chúa Giê-su là cây thập ác. Ngay ở thời gian đầu của Giáo Hội tiên khởi, các Ki-tô hữu đầu tiên cũng rất xấu hổ về thập giá đến nỗi không bao giờ dùng làm biểu tượng đức tin (chớ đừng nói đến vấn đề tôn vinh, tôn thờ cây thập ác đó); vì cho rằng thập giá là giá treo cổ, là hình phạt chỉ dành cho những người xấu xa và nô lệ. Cứ kể ra nhìn vấn đề theo “con mắt thịt” của “tư tưởng loài người” (Mt 16, 23) thì đúng là như vậy; nhưng nếu chịu khó dùng nhãn quan “nhìn linh thị” (Ds 24, 16) sẽ thấy quả thật con mắt thịt của “cái vỏ bằng đất này làm linh hồn ra nặng” (Kn 9, 15).
Có lẽ lại phải nhắc lại ở đây Lời dạy của chính Đấng bị treo trên thập ác: “Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8, 33). Cũng chẳng khác hình ảnh con rắn đã được sách Sáng Thế Ký miêu tả: “Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đã làm ra.” (St 3, 1). Nó được Xa-tan dùng làm công cụ quyến rũ Nguyên tổ phạm tội, và vì thế có thể nói rắn chính là Xa-tan, xứng đáng được nhận lời nguyền rủa của Đức Chúa: "Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất” (St 3, 14). Rắn là biểu tượng của sự ranh ma quỷ quyệt, của tội lỗi; đồng thời rắn cũng là biểu tượng của hình phạt (câu chuyện dân It-ra-en oán trách Đức Chúa và bị Người phạt bằng cách cho rắn độc cắn chết nhiều người (“Bấy giờ ĐỨC CHÚA cho rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Ít-ra-en phải chết.” – Ds 21, 6).
Tuy nhiên, rắn cũng lại là biểu tượng cứu độ (“Ông Mô-sê khẩn cầu cho dân. ĐỨC CHÚA liền nói với ông: "Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống." Ông Mô-sê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống.” – Ds 21, 7-9). Và liên tục cho đến ngày nay, thế giới đã dùng hình ảnh con rắn làm biểu tượng “cứu nhân độ thế” của y học: Ngành y thì lấy biểu tượng “Con rắn quấn quanh cây gậy”, ngành dược thì lấy biểu tượng “Con rắn quấn quanh cái ly thuốc”, cả 2 biểu tượng đều “tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh và kéo dài tuổi thọ” (xc “Truyền thuyết Hy Lạp về thần Esculape bổn mạng các thầy thuốc”, hoặc “Truyền thuyết về thần Hermès” – thần thoại Hy Lạp; hoặc “Truyền thuyết về thần Mecure” của người La Mã).
Chính vì “để ứng nghiệm lời Kinh Thánh”, Đức Giê-su mới ví cuộc khổ nạn thập giá của Người như hình ảnh con rắn đồng được giương cao để những ai nhìn lên thì sẽ được sống (“Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” – Ga 3, 14-15). Điều đó cho thấy công trình cứu độ nhân loại đã được Thiên Chúa tiền định từ cái ngày mà Nguyên tổ vì “ăn trái cấm” mà sa vòng tội lỗi, bị sự chết thống trị. Chính Đấng Cứu Độ khi xuống trần thi hành sứ vụ, Người luôn luôn nói đến những việc Người làm, những Lời Người dạy đều “ứng nghiệm lời Kinh Thánh”. Nói cách khác, mầu nhiệm Đức Giê-su vâng lời Chúa Cha, xuống trần thực hiện công trình cứu độ nhân loại, tất cả diễn biến đều đã được Kinh Thánh Cựu Ước tiên báo. Như vậy thì việc Đức Giê-su chịu khổ hình thập giá hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà có, nhưng đã được Thiên Chúa Cha tiền định ngay từ khi Nguyên tổ phạm tội. Và để hiểu được sự kiện suy tôn Thánh Giá, thì phải hiểu rõ tại sao Đức Giê-su bị chết treo trần truồng trên thập tự.
Nếu chỉ nhìn vào hình ảnh cây thập giá treo thân xác trần truồng, bầm giập vì đòn roi của Đức Giê-su, thì sẽ thấy đó là sự điên rồ, “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa… Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.” (1Cr 1, 18-23). Quả thực, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho loài người, tuy đã quá hiển nhiên theo diễn tiến các biến cố Tin Mừng, nhưng vẫn còn là một sự huyền nhiệm mà lý trí con người không thể giải thích đầy đủ. Và vì thế vẫn rất cần sự giải đáp từ nơi Người bị coi là điên rồ đó:
Vâng, chính Đức Giê-su Thiên Chúa sẽ giải đáp vấn nạn trên (như Người đã giải thích cho ông Ni-cô-đê-mô – Ga 3, 1-21): “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Ga 3, 16-17). Thật thế, “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.” (1Pr 2, 24). Tất cả đã minh họa cho chân lý Tình Yêu: Con Người điên rồ chết treo trên thập tự lại chính là “Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1Cr 1, 24-25).
Không ai có thể ngờ được một dụng ý độc ác của con người lại được Thiên Chúa mạc khải thánh ý của Người: Đức Giê-su bị treo lên như vậy là Người vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha (cây gỗ đứng) dang rộng hai tay kéo mọi người lên (thanh gỗ ngang). Cũng giống như tấm bảng viết INRI (Giê-su Na-da-ret – vua Do thái) quân dữ đóng phía trên đầu Chúa Giê-su nhằm chế nhạo Người, thì lại cho mọi người biết chính dân Do thái đã giết Vua của dân tộc họ, nói cách khác Vua Do thái đã chết vì tội lỗi của dân mình. Rõ ràng, Thập giá Chúa Ki-tô chính là “Thông điệp mà các Ki-tô hữu mang đến cho thế giới: Chúa Giê-su, là tình yêu nhập thể, đã chết trên thập tự giá cho tội lỗi của chúng ta, nhưng Chúa Cha đã cho Ngài sống lại và đặt Ngài trở thành Chúa của sự sống và cái chết. Trong Chúa Giê-su, tình yêu đã chiến thắng hận thù, lòng thương xót lướt thắng tội lỗi, sự thiện hảo chiến thắng trên sự dữ, sự thật vượt lên trên dối trá, sự sống đánh bại sự chết.” (Sứ điệp Phục Sĩnh 2014).
Mọi sự đã rõ ràng, vinh quang Thập Giá Chúa Ki-tô là điều đương nhiên. Người Ki-tô hữu phải ý thức khi chiêm ngắm Thánh giá thì cũng chính là lúc được trực diện với hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu Giê-su Ki-tô đang dang rộng hai tay mời gọi mọi người hãy trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Một cách cụ thể, Người đang muốn nói với tất cả chúng ta: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” – Mt 22, 37-39). Cây Thánh giá hình chữ thập chính là biểu tượng cho hai điều răn quan trọng nhất ấy: Cây gỗ dọc là thân mình của mỗi Ki-tô hữu đang đứng thẳng vươn tới Thiên Chúa, thanh gỗ ngang là hai cánh tay dang rộng ôm lấy anh em trong yêu thương đùm bọc nhau. Nói khác đi, Đạo (con đường) Ki-tô chỉ có 2 chiều: chiều thẳng đứng chỉ sự công minh chính trực của Thiên Chúa là điều phải vươn tới và chiều nằm ngang chỉ tình cảm thương yêu đối với tha nhân là điều phải thực hiện trong cuộc sống.
Điều đó cho thấy cây thập tự treo Chúa trên Núi Sọ năm xưa thực sự là biểu tượng của Tình Yêu mà tổ chức Hồng Thập Tự quốc tế đã lấy làm biểu tượng cho mục đích và hoạt động của mình. Vậy thì vấn đề suy tôn Thánh Giá không chỉ là kính mừng cây gỗ thật đã treo Chúa Giê-su lên mà thánh nữ Hélène đã tìm được (Vào năm 326, sau khi tìm được di sản Thánh Giá thật, thánh Hélène, mẹ của Hoàng Đế Constantin, đã cho xây cất đền thờ tại Mộ Thánh ở thành thánh Giê-ru-sa-lem và đặt cây Thánh Giá vừa tim được tại đó để mọi người kính viếng). Nhưng phải là suy tôn Tình Yêu từ Vinh Quang Thập Giá tỏa sáng nơi Cây Sự Sống như lời thánh Gio-an Tông đồ: “Khoảng giữa quảng trường và hai bên doành nước có Cây Sự Sống, đơm quả mười hai lần, tháng nào sinh quả nấy, lá cây dùng để chữa lành các dân ngoại. Phúc cho những ai đã giặt áo mình trong Máu Con Chiên, chúng sẽ được quyền trên Cây Sự Sống, và được ngang qua cổng mà vào thành. Và ai bỏ bớt Lời trong Sách Thánh, Thiên Chúa sẽ bớt phần kẻ ấy hưởng nơi Cây Sự Sống.” (Kh 22, 2.14.19).
Vậy thì còn chần chờ gì nữa mà không cất cao lời chúc tụng: “Thập giá vinh quang ngất cao trời xanh. Thập giá chứng nhân cứu độ người trần. Ơn giải thoát sức sống cao vời trên Thánh Giá chính Ngài đã dâng hiến cho trần gian. TK 1: Vinh quang của ta chính là Thập Giá Đức Kitô, cho con tôn thờ Thánh Giá suối mạch chan hòa. Để được phục sinh vinh quang cùng Thập Giá, nhận lãnh phúc ân cứu độ trong tình Cha. TK 2: Cho con thành tâm tôn thờ Thập Giá Chúa uy linh yêu thương nhân loại giang tay chết trên thập hình. Dạt dào tình thương hôm nao Người tận hiến, để cứu thoát con đưa về trong bình an.” (TCCĐ “Vinh Quang Thập Giá”). Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: