Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ghen tỵ- Virus nguy hiểm

Tác giả: 
Lm Hương Quất

 

 

Chúa Nhật 25:

HIỂM NGUY VIRUS…GHEN TỴ

(Mt 20, 1-16a)

 

Anh và ông là bạn hàng xóm cách nhau chỉ hàng rào dâm bụt, độ thân phải gọi tri kỷ, nhất là những lúc khề khà bên mâm nhậu.

 

Anh và ông có chung một sở thích, cùng đam mê, mức độ có thể chạm đến ngưỡng“tín đồ”: bác đế. Ngày nào không được ngồi nhậu với nhau họ cảm thấy khoảng trống vắng, cô đơn, buồn ơi là buồn !

 

Tuần có bảy ngày, độ nhậu luôn vượt trên con số 7. Họ luôn có vô vàn lý do để gầy nhậu. Mồi nhậu hết sức đơn giản, lắm khi chỉ túi đậu rang, hay quả xoài, quả ổi… Đôi khi ‘mồi’ nằm trong thế giới siêu tưởng, chỉ vài câu đố, mấy câu ca dao, dăm truyện tầm vào… thế là có lý do cục ly, cười vui ha hả.

 

Họ từng tuyên bố, bác đế quan trọng hơn vợ. Bỏ vợ được chứ rượu bỏ không được. Rượu đã biến thành máu thịt. Không có máu thịt thì làm sao sống được!… Đấy là lý sự của kẻ nát rượu.

 

Đùng một cái anh tu tỉnh, bớt nhậu rồi bỏ nhậu. Thay vào đó anh bắt đầu chuyên chú làm ăn.

 

Không còn bạn nhậu tri kỷ, khề khà bên ly rượu đã làm ông cụt hứng, bực mình, rồi lây nhiễm virus ghen tỵ…

 

Đấy là lúc thấy đời sống kinh tế của anh bộc phát thấy rõ. Anh đầu tư cho con học, học tiếp học cao… nhà anh khang trang, tiện nghi mua sắm… ngay bên cạnh nhà ông vẫn ‘kiên định’ nghèo xơ xác.

 

Ông lây bệnh ghen tức cho vợ. Vợ ông trở thành loa tuyên truyền chuyên dựng truyện bôi nhọ danh dự gia đình anh, nói xấu anh đủ điều.

 

Ông còn chạy đến cả thần thánh, lao vào mê tín cốt để cầu cho lắm họa tai đến gia đình anh.

 

Lạ cái gia đình anh vẫn mặc nhiên, vẫn bình yên. Triết lý của thằng thoát rượu thật lạ: người ta nói xấu mình, nếu đúng mình cảm ơn, còn nếu sai thì chấp làm gì. Chấp thì té ra mình bằng họ à.

 

Ông chưa thoát rượu nên nghe anh lý sự như thế càng điên, càng tức, càng ghen, càng khổ…, càng rượu.

 

Rồi một ngày có người lạ đến hỏi mua nhà anh giá cao. Vợ chồng ông liền bán. Bán để xa ‘của nợ’, tránh kẻ địch.

 

Khổ nỗi, con virus ghen tức, đố kỵ trong ông chưa chết, lại còn sinh sôi nảy nở thêm đông nên ‘của nợ’ chưa một giây phút xa ông.

 

Cách xa hàng cả trăm cây số, ông vẫn thập thò theo dõi nhà anh. Chờ một tin vui là chính lúc nhà anh gặp tai họa.

 

Rồi không bao lâu, người lạ lại bán nhà đất của ông cho anh, mua với gia cao hơn nữa.

 

Miếng đất tiên tổ giờ lại rơi vào tay ‘kẻ thù’ không đội trời chung, càng làm cho thế đất nhà anh rộng thêm, đẹp thêm…

 

Có nghĩa cơn điên tức vì ghen tỵ trong ông nhân lên cấp cuồng phong.

 

Bất ngờ ông đột quỵ.

 

Nằm liệt ít tháng  rồi ông mất.

Nghe nói ông mất mà mắt ông vẫn mở trừng trừng trông rất dữ.

 

(x. Trương Ái Nhiệm, Ghen tỵ- Virus nguy hiểm)

 

 

Câu truyện từ đời thực cuộc sống ấy kết cục thật đang buồn. Tất cả khởi đi từ sự ghen tức, đố kỵ.

Vì lòng ghen tỵ, có thể biến người khác, vốn là bạn, có khi là ân nhân trở thành kẻ đố kỵ, đáng ghét, thành kẻ thù vô cớ

 

.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật 25 vừa nghe cho thấy rõ thêm điều đó.

 

Nếu ai làm nông công nhật, phải kiếm sống hàng ngày; ngày nào không có việc, không ai thuê ngày đó đời sống thiếu thốn, khó khăn thêm trong việc đảm bảo cuộc sống thì sẽ thấy biết ơn lắm, mang ơn nhiều nếu ai đó gọi làm công, lại trả công hậu hĩnh.

 

Những thợ làm công nhật trong bài Tin Mừng thuộc tình cảnh trên.

 

Vấn đề đáng nói, đáng bàn nằm ở hồi kết ngày làm việc, lúc mà chủ vườn tính công.

 

Tại sao những người thuê làm vườn nho giờ đầu lại lẩm bẩm những người làm trễ nhận tiền công như họ trong khi tiền họ nhận đúng với thỏa thuận?

 

Tại sao họ cằn nhằn ông chủ, người mà- biết đâu buổi sáng họ coi là ân nhân, còn thầm hứa lòng sẽ biết ơn ông chủ mãi bởi ông không những cho họ có công ăn việc làm mà còn trả công hậu hĩnh ?

 

Giả như những người đến sau được trả bằng hay ít hơn 1 đồng cũng chẳng ảnh hưởng đến quyền lợi của họ, vì ông chủ vẫn sồng phẳng như giao kết, thế sao họ lại cằn nhằn bực tức ông chủ?.

 

Tất cả chúng ta đều dễ dàng tìm thấy câu trả lời, bởi vì họ ghen tỵ.

 

Nếu họ không ghen tỵ, họ sẽ khen ngợi ông chủ rộng lượng, sẽ chúc mừng các bạn đồng nghiệp- đồng cảnh ngộ.

 

Song bởi họ ghen tị nên họ đánh mất đi niềm vui vì được chủ gọi làm và trả công hậu hĩnh. Lòng ghen tỵ gia tăng nỗi buồn khổ. Chắc chắn nỗi thống tâm này còn kéo dài sau giờ trả lương, biết đâu làm họ bứt rứt không ngủ được đêm ấy và nhiều đêm khác.

 

Vô tình, lòng ghen tỵ đã  biến lòng tốt- hình ảnh ông chủ vốn tốt thành ông chủ bủn xỉn, bất công; phân mảnh anh chị em bạn hữu  thành kẻ xa lạ, đáng ghét.

 

Sự ghen ghét khiến chúng ta không muốn người khác bằng mình và đương nhiên không bao giờ chấp nhận người khác hơn mình. Đôi khi còn đạp đổ để ai đó không có cơ hội phát triển thêm[1].

 

Và điều này cho thấy, vius ghen tỵ nguy hiểm bắt đầu bộc phát…

 

“Tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?”

 

Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?. Lời ông chủ vườn nho cũng là lời của chính Chúa Giêsu đang nói với chúng ta, với mỗi người chúng ta hôm nay, bởi lòng ghen tỵ, tính đố kỵ, thói nói hành nó tỏi… vẫn ngự trị trong ta, biết đâu đang còn thống trị ta.

 

Cha Thánh Gioan Vaney nói về tình ghen tỵ: “Ghen tỵ quả là một điều đáng ghét  và ghê tởm. Ai chưa mất đi cảm nhận đạo đức đều nghĩ ghen tỵ là thói xấu đáng khinh nhất…”. Theo ngài, mọi ghen tỵ thuộc hàng tội ác ghê tởm nhất bởi không có lý do nào bào chữa nó. Cha thánh còn nhấn mạnh: “Ghen tỵ là là một tính hiểm độc, là đứa con của hỏa ngục. Thật vậy, ghen tỵ là tội ác của ma quỷ. Nếu có người ghen tỵ, đó là bằng chứng  đáng buồn vì ma quỷ đã gây ảnh hưởng, sức mạnh mạnh và uy quyền trên họ. Khi người ta đến từ Chúa họ không biết ghen tỵ là gì”.

 

Như thế, Thánh Gioan Vaney cho thấy rõ thêm sự nguy hiểm của ghen tỵ, nếu ta không triệt tiêu không loại trừ, nó như con mọt gặm nhẫm làm tâm hồn ta bất an khốn khổ đời này mà còn đẩy ta xuống vực thảm hỏa ngục.

 

Từ dúm lửa ghen tỵ, nếu không dập tắt có thể dẫn ta làm nhiều tội ác khác. Ghen tỵ là nguyên nhân dẫn đưa đến hành động gây nhiều tội ác khác, là một trong 7 mối tội đầu.

 

Cain đã giết em mình khởi đi từ tính ghen tỵ. anh em nhà Giacop vì tính ghen tỵ đã pham tội hãm hại chống lại chính em ruột của mình là Giuse …

 

Và trong đời sống thường nhật, qua báo chí ta vẫn chứng kiến nhiều bi kịch mà sâu xa bắt nguồn từ ghen tỵ…

 

Và bình tâm, chính trong trải nghiệm của mình đã nếm mùi hành khổ của virus ghen tỵ gặm nhấm.

 

Vậy, làm thế nào để diệt trừ virus ghen tỵ ?

 

Ta hãy nhẩm lại kinh Cải Tội Bảy Mối Có Bảy Đức: Thứ sáu yêu người chờ ghen ghét.

 

Lạy Chúa, xin hãy đổ Tình yêu Chúa cho chúng con. Vâng chỉ có Tình yêu, yêu như Chúa yêu mới khỏa lấp, mới chữa lành tính ghen tỵ nơi chúng con. A men    

 

       Lm. Đaminh Hương Quất



[1] x. Lm. Jos Tạ Duy Tuyền, Vui với người vui, Thanhlinh.net.