Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Điệu ru tháng 10

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

Truyện ngắn

 

ĐIỆU RU THÁNG 10

 

– “Sắc Đỏ nhuộm đầm trong Máu Thánh, xin chỉ vì dâng, mừng kính Đức Bà, giúp Chúa Con cứu chuộc (i-hi-hi) người ta. Công phúc trọng (i-hi-hi), công phúc trọng hơn là, hơn là thủ tiết (i-hi-hi)”. Giọng ca trong vắt của Lan vút cao trong bầu không khí lắng đọng của thánh đường. Hôm nay là buổi dâng hoa kết thúc Tháng Hoa, nên mọi người tới nhà thờ thật đông. Đông, nhưng rất trang nghiêm. Và bầu khí đó càng làm tăng thêm cảm xúc của cộng đoàn, theo từng âm điệu của lời ca tiếng hát mà Đội Dâng Hoa dâng lên Đức Mẹ.

 

Trong số gần 20 chị em dâng hoa lứa tuổi thiếu niên, có lẽ Lan lớn tuổi hơn cả. Nàng năm nay đang trong tuổi “bẻ gẫy sừng trâu” (17 tuổi). Từ 3 năm nay, Lan phụ bán tạp hoá cho mẹ, rồi dần dần được mẹ trao cho trực tiếp trông coi cửa hàng, vì mẹ già nay đã yếu lắm. Tuy nổi tiếng là một cô hàng xén chanh chua ở chợ Ve (Dũng Vy – Tiên Du – Bắc Ninh), nhưng ngoài việc buôn bán ra, thì nàng lại là một cô gái rất hồn nhiên vui tính đối với mọi người.

 

– “Nhất là giọng ca của nàng thì thật tuyệt!”, Dũng thường nghĩ vậy và còn nói ra miệng nữa, mỗi khi nghe ai đó chê trách Lan. Và mỗi lần như thế, Dũng lại thầm nhủ: “Ai nhờ cậy mà bênh vực. Rõ đoảng!”. Nhưng mà … ô kìa … hình như Dũng cứ rất thích được bênh vực người bạn gái nhỏ, cũng là bạn học hồi cùng học chung trường làng. Cứ mỗi khi hết hè, phải ra Hà Nội vào năm học mới, là y như rằng Dũng lại thấy thiêu thiếu, văng vắng, nhơ nhớ … làm sao ấy, không thể tả được… “Rõ đoảng!”.

 

Năm nay, trường cho nghỉ sớm hơn mọi năm vì cái hội nghị Giơ-neo thả neo gì đó (Genève), Dũng cũng chẳng thèm để ý. Chàng vù ngay về quê, để lại được thấy Lan thật chanh chua khi bán hàng, rất hồn nhiên khi vui chơi với bạn, và thật trong trẻo thánh thót khi hát thánh ca. Thế rồi … chưa hết 3 tháng hè, Dũng theo gia đình di cư vào miền Nam. Gia đình Lan không đi cùng dịp với gia đình Dũng. Có lẽ họ ở lại.

 

-*-

 

Sáu năm sau, Dũng đi quân dịch, đồn trú tại Kontum. Một lần quá vui với bạn bè, Dũng vào … “nhà cho thuê” (tiếng miền Nam chỉ “nhà chứa”) và bất ngờ gặp lại Lan! Cuộc hội ngộ đầy éo le và nghịch lý, khiến hai người như chết đứng. Tiếp theo là nuớc mắt, và một chuỗi dài tâm sự trong thổn thức…

 

Thì ra khi Dũng rời khỏi làng chưa được bao lâu thì bà mẹ của Lan qua đời. Mồ côi bố, nay lại mồ côi mẹ, cộng thêm một bầu không khí thời sự mới, khiến tính tình Lan thay đổi hẳn. Sự hồn nhiên vui vẻ, kể cả chanh chua nữa, không còn trong Lan. Hình như mãi tới chuyến tàu thủy cuối cùng chở những người di cư, mới có mặt Lan. Nàng được ông chú ruột mang đi; nhưng vào miền Nam được khoảng một năm thì chú nàng cũng theo bố mẹ nốt, bỏ nàng ở lại với bà thím khó tính. Thế rồi cuộc đời đưa đẩy, trải qua đủ thứ nghề, Lan trôi giạt ra miền Trung, và … định cư tại Kontum.

 

Một khoảng thời gian dài về sau cái “đêm nghịch lữ” hội ngộ ấy, thì cái nghịch cảnh trớ trêu lại trở nên … có hậu: Dũng và Lan lấy nhau. Hết thời hạn quân dịch, họ đưa nhau về Saigon sinh sống. Rồi 5 tác phẩm nối đuôi nhau chào đời: 2 trai + 3 gái. Một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, khiến nhiều người phát thèm và ganh tị. Tò mò hỏi “bí quyết”, họ cùng cười vang lên:

 

– Chẳng có bí quyết gì đâu, chỉ tại chúng tôi yêu nhau, rất yêu nhau, mà thôi.

– Thế nhưng … vì sao anh lai … vượt qua được …

– Nào biết vì sao hay vì trăng. Yêu nhau thì “tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua” cái vù!

– Vậy anh yêu chị ấy từ hồi nào?

– Từ hồi “tóc còn để chỏm” cơ. Cái hồi tôi mê giọng hát cô Lan chuyên solo “Sắc Đỏ” khi dâng hoa ấy.

 

Trả lời xong, Dũng thầm nghĩ “mình cũng lém lỉnh ra trò đấy chứ!” Và chẳng để cho hỏi thêm, Dũng Lan cùng song ca: “Sắc Đỏ nhuộm đầm trong Máu Thánh …”. Căn phòng nhỏ vui nhộn hẳn lên. Chàng phóng viên nghiệp dư buông cả bút, hát theo hai vợ chồng tóc đã muối tiêu: “Quỳ lạy Mẹ trinh khiết không ai người sánh tầy. Toà cao cực sáng láng trên tầng mây. Ngày hôm nay khắp chốn, con thảo hiền dâng Mẹ. Mấy đoá hoa tiến Nữ Vương Đồng Trinh, mấy đoá hoa tiến Nữ Vương Thiên Đình” (theo điệu bài thánh ca “Euge Sobole Sanctorum”).

 

Thời gian trôi thật nhanh, thấm thoát mà … biến cố 1975 định mệnh đã tới …

-*-

Ông phải kề tai sát miệng bà mới nghe được giọng thều thào đã hơi ngọng của bà: “Ông này, nhớ đeo tràng hạt vào cổ cho tôi đấy, nhé!” Hình như bà lẫn mất rồi, vì ông đã mang cỗ tràng hạt vào cổ theo yêu cầu cuối cùng của bà, từ ba hôm nay. Và đã ba hôm liền, ông hằng ngày áp sát vào khuôn mặt nhăn nheo mất hết sinh khí ấy, để cùng bà đọc kinh. Những lúc như thế, đôi tay run rẩy của bà luôn ôm lấy cây thánh giá nhỏ đặt trên đôi môi khô héo. Đôi môi bà lại mấp máy, ông cố hết sức lắng nghe giọng nói đứt quãng của người bạn đời: “Anh … D…ũng,  a…a…nh  có  y…ê…u  e…m  khơ… khơ… kh…ông?”. Tiếng bà nhỏ dần và tắt lịm. Ông khàn khàn giọng, muốn gào to lên mà không được: “Anh yêu em vô cùng, Lan ơi! Đừng bỏ anh …”.

 

Sau đám ma của bà, người ta cứ thấy trong căn nhà trống trải ấy, một bóng người lưng đã còng gập xuống, lủi thủi ra vào và cứ đến giấc trưa là lại thấy phủ phục trước bức ảnh Đức Mẹ ban tràng chuỗi Mân Côi cho thánh Đa Minh. Con cháu, đứa thì ở riêng, đứa thì đi làm, đi học… và ông đã thực sự trở thành một bóng ma âm thầm trong căn nhà hoang vắng, để… nuối tiếc dĩ vãng… Bao giờ cho ông quên được người bạn đầu gối tay ấp, hơn 40 năm qua không một đêm nào quên đọc kinh Mân Côi.

 

Bà đã tâm sự với ông rằng, kể cả quãng thời gian sa vòng trụy lạc, bà vẫn không quên đọc kinh Mân Côi, dù có nhiều đêm bà chỉ đọc được vài kinh rồi khóc nấc lên và ngủ thiếp đi. Thời gian làm bạn với ông thì khỏi nói, nhiều khi ông cứ phải nại cớ chuyện này chuyện khác về muộn, để tránh giờ đọc kinh mà bà chỉ muốn hai vợ chồng cùng đọc. Ông cũng phải công nhận một điều là ảnh hưởng của bà rất lớn, đã khiến ông dần dần chăm đọc kinh hơn, nhất là khi ông bà tuổi ngoài năm mươi, đã cùng gia nhập Dòng Ba Đa Minh (Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh), thì hằng đêm, giờ kinh tối đã trở thành nhu cầu không thể thiếu. Và, “hình như đời sống tâm linh của mình ngày một thăng tiến, dồi dào hơn” – ông nghĩ thế.

 

Một buổi chiều êm ả giữa tháng 10/1999, đi lễ chiều sớm hơn thường lệ, anh chàng phóng viên nghiệp dư ngày nào, giờ đây tóc đã bạc trắng, bắt gặp ông già ngồi trên ghế đá trước đài Đức Me ở cuối nhà thờ. Thói quen này của ông cũng diễn ra đã khá lâu, nhưng hôm nay hình như ông không đọc kinh mà đang hát thì phải. Lại gần, thì ra ông hát thật. Và không hẹn mà nên, hai mái đầu bạc cùng hoà chung một nhịp dù giọng đã khàn đục cả: “Một tràng hoa Mân Côi hương thơm ngào ngạt thắm ân tình. Từng lời kinh sốt mến, xin dâng về Nữ Vương hiển vinh…”. Khi hát đến TK 2: “Khi đau thương ắp đầy như vườn loang máu mồ hôi, như gai đâm, như chịu nát đòn, như khi nhận thập tự hy tế, kết hoa kinh để dâng Mẹ” (“Tràng hoa Mân Côi” – Kim Long – TCCĐ), thì hai lão già ôm lấy nhau, không hát được nữa, mà khóc nức nở như trẻ thơ …

 

Saigon, lễ Đức Mẹ Mân Côi (7/10/2014)

 

JM. Lam Thy ĐVD.