Nói và làm
NÓI VÀ LÀM (CN XXVI/TN-A)
Không thiếu những người hay đem thuyết đỊnh mệnh để bào chữa cho lối sống của mình. Cái gì cũng do “Trời định” hết trơn, con người từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi luôn bị cột chặt vào số mệnh, không còn một chút tự do. Họ cho rằng con người giàu hay nghèo, hạnh phúc hay đau khổ, nhàn nhã hay vất vả, tất cả đều đã được ông Trời tiền định từ trước khi con người được sinh ra ở trần gian (“Ngẫm hay muôn sự tại trời, Trời kia đã bắt làm người có thân. Bắt phong trần phải phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao.” – Truyện Kiều – Nguyễn Du). Theo triết học thì “Thuyết định mệnh” là một quan niệm cho rằng quá trình lịch sử thế giới, kể cả đời sống con người đều được quy định từ trước bởi một ý chí tối cao, bởi số kiếp, số phận. Con người dù muốn hay không cũng không thể tránh được. Do đó chỉ còn có thể có thái độ cam chịu. Trong thế giới cổ đại, quan niệm này được lưu hành rộng rãi và theo nó, số kiếp chẳng những thống trị con người, mà còn thống trị cả các thần linh.
Nói chung, trong lịch sử, “Thuyết định mệnh” đóng vai trò tiêu cực. Một mặt, quan niệm số kiếp quy định từ trước đã kích thích thái độ thụ động, sự phục tùng mù quáng vào hoàn cảnh. Mặt khác, lòng tin vào quyền lực vô hạn của ý chí tối cao, của Thượng đế, đã gây ra sự cuồng tín có tính chất tôn giáo. Quả thật, nhìn vào tôn giáo cũng thấy không ít luồng tư tưởng cho rằng tất cả mọi sự lớn nhỏ thuộc về con người đều được Thượng đế sắp đặt sẵn. Với Ki-tô giáo thì vì thấy những sự kiện, biến cố xảy ra trong Tân Ước đều đã được tiên báo từ Cựu Ước và chính Đức Giê-su cũng luôn luôn nói những việc Người làm đều “ứng nghiệm lời Kinh Thánh, lời các ngôn sứ từ Cựu Ước”, nên nhiều người cũng cho rằng tất cả cuộc sống con người ở trần gian đều đã được Thiên Chúa quan phòng “tiền định”. Từ đó nảy sinh quan niệm (giống như thuyết định mệnh) cho rằng cái gì cũng do Chúa định, Chúa an bài; thậm chí có những người sống cuộc đời không lương thiện, đến lúc nhà tan cửa nát, bị tù bị tội, thì lại đổ thừa “Chúa định cho tôi như vậy”. Để giải tỏa bớt những quan niệm yếm thế, tiêu cực đó, có lẽ cần phải hiểu vấn đề một cách thiết thực hơn:
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã giải thích về Thiên Chúa quan phòng: “Sự quan phòng chính là Thiên Chúa lo liệu với sự khôn ngoan và tình thương để dẫn đưa mọi thụ tạo tới cùng đích tối hậu của chúng.” (GL/HTCG, số 321); “Đức Ki-tô mời gọi chúng ta phó thác với tâm tình con thảo vào sự quan phòng của Cha trên trời (Mt 6, 26-34). Thánh Phê-rô cũng nhắc: "Mọi lo âu, hãy trút cả cho Người vì Người chăm sóc anh em" (1Pr 5, 7; Tv 55, 23)” (GL/HTCG, số 322); “Thiên Chúa quan phòng cũng hành động qua hành động của các thụ tạo. Thiên Chúa cho con người được tự do cộng tác vào các kế hoạch của Người.” (GL/HTCG, số 323). Điều đó cho thấy Thiên Chúa quan phòng sắp xếp cho con người có mặt ở trên đời, ban cho nhiều ơn lành để sống xứng đáng là con Thiên Chúa “được tự do cộng tác vào các kế hoạch của Người”, đồng thời Người còn ban Thần Khí soi sáng cho con người biết luôn can đảm để “làm lành lánh dữ”.
Thật là mầu nhiệm, ngay cả những hành động gian ác của con người cũng không ra ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa. Một cách nào đó, chỉ có mình Thiên Chúa biết, Ngài cho phép có sự ác nhưng cuối cùng Ngài xoay chiều cái ác thành cái thiện (St 50, 20). Mầu nhiệm này đạt đến đỉnh điểm trong cái ác lớn nhất mà con người đã làm: giết Người Con chí ái của Thiên Chúa trên Thánh giá. Thiên Chúa đã biến đổi hành động này thành sự thiện (“Thiên Chúa trong sự quan phòng toàn năng có thể rút sự lành từ hậu qủa của một sự dữ, cho dù là sự dữ luân lưu do thụ tạo gây nên: "Giu-se nói với anh em: không phải các anh đă đưa đẩy tôi đến đây nhưng là Thiên Chúa, ... sự dữ mà các anh đă định làm cho tôi, ý định của Thiên Chúa đă chuyển thành sự lành... để cứu sống một dân đông đảo" (St 45, 8; 50, 20). Từ việc Ít-ra-en chối bỏ và hạ sát Con Thiên Chúa là sự dữ luân lý lớn nhất chưa từng có do tội lỗi của mọi người gây nên, Thiên Chúa đă rút ra được sự lành lớn nhất do sự sung mãn của ân sủng (Rm 5, 20): Đức Ki-tô được tôn vinh và chúng ta được cứu chuộc. Tuy nhiên không vì thế mà cái xấu trở thành cái tốt được.” – GL/HTCG, số 312).
Còn vấn đề tiền định ở đây cũng không phải là định mệnh. Tiền định chỉ có nghĩa là Thiên Chúa biết trước (tiên liệu) và đưa ra quyết định ứng phó, hóa giải (Vd: Khi dựng nên loài người và ban cho sự tự do, Thiên Chúa đã tiên liệu con người sẽ phạm tội, nên Người hoạch định công trình cứu độ và cho con người được cộng tác vào công trình ấy, như trường hợp Đức Maria được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa và đồng công cứu chuộc nhân loại). Giáo lý HTCG (số 1037) dạy: "Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục. Ai tự ý lìa bỏ Thiên Chúa bằng một tội trọng và chai lì đến cùng, sẽ phải xuống hỏa ngục. Trong phụng vụ Thánh Thể và trong kinh nguyện hằng ngày của tín hữu, Hội Thánh khẩn cầu Thiên Chúa từ bi, Ðấng "không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người ăn năn hối cải (2 Pr 3, 9)”. Con người là thụ tạo nhưng được hoàn toàn tự do sống theo ý mình, không hề bị ép buộc theo một khuôn khổ định sẵn.
Vấn đề con người được tư do đã được Công Đồng Va-ti-ca-nô II – thông qua Hiến chế về Mục Vụ “Gaudium et Spes” – khẳng định: “Chỉ trong tự do con người mới có thể hướng về sự thiện ... nhân cách con người đòi con người phải hành động theo sự chọn lựa có ý thức và tự do ...” (GS, số 17); “Vì nhờ những phẩm cách nội giới của mình, con người vượt trên toàn thể mọi thứ vật chất. Con người chỉ thấu triệt thực thể này khi nào con người đi vào trái tim mình, Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn, đang chờ đợi con người nơi trái tim họ; tại đó chính con người tự định đoạt lấy vận mệnh mình dưới mắt Thiên Chúa” (GS 14); “Tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất hình ảnh Thiên Chúa trong con người” (GS 17). Rõ ràng Thiên Chúa sáng tạo con người theo “hình ảnh Thiên Chúa.” (St 1,26) là đã cho con người được hoàn toàn tự do. Một bằng chứng hiển nhiên: Vì con người được hoàn toàn tự do nên mới làm theo sự cám dỗ của ma quỷ để sa vòng tội lỗi (St 3, 1-24).
Quả thực vấn đề số mệnh, định mệnh đã làm khổ con người không ít. Người Ki-tô hữu lại càng cần phải hiểu thấu đáo vấn đề. Không bao giờ có chuyện “Chúa định cho tôi phải thế này, phải thế kia, phải tán gia bại sản, phải vào tù, phải bán vợ đợ con v.v… và v.v…”. Con người được hoàn toàn tự do lựa chọn cho mình một con đường sống “hoặc làm tôi Thiên Chúa hoặc làm tôi tiền của vật chất” (Mt 6, 24; Lc 16, 13). Đọc và suy niệm bài đọc 1 hôm nay (CN XXVI/TN-A – Ed 18, 25-28), vấn đề sẽ được khai thông. Vâng, nếu tất cả đều do “Trời định”, “Chúa định”, thì sao lại có vụ một người công chính đi làm điều gian ác để đến nỗi phải chết? Còn kẻ gian ác thì “từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh” để “chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết”? Cuối cùng thì chính Thiên Chúa lại nói: “Quả thật, Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. Vậy hãy trở lại và hãy sống” (Ed 18, 32).
Chúa có định cho một người công chính mà lại “theo đòi kẻ gian ác làm mọi điều ghê tởm” hay không? Hoàn toàn không, trăm ngàn lần không. Hắn đã tự ý làm vì bị mê hoặc, cám dỗ mả hắn không tự biết. Khi hắn bị hình phat, Thiên Chúa cũng chẳng vui gì, mà trái lại nữa là khác. Còn đối với kẻ gian ác, Chúa cũng chỉ khuyên bảo răn đe, hoàn toàn không ép buộc phải thế này hay thế khác. Khi kẻ gian ác hiểu ra những sai phạm của mình, sẵn sàng từ bỏ điều dữ mà thi hành điều công minh chính trực; được như vậy, nó sẽ sống, tất nhiên. Chính vì thế, nên Thiên Chúa mới mời gọi và khuyên răn: “hãy trở lại và hãy sống”. Cho nên có thể nói, con người đã tự định đoạt số phận của mình. Chẳng ai bắt anh phải làm thế này, buộc anh phải sống thế kia, tất cả đều do anh tự chọn và quyết định cho cuộc đời của mình.
Tiếp tục suy niệm bài Tin Mừng hôm nay trình thuật dụ ngôn “Hai người con” (Mt 21, 28-32), thấy rõ hai người con này tự quyết định theo ý mình trước lời kêu gọi của người cha. Người con thứ nhất lúc đầu thì từ chối, nhưng sau đó lại vào làm, còn người thứ hai thì mau mắn nhận lời nhưng sau đó lại không đi. Đọc tới đây, ai cũng hiểu ngay con người sống trên đời luôn có tự do và Thiên Chúa tôn trọng sự tự do đó của con người. Chính người con thứ nhất, cứ tưởng anh ta sẽ không đi làm theo ý cha vì anh ta đã thẳng thắn từ chối, nhưng rồi anh lại đi. Còn người con thứ hai thì mau mắn đáp lời cha, ai chẳng cho rằng anh ta sẽ thi hành ý cha cách tốt đẹp, vậy mà rốt cuộc thì lại trốn tránh. Cá hai trường hợp đều rơi vào cảnh “ngôn hành bất nhất” (“lời nói không đi đôi với việc làm”), nhưng xét cho cùng, người con thứ nhất mới là người đáng để cho người khác học hỏi.
Cũng vì đám thượng tế và kỳ mục Do-thái vặn hỏi Đức Giê-su về quyền bính của Người (Mt 21, 23-27), nên sau đó Người tiếp tục kể cho họ nghe dụ ngôn “Hai người con”. Kể dụ ngôn, nhưng Đức Giê-su không kết luận, mà đặt câu hỏi: “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” (Mt 21, 31) để người nghe tự đưa ra kết luận. Đáng lẽ Đức Giê-su căn cứ vào câu trả lời của nhóm người này, dạy bảo họ “hãy trở lại và hãy sống”, thì Người lại nói tới bọn gái điếm và thu thuế vốn bị coi là tội lỗi, là những người sẽ “vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.” (Mt 21, 31-32).
Quả thật đây là một cái tát cực mạnh vào đám người huênh hoang tự phụ, hay đứng ở ngã ba ngã tư, khua chiêng đánh trống (Mt 6, 1-6); hoặc thích “ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy… đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi". (Mt 23, 2-7) Đó là những tên lẻo mép, chỉ biết nói mà không thèm làm, hệt như người con thứ hai trong dụ ngôn ("Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa! " là được vào Nước Trời cả đâu!" – Mt 7, 22; “Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.” – Mt 23, 1-3).
Chung quy thì cũng chỉ vì anh nói thì hay lắm, rất hay; nhưng anh lại không làm được đúng như điều anh đã nói. Một cách cụ thể, anh không tin vào những điều anh nói – không tin cả chính mình – như vậy thì sao có thể gọi là những người đi nói cho kẻ khác tin? Còn người thu thuế và gái điếm, thì vì họ biết nhìn lại mình, biết mình là người tội lỗi và biết tin vào người chỉ dẫn cho mình đường ngay lẽ phải, chính nhờ vậy mà họ thành công. Thật rõ ràng như hai với hai là bốn: “Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình” (Ed 18, 26-27).
Ôi, lạy Chúa! Chẳng phải nói ai khác, mà chính bản thân con, từ trong sâu thẳm lòng mình, cũng đã hơn một lần con thèm muốn được như đám thượng tế, kỳ mục, kinh sư Do-thái, cho dù sau đó có bị án phạt thì cũng cam lòng (“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, Còn hơn buồn le lói suốt năm canh” – Xuân Diệu). Thế đấy! Con cũng chỉ là một con người tầm thường, bé nhỏ, mỏng giòn, chỉ biết suy tính theo cái tư tưởng bất toàn của loài người. Lời nói của con không đi đôi với việc làm, mà nhiều khi còn đối kháng với hành động của con. Điều đó lại càng chứng tỏ chúng con đã được Chúa ban cho sự tự do đến gần như tuyệt đối, con đã lợi dụng sự tự do đó mà làm nô lệ cho tội lỗi mà không tự biết.
Quả thật “Khi còn là nô lệ tội lỗi, anh em được tự do không phải làm điều công chính. Bấy giờ anh em thu được kết quả nào, bởi làm những việc mà ngày nay anh em phải xấu hổ? Vì rốt cuộc những việc ấy đưa đến chỗ chết.” (Rm 6, 20-21). Chính vì thế, cúi xin Chúa soi lòng mở trí cho con, thêm sức cho con biết luôn luôn “nhìn lại mình” để chiến thắng chính mình trước đã, và biết luôn luôn đem Lời Chúa dạy ra thực hành với châm ngôn “Đừng làm chỉ vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.” (Pl 2, 3-5). Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết: