Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Gia đình, tiền đồn truyền giáo

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

TÂN PHÚC-ÂM-HÓA GIA ĐÌNH

 

GIA ĐÌNH – TIỀN ĐỒN TRUYỀN GIÁO

 

 

DẪN NHẬP:

 

Trong “Một gợi ý Mục vụ TÂN PHÚC-ÂM-HÓA ĐỂ THÔNG TRUYỀN ĐỨC TIN – PHÚC-ÂM-HÓA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH”, Ủy ban Mục vụ Gia đình (Hội Đồng Giám Mục Việt Nam) viết: “Qua Thư Chung của HĐGMVN ngày 10.10.2013, các Đức Giám mục kêu gọi Cộng đoàn Dân Chúa tại Việt Nam tích cực tham gia vào công cuộc Tân Phúc-Âm-Hóa trong kế hoạch ba năm 2014-2016. Đặc biệt, “trong năm 2014 sắp tới, chúng ta hãy cùng nhau Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ Loan báo Tin mừng. Hội Thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa và mỗi gia đình Ki-tô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình”.

 

“Để các gia đình, trong các cộng đoàn giáo xứ, cùng nhau suy tư, cử hành và sống lời kêu gọi trên của các vị mục tử, chúng tôi xin giới thiệu các đề tài về tình yêu-hôn nhân-gia đình sau đây như một gợi ý mục vụ cho 12 tháng của năm tới.” Tiếp theo là bảng liệt kê 12 chủ đề mục vụ dành cho năm Phụng vụ 2014 (12/2013-11/2014). Chủ đề số 11 (dành cho tháng 10/2014) là “Gia đình – ‘Tiền đồn của truyền giáo’ – tham gia sứ vụ Phúc Âm hóa bằng cách ra đi đến với anh em lương dân.”

 

Vì sao lại coi gia đình là “Tiền đồn Truyền giáo”? Trước hết cần tìm hiểu xem “truyền giáo” là gì?

 

I.- TRUYỀN GIÁO LÀ GÌ?

 

Theo Bách Khoa Từ điển thì Truyền giáo là “truyền bá tín ngưỡng một tôn giáo cho những người khác, trong nước hay ngoài nước. Truyền giáo là công việc của mọi tôn giáo, nhưng có tổ chức, có quy mô nhất là việc Truyền giáo của Đạo Ki-tô.” Sở dĩ Ki-tô giáo được coi là “truyền giáo có tổ chức, có quy mô” chặt chẽ, vì chính Đấng Sáng Lập Hội Thánh truyền dạy: "Vậy anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em để muôn dân trở nên môn đệ của Thầy. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 19-20). Lệnh truyền đó bắt nguồn từ tình yêu vô hạn của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, với mục đích tối hậu là làm cho loài người được cứu rỗi, nhờ hiệp thông với Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần.

 

Vì là truyền bá tín ngưỡng nên công việc truyền giáo đòi hỏi phải có chuyên môn, nói cách khác, những nhà truyền giáo phải được đào tạo chuyên sâu về tín ngưỡng mà mình muốn truyền bá cho người khác. Sắc lệnh Truyền Giáo “Ad Gentes” (số 6) giải thích: “Được gọi chung là “việc truyền giáo” tất cả những công cuộc đặc biệt giúp đỡ các nhà rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội đang đi khắp thế gian để thực hiện chức vụ rao giảng Phúc Âm, và “trồng” Giáo Hội vào các dân tộc, cũng như những nhóm người chưa tin Chúa Ki-tô; những công cuộc này được hoàn thành nhờ hoạt động truyền giáo, và phần nhiều được thực hiện trong những địa hạt nhất định mà Tòa Thánh đã công nhận.” Trước đây, ở Việt Nam vẫn quen gọi những “nhà rao giảng Phúc Âm” đó là những “thừa sai” của Giáo Hội.

 

Cũng vì thế, nên nhiều người vẫn cho rằng công việc truyền giáo là trách nhiệm của hàng giáo sĩ (linh mục, giám mục). Thực ra hoạt động truyền giáo không phải chỉ là truyền bá bằng lời nói, mà còn bằng cuộc sống chứng nhân (“Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” – Thông điệp Evangelii Nuntiandi”, số 41). Đó là lý do giải thích không chỉ có hàng giáo sĩ (là những “tư tế thừa tác”) mà là tất cả mọi Ki-tô hữu (những “tư tế cộng đồng) vì được tham dự vào chức vụ “ngôn sứ” của Chúa Giê-su, nên đều chung một sứ vụ truyền giáo.

 

Sắc lệnh về Truyền Giáo “Ad Gentes” (số 36) cũng chỉ rõ: “Tất cả các tín hữu vì là chi thể Chúa Ki-tô hằng sống, được tháp nhập vào Người và nên giống Người nhờ Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, nên họ có bổn phận phải cộng tác vào việc phát triển và bành trướng Thân Thể Người, để Thân Thể này được sung mãn càng sớm càng hay.” (xc thêm Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”, số 11; Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng “Evangelii Gaudium”, số 15.119-121). Tất cả những hành vi truyền bá Phúc Âm, rao giảng Tin Mừng, loan báo Tin Vui, Phúc Âm hóa đều nhắm đến mục đích tối hậu là Truyền Giáo “bởi vì đây là nhiệm vụ đầu tiên và căn bản của Hội Thánh” (Thông điệp truyền giáo “Redemptoris Missio”, số 34).

 

III.- SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO CỦA GIA ĐÌNH

 

Khi cử hành bí tích Hôn nhân, đôi bạn đã thề hứa trước Thiên Chúa và Hội Thánh, cam kết thi hành sứ vụ truyền sinh và truyền giáo “Bởi vì gia đình Ki-tô hữu dự phần vào sự sống và sứ mạng của Hội Thánh, một Hội Thánh đang kiên trì lắng nghe Lời Thiên Chúa với tâm tình tôn giáo và đang công bố Lời ấy với lòng tin cậy mãnh liệt, nên gia đình ấy sống vai trò ‘tiên tri’ (ngôn sứ) của mình bằng cách đón nhận và loan báo Lời Chúa; như thế gia đình ngày càng trở nên một cộng đồng tin và rao giảng Tin Mừng.” (Tông huấn về Gia đình “Familiaris Consortio”, số 51).

 

Tùy mức độ đón nhận Tin Mừng và trưởng thành trong đức tin, mà gia đình Ki-tô hữu trở nên một cộng đồng Tin Mừng hoá, đến độ có thể coi là một thừa tác vụ được trao cho những thừa sai loan báo Tin Mừng (“Thừa tác vụ Tin Mừng hoá của bậc cha mẹ Ki-tô hữu có tính cách độc đáo và không thể thay thế được… Cả đức tin và sứ mạng Tin Mừng hoá của gia đình Ki-tô hữu cũng có cái hơi thở thừa sai Công giáo như thế. Khi bí tích Hôn phối lấy lại và nêu lên một lần nữa bổn phận đã ăn rễ từ trong bí tích Rửa Tội và Thêm Sức là phải bảo vệ và truyền bá đức tin, bí tích ấy biến đôi bạn và cha mẹ Ki-tô hữu thành chứng nhân của Đức Ki-tô “cho đến tận cùng trái đất”, thành những vị “thừa sai” đích thực của tình yêu và sự sống.” – T/H Gia Đình, số 53-54)

 

          Điều đó cho thấy: Cũng như Hội Thánh, gia đình có nghĩa vụ tạo môi trường cho Tin Mừng được truyền đạt tới và từ đó Tin Mừng được lan toả ra. Khi đã ý thức về sứ mạng quan trọng này, mọi phần tử của gia đình đều được truyền giáo bởi những nhà truyền giáo (thừa sai) đầu tiên trong Hội Thánh tại gia. Nói cách cụ thể, cha mẹ chẳng những truyền thụ Tin Mừng cho con cái mà còn có thể nhận lại chính Tin Mừng ấy đã được sống sâu sắc từ phía con cái. Đó là chưa kể, khi một phần tử nào đó trong gia đình không có đức tin hoặc không sống phù hợp với đức tin. Lúc đó những phần tử khác trong gia đình phải đem lại cho người ấy một chứng tích sống động về đức tin của họ, để có thể thúc đẩy và nâng đỡ người ấy trên con đường tiến tới chỗ gắn bó trọn vẹn với Đấng Cứu Thế Giê-su Ki-tô trong Nhiệm Thể Người (Giáo Hội).

 

Và một gia đình như thế sẽ có sức Tin Mừng hoá không những trong phạm vi gia đình, mà còn lan tỏa ra môi trường chung quanh. Ấy cũng bởi vì “Đó là vai trò tư tế mà gia đình Ki-tô hữu có thể và phải chu toàn trong sự kết hiệp mật thiết với toàn thể Hội Thánh, qua những thực tại hằng ngày của đời sống hôn nhân và gia đình; bằng cách ấy, gia đình Ki-tô hữu được mời gọi tự thánh hoá và thánh hoá cộng đồng Hội Thánh và thế giới.” (T/H Gia Đình, số 55).

 

II.- VÌ SAO LẠI GỌI GIA ĐÌNH LÀ “TIỀN ĐỒN TRUYỀN GIÁO”?

 

Theo từ nguyên thì “tiền đồn” ( 前 哨 ) là: Vị trí ở phía trước có nhiệm vụ chiến đấu và bảo vệ địa phương. Trong quân đội, đại bản doanh đơn vị đóng ở một điểm cố định (căn cứ địa), thì rất cần xây dựng những đồn bót (lô-cốt) ở phía trước (gọi là “tiền đồn”) để biết trước và kịp thời ngăn chặn địch quân. Vì thế, ngoài đội quân canh giữ doanh trại, đơn vị tác chiến còn cần có một đội quân chuyên đi “nằm tiền đồn”.

 

Khi Đức Giê-su sai môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Người đã tiên báo: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.” (Lc 10, 3). Người còn nói rõ hơn: “Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.” (Lc 21, 16-18). Điều đó cho thấy người được sai đi truyền giáo coi như một chiến sĩ xung trận. Muốn thi hành sứ vụ, người chiến sĩ ấy phải “đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa.” (Ep 6, 14-17).

 

Đó phải chăng là đội ngũ chiến sĩ Ki-tô khi thi hành sứ vụ “đem Tin Mừng đến cho mọi loài thụ tạo”? Đại bản doanh của đoàn quân đó chính là Giáo Hội, và như thế, thì Giáo Hội tại gia chính là “Tiền đồn Truyền giáo”. Ấy cũng bởi vì “mọi phần tử của gia đình đều Phúc Âm hoá và đều được Tin Mừng hoá. Cha mẹ chẳng những truyền thụ Tin Mừng cho con cái mà còn có thể nhận lại chính Tin Mừng ấy đã được sống sâu sắc từ phía con cái. Và một gia đình như thế sẽ có sức Tin Mừng hoá nhiều gia đình khác và cả môi trường chung quanh.” (Tông huấn Loan báo Tin Mừng “Evangelii Nuntiandi”, số 71). Một bằng chứng hiển nhiên là ngay từ thời gian đầu, khi hạt giống Tin Mừng được gieo trên mảnh đất hình cong chữ S, những “Tiền đồn Truyền Giáo” tại Việt Nam đã sống Đạo “bằng gương lành và chứng tá, làm cho thế gian nhận biết tội lỗi mình, đồng thời sáng soi những kẻ đang kiếm tìm chân lý.” (Hc “Lumen Gentium”, số 35). Và vì thế nên Đạo Công Giáo đã được những anh em không cùng tín ngưỡng – kể cả những anh em vô thần – gọi là Đạo Yêu Thương, Đạo Bác Ái.

 

IV.- SỰ HỢP TÁC HỖ TƯƠNG GIỮA GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐOÀN KI-TÔ GIÁO

 

          Khởi đầu sứ vụ hôn nhân, cái nôi truyền giáo phát sinh cộng đoàn Ki-tô hữu (cha me + con cái). Gọi gia đình là xã hội thu nhỏ, là Hội Thánh tại gia chính là vì thế. Và từ nền tảng đó, Dân Chúa triển nở ra môi trường rộng hơn là những hội đoàn, giáo xứ, giáo phận (Giáo Hội địa phương), như những cành nho của một cây nho sum suê cành lá là Nhiệm Thể Chúa Ki-tô (Giáo Hội toàn cầu). “Như thế toàn thể cộng đoàn cầu nguyện, cộng tác và hành động giữa muôn dân nhờ những người con đã được Thiên Chúa tuyển chọn vào chức vụ rất quan trọng này. Cũng sẽ rất hữu ích, miễn là để đừng xao lãng công việc truyền giáo phổ quát, nếu giữ được mối liên lạc với những nhà truyền giáo xuất thân từ chính cộng đoàn, hoặc với một giáo xứ hay giáo phận nào đó trong các xứ truyền giáo, để mối thông hiệp giữa các cộng đoàn trở nên hữu hình và đi đến chỗ xây dựng cho nhau.” (Sắc lệnh Truyền Giáo “Ad Gentes”, số 37).

 

          “Các cộng đoàn trở nên hữu hình và đi đến chỗ xây dựng cho nhau” đã nói lên đầy đủ Ơn Cứu Độ không thể lớn lên trong các cộng đoàn nếu mỗi cộng đoàn không mở rộng phạm vi bác ái đến tận cùng trái đất và không lo lắng cho những kẻ ở xa giống như cho những người thuộc cộng đoàn mình. Nói cách khác, sự liên đới trách nhiệm, hỗ tương hoạt động trong công cuộc truyền giáo đòi hỏi các cộng đoàn tín hữu nỗ lực gắn kết chặt chẽ với nhau để thực sự trở nên muối, men và ánh sáng cho trần gian. Vâng,  “Nỗ lực ấy phải dẫn đến một tiến trình hội nhập văn hóa, nhằm mục đích làm cho Tin Mừng nhập thể trong nền văn hóa các dân tộc (x. RM. 52-54). "Đối với con người các đoàn thể hay dân tộc, Hội Thánh chỉ tiếp xúc và thâm nhập dần dần và như thế đảm nhận họ vào hưởng sự sung mãn công giáo" (AG 6).” (Giáo lý HTCG, số 854).

         


KẾT LUẬN:

 

          Tài liệu chuẩn bị Đại hội chung ngoại thường lần thứ ba của Thượng Hội đồng Giám mục (số 1) cho biết: “Ngày nay, có những hoàn cảnh chưa từng có cho đến những năm cuối này, từ tình trạng ngày càng phổ biến các cặp sống chung tự do không ràng buộc bởi kết hôn, và thậm chí có khi loại trừ cả ý tưởng hôn nhân, cho đến tình trạng sống chung giữa những người đồng tính…; hôn nhân hỗn hợp hay khác tôn giáo; hệ thống các giai cấp xã hội; nền văn hóa phi dấn thân và các mối liên kết được giả định không bền vững; những hình thức chủ nghĩa nữ quyền thù địch với Giáo Hội; những hiện tượng di dân và định nghĩa lại ý niệm gia đình; chủ nghĩa đa nguyên tương đối trong quan niệm về hôn nhân; những trào lưu tư tưởng khơi dậy những kiến nghị về lập pháp hạ thấp giá trị về tính trường tồn và chung thủy của hôn nhân… Thế nhưng trước hết ở ngay trong phạm vi Giáo Hội theo nghĩa hẹp, đức tin bị suy giảm hay từ bỏ, nhất là niềm tin vào tính bí tích của hôn nhân và tin vào quyền năng chữa lành của bí tích sám hối.”

 

Như vậy thì lệnh truyền “anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất." (Cv 1, 8) càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Người Ki-tô hữu thi hành sứ vụ truyền giáo, không chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, mà phải là "đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16, 15). Nói cách cụ thể, mỗi gia đình Ki-tô giáo phải ý thức gia đình mình là một “Tiền đồn truyền giáo” – tham gia sứ vụ Phúc Âm hóa bằng cách ra đi đến với anh em lương dân”, sẵn sàng dấn thân thi hành sứ vụ trọng đại mà Đức Hôn Phu Giê-su Ki-tô đã trao cho Hiền Thê Giáo Hội.

 

Để đạt hiệu quả tốt, tất cả những “Tiền đồn Truyền Giáo” hãy ghi nhớ công ơn tuyệt đỉnh của Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội, Mẹ các gia đình và từng cá thể Ki-tô hữu – khi chấp nhận “xin vâng” làm cầu nối hữu hiệu nhất, đắc lực nhất giúp đàn con cái đang trên đường lữ thứ trần gian, đến cùng Trưởng Tử Giê-su Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ (“Ad Jesum, per Mariam”). Hãy cầu nguyện cùng Mẹ và với Mẹ cho gia đình mình, đồng thời cầu nguyện cho Đại hội Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới khóa Ngoại Thường được tiến hành tại Rô-ma từ ngày 5 tới 19/10/2014, về chủ đề “Các thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh của công cuộc loan báo Tin Mừng”.

 

Chính ĐTC Phan-xi-cô trong Thư gửi các Gia Đình ngày 25/02/2014 (phần cuối thư) đã viết: “Lời cầu nguyện của các bạn dành cho Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ là một kho tàng quý giá làm phong phú Giáo Hội. Tôi gửi lời cảm ơn các bạn và tôi cũng xin các bạn hãy cầu nguyện cho tôi để tôi có thể phục vụ Dân Chúa trong chân lý và tình yêu. Mong Đức Mẹ Maria và Thánh Giu-se luôn bao bọc chở che các bạn và giúp các bạn bước đi, kết hiệp trong tình yêu và trong sự phục vụ lẫn nhau. Tôi ưu ái ban phép lành của Thiên Chúa cho từng gia đình.” Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.