Vườn nho giao ước
VƯỜN NHO GIAO ƯỚC
(CN XXVII/TN-A)
Sau khi đám thượng tế, kinh sư, kỳ mục chất vấn Đức Giê-su về thẩm quyền của Người (Mt 21, 23-27), thì Người kể cho họ nghe liên tiếp 2 dụ ngôn “Hai người con” và “Những tá điền sát nhân”. Bài Tin Mừng tuần trước (CN XXVI/TN-A – Mt 21, 28-32) trinh thuật dụ ngôn “Hai người con”: Người cha sai hai đứa con vào làm vườn nho của ông. Bài Tin Mừng hôm nay (CN.XXVII/TN-A – Mt 21, 33-43) trình thuật tiếp dụ ngôn “Những tá điền sát nhân” cũng liên quan đến vườn nho. Ngoài ra, Đức Giê-su còn kể dụ ngôn “Thợ làm vườn nho” (Mt 20, 1-16), và Người còn tự xưng “Thầy là cây nho và anh em là cành” (“Cây nho thật” – Ga 15, 1-9). Vì sao lại có nhiều sự kiện liên quan đến vườn nho như vậy? Cũng bởi vì dân It-ra-en được Thiên Chúa tuyển chọn và coi như một vườn nho được Người chăm sóc, bảo vệ. Bài đọc 1 hôm nay (“Bài ca vườn nho” – Is 5, 1-7) là một ví dụ. Không phải chỉ một mình ngôn sứ Isaia ví Dân Chúa là vườn nho, mà ngôn sứ Hô-sê cũng gọi Ít-ra-en là cây nho um tùm, trổ ra hoa trái (Hs 10, 1); đến ngôn sứ Giê-rê-mi-a còn sử dụng hình ảnh này nhiều hơn (Gr 2, 21; 5, 10; 6, 9; 12, 10); và Ê-dê-ki-en cũng không tiếc lời (Ed 15, 1-8; 17, 3-10; 19, 10-14).
Trong “Bài ca vườn nho”, ngôn sứ Isaia khẳng định: “Vườn nho của ĐỨC CHÚA các đạo binh, chính là nhà Ít-ra-en đó; cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, ấy chính là người xứ Giu-đa.” (Is 5, 7). Điều đó cho thấy vườn nho It-ra-en là Dân Giao Ước, Dân của mối tình thắm thiết mà Thiên Chúa đã dành cho dòng dõi Ap-ra-ham. Người đã không tiếc với họ một tí gì. Không những thế, như người trồng nho cần cù, Người đã vỡ đất, nhặt đá trước khi đem trồng một thân nho đan tử, rồi còn cất tháp canh và khoét sẵn một bồn đạp nho. Người đã làm tất cả mọi việc với chan chứa hy vọng vườn nho sẽ sinh hoa kết trái tốt tươi. Thật vậy, ngay từ đầu Thiên Chúa đã muốn cho dòng dõi Ap-ra-ham nhiều như sao trên trời và như cát ngoài biển (St 22, 17), Người mong muốn mọi dân nhờ đấy mà được hưởng phúc.
Thật đáng tiếc, vườn nho It-ra-en lại trổ sinh toàn một thứ “nho dại”. Điều tất yếu xảy ra là ông chủ sẽ “hàng giậu thì chặt phá cho vườn bị tan hoang, bờ tường thì đập đổ cho vườn bị giày xéo. Tôi sẽ biến thửa vườn thành mảnh đất hoang vu, không tỉa cành nhổ cỏ, gai góc mọc um tùm; sẽ truyền lệnh cho mây đừng đổ mưa tưới xuống.” (Is 5, 5-6). Ngụ ý của tác giả thật rõ ràng: Thiên Chúa “những mong họ (dân It-ra-en) sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than.” (Is 5, 7). Nhìn theo nhãn quan trần thế thì tất nhiên cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sẽ giáng xuống It-ra-en, vì quả thật thời Lưu Đày ở Ba-by-lon đã xảy ra (vào khoảng thế kỷ VI trước công nguyên). Tuy nhiên, Thiên Chúa là Đấng "không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người ăn năn hối cải (2 Pr 3, 9)”, bởi “Quả thật, Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. Vậy hãy trở lại và hãy sống” (Ed 18, 32). Và vì thế, Người mới giao vườn nho cho những tá điền chăm sóc. Tới đây thì lại bước vào thời điểm của dụ ngôn “Những tá điền sát nhân” (Mt 21, 33-43) ứng nghiệm.
Để vườn nho tự phát triển thì vườn nho sinh toàn nho dại. Tức giận và triệt phá vườn cho thành đất hoang vu, ông chủ cũng chẳng vui thích gì. Cuối cùng, vườn nho được giao cho tá điền canh tác với hy vọng sẽ bội thu hoa lợi. Đến mùa thu hoạch, chủ vườn nho sai đầy tớ đến để thu hoa lợi. Bọn tá điền không thèm đếm xỉa đến các đầy tớ, đánh người này, giết người kia. Sau cùng ông chủ sai con trai mình đến, hy vọng chúng sẽ nể con ông. Thế nhưng, các tá điền giết luôn cả người con, nghĩ rằng giờ đây chúng sẽ có thể chiếm đoạt được vườn nho. Kể tới đây thì Đức Giê-su bất ngờ đặt câu hỏi: “Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?" Đám thượng tế với tâm địa chẳng tốt lành gì, đồng thời lại được giáo dục bởi một lề luật “mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân…” (Xh 21, 23-25), nên ngay lập tức họ trả lời: "Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông."
Đám người Do-thái trả lời mà không ý thức được “mình đang phán xét, đang kết án chính mình”, bởi đám tá điền sát nhân đó không ai khác hơn là chính đám người đang nghe dụ ngôn và trả lời câu hỏi của Đức Giê-su; họ sẽ nhận được bản án mà chính họ đã đưa ra. Vì đám người này chuyên vỗ ngực xưng mình là người thông thạo lề luật, nắm vững Kinh Thánh trong lòng bàn tay, nên Đức Giê-su đã đặt một câu hỏi châm biếm (“Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao?”) để lái câu chuyện theo ý của Người là dẫn lời Thánh vịnh 118 (câu 22-23), nhằm xác định chính Người là con trai ông chủ: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của CHÚA, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.” Như vậy thì Vườn nho ấy chính là “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi. Ai ngã xuống đá này, kẻ ấy sẽ tan xương; đá này rơi trúng ai, sẽ làm người ấy nát thịt." (Mt 21, 43-44).
Rõ ràng đây là một cơ hội tốt để các nhà lãnh đạo tinh thần Do-thái giáo thức tỉnh và hối cải (“trở lại và hãy sống” – Ed 18, 32), nhưng vì họ không tin vào ngụ ý trong dụ ngôn thức tỉnh họ, nên đã từ chối và tiếp tục theo con đường mù quáng, đi tới chỗ thực hiện đúng như lời dụ ngôn tiên báo: Không chỉ tàn sát các tôi tớ của ông chủ (những ngôn sứ Thiên sai), mà còn giết luôn cả con ông chủ (Đức Giê-su Con Thiên Chúa). Con ông chủ vườn nho – “Tảng đá” bị thợ xây (là những tá điền sát nhân) loại bỏ; không ngờ “lại trở nên đá tảng góc tường” làm nền móng cho Vườn Nho Giao Ước Mới, và “Đó chính là công trình của CHÚA, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.” (Tv 118, 23). Đâu ai có thể ngờ được con ông chủ bị giết chết lại trở thành ơn cứu rỗi cho vườn nho, viên đá tảng bị loại bỏ lại trở thành Nền Móng kiên cố xây dựng Vườn Nho Nước Chúa vĩnh hằng.
Thật là mầu nhiệm, thật là kỳ diệu, ngay cả những hành động gian ác của con người lên đến đỉnh điểm cũng không ra ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa – Người cho phép có sự ác nhưng cuối cùng Người xoay chiều cái ác thành cái thiện (“Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt” – St 50, 20). Giáo Lý HTCG (số 312) đã lý giải rõ ràng: “Thiên Chúa trong sự quan phòng toàn năng có thể rút sự lành từ hậu qủa của một sự dữ, cho dù là sự dữ luân lưu do thụ tạo gây nên: "Giu-se nói với anh em: không phải các anh đã đưa đẩy tôi đến đây nhưng là Thiên Chúa, ... sự dữ mà các anh đã định làm cho tôi, ý định của Thiên Chúa đã chuyển thành sự lành... để cứu sống một dân đông đảo" (St 45, 8; 50,20). Từ việc Ít-ra-en chối bỏ và hạ sát Con Thiên Chúa là sự dữ luân lý lớn nhất chưa từng có do tội lỗi của mọi người gây nên, Thiên Chúa đă rút ra được sự lành lớn nhất do sự sung mãn của ân sủng (Rm 5, 20): Đức Ki-tô được tôn vinh và chúng ta được cứu chuộc. Tuy nhiên không vì thế mà cái xấu trở thành cái tốt được.”
Đức Giê-su kể dụ ngôn này để cảnh cáo các nhà lãnh đạo tinh thần Do-thái giáo, đồng thời cũng để nhắc nhở tất cả mọi tín hữu: Tội nặng nhất của các tá điền không những là từ chối đón tiếp, mà còn giết hại những người được ông chủ sai đến. Trước những tá điền bất trung và sát nhân, ông chủ vẫn cứ kiên nhẫn, sai hết người này đến người nọ, ngày càng nhiều hơn và cuối cùng sai chính con của mình đến với họ. Chung quy thì tội ấy bắt nguồn từ chỗ họ muốn chiếm lấy vườn nho. Nói cách khác, các tá điền (những thượng tế, kinh sư, kỳ mục Do-thái) đã “dĩ công vi tư” (lấy chuyện công làm chuyện riêng) muốn chiếm hữu cả vườn nho để tỏ ra là mình quan trọng, là tạo một ảnh hưởng có lợi cho bản thân. Đó phải chăng là họ đang phục vụ chính mình dưới cái vỏ bề ngoài là sự tận tụy và đạo đức phục vụ công ích?
Bài học rút ra được cho người tín hữu ngày hôm nay là tùy theo phận vụ của mình trong Giáo Hội, mỗi Ki-tô hữu là những tá điền được Chúa ủy thác làm vườn nho Giao Ước Mới của Chúa là xây dựng Nước Trời, xây dựng Giáo Hội thành cộng đoàn hiệp nhất yêu thương. Hãy thẳng thắn nhìn lại bản thân xem mình có làm vì lợi ích Nước Trời, vì lợi ích cho anh em hay chỉ vì quyền lợi của cá nhân mình? Làm công tác Tông đồ bác ái có thật lòng hay chỉ thích đứng ở ngã ba ngã tư, súng sính trong trang phục lộng lẫy, khua chiêng gõ mõ ồn ào (Mt 6, 1-6) cốt cho thiên hạ thấy mình là nhân vật quan trọng? Yêu cầu tất yếu dành cho tất cả mọi thành phần tá điền (lớn nhỏ tuỳ từng nhiệm vụ) là phải biết luôn luôn nhìn lại mình xem có thực sự xứng đáng với trách vụ của mình được Chủ vườn nho uỷ thác, hay không.
Vì Tình Yêu, Ông Chủ vườn nho luôn đối xử rất công bằng với tất cả, vậy không còn lý do nào để biện mình cho những cá tính kiêu ngạo, đố kỵ, ghen tức, hận thù; mà phải là “sống hiền hoà rộng rãi… và trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su. Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý. Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em” (Pl 4, 5-9).
Cuối cùng thì xin hãy “Sống khiêm nhường và bác ái trong cộng đoàn” (Rm 12, 3-13), “Bác ái đối với mọi người, kể cả thù địch” (Rm 12, 14-21). Ấy cũng bởi vì và trên tất cả “Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình. Mỗi người chúng ta hãy chiều theo sở thích kẻ khác, vì lợi ích của họ, và để xây dựng. Thật vậy, Đức Ki-tô đã không chiều theo sở thích của mình; trái lại, như có lời chép: Lời kẻ thoá mạ Ngài, này chính con hứng chịu. Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy.” (Rm 15, 1-4). Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: