Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sống đạo giữa đời

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI                              

(CN XXIX/TN-A – KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO)

 

Khi thấy Chúa Giê-su làm nhiều phép lạ, chữa khỏi bệnh cho nhiều người, được dân chúng tung hô và đi theo rất đông, nhóm người Pha-ri-sêu quyết định tiêu diệt Người cho bằng được (Mt 22, 15 ; Lc 22, 2). Để có thể thực hiện âm mưu đó, họ đã nghĩ ra nhiều cách, mà một trong những cách đó là gài bẫy Người. Đã từng có chuyện gài bẫy Đức Giê-su về việc ném đá người đàn bà ngoại tình (Ga 8, 2-11). Họ nói với Người: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?" Họ nghĩ rằng với câu hỏi hóc búa ấy, trả lời cách nào thì Đức Giê-su cũng dính trấu. Trả lời là cứ ném đá người phụ nữ thì mâu thuẫn, đi ngược với lời dạy của chính Người là phải yêu mến, tha thứ cho nhau kể cả kẻ thù của mình; không những thế, còn phạm luật Rô-ma (It-ra-en đang bị đế quốc Rô-ma đô hộ, chỉ những người đại diện cho luật pháp Rô-ma – như tổng trấn Phi-la-tô, chẳng hạn – mới được quyền kết án tử hình). Còn nếu tha, thì lại phạm luật truyền thống của It-ra-en là luật Mô-sê. Đằng nào cũng kẹt!

 

Nhưng chỉ với một câu trả lời "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." (Ga 8, 7), Đức Giê-su đã làm nhóm biệt phái hoàn toàn thất bại, lủi thủi bỏ đi. Thất bại nhưng vẫn ấm ức, nhóm người Pha-ri-sêu liền hợp cánh với phe Hê-rô-đê để một lần nữa gài bẫy Đức Ki-tô (bài Tin Mừng Chúa nhật XXIX/TN-A: "Nộp thuế cho Xê-da" – Mt 22, 15-21). Thực chất hai nhóm này vẫn đối nghịch nhau: nhóm thứ nhất là những người Pha-ri-sêu chỉ muốn bênh vực truyền thống sống đạo theo tổ tiên, nhưng về phương diện chính trị lại không chấp nhận sự hiện diện của người Rô-ma (tổng trấn Phi-la-tô) đang nắm quyền cai trị vùng đất Pa-les-tin dưới quyền của vua Hê-rô-đê do hoàng đế Rô-ma bổ nhiệm; nhóm thứ hai là những người theo và cộng tác với Hê-rô-đê, một vị vua không phải là người Do-thái, mà là người In-đu-mê-a. Nhưng để chống lại Chúa Giê-su, hai nhóm này đã liên kết với nhau để tìm cách gài bẫy Người.

 

Lần này họ chơi trò tung hứng, trước khi giăng bẫy, họ bốc thơm Đức Giê-su lên tận mây xanh: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta.” (Mt 22, 16). Chủ ý của họ chỉ là để Đức Giê-su khoái chí vì được khen nịnh, mà quên cảnh giác trước âm mưu thâm độc. Sau đó họ mới gài độ: "Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?" (Mt 22, 17). Nếu Đức Giê-su trả lời là nên nộp thuế thì sẽ bị họ kết án là ôm chân ngoại bang (đế quốc Rô-ma), quay lại làm hại dân tộc mình. Còn nếu bảo không, thì lại vướng vào tội chống đối chính quyền bảo hộ, chống lại vua Do-thái đương triều Hê-rô-đê (do hoàng đế Rô-ma phong tặng). Chỉ cần Đức Ki-tô trả lời là họ có cớ “xử” Người ngay.

 

Cả 2 lần, Đức Giê-su đều biết rõ tận tim đen bọn người Pha-ri-sêu chỉ muốn gài bẫy để có cớ làm tội Người, nhưng cả hai lần chúng đều thất bại thảm hại, tiu nghỉu như mèo bị cắt tai, bỏ đi một nước. Lần trước, khi nghe Đức Ki-tô nói: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi", thì: "Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi." (Ga 8, 8-9). Còn lần này, khi nghe Đức Ki-tô nói "của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa", thì: “Nghe vậy, họ ngạc nhiên và để Người lại đó mà đi” (Mt 22, 22). Ấy cũng bởi vì "Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!” (Mt 22, 19). Điều này chứng tỏ bọn người Pha-ri-sêu cũng chẳng khác gì Xa-tan cám dỗ Chúa trong sa mạc, bị Người quở mắng: "Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi"(Lc 4, 12).

 

Cứ kể với đám người Pha-ri-sêu, trả lời họ "của Xê-da, trả về Xê-da” đã là quá đủ; nhưng Đức Ki-tô còn đi xa hơn, sâu hơn, bởi ngoài đám người muốn thử thách Chúa, còn có những người khác là những môn đệ cùng với những kẻ tin và đi theo Người. Vì thế, Người tiếp tục dạy: “của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa". Của ai thì trả về cho người đó – rất công bằng và chí lý! Và đó chính là thông điệp: Hãy sống trọn hảo bổn phận của một công dân nước trần thế (đối với thế quyền), đồng thời với bổn phận công dân Nước Trời (thần quyền). Đức Giê-su không chỉ dạy bảo, khuyên nhủ, mà còn làm gương trong suốt cuộc sống tại trần gian, như việc nộp thuế đền thờ, Người đã dạy thánh Phê-rô: “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh" (Mt 17, 27). "Của Xê-da, trả về Xê-da” là vậy đó. Và chính những điều này đã khiến Phi-la-tô khi luận án đã phải thốt lên đến lần thứ ba: "Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết" (Lc 23, 22), rồi rửa tay để chứng tỏ mình không kết án người vô tội, và trao trả lại cho đám quan quyền Do thái xử án Đức Ki-tô.

 

Thông qua Lời Chúa hôm nay, bài học rút ra được cho ngưới tín hữu là hãy sống một cuộc sống chu toàn cả 2 bổn phận công dân nước trần thế và công dân Nước Trời. Và đó chính là sứ vụ sống chứng nhân, đem Tin Mừng đến cho mọi loài thụ tạo, hay nói cách ngắn gọn là sứ vụ “Truyền giáo” vậy. Vì thế, mỗi Ki-tô hữu phải biết sống tinh thần truyền giáo khởi đi từ lòng mến Chúa, yêu người tự nơi bản thân mình. Vì mến Chúa nên phải hăng say truyền giáo. Cũng vậy, vì yêu tha nhân nên sẵn sàng chia sẻ niềm vui với tha nhân. Tình yêu mến mời gọi chúng ta dấn thân một cách quảng đại để đem tình yêu Chúa nối kết tình người, đưa con người đến cùng Thiên Chúa và giúp con người xích lại gần nhau (“Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” – Cl 3, 14).

 

Với sứ vụ Truyền Giáo, nhiều người cứ cho là chỉ có hàng giáo sĩ học vấn uyên thâm mới có thể thuyết giảng được, còn giáo dân – nhất là giới bình dân ít học – thì làm sao mà rao giảng Phúc Âm cho nổi. Thực ra, vấn đề loan báo Tin Mừng cần phải được hiểu một cách cụ thể hơn. Tông huấn Loan báo Tin Mừng “Evangelii Nuntiandi” (số 70) đã dậy: “Chính vì giáo dân, với ơn gọi riêng trong việc sống giữa lòng thế giới và đảm nhận những công tác trần gian khác nhau nhất, mà họ phải thực hiện một hình thức đặc biệt trong việc truyền bá Phúc Âm hóa.”

 

Hình thức đặc biệt mà Tông huấn đề cập chính là: “đối với Giáo Hội, phương tiện thứ nhất của việc truyền bá Phúc Âm hóa là việc làm chứng bằng một đời sống Ki-tô hữu chân chính cho Thiên Chúa, được tỏ ra bằng mối hiệp thông không gì hủy hoại được, đồng thời cũng được tỏ ra bằng việc hy hiến cho tha nhân với một nhiệt tình vô hạn. "Con người tân tiến mong nghe những chứng nhân hơn là những thày dạy, và nếu họ có lắng nghe các thày dạy là bởi vì các vị thày này là những chúng nhân" (AAS, 66)… Bởi thế, bằng việc làm và đời sống của mình, Giáo Hội sẽ truyền bá phúc âm hóa cho thế giới, nói cách khác, bằng chứng tá sống động của mình trong việc trung thành với Chúa Giêsu - chứng tá khó nghèo và không dính bén, chứng tá tự do trước những quyền lực thế gian, tóm lại, chứng tá của sự thánh thiện.” Rõ ràng trọng tâm việc loan báo Tin Mừng chính là đời sống chứng tá, hơn là những lý thuyết cao siêu. Nói cách khác, đó phải là phương cách sống Đạo giữa đời một cách tốt đẹp vậy.

 

Trong sứ điệp ngày Khánh Nhật Truyền Giáo 2014 (số 5), ĐTC Phan-xi-cô cũng dạy: “Anh chị em thân mến, trong ngày Khánh Nhật Thế Giới Truyền Giáo này, tôi nghĩ đến tất cả các Hội Thánh địa phương. Chúng ta đừng để ai cướp mất niềm vui của việc loan báo Tin Mừng! Tôi mời anh chị em đắm mình trong niềm vui của Tin Mừng và nuôi dưỡng một tình yêu có sức soi sáng ơn gọi và sứ vụ của anh chị em. Tôi mong mỏi anh chị em nhớ lại, như trong một cuộc hành hương tâm linh, “tình yêu ban đầu” mà Đức Chúa Giê-su Ki-tô đã sưởi ấm tâm hồn tất cả mọi người, không phải để có một cảm giác nhớ nhung, nhưng để kiên trì trong niềm vui. Các môn đệ của Chúa kiên trì trong niềm vui khi họ ở với Người, khi họ làm theo Thánh Ý Người, và khi họ chia sẻ với những người khác đức tin, niềm hy vọng và đức ái của Tin Mừng.”

 

Tóm lại, người giáo dân được mời gọi nên thánh giữa đời thông qua ơn gọi Ki-tô hữu. Muốn được nên thánh giữa đời hãy sống Đạo giữa đời một cách trọn hảo, bởi Chúa không dạy ta hãy lánh xa đời, mà hãy đi vào đời “đem Tin Mừng đến cho muôn dân”. Chỉ có sống làm sao cho tốt Đạo đẹp đời mới thực sự đẹp lòng Thiên Chúa. Những ai sống được như vậy thì tất nhiên “Nước Trời là của họ”. Để có thể sống Đạo giữa đời cách tốt đẹp thì đừng quên chạy đến với “nhà Truyền Giáo đầu tiên và mẫu mực tuyệt đối vô song” là Đức Maria, học theo gương Mẹ như lời khuyên của Đức Giáo Hoàng trong sứ điệp ngày Khánh Nhật Truyền Giáo (nt): “Chúng ta hãy cầu xin cùng Đức Mẹ Maria, mẫu gương truyền giáo khiêm tốn và vui vẻ, để cho Hội Thánh trở nên một nhà cho nhiều người, một người mẹ cho tất cả các dân tộc và việc ra đời của một thế giới mới có thể xảy ra.”

 

Vâng, với chí nguyện “sống Đạo giữa đời” cách tốt đẹp, xin tất cả cùng nhất tâm thực hiện:

 

HÃY báo TIN MỪNG đến mọi nơi,

SỐNG ơn CỨU ĐỘ với muôn người,

LỜI Người ÁNH SÁNG xua tăm tối,

CHÚA chính TÌNH YÊU của đất trời.

THÁNH đức hồng ân luôn tỏa sáng, 

THIỆN tâm chia sẻ chẳng hề vơi,

ĐẸP ĐỜI  ấy mới là tiêu chí,

TỐT ĐẠO nên gương chiếu rạng ngời.

Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.