Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa

Tác giả: 
Lm Vinh Sơn

Chúa Nhật XXIX Thường Niên A

CỦA THIÊN CHÚA TRẢ CHO THIÊN CHÚA

Is 45,1.4-6; 1Tx 1,1-5b; Mt. 22,15-21

 

 

Vào thời Chúa Giêsu - những năm 30, nước Israen bị đặt dưới ách thống trị của Đế Quốc Rôma - La Mã  hoàng đế là César Tiberius, Dân Do thái phải nộp thuế cho chính quyền Rôma. Có ba thứ thuế: thuế điền thổ, thuế lợi tức  và thuế thân. Luật thuế thân qui định mọi người nam nữ từ 14 đến 65 tuổi đều phải đóng một denier, tương đương với lương công nhật của một người. Đó là thuế mà nhóm Biệt Phái và Hêrôđê chất vấn Chúa Giêsu có nên nộp thuế cho hoàng đế không.

 

Nhóm Biệt phái chủ trương dân tộc ái quốc chống nhà cầm quyền Đế quốc không muốn nộp thuế và nhóm Hêrôđê thân chính quyền đô hộ để trục lợi ủng hộ việc nộp thuế. Bình thường, hai nhóm này chống đối nhau, nhưng hôm nay cùng nhau tìm phương thế án hại Chúa Giêsu với một câu hỏi hóc búa về vấn đề nộp thuế. Họ đưa Chúa Giêsu vào thế gọng kìm: một là bị nhà cầm quyền Roma bắt nếu nói không nộp thuế, hai là mất uy tín với dân chúng vì là người phản quốc nếu tuyên bố phải nộp thuế...

 

Trước gọng kìm tiến thoái lưỡng nan, Đức Giêsu truyền đưa đến đồng tiền nộp thuế. Đây là một đồng tiền bằng bạc, được lưu hành trong toàn đế quốc La mã từ năm 268 trước công nguyên đến năm 200 sau công nguyên vẫn còn được sử dụng. Trên mặt đồng tiền có hình bán thân của hoàng đế César Tiberius. Người hỏi họ:”Hình và danh hiệu này là của ai”? Họ đáp :”Của César”. Bấy giờ, Người bảo họ :”Thế thì của César, trả về cho César ; của Thiên Chúa, trả về cho Thiên Chúa”.

 

Đồng tiền mang hình César nên chúng ta phải trả cho César, còn con người chúng ta mang hình ảnh Thiên Chúa phải trả về Thiên Chúa hình hài xứng đáng, Sách Sáng Thế viết: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27). Vì thế, con người là tác phẩm tuyệt vời mà Thiên Chúa nhìn thấy rất rõ hình ảnh của Người trong đó. “Của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”. Nhưng buồn thay người ta phá vỡ hình ảnh xinh đẹp của Thiên Chúa, khi người ta ly dị phá vỡ tình yêu được Thiên Chúa Ba ngôi kết hợp, phá thai giết chết những sinh linh bé bỏng mang hình ảnh Thiên Chúa, một tội ác đang diễn ra hàng ngày…. Tiếng thét của những sinh linh bé bỏng mang hình ảnh của Thiên Chúa, không được lắng nghe.

 

Các qui luật của thiên nhiên, các định luật trong vũ trụ, đều được Thiên Chúa quan phòng sắp xếp: mọi vật đều có nhiệm vụ kể cả cỏ cây, để phục vụ đời sống tươi đẹp của con người. Cho nên, khi nghiên cứu vũ trụ vạn vật nhà bác học Newton đã nói: “Tôi nhìn thấy Thiên Chúa trên đầu viễn vọng kính của tôi”. Khi con người tự mình phá vỡ những qui luật thiên nhiên và vũ trụ thì tai họa sẽ ập tới.

 

Chúng ta nhìn vào lịch sử phát triển của thế giới khi con người tự cho mình quyền định đoạt phá hủy thiên nhiên, thảm họa đã xảy ra cho chính con người, như chúng ta thấy con người phá hoại rừng, gây lụt lội, con người không tôn trọng thiên nhiên gây ô nhiễm đe dọa trực tiếp môi trường sống của chính mình ví dụ như thải khí carbonic lên bầu trời, cho lủng tầng Ozone…. Những thảm họa thiên nhiên như là sự nổi giận và tiếng thét kêu cứu của thiên nhiên vang vọng những con người vẫn cứ làm ngơ….

 

Thật thế, vũ trụ vạn vật  tiềm tàng dấu ấn của Thiên Chúa: đất, rừng, sông biển, không khí, tài nguyên và muôn sinh vật. Hãy trả lại cho Thiên Chúa vũ trụ trong lành, hiền hậu, nghĩa là trả lại cho con người món quà Ngài đã tặng…

 

Cho nên trả về cho thiên nhiên và môi trường sống căn tính của vạn vật mà Thiên Chúa đã phú vào. Tôn trọng luật lệ thiên nhiên khi chăm sóc vũ trụ vạn vật tạo môi trường sống trong lành cho sức khỏe con người. Trồng cây gây rừng tạo khoảng không xanh, chống ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên - động vật .

 

Với hình ảnh César mà Chúa Giêsu nhắc tới: “Của César trả cho César” , con người cũng cần trân trọng quyền bính dân sự, để quản lý trật tự xã hội.., Chúa Giêsu không nói rõ ràng là phải nộp thuế cho César hay không, nhưng Chúa khẳng định: Hãy trả cho hoàng đế những gì thuộc về hoàng đế, mệnh lệnh diễn tả những đòi buộc của  đời sống cộng đồng xã hội trong số những đòi buộc tự nhiên. Vì dù  Kitô hữu là công dân của Nước Trời (x. Pl 3,19-20), chúng ta cũng là công dân của một quê hương trần thế mà chúng ta mang trách nhiệm, đòi chúng ta phải dấn thân phục vụ (x. Cv 21,39: Phaolô, công dân thành Tarsê; Cv 16,37-39 và 22,25-29; Phaolô, công dân Rôma). Cho nên người Kitô hữu không thể nào tự miễn cho mình những bổn phận của người công dân đối với quốc gia và xã hội với điều kiện quyền bính dân sự phục vụ công ích cho người dân, Thánh Phaolô đã dạy: “Những gì ta nợ ai, thì phải trả cho người ấy. Hãy nộp thuế cho kẻ có quyền thu thuế hay trả công cho kẻ có quyền lấy công, hãy sợ kẻ đang sợ, hãy kính kẻ đáng kính” (Rm 13,7). Cho nên đối với quyền bính dân sự phục vụ ích lợi chung (không là quyền bính phục vụ cho cá nhân hay lợi ích một nhóm nhỏ), thánh Phaolô nói: “Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt” (Rm 13,1-2).

 

Tuy nhiên, nếu chúng ta đóng góp vì nghĩa vụ công dân thì cũng đừng quên rằng mình thuộc về Thiên Chúa, và chỉ mình Ngài mới có quyền tối thượng vi:  Mọi quyền bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa (x.Ga 19,11; Rm 13,1),  là Đấng chúng ta phải yêu mến và tuân phục trên hết mọi sự.

 

Trong đời sống hằng ngày, có thể xảy ra những tranh chấp, xung đột  giữa quyền bính Thiên Chúa và quyền bính xã hội như chúng ta thấy thời các tông đồ bị Hòang đế bất công bắt chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa và vâng phục quyền bính của Ngài. Người Kitô hữu, phải chọn lựa giữa việc vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta (x. Cv 4,18-20). Sách Giáo lý Công giáo số 2242 đã khẳng định: “Người công dân có nghĩa vụ, theo lương tâm, không tuân theo những luật lệ của chính quyền dân sự, khi các luật lệ này nghịch với những đòi hỏi của trật tự luân lý, nghịch với những quyền căn bản của con người hoặc với những lời dạy của Phúc âm. Sự từ chối vâng phục các uy quyền dân sự khi họ đòi hỏi những điều nghịch với lương tâm ngay chính, được biện minh bởi sự phân biệt giữa việc phục vụ Thiên Chúa và việc phục vụ cộng đồng chính trị. “Trả về César cái gì của César, và trả về Thiên Chúa cái gì của Thiên Chúa”. “Phải vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục người ta”.

Vua Henry VIII nước Anh đã kết hôn hợp thức với bà Catherine d’Aragon, nhưng ông muốn ly dị để cưới vợ mới và nại đến tòa thánh Rôma xin hủy bỏ cuộc hôn nhân đó. Toà thánh đã từ chối. Henry liền tự phong mình là giáo chủ của Nước Anh, tự mình giải quyết vấn đề và tái kết hôn. Thế là ông ta ra lệnh cho bạn bè và các chức sắc ký vào một văn bản tuyên bố đồng ý nhìn nhận hành động của ông là đứng đắn. Thomas More lúc đó là thủ tướng đã từ chối, trong lúc nhiều bạn bè của More đã ký vào, nhưng. Vua Henry yêu cầu More ký vào, nếu không sẽ bị bắt giam và xử tội tạo phản theo luật nhà nước. More vẫn can đảm từ chối. Ngài bị giằng co giữa hai bổn phận:  một đối với Chúa, một đối với Tổ quốc.  Khi chúng xung đột nhau, thì More không còn chọn lựa nào ngoài sự trung tín với luật Chúa (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm A, tr. 305).

 

Xin Chúa giúp chúng ta trở nên người công dân tốt trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, và người tín hữu công dân nước Trời tin tưởng, tín thác và vâng phục Thiên Chúa trên hết…

 

Vâng,

Con có một tổ quốc,

một Quê hương Việt Nam,

    Con yêu quí ngàn đời….

Con có Chúa là Cha,

Con yêu, con tín thác,

  Con tín trung…

 

   

Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn