Điều răn quan trong nhất
ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT (CN XXX/TN-A)
Sau khi đám biệt phái Pha-ri-sêu gài bẫy Đức Giê-su về vụ “nộp thuế cho Xê-da” (CN.XXIX/TN-A) bị thất bại thê thảm, thì lại đến lượt đám Xa-đốc gài bẫy Người về vụ “Kẻ chết sông lại”. Đám Xa-đốc vốn không tin có sự sống lại, nên mới đưa ra trường hợp một người đàn bà liên tiếp sống với 7 đời chồng (là anh em ruột, cứ người anh chết đi thì lại lấy người em kế, cho đến khi cả 7 anh em đều chết hết). Sau đó người đàn bà cũng chết. Họ hỏi Đức Giê-su: “Vậy khi sống lại, thì bà ấy sẽ là vợ ai trong số 7 người chồng đó?” Thực tế, không thể và không hề có chuyện như vậy. Nhóm Xa-dốc phịa ra một câu chuyện không tưởng, mục đích chỉ để dồn Đức Giê-su vào thế bí, nhằm hạ nhục Người. Đức Giê-su đã giáng một đòn rất mạnh, khiến họ phải câm miệng: "Các ông lầm, vì không biết Kinh Thánh, cũng chẳng biết quyền năng Thiên Chúa. Quả thế, trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.” (Mt 22, 29-30).
Vì liên tiếp thất bại, nên “Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại.” (Mt 22, 34) tìm phương kế tiếp tục hành động ám muội của họ. Đó là đám người chuyên vỗ ngực tự cho mình là người thông luật và tự hào mình lúc nào cũng tuân thủ Lề Luật cách nghiêm chỉnh. Đáng tiếc là họ “nói mà không làm, bó những gánh nặng mà đặt lên vai người ta, còn chính họ lại không buồn động ngón tay vào”, và nhất là “họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy” (Mt 23, 3-5). Hơn thế nữa, họ vẫn cho rằng Đức Giê-su chống lại Lề Luật (cụ thể là luật Mô-sê), và họ đã liên tục đem Lề Luật ra gài bẫy Người (“các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng.” – Lc 11, 53-54). Họ luôn tìm những chứng gian để có cớ xử án Người (“Còn các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng thì tìm chứng gian buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình” – Mt 26, 59).
Bài Tin Mừng hôm nay CN.XXX/TN-A – Mt 22, 34-40) trình thuật về vụ những “nhà thông luật” Pha-ri-sêu họp nhau lại bàn mưu tính kế, rồi đặt câu hỏi để thử xem Đức Giê-su có “thông luật” không? Họ hỏi: "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?" Với bộ luật Mô-sê có tới 613 khoản (gồm 248 lệnh truyền và 365 điều cấm), nếu gặp phải tay mơ, thì “bí rị” là cái chắc; nhưng thật không ngờ Đức Giê-su trả lời một cách trơn tru: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy." (Mt 22, 36-40).
Mới thoạt nghe câu trả lời của Đức Giê-su (yêu Chúa và yêu người thân cận), ai cũng cho là hữu lý, vì nghĩ rằng Thiên Chúa là Cha thì yêu Người “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” là điều tất nhiên; còn người thân cận thì hẳn phải là những người máu mủ ruột thit (cha mẹ, anh chị em), yêu mến họ là phải đạo làm người. Nhưng chẳng lẽ Thiên Chúa yêu tất cả loài người, mà Người chỉ dạy yêu những người ruột thịt thôi sao? Thắc mắc này không được thánh Mat-thêu trình thuật, nhưng theo thánh Lu-ca thì đó cũng là thắc mắc của chính người đã hỏi Đức Giê-su về “Điều răn trọng nhất” (Lc 10, 29-37): Nhà thông luật “muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi?" Chỉ đến khi nghe hết “Dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành” (Lc 10, 30-37), nhà thông luật mới vỡ lẽ để hiểu ra rằng “người thân cận” không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình ruột thịt, mà là tất cả “những người ta gặp trên đường” hay nói rõ hơn, đó là “người trong bốn bể đều là anh em” (“tứ hải giai huynh đệ”), vì tất cả đều là con cái của Người Cha duy nhất trên trời: “Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng ta”.
Tới đây thì mọi sự đã rõ ràng: “Thiên Chúa dựng nên loài người giống hình ảnh Người” (St 1, 27) thì tất cả những tha nhân bên cạnh và chung quanh chúng ta chính là hiện thân cụ thể và gần gũi chúng ta nhất, bởi tất cả đều giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng vô hình, mà lại dựng nên con người giống hình ảnh Người, vậy phải hiểu vấn đề như thế nào cho ổn? Vấn nạn này cũng đã gây nhiều tranh cãi, mãi đến Công Đồng Va-ti-ca-nô II, vấn đề mới sáng tỏ: “Mầu nhiệm về con người chỉ thật sự được sáng tỏ trong Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Thật vậy, A-đam, con người đầu tiên, chính là hình ảnh của Đấng sẽ đến, là Chúa Ki-tô. Chúa Ki-tô, A-đam Mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của Người, cũng giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quý của mình. Là "hình ảnh của Thiên Chúa vô hình" (Cl 1, 15), chính Người là con người hoàn hảo đã trả lại cho con cháu của A-đam hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm sai lệch.” (Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội “Gaudium et Spes”, số 22).
Vì thế, yêu những người ấy là yêu chính Thiên Chúa, và không yêu họ chính là không yêu Người. Do đó, thánh sử Gio-an mới nói: “Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4, 20-21). Đó cũng chính là nguyên cớ khiến thánh Phao-lô và Gia-cô-bê đã tóm lại toàn bộ lề luật vào một giới răn duy nhất: “Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật; Các điều răn đều tóm lại trong lời này: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Yêu thương là chu toàn Lề Luật.” (Rm 13, 8-10); “Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Gl 5, 14); “Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là "Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Gc 2, 8).
Chính Con Người không những đã dạy bảo mà còn thực hành điều đó trên Thánh giá. Khi chiêm ngắm Thánh giá thì cũng chính là lúc người tín hữu được trực diện với hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu Giê-su Ki-tô đang dang rộng hai tay mời gọi mọi người hãy trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Một cách cụ thể, Người đang muốn nói với tất cả chúng ta: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” – Mt 22, 37-39). Cây Thánh giá hình chữ thập chính là biểu tượng cho hai điều răn quan trọng nhất ấy: Cây gỗ dọc là thân mình của mỗi Ki-tô hữu đang đứng thẳng vươn tới Thiên Chúa, thanh gỗ ngang là hai cánh tay dang rộng ôm lấy anh em trong yêu thương đùm bọc nhau. Nói khác đi, Đạo (con đường) Ki-tô chỉ có 2 chiều: chiều thẳng đứng chỉ sự công minh chính trực của Thiên Chúa là điều phải vươn tới và chiều nằm ngang chỉ tình cảm thương yêu đối với tha nhân là điều phải thực hiện trong cuộc sống.
Rõ ràng 2 điều răn đã liên kết chặt chẽ với nhau trở nên một điều răn quan trọng nhất: “Mến Chúa yêu người”, cũng như 2 thanh gỗ đóng hình chữ thập nhuộm đỏ máu Chúa Ki-tô đã trở nên một Biểu-Tượng-Tinh-Yêu được cả thế giới công nhận và tín phục: HỒNG THẬP TỰ. Vâng, quả thực là Đạo Công Giáo chỉ sống và thực hành duy nhất một điều răn bao trùm lên tất cả: MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI. Muốn “mến Chúa” thì tiên vàn phải biết “yêu người” (“đói cho ăn, khát cho uống, rách cho mặc, tiếp rước khi là khách lạ, viếng thăm khi bị cầm tù…”), vì chỉ có “yêu người” mới thực là “mến Chúa”, bởi "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25, 40).
Không cần phải nói ở đâu xa, cứ xem ngay từ hồi những hạt giống Tin Mừng đầu tiên được gieo trên mảnh đất chữ S này, những anh em không cùng tín ngưỡng, kể cả những người không tín ngưỡng (vô thần) đều gọi Ki-tô Giáo là Đạo Yêu Thương, Đạo Bác Ái. Ngày nay, chúng ta hãnh dịên vì điều đó, thì lại càng phải làm sao cho điều đó trường tồn và phát triển đến thiên thu vạn đại. Muốn được như vậy, hẳn nhiên là phải thực sự trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, cũng tức là phải làm thế nào cho mình trở nên một THẬP-TỰ-GIÊSU giữa đời. Viết tới đây, kẻ viết bài này bỗng liên tưởng tới một sự kiện cũng xảy ra tại Việt Nam vào cuối thập kỷ 80 thế kỷ XX: Đó là câu chuyện bộ phim “Chuyện Tử Tế” của nhà đạo diễn Trần Văn Thủy đã gây chấn động dư luận trong nước và cả thế giới.
Bộ phim được sản xuất và hoàn tất năm 1985, nhưng bị cấm phát hành, mãi đến năm 1987 mới được công chiếu. Bộ phim đã khắc họa hình ảnh của những người dân nghèo khổ dưới chế độ bao cấp của xã hội VN, để từ đó tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi: "Thế nào là sự tử tế?" Tác phẩm sau đó đã giành giải Bồ Câu bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig, được nhiều đài truyền hình mua bản quyền để phát lại. Khi phim “Chuyện Tử Tế” được trình chiếu trong liên hoan phim Đại Dương (Pháp), một phóng viên đã hỏi: “Người Ki-tô hữu Việt Nam có thể làm gì cho dân tộc mình?” Đạo diễn Trần Văn Thủy đã trả lời: “Với tôi, điều người ta mong đợi ở các Ki-tô hữu là niềm tin của họ và cách họ sống điều họ tin”. Chính điều này cho thấy tin Đạo là một chuyện, nhưng còn phải biến niềm tin ấy thành hành động sống Đạo giữa đời, đem đến cho đời những điều tốt lành của Đạo, hay nói cách khác là sống tốt Đạo đẹp đời. Chỉ có như thế mới xứng đáng với “Hình ảnh và danh hiệu của Thiên Chúa” ở ngay chính con người của mình: Ki-tô hữu.
Là Ki-tô hữu, tức là một Thập-tự-Kitô, phải chăng là đang thi hành sứ mệnh "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em" (Mt 28, 19-20)? Câu trả lời thật hiển nhiên: “Vì sứ mệnh này tiếp diễn, và qua dòng lịch sử làm sáng tỏ sứ mệnh của chính Chúa Ki-tô, Ðấng đã được sai đến rao giảng Phúc Âm cho người nghèo khó, nên Giáo Hội được Thánh Thần Chúa Ki-tô thúc đẩy, cũng phải tiến bước trên chính con đường mà Chúa Ki-tô đã đi, là nghèo khó, vâng lời, phục vụ và tự hiến thân cho đến chết, để rồi toàn thắng nhờ sự sống lại của Người. Chính các Tông Ðồ trong niềm hy vọng cũng đã bước đi trên đường lối đó, đã chịu nhiều nghịch cảnh và đau khổ để hoàn tất những gì còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn Chúa Ki-tô đã chịu vì thân thể Người là Giáo Hội. Nhiều khi máu các Ki-tô hữu còn là hạt giống nữa.” (SL Truyền Giáo “Ad Gentes”, số 5).
“Máu các Ki-tô hữu còn là hạt giống nữa” ư? Vậy thì máu Ki-tô hữu đổ ra nhuộm đỏ thân mình trở thành một Hồng-Thập-Tự-Kitô, há chẳng phải là ”hat giống Tin Mừng” đó sao? Chính những hạt giống Tin Mừng ấy sẽ trưởng thành và đơm bông kết trái trên cánh đồng TRUYỀN GIÁO vậy. Ôi! Lạy Chúa, xin soi sáng và thêm sức cho con nên một cành nho trổ sinh nhiều hoa trái, để con thực sự trở thành một HỒNG-THẬP-TỰ-KITÔ-HỮU giữa đời thường. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: