Dạy trẻ
TÂN PHÚC-ÂM-HÓA GIA ĐÌNH
DẠY TRẺ
Đại hội ngoại thường lần thứ ba của Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt về gia đình đã kết thúc vào ngày 19/10/2014. Trong lễ bế mạc, Thượng Hội Đồng Giám Mục gửi các gia đình một Sứ điệp “bày tỏ niềm ngưỡng mộ và tri ân anh chị em đã mang lại cho chúng tôi và thế giới chứng từ về lòng trung tín, niềm tin, niềm hy vọng và tình yêu.” Nói đến gia đình là nói đến tình yêu khơi nguồn từ Thiên Chúa Tình Yêu khi dựng nên loài người có nam có nữ (Nguyên tổ A-đam và E-và kết hợp làm một xương một thịt trong tình yêu bất khả phân ly – St 2, 18-24). Sứ điệp nhấn mạnh: “Tình yêu của người nam và người nữ dạy chúng ta biết rằng người nọ cần đến người kia để trở nên chính mình, dẫu vậy mỗi người vẫn giữ căn tính khác biệt của mình so với người kia, một căn tính luôn mở ra và bộc lộ khi tự hiến cho nhau. Điều đó đã được cô dâu trong sách “Diễm ca” hát lên trong bài ca của nàng: “Người tôi yêu thuộc về tôi và tôi thuộc về chàng… Tôi thuộc về người tôi yêu và người tôi yêu thuộc về tôi” (Dc 2, 16; 6, 3).”
Riêng đối với các gia đình Ki-tô hữu Việt Nam thì Hội
Đồng Giám Mục có ban hành Thư Chung 2013 đề ra kế hoach mục vụ kéo dài 3 năm: – Năm 2014: Phúc-Âm-hoá đời sống gia đình; – Năm 2015: Phúc-Âm-hoá đời sống giáo xứ và các cộng đoàn; – Năm 2016: Phúc-Âm-hoá đời sống xã hội. Trong đó, năm 2014 thực hiện công cuộc “Phúc-Âm-hoá đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng” với 4 tiêu chí: 1- Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa, đền thờ tại gia; 2- Gia đình là cộng đoàn yêu thương bằng tình yêu hợp nhất thủy chung; 3- Gia đình là cộng đoàn phục vụ sự sống; 4- Gia đình là cộng đoàn tham gia vào sứ vụ Phúc-âm-hoá, bằng lời cầu nguyện cũng như bằng hành động cụ thể. (Thư Chung 2013, số 6).
Trong tiêu chí 2 (“Gia đình là cộng đoàn phục vụ sự sống”), Thư Chung hướng dẫn: “Vợ chồng Ki-tô hữu yêu thương nhau bằng một tình yêu mở ra với sự sống, tôn trọng sự sống ngay từ lúc thụ thai, cộng tác với Thiên Chúa Tạo Hoá qua việc sinh con có trách nhiệm, giáo dục con cái nên người tốt và nên con cái Chúa. Gia đình phải là ngôi trường đầu tiên dạy các đức tính nhân bản và đức tin, là thành trì bảo vệ sự sống thể lý cũng như tinh thần của con cái trước sự tấn công của cái ác và cái xấu trong cuộc sống. Vì thế, các bậc cha mẹ phải ý thức trách nhiệm của mình là những nhà giáo dục đầu tiên và không thể thay thế, bằng chính gương sáng của mình.” Nói “gia đình là ngôi trường đầu tiên”, trong đó “cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên” cũng tức là muốn nói đến vấn đề DẠY TRẺ.
Vấn đề này đã được Hội Thánh hết sức quan tâm. Bằng chứng là Tuyên ngôn Giáo Dục Ki-tô Giáo “Gravissimum Educationis” (số 3) đã khẳng định: “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng phải giáo dục chúng, và vì thế, họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót sẽ khó lòng bổ khuyết được. Thật vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để giúp cho việc giáo dục toàn diện của con cái họ trong đời sống cá nhân và xã hội được dễ dàng. Do đó gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội mà không một đoàn thể nào khác có thể vượt qua được.”
Quả thật, “Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh diễm phúc của hôn nhân… Do đó, được cha mẹ hướng dẫn bằng gương sáng và kinh nguyện gia đình, con cái và tất cả những ai sống trong khuôn khổ gia đình sẽ gặp được con đường nhân ái, cứu độ và thánh thiện dễ dàng hơn. Còn vợ chồng đã lãnh nhận phẩm giá và chức vụ làm cha mẹ sẽ chăm lo chu toàn bổn phận giáo dục, nhất là về phương diện tôn giáo vì bổn phận này liên hệ đến họ trước hết.” (Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội “Gaudium et Spes”, số 48). Như vậy, vấn đề giáo dục con cái phải được đặt lên hàng đầu bởi đó không những là định chế của hôn nhân, mà còn là “chóp đỉnh diễm phúc của hôn nhân”. Và đó cũng chính là niềm vui tột đỉnh của sứ vụ loan báo Tin Mừng (xc. Tông huấn “Niềm Vui của Tin Mừng – Evangelii Gaudium”).
Ngay từ hơn 2000 năm trước, chính Người Thầy Chí Thánh Giê-su Ki-tô cũng dạy: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18, 3). Điều đó cho thấy phẩm giá ngôi vị của con trẻ đáng quý biết chừng nào. Thật vậy, “Giữa lòng gia đình như một cộng đồng các ngôi vị, cần phải dành một sự chú ý đặc biệt cho đứa con, bằng cách phát huy lòng quí chuộng sâu xa đối với phẩm giá ngôi vị của nó, cũng như phát huy sự kính trọng thật to lớn đối với những quyền lợi của nó, những quyền lợi mà người ta phải phục vụ một cách quảng đại. Đó là điều phải dành cho tất cả mọi đứa con, mà quan trọng nhất là đứa con nhỏ tuổi hơn, đang cần đủ mọi thứ, hoặc đối với một đứa con bị đau yếu, đau khổ hay tàn tật.” (T/H Gia Đình “Familiaris Consortio”, số 26).
Khi nói “nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ”, Đức Giê-su không dạy chúng ta “cưa sừng làm nghé” (tục ngữ VN), vì dù sao thì không còn cái sừng cũng chưa thể là nghé được, trâu vẫn hoàn trâu mà thôi. Người dạy “hãy trở lại mà nên như trẻ nhỏ” cũng không có nghĩa là “làm trẻ nhỏ” hoặc “đóng vai trẻ nhỏ”. Đến như cái trí khôn của người lớn cũng không thể trở thành trí khôn của con trẻ được, mà chỉ có tâm hồn người lớn là có thể "trở lại mà nên như trẻ nhỏ” thôi. Và vì thế, tiếp theo Lời dạy trên, Đức Ki-tô mới dạy: "Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.” (Mt 18, 4). Đó chính là nhân đức hàng đầu để cải hóa “Bảy mối tội đầu” (“Thứ nhất: Khiêm nhường chớ kiêu ngạo”). Như vậy cần phải hiểu Lời dạy của Thầy Chí Thánh theo chiều hướng học hỏi và thực hành: Người muốn khuyên dạy người lớn hãy sống bằng, sống với, sống trong tình yêu thương, sống khiêm nhu tự hạ, sống hồn nhiên trong sáng… như trẻ nhỏ.
Rõ ràng chỉ còn một cách là học cho được cách sống bằng trái tim trẻ thơ. Như thế thì người lớn phải học sống theo trẻ nhỏ, vậy làm sao lại đặt ra vấn đề “giáo dục con trẻ”? Công việc giáo dục là công việc hỗ tương, tác động hai chiều giữa “dạy” (đào tạo) và “học” (tự đào tạo). Thật vậy, “Trước hết cần xác tín rằng không thể có việc đào tạo thật sự và hữu hiệu nếu mỗi người không tự đảm trách và khai triển trách nhiệm đào tạo chính mình. Vì tất cả các công trình đào tạo thiết yêú phải là "tự đào tạo lấy mình". Sau đó, xác tín rằng mỗi người trong chúng ta là kết qủa và là nguyên tắc của việc đào tạo: Chúng ta càng được đào tạo hoàn hảo bao nhiêu, thì chúng ta lại càng có khả năng đào tạo kẻ khác bấy nhiêu” (Tông huấn Ki-tô hữu Giáo dân “Christi Fideles Laici”, số 63). Cho nên, muốn giáo dục con trẻ thì trước hết hãy tự giáo dục chính mình làm sao để có thể “trở lại mà nên như trẻ nhỏ”, nhiên hậu mới nói đến việc dạy trẻ.
Vì tuổi thơ là tuổi hồng, nhìn về tuổi thơ phải nhìn bằng lăng kính màu hồng, mơ về tuồi thơ là đắm chìm trong những giấc mơ màu hồng. Tuổi thơ là buổi ban mai, là bình minh của cuộc đời, nên nhắc đến tuổi thơ là nhắc đến quãng đời trong sáng, hồn nhiên, dung dị nhất của đời người. Đời sống của trẻ thơ là một đời sống nhân bản (“nhân chi sơ, tính bản thiện 人 之 初 性 本 善 ” : người mới sinh, tính vốn lành), hoàn toàn sống theo bản năng hơn là lý tính. Không những thế, nếu xét theo “nhân bản Ki-tô giáo”, thì “nhân bản 仁 本 ” (không phải 人 本 ) còn hàm nghĩa “cái gốc của yêu thương”, mà cái gốc của yêu thương há chẳng phải là Thiên Chúa Tình Yêu đó sao? Tâm hồn trẻ thơ không hề vướng bận những tị hiềm đố kỵ, những hận thù ganh ghét, những bon chen lừa lọc. Thế giới tuổi thơ là thế giới tình yêu, mà Thiên Chúa là Tình Yêu, nên Đức Giê-su Ki-tô mới dạy: "nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.” (Mt 18, 3-4). Vâng, "Trở lại mà nên như trẻ nhỏ” thì cũng có nghĩa là cần có một tâm hồn trong sáng, tràn đầy tình yêu, yêu thương tất cả mọi người, thậm chí, với con trẻ, chúng còn yêu cả những con vật, những đồ vật nữa. Yêu và đón nhận tất cả.
Tâm hồn trẻ thơ được ví như tờ giấy trắng, ở giai đoạn đầu đời in lên đó màu sắc gì, hình ảnh nào, nó sẽ in đậm nét và rất khó phai mờ. Nói cách khác, con trẻ hấp thụ, tiếp thu kiến thức đời sống thường bằng cách sao chép hình ảnh và hành động của người lớn, của các bậc phụ huynh. Cụ thể hơn nữa, đó chính là khả năng bắt chước của trẻ thơ. Nói đến giáo dục con trẻ, có 2 truyện trong “Cổ Học Tinh Hoa” (quyển thượng – tr. 141-143) gây ấn tượng rất mạnh: Đó là truyện “Thành Thực” (nói về cách dạy trẻ của Tăng Tử), và truyện “Mẹ Hiền Dạy Con” (nói về cách dạy trẻ của thân mẫu Mạnh Tử).
1- THÀNH THỰC : Vợ thầy Tăng Tử (1) đi chợ. Con khóc đòi đi theo. Mẹ bảo: “Con ở nhà, rồi mẹ về, mẹ làm thịt lợn cho ăn”. Lúc vợ về, thầy Tăng Tử đi bắt lợn làm thịt. Vợ nói: “Tôi nói đùa nó đấy mà!” Thầy Tăng Tử bảo: “Nói đùa là thế nào? Đừng khinh trẻ thơ không biết gì. Cha mẹ làm gì nó thường hay bắt chước. Nay mình nói dối nó, chẳng lẽ mình dạy nó nói dối à?” Tăng Tử nói xong, làm thịt lợn cho con ăn.
2- MẸ HIỀN DẠY CON : Thầy Mạnh Tử (2) thủa nhỏ, nhà ở gần nghĩa địa, thấy người ta đào chôn, lăn khóc, về nhà cũng bắt chước đào chôn, lăn khóc. Bà mẹ thấy thế, nói: “Chỗ này không phải chỗ con ta ở được”. Rồi dọn nhà ra gần chợ. Thầy Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước nô nghịch một cách buôn bán đảo điên. Bà mẹ thấy thế, lại nói: “Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được”. Bèn dọn nhà đến ở gần trường hoc. Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, cắp sách vở, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép, cắp sách vở. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói: “Chỗ này là chỗ con ta ở được đấy”.
Một hôm, Thầy Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết lợn, về hỏi mẹ: “Người ta giết lợn làm gì thế?” Bà mẹ nói đùa: “Để cho con ăn đấy”. Nói xong, bà nghĩ lại, hối rằng: “Ta nói lỡ miệng rồi. Con ta thơ ấu, tri thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng hoá ra ta dạy nó nói dối hay sao?”. Rồi bà đi mua thịt lợn đem về cho con ăn thật. Lại một hôm thầy Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt vải, trông thấy, liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, mà nói rằng: “Con đang đi học, mà bỏ học, thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy”. Từ hôm đó, thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần. Rồi về sau thành một bậc đại hiền. Thế chẳng là nhờ có cái công giáo duc qúy báu của bà mẹ hay sao? (LIỆT NỮ TRUYỆN)
Hai truyện trên đã chứng minh ngay từ cổ xưa, con người đã nhận biết được bước đầu của công việc giáo dục là bắt chước. Trẻ em tập nói, tập đi đứng, tập cư xử giao tiếp, bước đầu đều là sự bắt chước theo người lớn. Chính vì thế, để giáo dục con trẻ, thì những bậc cha mẹ, những anh chị trưởng thành cần phải áp dụng chặt chẽ phương pháp giáo dục ”Lý thuyết đi đôi với thực hành”. Dạy cho con trẻ làm sao thì người lớn phải áp dụng trước y như vậy, ngay từ cái nôi gia đình ra đến xã hội, Giáo Hội. Đó là “Vì cha mẹ đã sinh ra con cái nên quyền và bổn phận giáo dục là một điều nằm trong yếu tính của họ; vì tương quan giữa họ với con cái là một tình yêu không thể thay thế được, nên quyền và bổn phận giáo dục của họ có tính cách độc đáo và cơ bản so với bổn phận giáo dục của những người khác, đó cũng là một cái gì không thể thay thế và không thể chuyển nhượng được, cho nên cũng không thể khoán trắng cho người khác hay bị người khác cưỡng đoạt.” (Tông huấn về Gia Đình “Familiaris Con sortio”, số 36).
Người lớn cần nhìn lại mình để biết được tại sao Chúa lại dạy “Muốn làm người lớn nhất Nước Trời, hãy trở lại mà nên như trẻ nhỏ”. Nhìn lại mình sẽ thấy được chính bản thân mình cũng có một quãng đời trong sáng, hồn nhiên, dung dị... giống y như các trẻ em mà hiện mình đang mang trọng trách giáo dục chúng. Nếu cứ để trẻ sống và lớn lên một cách vô tư theo bản năng, lương năng bẩm sinh, chắc chắn lương tâm của chúng sẽ có những phán đoán sai lệch vì thiếu hiểu biết, vì tập quán, vì những thế lực thù đích xảo quyệt bao vây, để đưa tới chỗ tha hoá bản thân. Cần nhìn lại mình để thấy được việc giáo dục (đặc biệt là giáo dục lương tâm) con trẻ là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh xã hội thời đại hiện nay đầy nhiễu nhương và đố kỵ.
Đó là nói về vấn đề giáo dục nhân bản, với gia đình Ki-tô hữu còn thêm một trách vụ hết sức quan trọng là giáo dục đức tin cho con trẻ nữa. Thật vậy, “Gia đình công giáo, như là "Giáo Hội tại gia" cũng cần thành một trường học tự nhiên và cơ bản trong việc đào tạo Đức Tin: bậc làm cha mẹ nhận nơi bí tích Hôn nhân ân sủng và tác vụ giáo dục Công Giáo đôi với con cái mình, làm chứng trước con cái họ và thông đạt những giá trị con người và đồng thời giá trị tôn giáo. Khi tập nói những tiếng đầu tiên, trẻ con cũng học ca tụng Thiên Chúa, Đấng mà chúng cảm thấy gần gũi như người cha đầy yêu thương và ân cần; khi học biết những cử chỉ thân ái đầu tiên, trẻ em cũng học tiếp nhận kẻ khác và nhận ra ý nghĩa cuộc sống con ngừơl trong sự trao ban chính mình. Chính cuộc sống thường ngày của một gia đình Công Giáo chân thực tạo thành "kinh nghiệm Giáo Hội" đầu tiên nhằm giúp trẻ con vững mạnh phát triển trong việc hội nhập tích cực và có trách nhiệm vào một cộng đoàn Giáo Hội rộng lớn hơn và vào xã hội.” (Tông huấn Ki-tô hữu Giáo dân “Christi Fideles Laici”, số 62).
Dạy trẻ thực sự là cần thiết, rất cần thiết; nhưng phải dạy những gì và dạy như thế nào? Trước hết, việc giáo dục con trẻ trong gia đình cần phải lưu tâm đến những mặt: Giáo dục đức tin + Giáo dục đức ái + Giáo dục con cái sống theo lương tâm và sự thật + Giáo dục các đức tính nhân bản + Giáo dục về phẩm giá con người và sứ mạng tôn trọng, bảo vệ sự sống. Mới nghe qua, chắc chắn ai cũng cho rằng việc giáo dục con trẻ như vậy sẽ vượt quá khả năng của phụ huynh, nhất là những bậc phụ huynh ở trình độ bình dân chiếm đa số trong mọi gia đình. Tuy nhiên, vì đây là bước đầu của giáo dục, các bậc cha mẹ là những nhà giáo dục tiên khởi, nên công việc giáo dục con trẻ trong gia đình cũng chỉ là những bước mở đường, khai tâm. Vì thế phương châm hành sự luôn luôn phải là “Trước khi giáo dục bằng lời nói, hãy tự giáo dục và giáo dục con em bằng hành động, bằng đời sống chứng tá, bằng gương sáng.” Cũng bởi vì “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (Thông điệp “Evangelii Nuntiandi”, số 41).
Ngoài ra, vấn đề tập thói quen tốt cho trẻ cũng là phương pháp giáo dục rất hiệu quả. Vì “Thói quen là bản năng thứ hai của con người” (“L’habitude est une seconde nature” – ngạn ngữ Pháp), nên khi một thói quen tốt trở thành bản năng thì lương tâm con người tự nhiên luôn hướng về điều thiện, điều tốt. Chính vì thế nên trong ngôn ngữ còn có từ “lương năng” (khả năng, năng lực tốt lành), “lương tri” (sự hiểu biết điều thiện, điều tốt lành). Với khả năng hiểu biết về điều thiện, năng lực tốt lành sẵn có, nếu lại có được những việc làm, những hành động tốt đẹp được lặp đi lặp lại đến trở thành thói quen, thì những viên đạn bọc đường của ba thù (hấp lực cám dỗ của tiền tài, danh vọng, sắc dục) cũng khó lòng mà len lỏi vào được.
Chính vì thế, người Ki-tô hữu nên tập cho gia đình (cả con trẻ lẫn người trưởng thành) những thói quen tốt: những bữa ăn chung (tất cả mọi thành viên đều làm dấu, đọc kinh Lạy Cha tạ ơn Chúa và mời mọi người), những giờ kinh chung (vào những thời điểm thích hợp trong ngày như buổi tối, chẳng hạn), những buổi sinh hoạt cuối tuần chung (có điều kiện thì nên tới những nơi gần với thiên nhiên hoặc những điểm hành hương…). Đối với con trẻ, cần tập thói quen chào hỏi lễ phép, “đi thưa về trình”, “kính trên nhường dưới”; các trẻ còn đi học, thì nên tạo cho các cháu một góc học tập riêng, giúp các cháu lập một thời khoá biểu ở nhà, có giờ giấc nhất định để tập cho các cháu thói quen ôn bài, học và làm bài, kể cả nghỉ ngơi cũng theo thời khoá biểu nữa. Cố gắng tối đa giúp các cháu tránh những môi trường không tốt.
Tóm lại, vì đây là thời điểm kết thúc bước 1 (“Phúc Âm hóa đời sống gia đình”) trong kế hoạch Mục Vụ 3 năm, chuẩn bị cho bước 2 (năm 2015) là: “Phúc-Âm-hoá đời sống giáo xứ và các cộng đoàn”; nên rất cần thiết đặt ra vấn đề DẠY TRẺ từ trong gia đình. Ấy cũng bởi vì gia đình là tế bào của xã hội, là vườn ươm cho Vườn nho Giáo Hội, là Hội Thánh tại gia; mà trong đó, con trẻ là tương lai của xã hội, là những mầm non của những cây nho đan tử trong Giáo Hội. Để đạt hiệu quả tối ưu, xin hiệp lời cầu nguyện với Thượng Hội đồng Giám mục Đại hội Ngoại thường lần thứ III trong Sứ điệp gửi các gia đình ngày 19/10/2014:
Lạy Cha, xin ban cho tất cả các gia đình có được những người vợ người chồng khôn ngoan và mạnh mẽ để họ có thể là nguồn mạch của một gia đình hiệp nhất và tự do.
Lạy Cha, xin ban cho các bậc cha mẹ có một mái nhà để sống bình an với gia đình của mình.
Lạy Cha, xin giúp những người làm con trở thành một dấu chỉ của niềm tin, niềm hy vọng, và giúp cho người trẻ có được một sự dấn thân vững bền và trung tín.
Lạy Cha, xin giúp cho tất cả mọi người có thể kiếm được lương thực hằng ngày nhờ đôi tay của mình, có thể hưởng nếm sự thanh thản tinh thần và giữ được ngọn lửa đức tin luôn bừng cháy, dù giữa lúc đêm đen.
Lạy Cha, xin giúp tất cả chúng con thấy được một Giáo Hội nở rộ sự trung tín và đáng tin, một thành phố công chính và nhân bản, một thế giới yêu mến chân lý, công bằng và lòng xót thương.
Cuối cùng, xin cùng hiệp ý với Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong Sứ điệp ngày Khánh nhật Truyền Giáo 2014: “Chúng ta hãy cầu xin cùng Đức Mẹ Maria, mẫu gương truyền giáo khiêm tốn và vui vẻ, để cho Hội Thánh trở nên một nhà cho nhiều người, một người mẹ cho tất cả các dân tộc và việc ra đời của một thế giới mới có thể xảy ra.” Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
-------------------------------------
Chú thích : (1) và (2) : Tăng Tử (Tăng Sâm) là học trò cao đệ của Đức Khổng Tử. Sau khi Khổng Tử mất, thì các môn đệ ngài chia ra thành 8 phái : 1- Phái Tăng Tử ; 2- Tử Hạ ; 3- Tử Trương ; 4- Tử Du ; 5- Trọng Cung ; 6- Hữu Tử ; 7- Thương Cổ ; 8- Tất điêu Khai. Khi Tăng Tử mất, truyền cho môn đệ là Tử Tư. Tử Tư mất, truyền cho học trò là Mạnh Tử (Mạnh Kha). Tăng Tử và Mạnh Tử đều là những bậc đại hiền triết, nối nghiệp Khổng Phu Tử, truyền bá Nho giáo.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: