Thánh đường, Đền thờ Thiên Chúa
THÁNH ĐƯỜNG – ĐỀN THỜ THIÊN CHÚA (CN XXXII/TN-A – CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LA-TÊ-RA-NÔ)
Đời sống người tín hữu luôn gắn liền với Thánh đường, nên mỗi Thánh đường thường chất chứa biết bao kỷ niệm vui buồn của họ. Chính từ nơi thánh thiêng ấy, họ lớn lên trong niềm tin và trào dâng niềm hy vọng giữa cuộc đời đầy thử thách gian nan. Theo từ nguyên thì Thánh đường là ngôi nhà lớn của người có đức hạnh siêu phàm, thông đạt mọi sự. Việt Nam dùng từ Thánh đường để chỉ Đền Thờ Thiên Chúa, vì thế người bình dân thường gọi là Nhà Thờ. Ngay từ Cựu Ước đã có chuyện vua Đa-vit mơ ước xây một ngôi nhà cho Đức Chúa ngự, “Nhưng ngay đêm ấy, có lời ĐỨC CHÚA phán với ông Na-than rằng: "Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít: ĐỨC CHÚA phán thế này: Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao? ĐỨC CHÚA báo cho ngươi biết là ĐỨC CHÚA lập cho ngươi một nhà… Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi – một người do chính ngươi sinh ra – và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi.” (2Sm 7, 4-13). Ngôi nhà để tôn kính danh Chúa chính là Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.
Tuy nhiên, theo thời gian, thì dần dần con người đã lợi dụng Đền Thờ làm nơi buôn bán, thậm chí còn coi Đền Thờ như một nơi để mua quan bán tước, tranh danh đoạt lợi, tranh bá đồ vương, bàn mưu tính kế để xâm lấn cõi bờ giữa những quốc gia (đế quốc xâm lăng tiểu nhược quốc). Đó là lý do giải thích tại sao Đức Giê-su phải “Tẩy uế Đền Thờ” (Tin Mừng CN.XXXII/TN-A – Ga 2, 13-22). Cơn thịnh nộ của Chúa bốc cao: "Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán." (Ga 2, 15-16). Và từ một sự kiện hữu hình (tẩy uế Đền Thờ Giê-ru-sa-lem), Đức Giê-su cho đám đông biết chính Người mới là Đền Thờ Thiên Chúa đích thực, và tiên báo: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại." Cuộc khổ nạn và phục sinh vinh hiển của Người đã nói lên tất cả.
Tất cả đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Ngôi Đền thánh thiêng Giê-su Ki-tô bị phá hủy (cuộc Tử Nạn) và tới ngày thứ ba đã được xây dựng lại (Phục Sinh). Và ngôi đền vật chất Giê-ru-sa-lem cũng bị đế quốc La-mã san thành bình địa vào năm 70. Cũng vì thế, nên ba thế kỷ đầu Giáo Hội tiên khởi không có Thánh đường. Thực ra, không phải người Công Giáo không có khả năng xây dựng; nhưng vì đế quốc Rô-ma bách hại các tín hữu, nên mọi sinh hoạt tôn giáo thời ấy phải làm lén lút tại nghĩa trang ngầm dưới lòng đất, gọi là hang toại đạo. Chỉ đến thế kỷ IV, khi tướng Constantino giao chiến với đạo quân của hoàng đế Massenzio, thì có phép lạ xảy ra: Trên bầu trời bỗng xuất hiện hình ảnh cây Thánh Giá với hàng chữ La-tinh sáng tỏ: "cứ dấu hiệu này ngươi sẽ chiến thắng". Constantino đã cho khắc hình Thánh giá trên các khiên thuẫn của binh sĩ và quả nhiên ông đã chiến thắng. Sau khi lên ngôi hoàng đế, thì đến năm 313, ông ra chiếu chỉ tại Milano, ngưng bách hại Ki-tô hữu, cho tự do hành đạo, và ra lệnh trả lại tất cả tài sản đã tịch thu của Giáo Hội trong thời kỳ bách hại của các hoàng đế tiền nhiệm. Sau cùng, hoàng đế Constantino trở lại đạo Công giáo và ấn định Chúa nhật là ngày nghỉ hằng tuần; đồng thời dâng hiến cung điện của ông làm Đền Thờ Chúa Cứu Thế. Không những thế, ngài còn khuyến khích, động viên các tín hữu xây cất Đền Thờ ở khắp nơi.
Đền thờ do hoàng đế Constantino cung hiến được gọi bằng tên của ngài: Đền Thờ La-tê-ra-nô. Đó là Thánh đường đầu tiên của Giám mục Rô-ma (Giáo hoàng), và cũng là Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Rô-ma. Thánh đường này được gọi là "Mater et Caput", là Mẹ và là Đầu của tất cả Nhà thờ khác trên thế giới. Đền thờ này đánh dấu sự trỗi dậy của Ki-tô giáo. Thật vậy, sau chiếu chỉ của hoàng đế Constantino công bố lệnh cấm bách hại Ki-tô giáo, một cộng đoàn Ki-tô hữu đã xuất đầu lộ diện, công khai cử hành phụng vụ và biểu lộ đời sống đức tin. Từ đó, Đền Thờ La-tê-ra-nô trở thành biểu trưng cho chính Giáo Hội. Vì tầm quan trọng này, nên lễ Cung Hiến Đền Thờ Thánh Gio-an La-tê-ra-nô hằng năm được cử hành với bậc lễ kính vào ngày 9 tháng 11, quan trọng hơn cả lễ Cung Hiến Đền Thờ Thánh Phê-rô và Phao-lô (cử hành với bậc lễ nhớ vào ngày 18 tháng 11). Vào thế kỷ thứ XVI, mặc dù Đền Thờ La-tê-ra-nô không còn ưu việt là Đền Thờ Mẹ, vì đã có hai Đền Thờ lớn mới được xây dựng: Đền Thờ thánh Phê-rô và thánh Phao-lô. Tuy nhiên, vì Đền thờ La-tê-ra-nô lúc đầu được dâng kính Chúa Cứu Thế, nên lễ Cung Hiến Đền Thờ La-tê-ra-nô vẫn còn mang dấu chỉ Đền Thờ Mẹ để hướng lòng mọi người xây dựng đời mình trở nên Đền Thờ cho Chúa ngự. (1Cr 3, 16-17).
Thánh Phao-lô rất ưu ái với khái niệm Đền Thờ, ngài nói với tín hữu Cô-rin-tô: “Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.” (Ep 2, 21-22); “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 3, 16); “Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?” (1Cr 6, 19). Rõ ràng trong bối cảnh các Thư gửi giáo đoàn tại Cô-rin-tô và Ê-phê-xô, thì đền thờ không phải chỉ là một kiến trúc vật chất, mà còn là hình ảnh tiêu biểu sự thánh thiện mà Chúa Thánh Linh tạo ra nơi những người sống trong Chúa Ki-tô và liên kết với Giáo Hội.
Nói như vậy, thì những Đền Thờ được kiến trúc bằng vật chất có còn cần thiết nữa không? Thực ra, khi nói Đức Giê-su là Đền Thờ Thiên Chúa đích thực; mỗi Ki-tô hữu vì được đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô nên đã trở thành Đền Thờ của Thiên Chúa, thì cốt ý chỉ là nhằm để xác định tính biểu trưng, tầm quan trọng bậc nhất của Đền Thánh – nơi thờ phượng Thiên Chúa và cũng là nơi Người ngự. Còn với con người trần thế, với tư tưởng bất toàn nhưng lại chỉ thích được “thực mục sở thị” (trông thấy nhãn tiền), nên những Thánh đường thì vẫn rất cần phải có cụ thế. Ấy cũng bởi vì Đền Thờ vật chất là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa, để lắng nghe Lời Người và thân thưa với Người (Ds 7, 89). Hơn thế nữa, Đền Thờ vật chất còn là dấu chỉ ơn Cứu Độ, bởi vì Đền Thờ và Hội Thánh đều bởi nguyên ngữ trong Thánh Kinh bằng tiếng La-tinh: “Ecclesia”. Như thế, chính Đền Thờ (kiến trúc bằng vật chất) diễn tả cụ thể sự hiện diện của Giáo Hội; đồng thời trở nên dấu chỉ sứ mệnh của Hội Thánh là công bố và ban phát ơn cứu độ của Thiên Chúa (sứ vụ Truyền Giáo). Đó là lý do giải thích tại sao Đức Giê-su Ki-tô Thiên Chúa muốn người Do Thái xây Đền Thờ Giê-ru-sa-lem thật đẹp, để tiên trưng vẻ huy hoàng của Giê-ru-sa-lem Thiên Quốc, diễn tả Nước Trời (Kh 21, 2-27).
Trong Đền Thánh vinh quang đó, “các tôi tớ Người sẽ thờ phượng Người. Họ sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người, và thánh danh Người ghi trên trán họ. Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, cũng chẳng cần ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời.” (Kh 22, 3-5). Đó là những tín hữu khi còn tại thế đã thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí như lời Thánh Phao-lô xác quyết: “những người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần Khí của Người, là những người hiên ngang hãnh diện vì Đức Ki-tô Giê-su, chứ không cậy vào xác thịt” (Pl 3, 3). Sự thánh thiện đó trở nên việc đích thực thờ phượng Thiên Chúa hằng sống trong tinh thần và chân lý, như Thánh Gio-an khẳng định: “Thiên Chúa là Thần Khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” (Ga 4, 24).
Ý thức vấn đề, người Ki-tô hữu không chỉ mừng kính ngày “Cung hiến Thánh đường La-tê-ra-nô” bằng hình thức bề ngoài, mà cần phải nâng cao và đi sâu vào ý nghĩa cao trọng của Đền Thờ Thiên Chúa nơi các Thánh đường cũng như nơi chính thân xác của mình. Từ đó, hãy cầu nguyện xin Thần Khí Chúa luôn “Tẩy uế Đền Thờ” bản thân cho khỏi những tì vết xấu xa, những tội lỗi chất chồng, ngõ hầu xứng đáng là Đền Thờ Thiên Chúa, hiệp thông cùng Giáo Hội trong Đền Thánh Rô-ma (Vatican). Chính tại Đền Thờ Giáo Hội, người Ki-tô hữu và Giáo Hội chia sẻ trong Thần Khí Sự Thật dưới tất cả mọi dạng thức thánh hóa: thanh tẩy khỏi tội lỗi (1 Pr 4, 8), soi sáng trí khôn (Ga 14, 26), tuân giữ các giới răn (Ga 14, 23), kiên trì trong hành trình tới sự sống đời đời (Ep 1, 13-14; Rm 8, 14-16), và lắng nghe điều chính Chúa Thánh Linh nói với Hội Thánh: “Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh: Ai thắng, Ta sẽ cho ăn quả cây sự sống trồng nơi ngự uyển của Thiên Chúa.” (Kh 2, 7). Ước được như vậy.
Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã chọn chúng con như những viên đá sống động để xây nên một ngôi đền thánh, nơi Chúa ngự muôn đời. Xin cho Hội Thánh là dân Chúa ngày càng thêm đông và dồi dào ân sủng để trở nên thành thánh Giê-ru-sa-lem trên trời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Cung hiến Thánh đường La-tê-ra-nô).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: