Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đón Chúa đến trong hoang mạc đời

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

ĐÓN CHÚA ĐẾN TRONG HOANG MẠC ĐỜI (CN II/MV-B)

 

Phần mở đầu bài Tin Mừng hôm nay (CN II/MV-B), thánh sử Mac-cô viết: “Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.” – Mc 1, 2-4). Căn cứ theo lời trình thuật trên, sẽ cho rằng thánh Gio-an Tiền Hô rao giảng trong hoang địa, mà hoang địa là nơi hoang vắng, vậy thì thánh nhân nói với ai và để ai nghe?

 

Cứ kể suy nghĩ như vậy cũng không có gì sai. Tuy nhiên, để vấn đề sáng tỏ, cần phải đọc phối hợp thêm Tin Mừng theo thánh Lu-ca. Thánh sử Lu-ca trinh thuật rất tỉ mỉ từ khi bà Ê-li-da-bet thụ thai tới ngày hạ sinh thánh Gio-an Tẩy Giả (xc Lc 1, 5-25.57-70), kể cả thời thơ ấu thánh nhân còn sống ẩn dật trong hoang địa (“Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.” – Lc 1, 80). Mãi tới tuổi 30, mới “có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa. Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3, 2-4). Như vậy là đã rõ, thánh Gio-an Tẩy Giả chỉ “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.” (Mt 3, 4), “sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.” (Lc 1, 80).

 

Nhưng tại sao thánh nhân lại được gọi là “Tiếng hô trong hoang địa”? Đó là lời ngôn sứ I-sai-a – vì được Thiên Chúa mặc khải – tiên báo từ Cựu Ước (Is 40, 1-5.9-11): “Có tiếng hô: "Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho ĐỨC CHÚA, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu.” (Is 40, 3-4). Thiên Chúa dựng nên cả vũ trụ và con người thì sá gì sa mạc hay đồng hoang cản bước Người, khiến Người không thể đi đến với nhân loại. Điều đó là tất yếu, tuy nhiên “Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài.” (Thánh Au-gus-ti-nô), và vì thế nên Người rất cần những cộng tác viên “vạch một con lộ giữa đồng hoang tâm địa, mở một con đường trong sa mạc cuộc đời” cho Người đi.

 

Khi thấy trong lòng trống vắng, buồn tênh, chẳng biết nghĩ gì và làm gì, cũng chẳng biết tâm sự cùng ai, chúng ta vẫn thường nói: Mình đang lúc sống trong ‘hoang mạc cuộc đời’, có nói cũng chẳng ai nghe bởi tiếng nói của mình chỉ là ‘tiếng hò trong sa mạc’ mà thôi. Như vậy, tiếng “hoang địa” mà ngôn sứ I-sai-a dùng là muốn nói đến vùng đất hoang vắng của tâm hồn con người, nó khô khan, lạnh lẽo như sa mạc, xơ cứng, nứt nẻ như cánh đồng hoang vu vậy. Có như thế mới cần "Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho ĐỨC CHÚA, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta”. Vâng, hoang địa ở đây chắc chắn là hoang địa tâm linh (tâm địa) rồi, và để mở một con đường, vạch một con lộ, thì phải biết “Mọi thung lũng tị hiềm phải lấp cho đầy, mọi núi đồi kiêu căng phải bạt cho thấp, mọi khúc quanh co gian hiểm phải uốn cho ngay, mọi đường lồi lõm ghét ghen phải san cho phẳng”. Chỉ có như thế mới thực lòng dọn đường cho Chúa đi.

 

Rõ ràng là hãy sám hối để thanh tẩy tâm hồn, dọn đường cho Chúa đi, đón chờ ngày quang lâm của Đấng Cứu Độ, mà sám hối tức thị là ăn năn hối cải với quyết tâm “sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối” (Lc 3, 8). Cụ thể hơn nữa, hãy theo đám đông mà chất vấn chính Tiếng-hô-trong-hoang-địa Gio-an như trình thuật Tin Mừng theo thánh Lu-ca:  “Đám đông hỏi ông rằng: "Chúng tôi phải làm gì đây?" Ông trả lời: "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy." Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: "Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?" Ông bảo họ: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh." Binh lính cũng hỏi ông: "Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?" Ông bảo họ: "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình" (Lc 3, 10-14).

 

Quả thật cái hoang mạc đời nó chỉ là một cánh đồng hoang lơ thơ vài cây lúa èo uột, nhưng lại đầy rẫy cỏ lùng. Nói cách khác, cánh đồng tâm linh thiếu vắng niềm tin, nhưng lại chứa đầy hận thù ghen ghét, tội lỗi ngập tràn. Những câu trả lời của Thánh Gio-an Tẩy Giả tưởng chừng như rất dễ thực hiện; nhưng vì "Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.” (Rm 7, 19-20), nên lại trở thành thiên nan vạn nan. Để giải quyết vấn đề, chỉ còn cách cậy nhờ Thần Khí Chúa soi sáng cho biết đâu là điều đáng làm, đâu là điều nên tránh; đồng thời liên lỉ cầu nguyện xin Người ban thêm dũng khí sẵn sàng đối diện với thử thách, quyết tâm thanh tẩy tâm hồn “nhằm tinh luyện đức tin là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự.” (1Pr 1, 6-7).

 

Người Ki-tô hữu vì Tin – Cậy – Mến mà TRÔNG ĐỢI, đã hết lòng trông đợi thì hãy DỌN ĐƯỜNG cho sạch sẽ chông gai, và khi giờ đã điểm thì hãy vui mừng đứng thẳng, ngẩng cao đầu mà ĐÓN TIẾP ĐẤNG CỨU TINH, chính Người sẽ ban Thần Khí thanh tẩy hoang mạc cuộc đời người Ki-tô hữu, “Người sẽ cứu độ là tha cho hết mọi tội khiên. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an." (Bài ca Chúc tụng – “Benedictus” – Lc 1, 77-79). Có như thế mới hy vọng được vào "trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị. Vì thế, anh em thân mến, trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an. Và anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được cứu độ." (2Pr 3, 13-15). Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.