Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sự sống trở thành Tin Mừng

Tác giả: 
Lm Hương Quất

 

 

Đầu Năm Suy Tư Về Sự Sống Con Người

(Nhân đọc Thông điệp Tin Mừng Sự Sống của Đức Thánh Gioan Phaolo II):

 

SỰ SỐNG TRỞ THÀNH TIN MỪNG

 

Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống, nhưng sự sống của con người là chiêm ngưỡng Thiên Chúa” (Thánh Irênê. EV 31)

 

Mỗi ngày, tại Việt Nam có hàng ngàn ca nạo phá thai, bình quân mỗi năm có 1,4-2 triệu ca nạo phá thái có thể thống kê được, vượt hơn hẳn tỉ lệ trẻ sinh (khoảng 1 triệu/năm). Nếu gộp cả những biện pháp ngăn chặn sự sống khác (đặt vòng, thuốc ngừa thai...)  mà Nhà nước đang ra sức cổ võ thì con số xâm hại sự sống con người vượt tầm kiểm soát, ngoài dự đoán. Nhìn ra thế giới!... Việt Nam chỉ là phần nhỏ tích cực trong thảm cảnh chống lại sự sống con người ở mức báo động, khẩn thiết. Nguy hiểm hơn những tội ác “giết người” này (phá thai, chết êm dịu...) đang khoác áo dân chủ, quyền tự do để được hợp pháp hóa, trở nên bình thường hóa.

 

Đứng trước trạng cảnh nguy cấp ấy, Giáo hội Công giáo đã không ngừng lên tiếng bảo vệ sự sống con người. Thông điệp Tin Mừng về Sự Sống (Evangelium Vitae- EV, 1995) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II  được coi như “lương tâm nhân loại”, cho ta những suy tư sâu sắc, xác đáng về Ân ban sự sống, mở ra một chân trời triển vọng, tươi sáng. Thông điệp đã gây được tiếng vang lớn, còn nguyên tính thời sự, thậm chí còn làm “kim chỉ nam” cho người thiện chí, quan tâm và dấn thân phục vụ cho sự sống con người.

 

Thông Điệp Tin Mừng về Sự Sống, trước hết cho thấy mối lo lắng, bận tâm và đầy thao thức của Người đứng  đầu  Giáo hội Công Giáo trước vấn nạn thời đại “thật đáng báo động” về sự sống con người (EV 17). Từ những vấn nạn đau thương này, Đức Thánh Cha tìm đến trong Đức tin Chính truyền, trong Ánh sáng Mạc khải; từ đây ngài tái khám phá giá trị đích thực của sự sống, minh giải bằng cách liên hệ giữa các Chân lý Mạc khải, rồi đưa ra lập trường của Giáo hội bảo vệ sự sống con người, ngay từ những giây phút đầu thụ thai

 

Quả thực, chỉ với vụ án giết người đâu tiên của nhân loại (Cain giết Abel), với “suy tư” Đức Thánh Cha đã lý lý giải sâu sắc về những nguyên nhân và những nguy cơ dẫn đến nền văn hóa sự chết (EV 7-28), trong đó đáng kể nhất là “tội ác ghê tởm nhất của việc phá thai” (EV 58-63) và “thảm kịch của việc chết êm dịu” (EV 64-67).  Nhân danh dân chủ, nơi mà giá trị chân lý căn cứ trên “đa số” vô cảm và hay thay đổi; hoặc nại vào quyền tự do bất khả xâm phạm, người ta đòi hợp pháp hóa quyền được chết, và giết chết những trẻ em vô tội nhất (phá thai) (x.EV 68,70...).

 

Thông điệp cho thấy rõ, nền dân chủ tự chất tốt đẹp nay bị biến tướng nguy hiểm: phương tiện giờ trở thành mục đích (EV 70). Lý tưởng Tự do vốn dĩ cao quý giờ cũng bị hoen úa với những “quan niệm đồi bại về tự do”, làm thiếu vắng ý thức về Thiên Chúa, ý thức về con người (x.EV 18-24).Và khi đạt đến “tự do tuyệt đối”, tha nhân sẽ thành kẻ thù (x.EV 20). Ngay cả việc cho chết êm dịu những tưởng là một việc tốt vì đáp ứng theo yêu cầu nạn nhân, nhưng thông điệp “chỉ rõ” cho thấy đó là “một thương hại sai lầm”, vì với người đau khổ, điều họ cần là tình liên đới, sự đỡ nâng trong thử thách, giúp đỡ để họ tiếp tục hy vọng (x.EV 66, 67...).

 

Đức Thánh Cha “chẩn bệnh” chính xác: nguồn cội “văn hóa sự chết” nằm trong chính chủ nghĩa tương đối thời thịnh (x.EV 70), một chủ thuyết thường thấy ngài đề cập đến trong các văn kiện của ngài. Chủ thuyết này nại vào con người “bất khả tri”, phủ nhận có chân lý tuyệt đối, phổ quát, và như thế loại bỏ luôn Thiên Chúa- Đấng duy nhất làm chủ sự sống. Thông điệp nhiều lần tái khẳng định quyền làm chủ sự sống chỉ có nơi Thiên Chúa (x.EV 39, 44, 55, 66...). Điều gì xảy ra khi con người cố ý “đánh mất” Thiên Chúa? Đức Thánh Cha “cảnh cáo”: “Khi người ta chối bỏ Thiên Chúa và khi người ta sống như thể không có Ngài hiện hữu, hoặc ít ra chẳng quan tâm đến giới răn của Ngài sẽ mau chóng đi tới chối bỏ hoặc làm tổn thương phẩm giá ngôi vị và tính bất khả xâm phạm của sự sống con người” (EV 70). Hậu quả khác: Xã hội con người đưa tới bất công và đe dọa tận gốc dễ lòng tín nhiệm lẫn nhau (x.EV 66).

 

Thông điệp dành một vị trí rất đặc biệt để suy chiêm “Chúa Kittô, Ngôi Lời Ban Sự Sống” (x.EV 29-51). Chính Ngài mới giúp ta nhận được giá trị đích thực của sự sống con người, Ngài là chuẩn mực cho việc bênh vực sự sống và phẩm giá con người. Trong Đức Kitô Giêsu mà sứ điệp Kitô giáo trình bày, sự sống con người tìm được ý nghĩa tròn đầy nhất, viên mãn nhất, trở thành Tin Mừng về Sự Sống. Nhận thức được giá trị cao qúy này, mọi người không thể không tôn trọng, yêu mến và có trách nhiệm trên hết việc bảo vệ và làm tăng triển sự sống con người. Điều này cũng đồng nghĩa việc thực thi Luật Thánh của Thiên Chúa, đặc biệt giới răn “Ngươi chớ giết Người”. Tầm quan trọng giới răn này nơi Giao ước cũ đặt ở vị trí trung tâm (x.EV 53) và trong Giao ước mới được Chúa Giêsu đưa lên hàng đầu khi trả lời cho cậu thanh niên muốn đạt được sự sống vĩnh hằng (x.Mt 19,18; EV 52). Thông điệp cho thấy mặt tích cực của lề luật: Không những không cản trở tự do mà chính giới răn “chớ giết người” là khởi đầu của con đường tự do chân thật, tích cực chấn hưng cuộc sống (x.EV 53, 75, 76...). Hẳn nhiên, Luật Thánh của Thiên Chúa không bao giờ tách khỏi tình yêu của Người (x.EV 52).

 

Trong qúa trình trình lý giải nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh thời đại, nhiều lần ta thấy thông điệp có những liên hệ thú vị khi so sánh Lịch sử Cứu độ với hiện trạng. Chẳng hạn: Thảm kịch “chết êm dịu”,  con người đi đến tột đỉnh của bất công ghê tởm khi đoạt quyền sinh tử của Thiên Chúa, chẳng khác gì “tả lại cơn cám dỗ trong vườn Eden: trở nên như Thiên Chúa, biết lành biết dữ” (EV 66); Việc hợp pháp hóa tội phá thai phổ biến mà một trong những nguyên nhân chủ chốt là vấn đề nhân khẩu[1], sợ tăng dân số cũng phản ảnh phần nào khi bị vua Ai Cập ra lệnh giết trẻ nam mới sinh Israel (x.EV 16). Việc kẻ cầm quyên mập mờ tốt - xấu, dùng các thuận ngữ nước đôi (như “sự ngừng có thai”, Kế hoạch hóa Gia đình... ) nhằm che đậy thực chất, hoặc làm giảm đi tính nghiêm trọng của vấn đề, thông điệp liên tưởng ngay hiện trạng thời tiên tri Isaia đã được cảnh báo: “Khốn cho ai gọi điều ác là điều thiện, điều thiện là điều ác...” (x.Is 5,20; EV 58)

 

Việc bảo vệ sự sống con người là quyền lợi và trách nhiệm cao quý nhất của tất cả mọi người, cách riêng là nhiệm vụ trọng yếu của Giáo hội, người Kitô hữu. Thông điệp dành 1 chương, 24 số, phần lớn đề cập đến những giải pháp nhằm “tiến tới nền văn hóa mới của sự sống con người”. Vì là vấn nạn liên quan trực tiếp con người, nên những giải pháp thông điệp đưa ra thuộc mọi giai tầng xả hội.

 

Cụ thể:

 

* Phía Giáo hội: Trước hết, ý thức mình là “dân tộc của sự sống” nên phải khẩn thiết Loan báo- Tôn dương và Phục vụ Tin Mừng về Sự Sống (x.EV 78-91). Giáo hội cần khơi dậy mọi lương tâm, các xã hội, giúp họ nhận biết ý nghĩa, giá trị của sự sống, chú ý đặc biệt đến tính chất nghiêm trọng của việc phá thai- làm chết êm dịu (x.EV 85). Thông diệp kêu gọi giáo hữu của mình sống tinh thần Tin Mừng về Sự Sống bằng chính những việc làm cụ thể, phục vụ bác ái, qua chứng từ cá nhân, những hình thức thiện nguyện, kể cả việc dẫn thân làm chính trị... (x.EV 87...).

 

* Phía Chính trị gia: Đức Thánh Cha “khẩn thiết kêu gọi” đừng phổ biến những quy định phi lý, phản nhân bản mà tự chất không có hiệu lực pháp lý. Trái lại họ cần xây dựng và phát triển “nền dân chủ lành mạnh”; cấp thiết khám phá những giá trị nhân bản và luân lý thiết yếu và nguyên thủy của hữu thể nhân linh; đảm bào những quyền lợi căn bản nhất, khách quan nhất,  trong đó “đứng đầu căn bản nhất là quyền sống bất khả xâm phạm của mọi người vô tội”. Luật dân sự không được thay thế lương tâm, phi lý hơn khi nó đặt trên luật luân lý tự nhiên (x.EV 68-74.).

 

* Nhân viên y tế: Ý thức nhiệm vụ cao quý có chiều kích bản chất nghề nghiệp: bảo vệ và phục vụ sự sống. Thông điệp nhắc họ đừng lãng quên lời thề Hippocrate mà mọi bác sĩ đều tuyên hứa tuyệt đối tôn trọng sự sống (x.EV 89...).

 

* Phương tiện truyền thông: Có trách nhiệm lớn lao, quan trọng trong thời đại. Họ góp phần xây dựng, bảo vệ sự sống bằng cách dành chỗ thích đáng cho những chứng từ tích cực, gương mẫu của sự sống con người, đề cao đời sống cao thượng về tình yêu thương con người; nối kết quyền tự do thông tin với lòng trân trọng mọi người, đưa tin cần có tính nhân bản sâu sắc... Bên cạnh đó, đừng thích thú “khai thác những điều làm suy đồi và hạ thấp phẩm giá con người”, can đảm từ chối những vấn đề mà qua đó khơi dậy thêm thái độ dửng dưng, khinh thường hay từ trối đối với sự sống con người (x.EV 98...).

 

*Gia đình- giới Phụ nữ: Thông điệp đánh giá rất cao vai trò của gia đình, chị em phụ nữ trong cuộc chiến bảo vệ sự sống con người, vai trò này quan trọng đến mức có thể quyết định sống còn. Đức Thánh Cha trân trọng gọi gia đình là “Cung thánh của Sự sống”. Gia đình có vai trò đóng góp suốt cả đời các phần tử từ khi thai sinh đến cái chết tự nhiên. Trong giáo dục gia đình, cha mẹ phải dạy con cái biết ý nghĩa thực sự của đau khổ, sự chết... Quan trọng hơn, chính cha mẹ sống đời chứng tá cho con cái thấy bằng cách tôn trọng, quan tâm đến những cảnh đời khốn khổ gặp trong cuộc sống. “Gia đình tôn dương Tin Mừng về Sự Sống bằng chính kinh nguyện hàng ngày” (EV 93...). Trong “khúc ngoặc” xây dựng nền văn hóa sự sống, giới phụ nữ có vai trò độc nhất và hẳn là quyết định (x.số 99)

 

Bên cạnh những nỗ lực gia đình, thông điệp kêu gọi xã hội cần đưa ra những phương cách thiết thực hỗ trợ gia đình, đảm bảo sự nâng đỡ cần thiết, kể cả trên bình diện kinh tế. Về phía mình, Giáo hội cần thăng tiến không mệt mỏi mục vụ gia đình (x.EV 93...).

 

* Giáo dục: Huấn luyện lương tâm luân lý, việc đào tào lương tâm phải liên kết chặt chẽ mọi hoạt động giáo dục, đặc biệt giao dục về gía trị chân thực của sự sống. Thanh thiếu nên cần có một nền giáo dục đúng đắn về giới tính và tình yêu, sinh sản có trách nhiệm... (x.EV 97)

 

*Cầu nguyện- chay tịnh: Trong Đức tin, đây là vũ khì chống lại sự dữ đang lan tràn một cách linh nghiệm nhất. Thông điệp khẩn thiết kêu cầu: “Cầu nguyện cho sự sống rộng khắp toàn cầu, là một điều khẩn cấp” (x.EV 100...)

 

* Khuyến khích dấn thân phục vụ trong các trại bác ái từ thiện, thể hiện khả năng chuyên môn kết hợp với một tình yêu quảng đại, vô vị lợi; cũng như những sáng kiến hữu dụng nhằm phục vụ sự sống (EV 90...). Đức Thánh Cha kêu gọi cách riêng những nạn nhân (phụ nữ phá thai, người già, bệnh tật...) tích cực tham gia những nhóm bảo vệ sự sống, họ sẽ là những chứng nhân sống động (x.EV 90...)

 

Như vậy, Thông điệp đưa ra nhiều “phương pháp thực nghiệm” thiết thân, khả thi trong mọi tầm tay con người, do đó không ai có thể biện minh “không thể” để từ chối việc sống và phục vụ cho sự sống con người. Những giải pháp này đã, đang và vẫn  được khai triển tiếp tục.

 

* Một Vài Cảm Nhận Riêng:

 

1. Thông điệp đề cập đến xã hội hiện thời đang đi đến một nền “văn hóa sự chết” với một cái nhìn thẳng thắn, thậm chí có cả ngôn từ “nên án” ngay ngắt (vd: Hiện trạng thê thảm (x.EV 3), Khủng hoảng sâu sắc của nền văn minh- rất nguy hiểm trong ý thức luân lý (x.EV11, 58)...). Và trong cuộc đối đầu thảm khốc giữa văn hóa sự chết- sự sống, có vẻ văn hóa sự sống có phần thua thiệt, lép vế, song chỗ tài tình của thông điệp là không làm người đọc bi quan, bế tắc mà ngược lại là khác.

 

Quả thực, ngay tựa đề “Tin Mừng về Sự Sống” đã mang tính biểu tượng rồi, cho biết thông điệp như một lời loan báo, một công bố hân hoan về sự sống con người. “Thông điệp trở thành một bài thánh thi, một bài hát ca ngợi sự sống” (Đức Hông y A.L.Trujllo). Nói khác, đây là “một cuộc chiến mang nét Vượt qua”- Văn hóa sự sống tất thắng. Điều này đem đến cho người đọc niềm hy vọng cuộc sống.

 

2.Tiếp cận toàn bộ thông điệp, sẽ hiểu rõ hơn lý do lập trường chính nghĩa và đầy kiên định của Giáo hội khi nên án và chống lại tất cả những xâm hại đến phẩm giá- sự sống con người, dưới mọi hình thức. Như vậy, đọc thông điệp nếu không đặt trong toàn bộ bản văn với một cấu trúc chặt chẽ, ta dễ có cái nhìn sai, thiếu thiện cảm, hay nhận định nóng vội. Đại loại: Giáo hội bảo thủ, quá nghiêm khắc trước những vấn đề thời đại...

 

Từ kinh nghiệm riêng, tôi tin nếu ai thành tâm thiện chí có đủ bình tĩnh đọc hết và cẩn trọng chắc chắn sẻ có cái nhìn tích cực, cảm thông nếu không muốn nói sẽ ủng hộ lập trường minh quyết của Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, phải thú thực, thông điệp không dễ đọc, tiếp cận trực tiếp và toàn văn thông điệp không đơn giản...

 

Ngoài ra, thông điệp cho thấy Đức Thánh Cha còn có một con tim nhạy cảm với thời cuộc. Đức tin mà thông điệp trình bày “hội nhập” được văn hóa thời đại, một phần không thể thiếu là nhờ sự am tường vấn nạn thời đại với một trái tim đầy thao thức. Câu nói của thần học gia Karl Barth: “nhà thần học một tay cầm quyển Kinh Thánh, một tay cầm tờ báo” xem ra phần nào đúng cách làm thần học của Đức Thánh Cha.

 

* Lời Kết:

 

Thông điệp Tin Mừng về Sự Sống làm sáng rõ hơn Sự Sống Con Người: Con người có một phẩm giá lớn lao trước mặt Chúa, vì được tạo dựng theo hình ảnh Ngài và được Cứu chuộc cách lạ lùng. Nhờ Đức Giêsu Kitô, sự sống con người đã đạt được sự viên mãn tròn đầy nhất, đặc biệt trở nên chính sự sống Ngài. “Vứt bỏ sự sống con người  bất cứ hình thức nào là vứt bỏ chính Đức Kitô” (EV 104). Sự sống con người có giá trị tuyệt vời và tuyệt đối bất khả xâm phạm, nhẽ ra con người phải biết cám ơn, trân trọng sự sống mình, của anh em đồng loại, song thực tế thì ngược lại: luôn có những đe dọa chống lại sự sống con người, ở mức nghiêm trọng, thường xuyên.

 

Giáo hội, qua thông điệp, lần nữa tái khẳng định: Bất cứ một xâm hại chống lại sự sống con người  đều là một nghiêm trọng, là tội ác khi hủy diệt sự sống. Giáo hội kêu mời mọi người- nhất là Kitô hữu biết đại kết, bắt tay nhau chung sức bảo vệ và tăng trưởng sự sống con người, xây dựng một nền văn hóa sự sống.   

 

Lm. Đaminh Hương Quất

 

ƒ Y‚

 

 



[1] Báo Tuổi Trẻ (12.5.2008) cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam đang hốt hoảng vì “yếu kém” trong Chính sách Kế hoạch hóa gia đình, khi để năm (2008) nay dân số tăng tương đương một tỉnh (cỡ 1,5 triệu người)... Thảm kích chống lại sự sống rồi sẽ càng thê thảm!