Giáo xứ: Gia đình của các gia đình thừa sai”
GIÁO XỨ: GIA ĐÌNH CỦA CÁC GIA ĐÌNH THỪA SAI
Theo Gợi ý mục vụ cho "Năm Tân Phúc-âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn” thì tháng 01/2015 có chủ đề “Giáo xứ: Gia đình của các gia đình thừa sai”. Xin cùng tìm hiểu vấn đề:
I- GIA ĐÌNH THỪA SAI LÀ GI?
1- Định nghĩa “Thừa sai”: Thừa sai là nhận chịu, chấp nhận được sai phái, cử đi làm một công việc nào đó (Thừa 承 : nhận; sai 差 : cử đi, sai đi). Trước đây, Việt Nam vẫn gọi các giáo sĩ sang truyền giáo tại Việt Nam là “Giáo sĩ thừa sai” hoặc “các giáo sĩ của hội Thừa Sai”. Các tông đồ tiên khởi được Đức Giê-su Ki-tô sai “đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15), các ngài đã chấp nhận mọi khó khăn gian khổ, kể cả hy sinh tính mạng để chu toàn sứ vụ “mở mang Nước Chúa đến tận cùng trái đất”. Đó chính là các vị thừa sai đầu tiên của Giáo Hội. Như vậy là các Tông đồ (về sau là các giáo sĩ, tu sĩ) được gọi là những vị thừa sai; nhưng tại sao lại gọi “Gia đình thừa sai”?
2- Tại sao lại gọi là “gia đình thừa sai”? Sự tham gia của Ki-tô hữu vào ba chức vụ của Linh Mục thượng phẩm Giê-su Ki-tô bắt nguồn từ việc xức dầu của phép Rửa Tội, được phát triển nhờ phép Thêm Sức, được nâng đỡ và kiện toàn trong phép Thánh Thể. Đây là một ân sủng ban cho mỗi tín hữu giáo dân, được tham gia với tư cách là họ tạo thành một thân thể duy nhất của Đức Giê-su. Vì thế nên Giáo Hội được coi là Nhiệm Thể Đức Ki-tô, là Hiền Thê của Người. Nều đã hiểu “thừa sai” là nhận được ơn gọi sai đi loan báo Tin Mừng, hay nói cách khác là được tham dự vào 3 chức vụ của Đức Ki-tô: Ngôn sứ, Tư tế, Vương giả, thì cần phải hiểu:
“Mỗi người được tham gia vào ba sứ vụ của Đức Ki-tô chỉ vì họ là phần thân thể của Giáo Hội, như Thánh Phê-rô Tông đồ đã dạy khi gọi những người đã chịu phép rửa tội "là dòng giông được lựa chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, là dân tộc thuộc về Thiên Chúa" (1 Pr 2, 9). Và cũng vì nó bắt nguồn từ sự thông hiệp trong Giáo Hội nên việc tham dự của các tín hữu giáo dân vào ba chức vụ của Đức Ki-tô đòi hỏi phải sống và thực hiện trong sự thông hiệp, và để cho sự thông hiệp ngày càng tăng trưởng. Thánh Augustinô viết: "Cũng như chúng ta tât cả được gọi là Kitô-hữu (Christiani) vì đã được xức dầu (Chrisma) một cách thiêng liêng, do đó tất cả được gọi là linh mục, bởi vì chúng ta là thành phần thân thể của Linh Mục duy nhất." (Tông huấn Ki-tô hữu Giáo dân “Christi Fideles Laici”, số 14).
Mỗi Ki-tô hữu đã lãnh nhận Phép Rửa và Thêm Sức, được tham dụ vào 3 chức vụ của Đức Giê-su, được gọi là hàng tư tế mới (“tư tế cộng đồng” – 1Pr 2, 4-10), là linh mục, tức là họ đã trở nên những “thừa sai” của Chúa Ki-tô. Trong khi đó, gia đình là cộng đồng hiệp thông các Ki-tô hữu, là Giáo Hội tại gia, tất nhiên được coi là “gia đình thừa sai” vậy.
II- GIÁO XỨ: GIA ĐÌNH CỦA CÁC GIA ĐÌNH THỪA SAI:
Theo Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng “Evangelii Gaudium” (số 28) thì “Giáo xứ là sự hiện diện của Hội Thánh trong một lãnh thổ, một môi trường để lắng nghe Lời Chúa, để lớn lên trong đời sống Ki-tô hữu, để đối thoại, để rao giảng, để làm việc bác ái, thờ phượng và cử hành. Qua tất cả các hoạt động của mình, giáo xứ khuyến khích và đào tạo các thành viên của mình thành những nhà truyền giáo.”
Vì “Giáo xứ là sự hiện diện của Hội Thánh trong một lãnh thổ, một môi trường” nhất định, nên Giáo xứ chính là Giáo hội địa phương, là Gia đình của Thiên Chúa bao gồm các gia đình Ki-tô hữu với sứ mệnh thừa sai của mình. Lãnh vực thi hành sứ mệnh của gia đình trước hết là trong chính gia đình mình và mở rộng ra tới cộng đoàn giáo xứ, giáo phận (Giáo hội địa phương) và rồi lan tỏa ra Giáo hội toàn cầu. Sứ vụ đầu tiên của gia đình là tự đào tạo mình thành những nhà truyền giáo như Tông huấn Ki-tô hữu Giáo dân “Christi Fideles (số 63) đã dạy: “Trong công trình đào tạo, một vài điều xác tín đặc biệt được xem là cần thiết và hữu ích. Trước hết cần xác tín rằng không thể có việc đào tạo thật sự và hữu hiệu nếu mỗi người không tự đảm trách và khai triển trách nhiệm đào tạo chính mình. Vì tất cả các công trình đào tạo thiết yêú phải là "tự đào tạo lầý mình". Sau đó, xác tín rằng mỗi người trong chúng ta là kết qủa và là nguyên tắc của việc đào tạo: Chúng ta càng được đào tạo hoàn hảo bao nhiêu, thì chúng ta lại càng có khả năng đào tạo kẻ khác bấy nhiêu.”
Chỉ có như vậy mới có thể cộng đồng trách nhiệm với các gia đình để xây dựng giáo xứ thành một cộng đoàn các gia đình thừa sai. Tuy nhiên nói đến “tự đào tạo lấy mình” nghe ra có vẻ vô cùng khó khăn, vì ai cũng nghĩ mình chỉ có thể học hỏi người khác, nhờ người khác đào tạo, chớ làm sao có thể tự đào tạo lấy mình? Thực ra, vấn đề ở đây cần phải hiểu việc “tự đào tạo” chính là cách sống Đạo một cách trung thực, hay nói cách khác đó là sống Đức Tin, sống chứng nhân giữa đời làm sao để được nên “đồng hình đồng dạng” với Đấng mà minh làm chứng – Đức Giê-su Ki-tô. Ấy cũng bởi vì “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (Thông điệp Loan báo Tin Mừng “Evangelii Nuntiandi”, số 41).
Nói cách cụ thể, mỗi Ki-tô hữu đã được Thầy chí thánh truyền dạy “Chính anh em là muối cho đời ... Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5, 13-14), đồng thời cũng được Người ví như “Men trong bột” (Lc 13, 20-21). Vậy hãy làm sao cho mình thực sự trở nên “muối, men, ánh sáng” cho đời. Đó là sống ngay giữa lòng Giáo Hội cái ý nghĩa của gia đình, vốn không chỉ là mẫu gương mà còn là men, để mời gọi dân trong Hội Thánh sống như là Gia đình của Thiên Chúa. Chính trong môi sinh đó mà gia đình trở thành “muối ướp mặn cho đời”, “ánh sáng chiếu soi trần gian”.
III- KẾT LUẬN:
Tóm lại, “Thưc tại Giáo Hội Hiệp Thông như thế là phần tất yếu hay nói đúng hơn, nó là nội dung trung điểm của "Mầu Nhiệm", nghĩa là của ý định Thiên Chúa trong vỉệc Cứu Rỗi nhân loại.” (T/H Ki-tô hữu Giáo dân, số 19), mỗi cá nhân Ki-tô hữu hãy ý thức trách vụ của mình, làm sao để thực sự trở thành những nhà truyền giáo, những vị thừa sai, xây dựng tổ ấm tình yêu của mình thành “gia đình thừa sai”, ngõ hầu chung tay góp sức với cộng đồng xây dựng giáo xứ thành một “Đại gia đình của các gia đình thừa sai”. Để được như vậy, hãy nêu cao tinh thần “Mến Chúa yêu người” để sống và thực thi Lời dạy của Đức Giê-su Ki-tô: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12), ngõ hầu “mở mang Nước Chúa đến tận cùng trái đất”.
Xin hãy nhìn vào mẫu gương tuyệt hảo của gia đình truyền giáo tiên khởi là Gia đình thánh Na-da-rét và dâng lòi cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã muốn đề cao Thánh Gia như tấm gương xán lạn để mọi người bắt chước. Xin làm cho chúng con cũng biết noi gương để ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ, lễ kính Thánh Gia Thất).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: