Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

THÁNH MARIA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI                   

   (LỄ MẸ THIÊN CHÚA – NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH)

 

Theo luật của Do-thái giáo, khi một con trẻ (nam giới) được tám ngày tuổi thì phải đem trẻ tới Đền Thờ để chịu phép cắt bì và đặt tên. Vì Ngôi Lời Nhập Thể làm người, nên Đức Maria và Thánh Cả Giu-se cũng giữ đúng luật: “Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.” (Lc 2, 21). Sự kiện tôn trọng và giữ đúng Lề Luật đã được Đức Giê-su chính thức ghi nhận khi Người bắt đầu công khai rao giảng Tin Mừng: “Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn Lề Luật. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” (Mt 5, 17-18). Và Lịch Phụng vụ Giáo Hội đã gọi ngày Đức Giê-su chịu phép cắt bì là ngày Lễ Cắt Bì và Đặt Tên. Nhưng vì sao ngày lễ này còn được gọi là lễ Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa?

 

Tước hiệu Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa là một tước hiệu đã có từ lâu đời trong Giáo Hội. Ngay từ những thế kỷ đầu tiên, các Ki-tô hữu đã cầu khẩn Đức Maria dưới tước hiệu “Theotokos” – Đức Mẹ Chúa Trời. Tuy nhiên, vào thế kỷ V, giáo chủ Nes-tô-ri-ô (phái Thệ Phản) đã phản kháng, không công nhận tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Ðức Trinh Nữ Maria. Theo Nes-tô-ri-ô, chỉ nên gọi Maria là Mẹ của Ðức Giê-su Ki-tô, chứ không được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Một cuộc xung đột tư tưởng lớn đã xẩy ra trong Giáo Hội xoay quanh việc Ngôi Lời nhập thể và danh xưng Mẹ Thiên Chúa của Đức Trinh Nữ Maria. Kể cũng kỳ khôi khi một lý luận như vậy cũng có nhiều người a dua theo. Họ quên mất một điều là đã làm tới chức Giáo chủ, tức là Nes-tô-ri-ô đã tin thật Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật giáng trần cứu độ nhân loại. Tin Đức Giê-su là Thiên Chúa mà người sinh ra Đức Giê-su không được gọi là Mẹ Thiên Chúa! Một mâu thuẫn trong lý luận lạ lùng đến ngớ ngẩn!

 

Có thể họ lập luận như vậy vì cho rằng 2 bản vị Thiên Chúa và loài người không thể cùng tồn tại trong một con người. Nói khác hơn, họ cho rằng Thiên Chúa là Đấng vô hình đã dựng nên nhân loại từ bụi đất thì “Cái vỏ bằng đất” Maria không thể sinh ra Thiên Chúa được. Mới thoạt nghe thì thấy cũng có lý, nhưng phải trở lại nguyên ủy của vấn đề: Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng Hằng Hữu chỉ phán một lời là dựng nên cả vũ trụ và con người. Tại sao Người không phán một lời để cứu rỗi nhân loại mà lại phải sai Con Một xuống thế "chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy." (Mt 16, 28; Mc 9, 1; Lc 9, 22)? Ấy cũng bởi vì với “con mắt thịt”, loài người chỉ thích được “thực mục sở thị” (trông thấy nhãn tiền) mới tin, nếu chỉ phán một lời thì nhân loại không thấy được nên tất nhiên là họ không tin. Vì thế, rất cần một con người bằng xương bằng thịt thực hiện công trình cứu độ, con người đó tất nhiên là chàng thanh niên Giê-su Na-da-ret với 2 bản vị (Thiên tính + nhân tính) đã trở nên một: Ngôi Lời Nhập Thể.

 

Tuy nhiên, vì Thệ phản là một phái có thế lực, nên vào năm 431, Hội Thánh đã triệu tập Công đồng Ê-phê-sô dưới sự chủ tọa của thánh Cyrillô (Thượng phụ giáo chủ thành Alexandria), đại diện Đức Giáo Hoàng. Các nghị phụ trong Công đồng này đã tuyên bố giải nhiệm chức giáo chủ của Nes-tô-ri-ô và phủ nhận hoàn toàn giáo thuyết sai lầm của ông ta. Công đồng Ê-phê-sô đã định tín: “Tuyệt thông cho những ai không tuyên xưng rằng Đấng Emmanuel thực sự là Thiên Chúa, và bởi thế, Đức Trinh Nữ là Mẹ của Thiên Chúa (Theotokos) (vì Mẹ đã hạ sinh Ngôi Lời Thiên Chúa hóa thành nhục thể theo xác thịt)”. Tín điều này tiên vàn tuyên xưng rằng Đấng Em-ma-nu-en (Thiên Chúa ở cùng chúng ta) đã thực sự giáng trần “ở cùng loài người” để cứu độ nhân loại, nên thực sự Người đã hóa thành nhục thể trong lòng Đức Maria. Nói cách khác, khi tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Hội Thánh cũng khẳng định rằng Ngôi Lời đã thực sự trở thành con người, do một bà mẹ trần gian sinh ra.

 

Giáo điều ấy liên tục được các Đức Giáo Hoàng tuyên xưng. Điển hình như: Đức Giáo Hoàng Pi-ô XI, đã ban hành Thông điệp “Mediator Dei” mừng kỷ niệm 1.500 năm Công Đồng Ê-phê-sô và công bố lễ Mẹ Thiên Chúa, mừng trong toàn thể Giáo Hôi vào ngày 11/10. Bước sang thế kỷ XX, Đức Thánh Cha Pi-ô XII đã thiết lập Năm Thánh Mẫu vào năm 1954 và tuyên bố rằng thiên chức Mẹ Thiên Chúa là nguồn gốc tất cả mọi ân sủng và đặc sủng của Mẹ Maria. Đặc biệt là Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã dành cả chương VIII trong Hiến chế về Giáo Hội “Lumen Gentium”, nói về Mẹ Thiên Chúa. Đồng thời với Hiến chế về Mục Vụ “Gaudium et Spes” (số 22-23), Công Đồng còn khẳng định: “Chính Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người. Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi trinh nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.” Và trong Hiến Chế về Phụng Vụ, các Nghị Phụ Công Đồng đã chuyển lễ Mẹ Thiên Chúa từ ngày 11/10 sang ngày 01/01 hàng năm (Tết dương lịch).

 

Gần đây nhất, Đức GH Bê-nê-đic-tô XVI trong Tông huấn Lời Chúa “Verbun Domini” (số 20) cũng khẳng định: “Vì Đức Maria hoàn toàn thấm nhuần lời Chúa, nên ngài có khả năng trở thành Mẹ của Lời Nhập Thể … Khi chiêm ngưỡng nơi Mẹ Thiên Chúa một cuộc đời hoàn toàn do Lời lên khuôn, ta hiểu được rằng cả ta nữa cũng được mời gọi bước vào mầu nhiệm đức tin, nhờ đó, Chúa Ki-tô tới cư ngụ trong đời ta. Thánh Am-brô-si-ô nhắc nhở ta rằng xét theo một phương diện nào đó, mọi tín hữu Ki-tô đều tượng thai và sinh hạ Lời Thiên Chúa: mặc dù chỉ có Mẹ Thiên Chúa là tượng thai bằng xương bằng thịt, còn chúng ta, Chúa Ki-tô là con cái của mọi người chúng ta trong đức tin. Như thế, điều xẩy ra cho Đức Maria cũng hàng ngày xẩy ra nơi mỗi người chúng ta, trong việc nghe Lời Chúa và trong việc cử hành các bí tích.”

 

Như vậy, vì có mầu nhiệm Đức Ki-tô Ngôi Lời nhập thể nên mới có mầu nhiệm Đức Mẹ Thiên Chúa. Mầu nhiệm này gắn liền với con Thiên Chúa làm người. Trong lịch sử Giáo hội, chỉ sau khi xác định chân tướng Đức Giê-su Ki-tô, vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, Giáo Hội mới xác định Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Nếu Chúa Ki-tô chỉ là Thiên Chúa thôi thì không làm gì có “Mẹ Thiên Chúa”. Hay nếu Chúa Ki-tô chỉ là người thôi, cho dầu là “siêu nhân” đi nữa, thì Đức Maria càng không thể là “Mẹ Thiên Chúa”. Cho nên, ngày nay người tín hữu tuyên xưng đức tin mầu nhiệm Đức Mẹ Thiên Chúa là bởi vì mầu nhiệm ấy gắn liền với mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, như trong kinh Tin Kính đã định tín: “Người là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật…Người đã từ trời xuống thế bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người”. Chúng ta tin nhận Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa chính là vì chúng ta tin Chúa Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa thật và là người thật: Chúa Giê-su là Thiên Chúa, Đức Maria sinh ra Chúa Giê-su, nên Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.

 

Đêm Ngôi Lời giáng thế, cả trời đất mừng vui hoan hỷ, tụng ca Thánh danh Thiên Chúa, mừng đón Ngôi Hai giáng trần. Ngày trọng đại đó, toàn thể vũ trụ được chứng kiến bao thiên sứ của Thiên Chúa không ngớt lời tôn vinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Trời đất giao hòa chào mừng kỷ nguyên mới khai sinh. Đấng Cứu độ đến giữa lòng nhân loại để thi ân giáng phúc và đem bình an cho mọi người. Vì thế, đêm Noel là đêm của vui mừng, là đêm của bình an, đêm của hồng phúc đến từ Thiên Chúa. Như vậy thì ngày tôn vinh Mẹ Thiên Chúa vì Mẹ đã làm cầu nối đem sứ giả hòa binh là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, cũng tất nhiên là ngày vị Con Trời đem bình an xuống cho nhân loại.

 

Thật vô cùng ý nghĩa khi Giáo Hội đặt ngày cầu nguyện cho Thế Giới Hòa Bình vào ngày Lễ Mẹ Thiên Chúa, lại đúng vào dịp đầu năm, ngày mà bất cứ một người nào – không phân biệt màu da, sắc tộc – cũng hoan chúc lẫn nhau được bình an hạnh phúc. Chính Ðức Thánh Cha Phao-lô VI đã viết trong Tông huấn Tôn kính Đức Maria “Marialis Cultus” (số 5) khi ngài dời Thánh lễ kính trọng thể Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa vào ngày 01/01 mỗi năm như sau: "Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày 01 tháng giêng với ngày thứ tám giáp lễ Giáng Sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là ngày Thế Giới Hòa Bình, mà thế giới mỗi ngày càng hưởng ứng thêm, và thành quả của hòa bình đã phát sinh trong lòng nhiều người."

 

Hiểu được ý nghĩa cao vời ngày Lễ kính Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa, cũng là ngày cầu cho thế giới hòa bình, “Chúng ta, những người Ki-tô hữu tin rằng trong Giáo Hội, chúng ta là các chi thể của một thân thể duy nhất, hỗ trợ nhau, bởi vì mỗi người được trao ban một ân sủng theo tiêu chuẩn quà tặng của Đức Ki-tô, vì lợi ích chung (x. Ep 4,7.25; 1 Cr 12,7). Đức Ki-tô đã đến thế gian để mang cho chúng ta ân sủng thần linh, nghĩa là khả năng chia sẻ đời sống trong Ngài. Điều này đòi hỏi một sự thêu dệt một cơ cấu các mối tương quan huynh đệ được đánh dấu bởi mối tương quan hỗ tương, sự tha thứ và sự trao ban trọn vẹn, theo chiều sâu và chiều rộng của tình yêu Thiên Chúa được trao ban cho con người nơi Đấng Duy Nhất, đã chịu chết và sống lại, để lôi cuốn mọi người đến với Người.

 

Đây chính là tin vui đòi hỏi từng người chúng ta thực hiện một bước tiến nữa, thực hành liên lỉ sự cảm thông, lắng nghe những nỗi đau khổ và hy vọng của người khác, thậm chí là những ai ở xa chúng ta nhất và bước đi trên con đường tình yêu ấy, một tình yêu sẽ giúp ta biết phải trao ban thế nào và dùng chính mình cách tự do vì lợi ích của anh chị em mình. Vâng, “Chúng ta biết rằng Thiên Chúa sẽ hỏi mỗi người chúng ta rằng: “Ngươi đã làm gì em ngươi vậy?” (x. St 4,9-10). Toàn cầu hóa sự thờ ơ, vốn ngày nay đè nặng trên cuộc sống của nhiều anh chị em của chúng ta, đòi buộc chúng ta phải làm nên một sự toàn cầu hóa tình liên đới và tình huynh đệ, để có thể trao ban lại cho họ niềm hy vọng mới và giúp họ tiếp tục bước đi với sự dũng cảm qua những vấn đề của thời đại chúng ta và những chân trời mới mở ra và được Thiên Chúa đặt để vào tay chúng ta.” (Sứ điệp ngày Thế Giới Hòa Bình 2015, số 6)

 

Nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội và là Nữ Vương Hòa Bình, giúp chúng ta hiểu và sống mọi ngày tình huynh đệ vốn bắt nguồn từ thánh tâm chí nhân chí ái Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ, để chúng ta có thể mang bình an đến cho mọi người trên trái đất yêu dấu này. Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng, ngày Ðức Trinh Nữ Maria sinh hạ Ðấng Cứu Thế, Chúa đã tặng ban cho nhân loại, kho tàng ơn cứu độ muôn đời. Xin cho chúng con được nhờ lời Ðức Mẹ nguyện giúp cầu thay, vì chính nhờ Ðức Mẹ chúng con mới được nhận lãnh nguồn sức sống vĩnh cửu là Ðức Giê-su Ki-tô, Con Chúa, Chúa chúng con. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời).


JM. Lam Thy ĐVD.