Sao chân lý
SAO CHÂN LÝ
(CN. CHÚA HIỂN LINH)
Ở cái thế kỷ XXI này, có rất nhiều người tuy chẳng hiều tí gì về chiêm tinh (xem “sao”) nhưng lại rất thích săn tìm “sao”, sưu tập “sao”, thậm chí còn liều mình lăng xê “sao”, khiến cho “sao” trở nên lao đao lận đận, sao chẳng ra sao, mà trăng cũng chẳng ra trăng. Một mẩu đối thoại vui vui có thật: “– Lên “sao” rồi, có thấy sao không ? – Thấy chớ sao không. – Thấy là thấy làm sao? – Thấy ông bà ông vải, tá hoả tam tinh, mất trắng cuộc đời vì được lăng xê “sao”. – Vậy là sao ? – Chẳng sao cả, cuộc đời đi tong vì “sao” chớ còn sao nữa, hả nỡm? Hỏi hoài – Hừm !!!”
Vì thế, muốn kiếm “sao” thì dễ lắm. Đi đâu cũng đụng “sao”, ở đâu cũng thấy “sao”, môi trường nào cũng có “sao”, mà đa số toàn là những thứ sao dị dạng, chẳng giống sao tí nào, và có thể đặt cho một cái tên nổi đình nổi đám: “sao loè đời”. Xin lỗi hải nội chư quân tử về cái tật cứ hay tếu, tếu cho vui cửa vui nhà. Tuy vậy, nhưng “nhìn lại mình”, ngu mỗ thấy mình cũng già rồi, rất cần thuốc bổ, mà “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, nên xin quý vị hỉ xả ban cho ngu mỗ 10 thang thuốc bổ, để có thể tiếp tục hầu chuyện quý vị. Hì hì! Bây giờ thì xin vào đề :
Cách nay 2000 năm, có 3 người biết ngắm sao, xem sao đàng hoàng, có đẳng cấp hẳn hoi (gọi là “chiêm tinh gia”) đã phát hiện được và lặn lội theo sự dẫn đường của một vì sao độc nhất vô nhị, để đi tìm một vị Vua mới sinh tại Bê-lem: Vua Giê-su. Đọc bài Tin Mừng hôm nay, tôi cứ suy nghĩ mãi về câu hỏi của 3 vị chiêm tinh – 3 đạo sĩ phương Đông – hỏi Hê-rô-đê: "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người." (Mt 2, 2). Đến gặp một ông vua bằng xương bằng thịt đang trị vì Do-thái để hỏi về một ông Vua Do-thái mới sinh, kể ra cũng đường đột, nếu không muốn nói rằng đã bạo gan chọc tức Hê-rô-đê. Sao vậy? Vì nếu hài nhi mới sinh ấy là con của Hê-rô-đê, thì cũng chưa thể gọi là vua được, vì chưa được truyền ngôi, chưa lên ngôi. Vậy thì ai, ai mà mới lọt lòng mẹ đã được làm vua? Cho dù là ai đi chăng nữa, thì Hê-rô-đê cũng tức lộn ruột (“mình là vua sờ sờ ra đây nó chẳng bái lạy, lại còn đi tìm vua con nít nào nữa?”). Và tất nhiên trận lôi đình của kẻ “hét ra lửa, mửa ra khói” này sẽ khủng khiếp vô cùng.
Ba vị đạo sĩ với tâm địa ngay thẳng bộc trực, đã vô tình chọc giận hung thần Hê-rô-đê; nhưng mặt khác lại chứng tỏ cho thiên hạ (kể cả Hê-rô-đê) biết thực sự đã có một vị Con Trời và là Ông Trời thật, giáng trần. Ngày xưa vẫn gọi vua là Thiên tử (con trời), mà vị Vua ấy sinh tại Do-thái nên mới gọi là Vua Do-thái, chớ thực ra vị Vua ấy không phải là Vua Do-thái theo cách hiểu hạn hẹp của Hê-rô-đê (nói chung là của loài người). Người là Vua, mà còn là Vua trên hết các vua trần gian nữa, bởi "Nước tôi không thuộc về thế gian này" (Ga 18, 36). Chắc 3 chiêm tinh gia sẽ nghĩ: “Chúng tôi đã tìm hiểu, đã biết, và chỉ có như thế thì chúng tôi mới cất công lặn lội từ phương Đông tới để được triều bái Người”.
Nói đến sao là nói đến ánh sáng, mà ánh sáng sao chỉ chiếu toả vào ban đêm. Chỉ có đêm trường, đêm đen, mới cần đến những ánh sao, vì thế thời Cựu Ước được ví như đêm trường của nhân loại, rất cần sao dẫn đường đi tìm ánh sáng chân lý. Khi vì sao dẫn đường ấy xuất hiện tại Bê-lem, đã soi đường chỉ lối cho 3 đạo sĩ phương Đông (quen gọi là ba vua) tìm đến vị Cứu Chúa đem lại ánh sáng cho trần gian. Cũng chính vị Cứu Chúa Giê-su Ki-tô đã khẳng định: “Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian." (Ga 9, 58); “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối.” (Ga 12, 46).
Không những thế, Người còn cho biết, những kẻ tin và đi theo Người cũng là ánh sáng: "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian" (Mt 5, 14). Người giải thíchi rõ hơn: "Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời" (Mt 5, 14-16).
Như vậy, cũng có thể nói trong công cuộc truyền giáo, mỗi Ki-tô hữu, mỗi thành viên trong Giáo Hội, đều là những vì sao của Đức Giê-su Ki-tô, chiếu toả ánh sáng, soi đường dẫn lối cho những người khác nhận biết chân lý nơi Người. Tất nhiên, những vì sao Ki-tô hữu ấy phải là bản sao trung thực nhất của vì sao Bê-lem: Sao Tình Yêu. Gọi ngôi sao Bê-lem là “Sao Tình Yêu”, vì chính Thiên Chúa Tình Yêu đã tiền định từ trước vô cùng, sai Con Một xuống thế làm người thực hiện chương trình yêu thương, bằng cách hy sinh cả mạng sống mình để cứu độ nhân loại thoát khỏi tội lỗi. Người đã dùng ngôi sao Bê-lem để báo cho loài người biết mầu nhiệm Tình Yêu xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu đã được thực hiện: Vua Tình Yêu đã giáng sinh nơi hang đá Bê-lem.
Thật là ý nghĩa khi Đức Giê-su Ki-tô sinh ra tại Do-thái, thì chính ngôi sao Tình Yêu Bê-lem lại xuất hiện tại phương Đông, báo tin cho 3 đạo sĩ biết và dẫn đường các ngài tìm đến bái lạy Người. Trong khi đó, chính người Do-thái thì sao? Ngoài một số mục đồng và mấy con bò lừa ra, chẳng thấy một ai. Không những thế, người đứng đầu Do-thái là Hê-rô-đê, khi được các đạo sĩ hỏi "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?" đã tìm mọi cách trừ khử cho bằng được, khiến hàng loạt hài nhi bị giết và Hài Nhi Giê-su phải trốn sang Ai Cập (Mt 2, 2.13-18).
Rõ ràng là Thiên Chúa đã dùng ngôi sao Tình Yêu Bê-lem để “tỏ mình ra cho dân ngoại”. Vương quốc của Vương Nhi Giê-su không bó gọn trong phạm vi Do-thái, mà là “Trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3, 6). Như vậy thì ngôi sao Bê-lem đã báo Tin Mừng về mầu nhiệm Tinh Yêu được thực hiên khi “Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại” và đó chính là dấu chỉ mầu nhiệm Giáo Hội trong tương lai. Nên có thể nói ngôi Sao Tình Yêu có đầy đủ 3 tính chất đặc thù: Sao Mầu Nhiệm + Sao Hiệp Thông + Sao Sứ Vụ.
* SAO MẦU NHIỆM: Khởi đi từ Thánh Gia Thất nơi hang đá Bê-lem, Vua Tình Yêu thiết lập Giáo Hội, coi như hiền thê của Người và Người chính là vị Hôn phu trong Giao ước Tình yêu này. Đó là một mầu nhiệm đúng như Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” (số 6-9) giải thích: “Giáo Hội còn được gọi là "thành Giê-ru-sa-lem trên trời" là "mẹ chúng ta" (Gl 4,26; x. Kh 12,17), được mô tả như hiền thê tinh tuyền của Con Chiên không tì ố (x. Kh 19, 7; 21, 2 và 9; 22, 17) được Chúa Ki-tô yêu mến "và hiến thân để thánh hóa" (Ep 5, 25-26), được Người kết hợp bằng một giao ước bất khả phân ly, được "nuôi dưỡng và săn sóc" không ngừng (Ep 5, 29). Sau khi thanh tẩy hiền thê, Chúa Ki-tô muốn hiền thê ấy kết hợp và vâng phục mình trong tình yêu và trung tín (Ep 5,24)”. Và như vậy, thì phải chăng Giáo Hội đã trở nên như một vì sao: Sao Mầu Nhiệm, và mỗi chi thể, mỗi thành viên, mỗi nhân tố của Giáo Hội, cũng là một vì sao chiếu toả “ánh sáng cho trần gian”.
* SAO HIỆP THÔNG: Bản chất của ngôi sao Tình Yêu Bê-lem là dẫn đường cho dân ngoại đến cùng Vua Cứu Độ. Dẫn đường cho dân đã đuợc tuyển chọn (Do-thái) thì không nói làm gì, nhưng đây là dẫn đường cho dân không phải là Do-thái đến hội ngộ với Vua Do-thái, đó phải chăng là một biểu lộ của tính hiệp thông, biểu trưng cụ thể nhất của Thiên Chúa Tình Yêu? Đặc tính của Giáo Hội là hiệp thông – hiệp thông trong Lời Chúa, trong các nhiệm tích, trong một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền, nói cách khác là hiệp thông trong cuộc sống với mọi mặt hoạt động của Giáo Hội. Cơ bản là hiệp thông với Thiên Chúa (thông qua Ngôi Lời nhập thể => đến cùng Chúa Cha => nhờ ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần). Hiệp thông giữa các thành phần, các nhân tố trong Giáo Hội (từ Đức Giáo Hoàng, đến các Giám mục, Linh mục, tu sĩ và cộng đồng giáo dân, cùng tham gia và đồng trách nhiệm), hiệp thông đại kết với các cộng đồng Ki-tô ngoài Công Giáo. Chưa hết, còn hiệp thông với cộng đồng dân nước xây dựng quốc gia, hiệp thông với cộng đồng quốc tế trong xây dựng hoà bình và an lạc cho nhân loại, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc. Hiệp thông không phải là những khẩu hiệu hô to, những biểu ngữ hoành tráng, mà phải là thực hành cho kỳ được Lời dạy của Người-đã-hy-sinh-tính-mạng-cho-người-mình-yêu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12), bởi “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga15:13).
* SAO SỨ VỤ: Giáo Hội đã được Chúa Ki-tô thiết lập để thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý, được Người sử dụng như khí cụ cứu rỗi cho mọi người, và được sai đi khắp thế giới như “ánh sáng trần gian và muối đất” (Mt 5, 13-16)”. Chính vị Hôn Phu nhân lành đích thân trao sứ vụ cho Hiền Thê Giáo Hội: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16, 15). Một cách cụ thể, Giáo Hội được sai đi (sứ) làm công việc (vụ) loan báo Tin Mừng, mở mang Nước Chúa, nên có thể khẳng định: Sứ vụ duy nhất của Giáo Hội là “Truyền giáo”. Trong khi "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian" (Mt 5, 14) thì như trên đã nói, mỗi thành viên, mỗi nhân tố trong Giáo Hội phải là một vì sao soi dẫn cho người khác biết chân lý Cứu Độ và nhất là chân lý Nước Chúa đã đến gần, thật gần.
Thông điệp Ánh sáng Đức Tin “Lumen Fidei” (số 54) khẳng định: “Được thấm nhập và thâm hậu hóa trong gia đình, đức tin trở thành một ánh sáng có khả năng chiếu soi mọi liên hệ của ta trong xã hội. Lịch sử cứu rỗi càng diễn tiến, ta càng thấy rõ Thiên Chúa muốn làm cho mọi người được chung chia sự chúc phúc này như anh chị em, một chúc phúc đạt tới viên mãn nơi Chúa Giê-su, để mọi người trở nên một. Tình yêu vô bờ của Chúa Cha cũng đến với ta, trong Chúa Giê-su, qua anh chị em ta. Đức tin dạy ta biết nhìn ra rằng mọi người nam nữ đều tượng trưng cho một chúc phúc đối với tôi, rằng ánh sáng gương mặt Chúa chiếu sáng lên tôi qua gương mặt của anh chị em tôi.” Phải chân nhận rằng Ánh sáng Đức Tin nơi Đức Giê-su Ki-tô được chiếu tỏa ra thế giới thông qua Sao Sứ Vụ.
Tách ra 3 ánh sao (”sao mầu nhiệm”,”sao hiệp thông”,”sao sứ vụ”) cho dễ suy niệm, học hỏi, chớ thực tế thì cả 3 luôn hoà quyện làm một, minh hoạ cho nguồn động lực duy nhất thúc đẩy Giáo Hội phát triển và vững bước tiến lên. Nguồn động lực đó chính là chân lý cứu độ được chiếu tỏa từ ngôi Sao Tình Yêu Bê-lem vậy. Nói đến Tình Yêu là nói đến ”cho” và ”nhận”. Giáo Hội – cụ thể là cộng đồng Ki-tô hữu thế giới – đã ”nhận” Tình Yêu từ Thiên Chúa Tình Yêu, thì không lý gì lại không đem chính Tình Yêu ấy san sẻ ”cho” người khác, cho anh em.
Ngày hôm nay, thế giới đã gia tăng các nạn đói kém, áp bức bất công và chiến tranh, rồi nạn khủng bố, nạn tra tấn, nạn bạo hành trong gia đình, trong trường học và đủ mọi hình thức bạo động khác…. Xem ra thì tình hình thế giới còn khốc liệt hơn cả những Lời Đức Giê-su Ki-tô tiên báo ("Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện" – Lc 21, 10-11). Không những Người tiên báo, mà còn cảnh giác: "Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: "Chính ta đây", và: "Thời kỳ đã đến gần"; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu" (Lc 21, 8-9).
Bởi đâu nên nỗi? Cũng bởi vì “Vào những ngày sau hết sẽ có những lúc gay go. Quả thế, người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa; hình thức của đạo thánh thì họ còn giữ, nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ... ” (2Tm 3, 1-4); “... Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường... ” (2Tm, 4, 3-4).
Đến như thế thì những vì sao Ki-tô hữu sẽ nghĩ gì và phải làm gì? Đừng quên rằng trước khi truyền lệnh "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo." (Mc 16, 15) thì chính Đấng Cứu Tinh đã dạy: "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian… ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời." (Mt 5, 14-16). Là ánh sáng cho trần gian tức phải là bản sao trung thực của ngôi sao Bê-lem chiếu tỏa ánh sáng chân lý cứu độ trước mặt thiên hạ. Vậy thì còn chần chờ gì nữa mà không sẵn sàng “xin vâng” lên đường thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Ôi! Lạy Chúa Hài Đồng! "Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi." (Tv 119). Con ước ao được là một vì sao thật nhỏ bé (nhưng là bản sao trung thực nhất của Sao Bê-lem) ở ngay trong gia đình con, để dẫn đường chỉ lối cho con cháu của con biết tìm về Chính lộ: nơi đang sáng tỏ mầu nhiệm Giáng Sinh trong mầu nhiệm Giáo Hội. Và nếu con còn một chút sức lực nào đó, xin cho con được làm một vì sao bé nhỏ trong khu xóm, trong giáo xứ của con nữa. Xin Chúa thương ban Thần Khí cho con để con có thể làm tròn trách vụ một vì sao Ki-tô hữu trong thời buổi nhiễu nhương, vàng thau lẫn lộn này. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: