Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hành vi nhân linh

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

HÀNH VI NHÂN LINH (CN III/TN-B)

 

Bài Tin Mừng hôm nay (CN.III/TN-B – Mc 1, 14-20) trình thuật Đức Giê-su khai mạc sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Người dạy: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng." Thời kỳ đã mãn nghĩa là đã hết một thời kỳ, và đã đến lúc bắt đầu một thời kỳ mới. Thời cũ là thời của Cựu Ước – thời kỳ trông đợi Đấng Cứu Tinh đem ơn cứu độ của Thiên Chúa xuống nhân trần, để giải thoát loài người khỏi tội lỗi và sự chết đời đời – thời kỳ này đã mãn (đã chấm dứt). Thời kỳ mới bắt đầu mở ra một kỷ nguyên mới là “Triều đại Thiên Chúa” (Thánh sử Mat-thêu gọi cách nôm na là “Nước Trời” – Mt 4, 17). Tuy nhiên “Triều đại Thiên Chúa” mới chỉ “đến gần” chớ chưa phải là hiện thực.

 

“Triều đại Thiên Chúa – Nước Thiên Chúa” đã đến gần, và vì thế “anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Tại sao lại như vậy? Câu trả lời cũng tương đối đơn giản: Lời dạy “tin vào Tin Mừng” tức là hãy tin vào Lời Chúa loan báo: “Nước Trời đã đến gần”. Biết được Nước Trời đã đến gần, thì điều kiện tiên quyết để có thể đạt được Nước Trời là hãy sám hối. Rõ ràng sám hối và tin là 2 chiều kích đan kết vào nhau và là điều kiện của nhau: Nếu anh tin vào Tin Mừng thì hãy sám hối và khi anh sám hối thì niềm tin của anh sẽ được thăng hoa. Nói cách khác, anh cần phải ý thức rõ ràng con người trần thế đầy tội lỗi nhuốc nhơ, chỉ khi nào anh thực lòng ăn năn hối cải (sám hối), quyết tâm sống theo Lời Chúa, anh mới có hy vọng chiếm hữu được Nước Trời.

 

Có một châm ngôn La ngữ khá phổ biến: “Lầm lỗi là bản tình của con người” (errare humanum est). Đông phương cũng có câu “nhân vô thập toàn” (con người không bao giờ có được thập phần – 10/10 – hoàn hảo). Đã là con người thì ai cũng có những sai lầm thiếu sót không tránh khỏi. Những lỗi lầm sai sót của con người ví như bụi bặm bám trên một làn da, một tấm thân và vì thế mới gọi đời là trần gian (trong đám bụi), trần thế (bụi đời), trần ai (bụi sầu), hồng trần (bụi hồng). Bụi bặm bám vào da người không chỉ làm cho xấu đi nước da, mà còn phát sinh bệnh tật (hôi hám, ngứa ngáy, ghẻ lở, nấm mốc…). Tất nhiên khi thân mình đầy bụi thì cần phải tắm rửa, không những chỉ để giữ cho thân thể sạch đẹp mà còn giúp cho sức khoẻ tăng trưởng tốt. Tắm rửa sạch sẽ rồi thì sau đó cơ thể sẽ dơ bẩn trở lại, và nếu thế thì lại phải tiếp tục tắm rửa. Châm ngôn sống phải là: “Tắm rửa hàng ngày, tắm rửa luôn luôn”. Với bụi bặm hữu hình còn như vậy, huống chi những bụi bặm vô hình bám vào và làm thối rữa tâm hồn.

 

Chắc chắn không một ai nghĩ rằng “Tắm rửa rồi thì sau đó thân thể lại dơ bẩn trở lại. Vậy thì khỏi cần tắm rửa chi cho mất công”. Đó chỉ là “lý sự cùn”! Tuy vậy, bản thân kẻ viết bài này đã vấp phải lập luận “lý sự cùn” tương tự như trên. Tôi vẫn chưa quên một câu chuyện cứ ám ảnh tôi khôn nguôi: Hồi tôi còn nhỏ, có một lần thân phụ tôi sai tôi quét nhà. Vì đang mải chơi, tôi cãi lại: “Con có quét sạch thì lát nữa nó cũng dơ bẩn trở lại”. Thân phụ tôi nghiêm nét mặt: “Được lắm! Vậy thì trưa và chiều nay con khỏi ăn cơm, vì có ăn thì rồi cũng đói lại mà thôi”. Tôi giật mình xin lỗi và ngay lập tức líu ríu cầm chổi quét nhà. Một câu chuyện tương tự khác xảy ra bên Tây Ban Nha (theo lời kể của một Linh mục Việt Nam nhân chuyến công tác tại Rô-ma, có ghé qua Tậy Ban Nha): Tại nhà thờ một Giáo xứ có một cây Thánh Giá mà trên đó là tượng Chúa Giê-su thay vì hai tay dang thẳng sang 2 bên, thì chỉ có tay trái dang thẳng, còn tay phải thì thõng xuống đưa về phía trước như muốn xoa đầu hay vẫy gọi ai đó. Hỏi sự tích thì được biết:

 

Trước đó đã lâu lắm, có một người đến xưng tội với cha xứ, chỉ xưng có một tội duy nhất. Thấy đó là một tội trọng, cha xứ ôn tồn khuyên bảo phải kiên quyết chừa cải không mắc phạm nữa. Cách một tháng sau, cũng người đó đến xưng tội và cũng chỉ một tội y như lần trước. Cha xứ nghiêm khắc cảnh cáo: “Phải ăn năn dốc lòng chừa, không được tái phạm nữa, và nếu còn tái phạm tội này thì không tha được đâu”. Vài tháng sau, cha xứ lại thấy người đó xưng chỉ một tội y chang lần trước. Cha xứ bực dọc: “Tôi đã nói rồi mà tại sao ông không nghe. Thôi thí lần này tôi giải tội cho, nhưng không có lần nữa đâu đấy nhé”. Không ngờ mấy tháng sau, người ấy cũng đến xưng tội và cũng chẳng khác 3 lấn trước. Cha xứ không kềm được tức giận, đuổi thẳng. Người đó buồn rầu lủi thủi ra về. Đến giữa nhà thờ, cúi mình bái Thánh Giá, bỗng thấy có một bàn tay đặt trên đầu kèm theo một lời nói rất điềm đạm: “Cha xứ không giải tội cho con, thì lại đây Ta giải cho”. Ngẩng đầu lên, người đó hoảng hốt khi thấy bàn tay phải của Chúa  Giê-su đã rời khỏi Thánh Giá, đang đặt trên đầu minh và lời nói vừa rồi từ chính miệng Người phát ra. Kể từ đó, nhà thờ giữ nguyên hiện tượng Đức Giê-su trên thập giá có tay phải thõng xuống và đưa về phía trước.

 

Thế đấy! Chẳng ai dám tự vỗ ngực xưng mình là xưng tội nào thì chừa hẳn được tội đó. Đó là chưa kể tội lỗi trong cuộc đời trần thế này có vô vàn vô số hình thức và sự cám dỗ khác nhau, không thể lường trước được. Tuy nhiên “Lầm lỗi là bản tình của con người” nên chi cũng đừng lo sợ thái quá. Điều quan trọng là cần phải biết luôn luôn nhìn lại con người mỏng giòn và yếu đuối của mình, mà sám hối và tin vào Tin Mừng Cứu Độ của Thiên Chúa, thì sẽ được tha thứ, như dân thành Ni-ni-vê thủa xưa (Gn 3, 1-5.10). Ấy cũng bởi vì "Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám." (Dt 11, 1-2).

 

Con người vốn dĩ rất dễ bị dao động trước những hiện tượng thiên nhiên và vì thế nên thường đặt niềm tin không đúng chỗ, nếu không muốn nói là sai lầm (Vd: Thay vì tin tưởng vào một vị thần duy nhất là Ông Trời, thì lại đi tin vào thần cây đa cây đề, thần sông thần núi, thần gió thần mưa, thần sấm thần chớp…). Cho nên để có được đức tin, chúng ta phải cậy nhờ vào hồng ân của Thiên Chúa. Nểu không có hồng ân, chắc chắn không thể có đức tin sáng suốt (“Đức tin là hồng ân của Thiên Chúa, là nhân đức siêu nhiên do Người phú bẩm. Để có được đức tin nầy, cần có ân sủng Thiên Chúa đi trước giúp đỡ và có sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần, Đấng thúc đẩy và qui hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt tinh thần và ban cho "mọi người cảm thấy dịu ngọt khi đón nhận và tin theo chân lý" (DV 5).” –  Giáo lý HTCG, số 153)

 

Cũng bởi vì “Tin trước hết là gắn bó bản thân con người với Thiên Chúa, đồng thời cũng là tự nguyện chấp nhận tất cả chân lý Thiên Chúa đã mặc khải” (Giáo Lý HTCG, số 150). Khi đã có được hồng ân cao cả là "nhân đức siêu nhiên" (Đức Tin) do Thiên Chúa phú bẩm, con người cần phải sống đúng, sống đủ với đức tin của mình. Một cách cụ thể, cần phải thể hiện đức tin bằng hành động trong cuộc sống chứng tá của mình, bởi “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 17). Vâng, “Tin vẫn là một hành vi đích thực của con người. Tin tưởng Thiên Chúa và gắn bó với những chân lý mặc khải không đi ngược với tự do và trí khôn con người.” (GL/HTCG, số 154).

 

Có thể khẳng định hành trình đức tin gồm 4 bước: 1- Đến với Lời Chúa (gặp gỡ Thiên Chúa); 2- Chiêm niệm (“lắng nghe và suy nghĩ trong lòng” như Đức Maria Mẹ Thiên Chúa); 3- Sám hối và Tin vào Lời Người (Mc 1, 14); 4- Cuối cùng hãy biến đức tin của mình thành “hành vi nhân linh – actus humanus” (GL/HTCG, số 1749) bằng hai tiếng “xin vâng” (như “Mẹ Đức tin” Maria đã dạy “Người bảo gì, các anh cứ làm theo” – Ga 2, 5). Chẳng cần tìm ở đâu xa, mà ngay trong thời đại hiện nay, đã có một tấm gương rất gần gũi, rất thân tình là Thánh GH Gio-an Phao-lô II: Ngài đã đề ra châm ngôn “Canh tân và sám hối” rồi kiên trì thực hiện trong suốt triều đại của ngài, đến nỗi đã bị ám sát hụt. Ngài không những đã kêu gọi con cái sám hối, mà còn đổi mới cả cung cách sám hối khi mạnh dạn xin lỗi về những sai lầm thiếu sót của Giáo Hội cả trong những triều đại tiền nhiệm xa xưa, đồng thời thực hiện đúng Lời Chúa đã truyền dạy “hãy yêu cả kẻ thù” khi ngài vui vẻ tha thứ rồi còn vỗ về an ủi kẻ đã ám sát mình.

 

Viết về tấm gương sáng chói của Thánh Gio-an Phao-lô II, tôi thật tâm đắc khi nhớ tới hồi nhỏ, mỗi khi xét mình ăn năn tội, cha xứ thường khuyên bảo “hãy ăn năn dốc lòng chừa cải”. Thật là một lời khuyên chân tình đúng mực: Ăn năn tội không chỉ là CHỪA (từ bỏ tội lỗi vì hối hận) mà còn phải CẢI (sửa chữa, đổi mới con người của mình) nữa. Ngay trong từ Hán Việt “sám hối” ( 懺 悔 ) cũng đã hàm nghĩa: ăn năn hối cải về điều đã lỗi phạm (sám: ăn năn thú nhận tội; hối: sửa đổi lỗi lầm). Quả nhiên muốn canh tân thì phải biết sám hối, có dốc lòng sám hối mới canh tân được cuộc sống. Sám hối và canh tân vừa là tiền đề, vừa là kết quả của hành trình đức tin Ki-tô hữu vậy.

 

Thánh Au-gus-ti-nô đã dạy: “Nếu mạc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người thì Đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa.” Sự đáp trả đó chính là đòi hỏi cần thiết giúp người tín hữu đạt được ước nguyện là hưởng ơn cứu độ cách viên mãn, như Ðức Giê-su đã truyền dạy các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ, còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16, 15-16). Ơn cứu độ ấy sẽ hoàn thành trong ngày sau hết, nhưng ngay từ bây giờ, đức tin giúp cho người tín hữu nếm hưởng ánh sáng vĩnh cửu, "bảo đảm cho những điều ta hy vọng" (Dt 11, 1). Một cách cụ thể, đức tin chính là khởi điểm của cuộc sống vĩnh hằng. Rõ ràng “Đức tin là hy vọng” mà hành trình đức tin là “tin và chịu Phép Rửa (sám hối)” (Mc 16, 16), là “sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15), không thể khác hơn.

 

Ôi! Lạy Chúa! Con rất muốn được dốc lòng ăn năn chừa cải về những sai lầm thiếu sót của con trong quá khứ và hiện tại, nhưng con còn rất yếu đuối, không đủ can đảm để nhận ra hết được những lầm lỗi sai sót đó. Cúi xin Chúa thương ban cho con Đức Tin để con vững tin vào Tin Mừng Cứu Độ, đồng thời cũng xin Chúa thương ban Thần Khí cho con để con đủ sáng suốt nhìn lại con người thật của mình với biết bao sai lầm thiếu sót, đồng thời có đủ dũng khí sẵn sàng từ bỏ tội lỗi, đổi mới cuộc đời con. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.