Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đấng có thẩm quyền

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

ĐẤNG CÓ THẨM QUYỀN             

 (CN IV/TN-B)

 

Bài Tin Mừng hôm nay (CN.IV/TN-B – Mc 1, 21-28) trình thuật Đức Giê-su giảng dạy tại hội đường Ca-phac-na-um, khiến cho “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.” (Mc 1, 22). Làm sao dân Do-thái lại nhận ra được Đức Giê-su giảng dạy như một Đấng có thầm quyền? Đó là nhờ họ so sánh Người với các kinh sư. Đối với họ, các kinh sư, luật sĩ là những người có “thẩm quyền” giải thích Lề Luật và sách các ngôn sứ. Nhưng trên thực tế, các kinh sư luật sĩ chỉ là những người  “ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy…Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi"(Mt 23, 2-7).

 

Đức Giê-su thì không như vậy, Người thường đến với những người nghèo khó, bệnh tật, tội lỗi và những lời giảng dạy của Người không là những lời giảng hoa mỹ hùng biện, nhưng bằng những lời bình dân, nhất là những câu chuyện dụ ngôn lấy từ chính đời sống hằng ngày. Nơi Người giảng dạy và làm phép lạ thường là những nơi rất dân dã gắn với đời sống bình dân: bên vệ đường, bên giếng nước hay bên sườn núi hoặc trong nhà những bênh nhân khó nghèo, cô quạnh. Đó quả nhiên không giống một chút nào với đám người kinh sư mà dân Do-thái vẫn gặp thường xuyên. Không những thế, với Đức Giê-su thì lời nói luôn đi đôi với việc làm (làm phép lạ, chữa trị bệnh tật, khu trừ ma quỷ…).

 

Rất nhiều bằng chứng cụ thể chứng tỏ cho nhận định trên: Đức Giê-su chữa người bị phong hủi; chữa đầy tớ của một đại đội trưởng; chữa bà mẹ vợ ông Phê-rô; chữa lành mọi kẻ ốm đau… (Mt 8, 1-4; 5-13; 16-17); cho con trai một bà goá thành Na-in sống lại (Lc 7, 11-17); cho La-da-rô chết 4 ngày sống lại (Ga 11, 19-27)… Một trong những minh họa sống động nhất là trong dịp giảng dạy tại hội đường Ca-phac-na-um lần này, có một nhân chứng sống động là “một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: "Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!", và ngay lập tức, “Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.” (Mc 1, 22-26).

 

Dân chúng được nghe những Lời Đức Giê-su giảng dạy chí tình chí nghĩa, luôn luôn biểu lộ tình yêu bao la của Thiên Chúa; lại được chứng kiến phép lạ trục xuất thần ô uế, nên ”Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!" (Mc 1, 25-27). Những lời bàn tán của dân chúng bộc lộ một tâm trạng thần phục Đức Giê-su: “Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền”, khác xa giáo lý mà họ từng nghe các kinh sư giảng dạy (đơn cử một ví dụ: "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa… Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” – Mt 5, 38-39.43-44).

 

Quả thật, chỉ có Đấng Thánh của Thiên Chúa mới có uy quyền như vậy. Ấy cũng bởi vì Người chính là Ngôi Lời được Chúa Cha sai xuống trần gian, làm Đấng Em-ma-nu-en (Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta). Sự kiện này đã được tiên báo từ Cựu Ước: Thiên Chúa đã cho xuất hiện giữa Ít-ra-en một vị Ngôn Sứ.  Sách Đệ Nhị Luật đã mô tả uy quyền của vị Ngôn Sứ này: “Bấy giờ Đức Chúa phán: ‘…Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy… Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó’” (Đnl 18, 18-19). Vị ngôn sứ đó không ai khác hơn là chính Người mà Đức Chúa Cha đã phán dậy: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9, 7). Hãy vâng nghe Lời Người bởi vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước là ánh sang chỉ đường con đi” (Tv 119, câu 105).

 

Người Ki-tô hữu “Hôm nay nghe tiếng Chúa, anh em đừng cứng lòng!” (Tv 95), cũng “không phải bận tâm lo lắng điều gì” (1Cr 7, 32); mà “hãy đến với Thiên Chúa”. Vâng, hãy đến với Người trong cuộc hành trình đức tin tiến về Đất Hứa là Nước Trời. “Đừng cứng lòng”, cũng đừng ngại gian khổ, hy sinh, bởi Chúa vẫn luôn ở cùng và đồng hành với chúng ta ("Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." – Mt 28, 20). Chúng ta đã được chính Đức Giê-su Thiên Chúa dìu dắt vượt qua Biển Đỏ cuộc đời đầy phong ba bão táp bằng Bí tích Thánh Tẩy. Bây giờ là lúc chúng ta phải can đảm chấp nhận mọi gian lao nguy hiểm, mọi thử thách nghiệt ngã, nhất là những “viên đạn bọc đường” đầy hấp dẫn của ba thù. Vậy thì còn chần chờ gì nữa, mà không đến với Người đã tha thiết kêu mời: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường." (Mt 11, 28-29).

 

Ôi! Lạy Chúa! Cúi xin Chúa ban đức tin cho chúng con để chúng con luôn nhận ra uy quyền và sức mạnh của Lời Chúa, xin ban Thần Khí cho con để con đủ sáng suốt vượt qua Biển Đỏ lỗi lầm, và nhất là đủ can đảm vượt qua mọi gian lao thử thách trong sa mạc cuộc đời. Chúng con cầu xin, nhớ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.