Chúa Giêsu chữa người bị quỷ ám
Chúa Nhật IV Thường Niên B
CHÚA GIÊSU CHỮA NGƯỜI BỊ QUỶ ÁM
Dnl 18,15-20; 1Cr 7,32-35; Mc 1,21-28
Hôm 21/9/2014, có một Lễ Đen thờ phượng Satan đã được thực hiện tại một hội trường nhỏ ở tầng hầm trung tâm hành chính của thành phố Oklahoma Hoa Kỳ, trước sự bảo vệ của một lực lượng cảnh sát đông đảo. Bất chấp những phản đối của hơn 100.000 người trong một bản kiến nghị trực tuyến.
Ma quỷ lộng hành trong lòng các quan chức thành phố khiến họ hành động mù quáng lấy tiền đóng thuế của dân để công kích tất cả mọi thứ mà chúng ta cho là thiêng liêng và mang lại ơn cứu chuộc; và đưa ra những mối nguy hiểm tinh thần cho mọi người. Chính những kẻ ấy chỉ một ngày sau đó, đã phải thỉnh cầu Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley của Oklahoma City đến trừ tà trung tâm hành chính của thành phố, vì các nhân viên làm việc tại đây cảm thấy khó chịu và không an tâm khi làm việc tại tòa nhà này…
Ma quỷ là chuyện có thật chứ không phải chỉ là chuyện tưởng tượng của các nhà văn hay các nhà đạo diễn điện ảnh như nhiều người tưởng.
Ma quỷ luôn có mặt trong thế giới con người, cuộc chiến với ma quỷ, con người trong thân phận mỏng giòn không phải là địch thủ ngang tài đồng sức, nên thường thua cuộc nếu không có trợ giúp. Ngay trong trận chiến đầu tiên giữa con người và ma quỷ, nguyên tổ Adam và Eva đã thua mưu chước ma quỷ khi trái lệnh Thiên Chúa. Con người khó tự mình thoát được nanh vuốt ma quỷ luôn tìm cách làm hại con người không những bằng xúi giục con người làm điều tội lỗi mà còn hành hạ, khống chế, trói buộc, bắt con người làm nô lệ cho chúng. Chúng rất tinh khôn nên thường xuất hiện dưới những hình dáng bên ngoài xinh đẹp, hấp dẫn như vẻ đẹp và sự trí tuệ của cây biết lành biết dữ trong vườn địa đàng mà nguyên tổ đã mắc mưu. Chúng xuất hiện dưới nhiều vẻ đẹp hào nhoáng của thế gian, những đồng tiền bất chính và hứa hẹn cho ta một cuộc sống thoải mái… như chúng cám dỗ Chúa Giêsu "… đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy" (Mt 4,8).
Chúa Giêsu đến thế gian đấu tranh vì con người, cuộc đấu tranh này dẫn đưa Ngài đến thập giá và giải thoát nhân loại khỏi những xiềng xích theo cách giải thích luật Chúa nhỏ nhen của loài người đã ràng buộc họ, như cách giải thích của các Biệt phái và Kinh Sư. Đặc biệt Trên Thập Giá, Chúa Giêsu giải phóng con người khỏi sự dữ và Satan.
“Đi vào trong hội đường, Chúa Giêsu giảng dạy”, sự hiện diện của Ngài trong hội đường đã khiến cho Satan - thần ô uế đang mai phục trong một anh em phải chường mặt ra và khiếp sợ thét lên: “Ông Giêsu Nagiarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,23 – 24).
Thật thế, Đức Giêsu là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24) như chính miệng của Quỷ ma tuyên xưng, “vì là Đấng Kitô, nghĩa là Đấng Được Xức Dầu, được thánh hiến, và là Con Thiên Chúa” (Kinh Thánh Tân Ước 1995:185). Người đã xuất hiện như một ngôn sứ “có uy quyền” (Mc 1,27) và chính uy quyền đó biểu lộ nơi sức mạnh trấn áp “thần ô uế” (Mc 1,23).
Đức Giêsu quát mắng Thần ô uế: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này". Từ nguyên ngữ trong Thánh Kinh bản văn Hi Lạp được dùng ở đây, có nghĩa là "bịt miệng", “đe dọa”, “quát mắng". Sau này trước giông bão nổi lên trên biển hồ, Đức Giêsu cũng sử dụng từ này (Mc 4,39) ra lệnh cho sóng biển vốn là biểu tượng của sức mạnh Satan, phải im lặng cho biển trở nên hiền hòa. Trong mầu nhiệm sự chết và sống lại của Đức Kitô, quyền năng của Đấng Phục sinh chiến thắng mọi quyền lực ma quỷ được diễn tả qua câu: sự ác bị đánh bại Thiên Chúa xuất hiện…
Trước lời giảng dạy, và lời truyền cho Satan phải rút lui, “Người ta kinh ngạc về giáo lý của người" (Mc1,22). Ngài giảng dạy không như các Ký lục, nhưng Ngài giảng dạy với uy quyền đến từ Thiên Chúa. Theo nguyên ngữ Kinh Thánh, tiếng Hy Lạp “uy quyền” có nghĩa rất mạnh. Trong Thánh Kinh Cựu Ước, Thiên Chúa sẽ ban cho Đấng Messiah của Ngài một “Quyền lực” tối thượng (Đnl 7,13-14). Chúa Giêsu là Đấng Kitô, tức là Đấng Messiah, được xức dầu tấn phong (x. Lc 4,18)
Chúa Giêsu cũng khẳng định quyền năng tuyệt đối đến từ Thiên Chúa, xua đuổi quỷ để xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa: “Ta trừ quỷ chính nhờ quyền năng Thiên Chúa, và điều ấy chứng tỏ rằng Nước Thiên Chúa đã đến với các ngươi rồi” (Lc 11,20).
Ma quỷ và hoạt động của chúng vẫn luôn hiện hữu trong xã hội ngày nay, hai tác giả Hal Lindsey và C.C. Carlson đã ghi nhận và trình bày trong một tác phẩm được Linh Giao phóng tác ra Việt ngữ dưới tựa đề ‘Satan vẫn còn sống và đang tung hoành trên mặt đất’ (NXB Thế giới, 1992) trình bày những sự kiện Satan vẫn còn làm việc trong thế giới ngày nay... Đức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1972 khẳng định rằng: ma quỷ, những tạo vật vô hình, mưu mô, có thật và vẫn còn hoạt động rất mạnh. Nó hành động cách trực tiếp hoặc qua những sự cám dỗ con người.
Riêng trong xã hội Việt Nam hôm nay chúng ta vẫn còn nghe nói và có khi thấy: bùa ngải, thư yểm, nhất là nơi những người buôn bán, như ta từng nghe nói: ‘ngậm ngải tìm trầm’ hay ‘bùa yêu’ của một vài người thỉnh về, đó là những thế lực của sự dữ của bóng tối mà Satan làm chủ trói buộc con người. Mưu mô ranh ma của chúng mà Kinh Thánh Tân Ước có nhấn mạnh: Ma quỷ là kẻ dối trá và hay đánh lừa con người (Ga 8,44).
Thế giới hôm nay vẫn bị ám ảnh bởi nhiều thứ khác: tham vọng và dục vọng, sợ hãi và oán thù, ích kỷ và hưởng thụ... Thật thế ma quỷ mai phục nơi mỗi người chúng ta: quỷ keo kiệt muốn ta chỉ lo giữ mà không muốn chia sẻ cho người khác. Quỷ kiêu hãnh mà chúng ta phải luôn cảnh giác kẻo nó đưa chúng ta lên khi nghĩ rằng chúng ta thật là một nhân vật quan trọng do công nghiệp của riêng mình. Quỷ mê ăn uống, xô đẩy chúng ta ra khỏi tinh thần tiết độ. Quỷ khoái lạc là một con quỷ có mặt nạ dễ thương, có nhiều bạn trợ giúp như Tivi, phim ảnh, sách báo đồi trụy và bạn bè xấu... Chúng ta xin Chúa đến giúp chúng ta khỏi những ách nô lệ của quyền lực bóng tối này như xưa Ngài đã trục xuất chúng ra khỏi người bị qủy ám trong Hội Đường lúc Ngài giảng dạy. Chúng ta cùng hiệp cùng với lời cầu xin của Đức Giêsu Kitô dâng lên Chúa Cha cho chúng ta:
“Xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17,15),
Chúng ta tha thiết cầu xin với lời nguyện của Kinh Lạy Cha hằng ngày chúng ta vang lời cầu: “Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Giáo Lý Công Giáo giải thích rõ ràng: sự dữ ở đây chỉ một nhân vật, đó là Satan, là vị thiên thần đã chống lại Thiên Chúa, là ma quỷ (số 2851).
Thiên Chúa muốn chúng ta được giải thoát khỏi quyền lực chi phối của ma quỷ và Ngài còn muốn chúng ta cùng giải thoát cho anh chị em mình nhờ quyền năng của Đức Giêsu Kitô ban cho trong sức mạnh và tình yêu của Chúa Thánh Thần, theo sự chỉ dẫn của Chúa Giêsu: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy họ sẽ trừ được quỷ” (Mc 16,17; x. Lc 9,1; 9,49; 10,17-20). Bản thân của chúng ta tin mạnh, nhưng đức tin được tuyên tín nơi con người hết sức khiêm tốn, chúng ta cần tăng cường sự kết hợp mật thiết với Đức Giêsu Kitô bằng đời sống cầu nguyện (x. Mc 9,29), và bằng cuộc sống chay tịnh (x. Mt 17,14-24).
Thật thế, trước sức mạnh của sự dữ, chúng ta tin vào Chúa Kitô với tâm tình khiêm cung, cầu nguyện và chay tịnh, sẽ được đảm bảo như Thánh vịnh vang lời:
“Ngài ra tay chận đứng,
lấy tay uy quyền giải thoát con”
(Tv 136,7).
Lm. Vinh Sơn SCJ, Sài Gòn.
Thánh lễ online: http://tinvui.info/index.php/vi/news/Audio-Thanh-le-Bai-Giang-Chuyen-de/Nghe-Thanh-le-Chua-Nhat-IV-Thuong-Nien-5-545/
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: