Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Mừng Xuân Ất Mùi

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

MỪNG XUÂN ẤT MÙI

 

* GIÁO XỨ MỪNG XUÂN ĐỜI THÁNH HIẾN

* GIA ĐÌNH ĐÓN TẾT SỐNG TIN MỪNG

 

Theo Gợi ý mục vụ cho "Năm Tân Phúc-âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn” của Hội đồng Giám mục VN thì tháng 2/2015 có chủ đề: Giáo xứ: Cộng đoàn hiệp thông để truyền giáo.“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12). Trong khi đó, Tết Nguyên Đán Ất Mùi năm nay nhằm ngày 19/02/2015, có một sư ngẫu nhiên kỳ thú là ngày cuối năm âm lịch (30 tháng chạp Giáp Ngọ) lại đúng là ngày Lễ Tro khởi đầu mùa Chay Thánh.

 

Ngày cuối năm được gọi là “trừ nhật” ( 除 日 ), còn “trừ tịch” ( 除 夕 ) là đêm cuối năm. Đó là thời điểm hoán đổi giữa “năm cũ” và “năm mới” (theo nghĩa “trừ: thay đổi, hoán đổi”). Còn một thuyết khác (căn cứ vào nghĩa “trừ: bỏ đi, diệt, dẹp, khai trừ”) cho rằng Trừ Tịch là đêm trừ khử tà ma, xua đuổi cái xấu, để cầu điều tốt đẹp, phuớc lộc cho năm mới. Lễ Trừ Tịch được tổ chức vào giờ Tý (từ 23g tới 01g sáng), để tiễn cũ đón mới (“tống cựu nghinh tân” – 送 舊 迎 新 ). Truyền thống dân tộc Việt Nam – và nói chung, của các dân tộc Á Đông – rất coi trọng giờ phút năm cũ bước sang năm mới trong gia đình, bởi quan niệm đó là giờ phút thiêng liêng nhất để 2 vị thần Hành Khiển – một vị bảo trợ năm cũ, một vị bảo trợ năm mới – bàn giao công việc cho nhau. Cụ thể là vị thần trông coi gia đình chấm dứt nhiệm kỳ một năm, bàn giao trách nhiệm ấy cho vị thần kế nhiệm. Người trước trao, người sau nhận, Năm Cũ trao Năm Mới nhận, vì thế mới gọi là Giao Thừa.

 

Giáo Hội dùng Lễ Tro để nhắc nhở người tín hữu “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15) để mừng Đức A-đam Mới Giê-su đã Vượt qua cái chết và Phục Sinh vinh hiển. Như vậy thì nào có khác gì việc người tín hữu “khu trừ ma quỷ, loại bỏ cái xấu”, dọn dẹp sạch sẽ ngôi nhà tâm linh để đón mừng Năm Mới. Chính vì ngẫu nhiên kỳ thú ấy, nên Lễ Giao Thừa chuẩn bị mừng đón mùa Xuân Ất Mùi lại càng thêm ý nghĩa. Thử tìm hiểu xem chủ đề mục vụ có liên quan gì với tinh thần mừng Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam? Nhưng trước hết, cũng cần biết ý nghĩa ngày lễ hội quan trọng này:

 

I. ĐỊNH NGHĨA TẾT NGUYÊN ĐÁN:

 

Theo nguyên ngữ, ngày khởi đầu một năm được gọi là Tiết Nguyên Đán 節 元 旦 (Tiết: Ngày lễ, ngày hội, khánh tiết – Vd: Tiết Xuân, tiết Thanh minh, tiết Đoan Ngọ, tiết Trung thu…; Nguyên: Đứng đầu, khởi đầu; Đán: buổi sáng sớm, ban mai). Nhưng vì sao lại gọi là Tết Nguyên Đán? Theo sự tích “Bánh chưng bánh dầy” cho biết: Hoàng tử Tiết Liêu  節 僚 (còn gọi là Lang Liêu  琅 僚 ), con vua Hùng Vương thứ 6, phát minh ra cách làm bánh chưng bánh dầy để bày cỗ nhân dịp đầu năm, được vua cha truyền ngôi. Vua được coi là Con Trời (Thiên Tử  天  子 ), vương quyền trị vì bao trùm đất nước, nên thần dân không được đặt tên người (hay bất cứ danh xưng nào trong cuộc sống) trùng với tên vua, đó là tục lệ kiêng kỵ gọi tên vua (kỵ húy 忌 諱 ). Có lẽ vì thế, nên Việt Nam gọi thành Tết Nguyên Đán.

 

II. Ý NGHĨA NGÀY TẾT NGUYÊN ĐÁN:

 

Tết Nguyên Đán là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất và là ngày lễ tưng bừng, nhộn nhịp nhất của dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam có phong tục hằng năm, mỗi khi năm hết, Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, vẫn mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết. Theo quan niệm truyền thống Việt Nam, ngày Tết là ngày đoàn tụ, mối quan hệ gia đình được mở rộng ra làng xóm, xã hội. Tết cũng là dịp đúc kết mọi hoạt động trong một năm qua, chào đón một năm mới với hy vọng tốt lành cho cá nhân và cho cả cộng đồng.

 

Vì Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống mang tính toàn dân, nên vào những ngày cuối năm, mọi hoạt động đều hướng vào Tết, chuẩn bị cho Tết. Các ngành, các cấp đều có kế hoạch cho ngày hội đặc biệt này. Rõ nét nhất là không khí chuẩn bị nhộn nhịp, từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về. Ngày nay, việc tổ chức nghỉ Tết, vui Tết được quy định hợp lý, khoa học hơn, vừa phù hợp với nếp sống công nghiệp hiện đại,vừa bảo lưu được bản sắc văn hóa dân tộc, nhân sinh.

 

Như vậy, ngày Tết là ngày cả gia đình hợp với cộng đồng cùng chia sẻ niềm vui đón mừng Năm Mới. Niềm vui ấy không giới hạn trong gia đình, mà mở rộng ra làng xóm, quốc gia (như hình thức gửi thiệp chúc Tết, xông đất, mừng tuổi, hái lộc đầu năm, tổ chức lễ hội truyền thống hay tôn giáo v.v…). Do đó có thể nói – với các gia đình Ki-tô hữu Việt nam – thì ngày Tết chính là ngày sum họp gia đình theo truyền thống để cùng chung vui trong Niềm Vui Tin Mừng. Niềm vui ấy cần được chia sẻ với cộng đồng dân Chúa trong Giáo xứ, Giáo hội. Nói cách khác, đó chính là hiệp thông với cộng đoàn để Phúc Âm hóa gia đình thừa sai Giáo xứ như chủ đề của “Gợi ý mục vụ” (-nt-): Giáo xứ: Cộng đoàn hiệp thông để truyền giáo.

 

III. GIÁO XỨ: CỘNG ĐOÀN HIỆP THÔNG ĐỂ TRUYỀN GIÁO:

 

1- Truyền giáo là gì? Đức Giê-su Ki-tô đã dạy: “Chính anh em là muối cho đời ... Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” Bản thân muối phải có vị mặn, thì muối mới có tác dụng ướp cho những vật thể khác (thực phẩm, muối đất…) trở nên thơm ngon, hữu dụng. Nếu “muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối cho nó mặn lại?  Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.” (Mt 5, 13). Đến như ánh sáng thì bản chất không phải là một vật thể tự hữu, mà là do một vật thể khác (mặt trời, tinh tú, đèn đóm…) phát ra. Do đó “Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà.” (Mt 5, 14).

 

Nói cách cụ thể, thì Đức Giê-su muốn các môn đệ làm “muối” ướp cho đời, “muối” phải biết chấp nhận hoà tan, biến mình đi trong chất mặn vị kỷ, để hiến dâng cho đời hương vị thơm ngon, mặn nồng của quảng đại, vị tha. Là ánh sáng cho trần gian cũng tức là phải tỏa sáng trung thực “Ánh sáng Đức Ki-tô”. Cụ thể hơn, phải làm sao cho mình được trở nên đồng hình đồng dạng với “Đấng là ánh sáng cứu dộ trần gian” để “tôn vinh Cha, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 16). Hơn thế nữa, Đức Ki-tô còn dùng dụ ngôn “Men trong bột” (chỉ cần một nắm men nhỏ cũng làm cho cả thúng bột dậy men – Lc 13, 20-21) để nói về Nước Trời mà Người muốn các môn đệ rao giảng.

 

Dụ ngôn “muối, men, ánh sáng” không gì khác hơn là những tư tưởng, hành động mà Đức Giê-su mong muốn các môn đệ thực thi trong sứ vụ do Người sai đi. Đó chính là: “Ðược Thiên Chúa sai đến muôn dân để nên "bí tích cứu độ phổ quát", Giáo Hội, vì những đòi hỏi căn bản của công giáo tính và vì mệnh lệnh của Ðấng Sáng Lập, nhất quyết loan báo Phúc Âm cho hết mọi người. Thực vậy, chính các Tông Ðồ, nền tảng của Giáo Hội, đã theo chân Chúa Ki-tô, "rao giảng lời chân lý và khai sinh các giáo đoàn". Do đó, những người kế vị các Tông Ðồ có nhiệm vụ tiếp tục công việc này, để "Lời Chúa được lan tràn và sáng tỏ" (2Tx 3, 1), nước Chúa được công bố và thiết lập khắp trần gian.” (Sắc lệnh Truyền giáo “Ad Gentes”, số 1).

 

Nói “truyền bá Phúc Âm”, “loan báo Tin Mừng”, “rao giảng Lời chân lý” hay “Phúc Âm hóa”, chính là nói đến sứ vụ nhất quán của Giáo Hội: Truyền Giáo. Thường thì tầng lớp bình dân vẫn quan niệm truyền giáo là trách nhiệm của hàng giáo phẩm (giáo hoàng, giáo sĩ – giám mục, linh mục, tu sĩ…). Thực ra toàn thể Giáo Hội (từ giáo sĩ tới giáo dân) đều chung một bổn phận truyền giáo, vì Tất cả các tín hữu vì là chi thể Chúa Ki-tô hằng sống, được tháp nhập vào Người và nên giống Người nhờ Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, nên họ có bổn phận phải cộng tác vào việc phát triển và bành trướng Thân Thể Người, để Thân Thể này được sung mãn càng sớm càng hay.” (SL Truyền Giáo, số 36). “Như thế, rõ ràng là hoạt động truyền giáo bắt nguồn sâu xa từ chính bản tính của Giáo Hội. Nó truyền bá đức tin cứu rỗi của Giáo Hội, hoàn tất sự hiệp nhất công giáo của Giáo Hội bằng cách làm bành trướng sự hiệp nhất này, nó dựa vào tính cách tông truyền của Giáo Hội, nó thể hiện ý nghĩa cộng đoàn của hàng Giáo Phẩm, nó làm chứng, truyền bá và thúc đẩy sự thánh thiện của Giáo Hội” – SL Truyền Giáo, số 6).

 

2- Tại sao phải “hiệp thông để truyền giáo”? Hiệp thông là sống chan hòa yêu thương để cùng chung sức thực hiện một công việc nào đó (ở đây là công cuộc truyền giáo). Đức Giê-su khi sai các môn đệ đi “khắp tứ phương loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” đã dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12). Giáo Hội hiệp thông là một cộng đồng sống tình huynh đệ chan hòa yêu thương trong mầu nhiệm hiệp thông Thiên Chúa Ba Ngôi (như lời chúc của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần” – 2Cr 13, 13). Cũng bởi vì “Thưc tại Giáo Hội Hiệp Thông như thế là phần tất yếu hay nói đúng hơn, nó là nội dung trung điểm của "Mầu Nhiệm", nghĩa là của ý định Thiên Chúa trong vỉệc cứu rỗi nhân loại.” (T/H Ki-tô hữu Giáo dân “Christi Fideles Laici”, số 19).

 

Quả thực, tính chất căn bản của Giáo Hội là hiệp thông, mà sứ vụ duy nhất của Giáo Hội là truyền giáo, nên phải nói Giáo Hội là một cộng đồng hiệp thông và truyền giáo (“Sự thông hiệp phát sinh hơp nhất và bản chất nó là hiệp thông truyền giáo. Vì Chúa Giẽ-su đã nói với môn đệ Ngài rằng: "Không phải các con chọn Thầy, chính Thầy đã tuyển chọn các con và sai các con đi mang lại kêt quả và để kết qủa ấy tồn tại" (Ga 15, 16). Sự hiệp thông và việc truyền giáo gắn liền với nhau, xâm nhập và quấn quít nhau và đã trở nên như nguồn mạch, và là hoa trái của việc truyền giáo. Hiệp thông là truyền giáo, và truyền giáo có mục đích thể hiện sự hiệp thông.” – T/H Ki-tô hữu Giáo dân, số 32).

 

Vì thế, để việc truyền giáo đạt hiệu quả tối đa, cần phải biết sống hiệp thông và truyền giáo trong tinh thần “Mến Chúa yêu người”. Chính trải nghiệm này thúc giục người Ki-tô hữu ngày càng yêu mến Đức Ki-tô nhiều hơn và sẵn sàng chia sẻ tình yêu ấy cho người khác, nghĩa là dấn thân cho sứ vụ Phúc-âm-hóa cách mạnh mẽ hơn, trong sự hợp tác chặt chẽ với Giáo Hội địa phương. Phải làm sao cho được như Thánh Phao-lô “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi.” (Gl 2, 20).

 

KẾT LUẬN:  

 

Tóm lại, trong niềm vui chan hòa chào đón năm Ất Mùi (2015), người Ki-tô hữu Việt Nam vui trong “Niềm Vui của Tin Mừng” và sẵn sàng chia sẻ niềm vui ấy với cộng đồng dân Chúa nơi gia đình Giáo xứ, như mong ước của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng “Evangelii Gaudium” (số 1): “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giê-su. Những người để cho mình được Người cứu độ được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn rầu, trống rỗng nội tâm và cô lập. Với Chúa Giê-su Ki-tô niềm vui được sinh ra và luôn luôn tái sinh. Trong Tông Huấn này, tôi muốn khuyến khích các tín hữu Ki-tô giáo, để mời họ vào một giai đoạn mới của truyền giáo được đánh dấu bằng niềm vui trong khi chỉ ra những con đường mới cho cuộc hành trình của Hội Thánh trong những năm tới. Một niềm vui luôn đổi mới và thông truyền.”

 

Để chu toàn sứ vụ và sống trọn vẹn Niềm Vui Tin Mừng, hãy chạy đến với Đức Maria và dâng lời khẩn nguyện:

 

Lạy Ngôi Sao của Tân Phúc Âm hóa, xin giúp chúng con tỏa sáng qua việc làm chứng nhân của sự hiệp thông, của phục vụ, của đức tin nhiệt thành và quảng đại, của công lý và tình yêu dành cho người nghèo, để cho niềm vui của Tin Mừng có thể đi đến tận cùng của trái đất và không có ngoại vi nào mà không có ánh sáng của nó.

 

Lạy Mẹ của Tin Mừng hằng sống, nguồn mạch của niềm vui cho những người bé nhỏ, xin cầu cho chúng con. Amen. Alleluia!” (T/H Niềm Vui của Tin Mừng “Evangelii Gaudium”, phần kết).

 

JM. Lam  Thy ĐVD.