Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Vụ án độc nhất vô nhị

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

VỤ ÁN ĐỘC NHẤT VÔ SONG     

(LỄ LÁ năm B)

 

Bước vào Tuần Thánh là Chúa nhật Lễ Lá, Thánh Lễ hôm nay có phần mở đầu đặc biệt kỷ niệm việc Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem và được tung hô, nhưng trọng tâm của Thánh Lễ là để tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa. Trong một Chúa nhật tưởng niệm hai mặt trái ngược nhau của cuộc đời đối xử với Đấng Cứu Độ: Ngày đầu tiên Chúa vào thành thì được dân và trẻ con Do-thái hát hò, tung hô vang lừng để đón chào Đấng Mê-si-a như một vị vua: "Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!" (Mc 11, 9-10). Nhưng chỉ vài ngày sau đó, thì cũng vẫn đám đông ấy, mặt đằng đằng sát khí hô vang: "Đóng đinh nó vào thập giá!" (Mc 15, 14).

 

Đa phần khi suy niệm về Chúa nhật Lễ Lá, thường chỉ lưu ý tới sự kiện Đức Giê-su Ki-tô được dân chúng “lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải.” để đón tiếp Người, rồi còn nhiệt liệt tung hô vang lừng; đặc biệt hơn là tập trung suy niệm vào cuộc Thương Khó của Đức Giê-su, mà ít để ý đến vụ án xử tử Người. Chuyện đó cũng dễ hiểu, vì trong Thánh lễ CN Lễ Lá có đọc bài Thương Khó trình thuật quá trình chịu khổ nạn của Chúa (Mc 15, 1-39), từ sự kiện “Đức Giê-su ra trước tổng trấn Phi-la-tô” đến “Đức Giê-su chết trên thập giá”. Và vì thế, nên phần đông tín hữu trình độ bình dân chưa hiểu hết nội dung và bối cảnh lịch sử của “vụ án lạ lùng” này. Xin được mạn phép trình bày cảm nghĩ về vấn đề trên:

 

Vụ án trải qua 5 bước với những cấp độ và cách nhìn khác nhau:

 

1- Trước khi chính thức bị đưa ra tòa án để xét xử, Đức Giê-su đã bị áp giải tới dinh cựu thượng tế Kha-nan, là nhạc phụ của Cai-pha. Kha-nan là người có uy tín thời đó và cũng giống như các đồng sự cùng thời, có ác cảm với Đức Giê-su. Theo một số sử gia, Kha-nan là nhân vật có trách nhiệm lớn nhất trong vụ án này. Ông muốn trực tiếp điều tra, nhưng không khai thác được gì, vì Đức Giê-su luôn giữ thái độ im lặng. Quá bực tức, ông truyền áp giải Chúa sang con rể là Cai-pha, thượng tế đương nhiệm hồi đó.

 

2- Cai-pha nổi tiếng là một nhân vật chính trị có tài. Ngay tức khắc ông triệu tập Thượng Hội đồng gồm 72 thành viên, là tòa án tối cao của Do-thái thời đó. Toàn thể Thượng Hội đồng kiên quyết tìm chứng gian để lên án tử hình; nhưng họ tìm không ra. Sau cùng chỉ có 2 người bước ra khai ràng: “Tên này đã nói: tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa, và nội trong ba ngày, sẽ xây cất lại.” (Mt 26, 61). Từ lời khai đó, cả hội đồng đều cho rằng Đức Giê-su lộng ngôn phạm thượng; không những thế, Người còn vi phạm luật giữ ngày sa-bát rất nhiều lần, không giữ những tục lệ cổ truyền của It-ra-en. Trước những lời cáo buộc đó, Chúa Giê-su chỉ im lặng.

 

Cuối cùng, không dằn lòng được, Cai-pha đặt câu hỏi: "Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không?" (Mt 26, 63). Tới lúc đó, Đức Giê-su mới trả lời: "Chính ngài vừa nói. Hơn nữa, tôi nói cho các ông hay: từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến." Cai-pha tức giận xé áo mình ra và nói: "Hắn nói phạm thượng! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Đấy, quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao?" Họ liền đáp: "Hắn đáng chết!" Số phận Chúa Ki-tô đến đây coi như đã được định đoạt: Người bị kết ản tử hình. Tuy nhiên, vì Do-thái đang bị đế quốc Rô-ma đô hộ, người Do-thái không được quyền kết án tử hình bất cứ ai, nếu chưa được sự đồng ý của chính quyền Rô-ma. Vì thế, họ áp giải Đức Giê-su sang Tổng trấn Phi-la-tô.

 

3- Trước tổng trấn Phi-la-tô, đám người Do-thái đã phơi bày hết ác tâm bằng cách thay đổi những lời tố cáo từ lãnh vực tôn giáo sang lãnh vực chính trị, nhằm mục đích dứt khoát muốn tổng trấn Phi-la-tô giết Chúa như một kẻ tội phạm chính trị chống lại đế quốc Rô-ma. Một minh họa rõ ràng là khi thẩm vấn, thấy Chúa Giê-su tự xưng là Mê-si-a thì bọn người Do-thái giải thích Mê-si-a là Con Thiên Chúa, để khép Người vào tội “phạm thượng” về mặt tôn giáo (xúc phạm Thiên Chúa); nhưng khi tới trước tổng trấn Phi-la-tô thì họ lại giải thích Mê-si-a là Vua để khép Người vào tội phạm chính trị (“Họ bắt đầu tố cáo Người rằng: "Chúng tôi đã phát giác ra tên này xách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xê-da, lại còn xưng mình là Mê-si-a, là Vua nữa." – Lc 23, 2).

 

Cứ tưởng như thế thì phạm nhân Giê-su chắc chắn không thoát khỏi án tử; nhưng thật không ngờ tổng trấn Phi-la-tô lại nói với các thượng tế và đám đông: "Ta xét thấy người này không có tội gì." (Lc 23, 4). Đám thượng tế Do-thái vẫn một mực khăng khăng nói: "Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giu-đê, bắt đầu từ Ga-li-lê cho đến đây.” Biết là khó lòng làm cho đám người say máu này nguôi bớt cơn điên khùng, mà bản thân Phi-la-tô không muốn dính vào, nên tốt hơn cả là đá trái banh trả về khung thành của họ (vua Do-thái) là êm chuyện: “Nghe nói thế, ông Phi-la-tô liền hỏi xem đương sự có phải là người Ga-li-lê không. Và khi biết Người thuộc thẩm quyền vua Hê-rô-đê, ông liền cho áp giải Người đến với nhà vua lúc ấy cũng đang có mặt tại Giê-ru-sa-lem.” (Lc 23, 5-7).

 

4- Vua Hê-rô-đê  vốn từ lâu đã nghe nói về Đức Giê-su với những việc làm thánh thiện như chữa bệnh cho nhiều người, rồi còn làm nhiều phép lạ, nên vẫn mong có dịp được trực tiếp gặp Đức Giê-su để thỏa sự tò mò (“Vua Hê-rô-đê thấy Đức Giê-su thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ.” – Lc 23, 8). Tuy nhiên, khi nhà vua hỏi Đức Giê-su nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả. Trong khi đó thì các thượng tế và kinh sư lại càng tố cáo Người dữ dội hơn. Cuối cùng thì “vua Hê-rô-đê cũng như thị vệ đều khinh dể Người ra mặt nên khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại cho ông Phi-la-tô.” Đó là cách giải quyết “nhất cử lưỡng tiện” vừa giúp Hê-rô-đê gỡ thế bí vì sức ép của đám thượng tế, lại vừa giúp nhà vua nối lại mối thiện cảm với Phi-la-tô (“Ngày hôm ấy, vua Hê-rô-đê và tổng trấn Phi-la-tô bắt đầu thân thiện với nhau, chứ trước kia hai bên vẫn hiềm thù.” – Lc 23, 12).

 

5- Cứ tưởng đá được trái banh đi thì thoát nạn, không ngờ trái banh lại bị đối thủ đá ngược trở lại, Phi-la-tô rầu thối ruột, lại phải nát óc tìm cách làm sao để vừa trấn an được đám người có thế lực của Do-thái, vừa không kết án bất công người vô tội. Thật là “tiến thoái lưỡng nan”. Chỉ còn cách dựa vào tục lệ Do-thái, vào mỗi ngày lễ lớn phải phóng thích cho họ một người tù, Phi-la-tô thẳng thắn nói với đám đông: “Ta không thấy người này có tội gì, như các ngươi tố cáo. Cả vua Hê-rô-đê cũng vậy, bởi lẽ nhà vua đã cho giải ông ấy lại cho chúng ta. Và các ngươi thấy đó, ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra." (Lc 23, 14-16).

 

Đám đông phản ứng liền: "Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xê-da. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xê-da." (Ga 19, 12); và tiếp tục gào thét: "Giết nó đi, thả Ba-ra-ba cho chúng tôi!" (Tên ba-ra-ba này đã bị tống ngục vì một vụ bạo động đã xảy ra trong thành, và vì tội giết người). Kiên nhẫn nhắc đi nhắc lại tới 3 lần “Ta không thấy người này có tội gì”, mà đám đông vẫn gào thét “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá, Tổng trấn Phi-la-tô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: "Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!" Toàn dân đáp lại: "Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!" Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Ba-ra-ba cho họ, còn Đức Giê-su, thì ông truyền đánh đòn, rồi trao cho họ đóng đinh vào thập giá.” (Mt 27, 24-26)

 

Phân tích vụ án để cho thấy cái dã tâm độc ác của con người, vừa mới leo lẻo tung hô: "Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!" (Mc 11, 9-10), tiếp liền theo đó lại gào lên: “Đóng đinh nó vào thập giá” (Mc 15, 14). Với đám đông thì có thể hiểu được vì tâm lý con người là thế, chỉ biết a tòng, a dua với những kẻ lòng lang dạ sói nhưng có một vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài (những kinh sư, luật sĩ “đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài… ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi" – Mt 23 5-7). Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là chính những con người – những kinh sư, luật sĩ chuyên vỗ ngực xưng mình là thông hiểu lề luật, rành rẽ Thánh Kinh – đã lên án, kết án chính Người mà các ngôn sứ đã tiên báo từ trước trong Kinh Thánh Cựu Ước.

 

Cũng từ phân tích vụ án độc nhất vô song này để thấy được Tình Yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại cao vời khôn ví như thế nào. Vì Tình Yêu, Người đã xoay chiều cái ác thành cái thiện: Khi cái ác của con người lên đến đỉnh điểm (giết Người Con chí ái của Thiên Chúa trên Thánh giá) thì Người đã biến đổi hành động tàn bạo ấy thành sự thiện là giải thoát con người khỏi sự chết đời đời (“Thiên Chúa trong sự quan phòng toàn năng có thể rút sự lành từ hậu qủa của một sự dữ, cho dù là sự dữ luân lưu do thụ tạo gây nên: "Giu-se nói với anh em: không phải các anh đă đưa đẩy tôi đến đây nhưng là Thiên Chúa, ... sự dữ mà các anh đă định làm cho tôi, ý định của Thiên Chúa đă chuyển thành sự lành... để cứu sống một dân đông đảo." (St 45, 8; 50, 20). Từ việc Ít-ra-en chối bỏ và hạ sát Con Thiên Chúa là sự dữ luân lý lớn nhất chưa từng có do tội lỗi của con người gây nên, Thiên Chúa đă rút ra được sự lành lớn nhất do sự sung mãn của ân sủng (Rm 5, 20): Đức Ki-tô được tôn vinh và chúng ta được cứu chuộc. Tuy nhiên không vì thế mà cái xấu trở thành cái tốt được.” – Giáo lý HTCG, số 312).

 

Tóm lại, từ cái ác của loài người Thiên Chúa đã xoay chiều thành cái thiện để cứu rỗi nhân loại. Nói như vậy để thấy được với quyền năng vô hạn và tình thương bao la, Thiên Chúa đã làm tất cả cũng chỉ vì tình yêu (xuất phát từ tình yêu, Thiên Chúa dựng nên loài người, rồi cũng vì tình yêu Thiên Chúa lại ban chính Con Một xuống thế gánh chịu sự tàn ác của con người để cứu họ khỏi bị diệt vong). Điều đó cho thấy chỉ có Thiên Chúa mới làm đuợc như vậy, còn với loài người thì đừng bao giờ nghĩ rằng “cái xấu có thể trở thành cái tốt được” (GL/HTCG, số 312) để rồi cứ phây phây ngụp lặn trong cái xấu, trong tội lỗi ngập đầu. Với Ki-tô hữu thì lại càng cần  phải tâm niệm rằng tất cả sự xấu xa, tội lỗi nhuốc nhơ của mình sẽ được tẩy sạch, nếu biết đặt trọn niềm tin vào Đấng Chí Công, mà cầu xin Người ban ơn tha thứ.

 

Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho Ðấng cứu chuộc loài người phải sống kiếp phàm nhân và chịu khổ hình thập giá để nêu gương khiêm nhường cho thiên hạ noi theo. Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc thương khó, và được thông phần vinh quang phục sinh với Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển tri cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ CN Lễ Lá)

 

JM. Lam Thy ĐVD.