Hiệp thông trong thờ phượng
TÂN PHÚC-ÂM-HÓA GIÁO XỨ:
HIỆP THÔNG TRONG THỜ PHƯỢNG
Chủ đề tháng 4/2015 của "Năm Tân Phúc-âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn” là: GIÁO XỨ – CỘNG ĐOÀN HỘI THÁNH HIỆP THÔNG TRONG THỜ PHƯỢNG “Các tín hữu siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42). (xc Gợi ý mục vụ của HĐGMVN). Xin cùng tìm hiểu vấn đề:
I.- HIỆP THÔNG LÀ GÌ? “Hiệp thông” là sự liên kết chặt chẽ với nhau, lưu chuyển và chan hoà cùng một tính chất giữa các phần tử riêng lẻ trong một tổng thể duy nhất, sống động (Hiệp: gom lại, tập hợp lại nhiều phần tử cá biệt thành một thực thể; Thông: suốt, liên tục, luôn luôn không ngừng). Với Ki-tô giáo thì “Hiệp thông (Koinonia – Communion)” mang ý nghĩa chỉ về sự quan hệ của tín hữu với Thiên Chúa, cũng như giữa các tín hữu với nhau trong Ðức Ki-tô nhờ Thánh Thần.
Trong Tông huấn “Đời Sống Thánh Hiến – Vita Consecrata”, Thánh Gioan-Phaolô II đã coi sự hiệp thông là đạo lý và vạch ra một “linh đạo hiệp thông”: “Thượng hội đồng đã có nhiều tham luận về đạo lý hiệp thông, và người ta vui sướng chứng kiến các giám mục và các nam nữ tu sĩ hiện diện đã đối thoại với nhau trong một bầu không khí tin tưởng và cởi mở. Ước gì kinh nghiệm thiêng liêng này, về hiệp thông và cộng tác, được mở rộng ra toàn thể Giáo Hội, cả sau phiên họp Thượng hội đồng nữa. Đó cũng là nguyện vọng của tôi: mong sao mọi người tấn tới trong thái độ hiệp thông và linh đạo hiệp thông.” (T/H số 50). Thánh GH dẫn giải thật chi tiết: “Tình huynh đệ trong một thế giới chia rẽ và bất công (T/H số 51); Hiệp thông giữa các tu hội khác nhau (T/H số 52); Các cơ quan điều phối (những Hiệp hội bề trên nam nữ thượng cấp và Hiệp hội các tu hội đời) có thể góp phần đáng kể vào sự hiệp thông (T/H số 53); Hiệp thông và cộng tác với các giáo dân: Một hình thức rất ý nghĩa để giáo dân tham gia vào sự phong phú của đời thánh hiến là cho các tín hữu giáo dân được kết nạp vào các tu hội dưới hình thức mới gọi là "hội viên". (T/H số 54, 55, 56).
Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô cũng nhấn mạnh: “Vì thế tôi mong rằng “linh đạo hiệp thông” mà thánh Gioan-Phaolô II đã chỉ ra, sẽ trở thành thực tại, và anh chị em sẽ là những người đầu tiên đón nhận “sự thách đố lớn lao ở trước mặt” trong ngàn năm mới: “làm cho Giáo hội là ngôi nhà và trường học của hiệp thông”… Tiên vàn sự hiệp thông được thực hành ngay tại các cộng đoàn trong dòng… Chính “huyền nhiệm chung sống với nhau” làm cho cuộc đời trở nên một cuộc “lữ hành thánh thiện”… Ngoài ra tôi ước mong tăng gia sự hiệp thông giữa các phần tử của các dòng tu… Đồng thời đời sống thánh hiến được mời gọi hãy theo đuổi một sự hợp lực với các ơn gọi trong Giáo hội, khởi đầu từ các linh mục và giáo dân, ngõ hầu “tăng gia linh đạo hiệp thông trước tiên ở trong nội bộ, rồi đến trong cộng đồng Giáo hội và đi xa hơn nữa.” (Tông Thư Gửi Tất Cả Các Người Tận Hiến Nhân Dịp “Năm Ðời Sống Thánh Hiến” 2014, số 3).
Ngay cả Thư Chung 2013 của HĐGMVN (số 4) cũng giải thích: “Sự hiệp thông trong cộng đoàn được thể hiện qua sự tôn trọng, cộng tác và chia sẻ. Thật vậy, trên nền tảng bí tích Rửa Tội, mọi tín hữu đều bình đẳng với nhau về phẩm giá, cho nên phải tôn trọng lẫn nhau, tránh mọi hình thức phân biệt đối xử. Đồng thời phải cộng tác và chia sẻ với nhau để cùng xây dựng ngôi nhà chung là giáo xứ và thi hành sứ mạng chung là loan báo Tin mừng cho muôn dân.”
II.- HIỆP THÔNG – TRỌNG TÂM MẦU NHIỆM GIÁO HỘI: Điều đó cho thấy sự hiệp thông là trọng tâm của mầu nhiệm Giáo hội, là một đặc sủng, một đại ân huệ của Ba Ngôi Thiên Chúa ban cho nhân loại. Vì thế, các Ki-tô hữu đươc mời gọi nhận lãnh ân sủng này với lòng biết ơn và đồng thời sống ơn này bằng tinh thần trách nhiệm thi hành một sứ vụ cao cả. Nói cách khác, việc này được thực hiện một cách cụ thể khi người tín hữu trực tiếp tham gia vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội. Và để phục vụ Giáo hội cách hữu hiệu, tất cả mọi Ki-tô hữu giáo dân đều có nhiệm vụ thi hành các thừa tác vụ và các đoàn sủng của mình trong tinh thần hiệp thông xây dựng trên nền tảng Đức Ái. Nói đến đoàn sủng, thừa tác vụ, cũng tức là nói đến ân huệ được tham dự vào 3 chức vụ của Đức Giê-su Ki-tô (tư tế, ngôn sứ, vương giả). Từ Giáo hội toàn cầu tới Giáo hội địa phương (Giáo xứ), các tư tế (bao gồm cả tư tế thừa tác lẫn tư tế cộng đồng) rất cần thiết hiệp thông trong phụng tự (thờ phượng). Có như thế mới chu toàn được sứ vụ cơ bản của mình: Truyền Giáo.
Rõ ràng sự “Hiệp thông trong thờ phượng” là điều kiện tiên quyết trong sứ vụ nhất quán của Giáo hội: Loan báo Tin Mừng. Nhằm mục đích Phúc Âm hóa Giáo xứ, các linh mục có trách nhiệm nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo theo lý tưởng của cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi (Cv 2, 42). Để thực hiện điều này, linh mục là người tiên phong chỉ đường, hướng dẫn cho các gia đình thừa sai và giữ cho niềm hy vọng của họ luôn sống động. Các linh mục không chỉ đường như cảnh sát giao thông, mà cần phải ở giữa cộng đoàn bằng một sự hiện diện khiêm tốn và nhân từ. Nói như vậy, không có nghĩa là các linh mục trong Giáo xứ chỉ đơn thương độc mã trong sứ vụ truyền giáo, mà rất cần sự cộng tác mật thiết và đắc lực của giáo dân. Đó chính là hình ảnh sinh động không thể thiếu của “CỘNG ĐOÀN HỘI THÁNH HIỆP THÔNG TRONG THỜ PHƯỢNG”.
III.- HIỆP THÔNG TRONG THỜ PHƯƠNG: Sự “Hiệp thông trong thờ phượng” bao gồm những tác vụ: “siêng năng tham dự thánh lễ và cử hành phụng vụ, chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy và cầu nguyện không ngừng.” (Thư Mục vụ 2014 của HĐGMVN, số 2-3):
1- Siêng năng hiệp thông tham dự thánh lễ và cử hành phụng vụ: Truyền thống Việt Nam, các Ki-tô hữu vẫn siêng năng tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật cùng với các nghi thức cử hành phụng vụ. Đó là điều tốt đẹp, tuy nhiên cần phát huy hơn nữa việc cử hành phụng vụ một cách sống động và có ý thức hơn (không thực hành theo thói quen lặp đi lặp lại một cách “vô thức, vô cảm”, mà phải là những cử hành phụng vụ được thực hiện trong ý thức, trong chân tình mộ mến, vâng phục). Chỉ có như vậy mới khiến cho “phụng vụ trở thành nguồn lực thánh hóa bản thân, đồng thời đem tinh thần Phúc Âm vào môi trường sống trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội.” (Thư Mục vụ 2014, số 2).
2- Chuyên cần hiệp thông nghe các Tông Đồ giảng dạy: Đọc sách Công vụ Tông đồ sẽ thấy các Tông đồ tiên khởi giảng dạy Lời Chúa cho cộng đoàn và hướng dẫn họ đem Lời Chúa vào thực tế đời sống (“Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.” – Cv 2, 42). Cho đến ngày nay và mãi mãi về sau, trên hành trình rao giảng Tin Mừng, các linh mục trong các giáo xứ – những cộng sự viên của hàng giám mục – vẫn đang tiếp nối công việc của các Tông đồ. Các gia đình cần chuyên chăm nghe các Tông đồ (linh mục) giảng dạy, đồng thời cộng tác mật thiết với các ngài trong việc dạy giáo lý cho mọi tín hữu, cách riêng cho thiếu nhi và giới trẻ. Mục tiêu cần đạt tới phải là: “Tất cả chúng ta thi hành sứ vụ cách mới mẻ, bằng nhiệt tình mới, năng lực mới và phương pháp mới.” (Thư Mục vụ, số 3).
Nói như Giáo lý HTCG (số 1547) thì “Chức tư tế thừa tác là để phục vụ chức tư tế cộng đồng, giúp làm tăng trưởng ân sủng Phép Rửa nơi mọi Ki-tô hữu”. Ân sủng Phép Rửa này vừa là nền tảng vừa là bầu khí bao trùm mọi công việc phục vụ và lãnh đạo trong Giáo hội. Do đó những người được trao trách nhiệm phục vụ và lãnh đạo trong Giáo hội – giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân – cần được đào tạo kỹ lưỡng và thường xuyên, để họ có thể chu toàn sứ mạng cao cả là phục vụ sự tăng trưởng của ân sủng Phép Rửa nơi mọi tín hữu và loan báo Lời Chúa cho mọi người. Đổi lại, các Ki-tô hữu có nhiệm vụ cộng tác với hàng giáo sĩ trong công tác phụng tự (thờ phượng) như bổn phận, hơn thế nữa, như quyền lợi của chính bản thân mình.
Đặt một giả thử trong công tác phụng vụ, nếu chỉ có hàng giáo sĩ, linh mục đơn phương hoạt động thì hiệu quả sẽ ra sao? Ngay như trước đây, ở Việt Nam khi dâng Thánh lễ, linh mục chủ tế dùng tiếng La-tinh, giáo dân không hiểu chủ tế nói gì, bèn xoay ra lẩm bẩm đọc kinh riêng, thế là cha nói cha nghe, con nói con nghe, chẳng ai hiểu ai. Đến như Thiên Chúa, nếu không được con người trần thế cộng tác, thì Người cũng chẳng làm được gì trong công trình cứu độ nhân loại ("Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài" – Thánh Au-gus-ti-nô), huống hồ!
Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” (số 10) đã phân tích rõ ràng: “Chức tư tế cộng đồng của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về bản chất, song cả hai bổ túc cho nhau. Thực vậy, cả hai đều tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa Ki-tô theo cách thức riêng của mình. Tư tế thừa tác, nhờ có quyền do chức thánh, đào tạo và cai quản dân tộc tư tế, đóng vai trò Chúa Ki-tô cử hành hy tế tạ ơn và dâng của lễ ấy lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân chúng. Phần tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả, cộng tác dâng thánh lễ, và thi hành chức vụ đó trong việc lãnh nhận các bí tích, khi cầu nguyện và tạ ơn, bằng đời sống chứng tá thánh thiện, bằng sự từ bỏ và bác ái tích cực.”
Chính ví thế, cần biết lắng nghe Lời Chúa trong Thánh lễ, đồng thời chuyên chăm nghe các linh mục, tu sĩ giảng dạy trong các công tác phụng vụ. “Lắng nghe, suy nghĩ trong lòng và đem ra thực hiện Lời Chúa” theo gương Đức Maria Vâng Phục, ấy mới thực sự là cộng đoàn thừa sai Giáo xứ vậy.
3- Sốt sắng hiệp thông cầu nguyện: Cầu nguyện được ví như hơi thở của một tôn giáo, là hoạt động căn bản của đời sống tâm linh. ĐTC Phan-xi-cô trong một bài giảng ngày thứ tư cũng khẳng định: “Cầu nguyện là hơi thở của đức tin”. Một cách khái quát, cầu nguyện là con người giao tiếp, giao hòa với thần linh. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 2626-2643) định nghĩa: Cầu nguyện là “Chúc tụng và thờ lạy – Khấn xin – Chuyển cầu – Tạ ơn – Ngợi khen”. Cụ thể hơn, “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên Chúa hay cầu xin Người ban cho những ơn cần thiết” (Giáo lý HTCG, số 2590).
Khi đã nói đến giao tiếp – giao hoà thì cầu nguyện không chỉ đơn thuần là “cách thế” này hay “phương thức” kia, mà phải là “tổng hơp tương giao sống động” của toàn-thân-người-cầu-nguyện với Thiên Chúa. Tiên vàn thì phải có Đức Tin + Đức Cậy + Đức Mến thực sự (phải thực lòng TIN tưởng mới hết lòng MẾN yêu và sẵn lòng CẬY trông). Cầu nguyện là “dốc bầu tâm sự”, là “thổ lộ tâm can”, nhưng cũng đồng thời là “chiêm ngắm, suy niệm”, là “thinh lặng lắng nghe”. Cầu nguyện là “khẩu tụng tâm suy” khi đọc kinh, là “hiệp thông, hoà giải” khi dâng lễ, là “năng nổ, nhiệt tình” khi hoạt động tông đồ bác ái, là “quên mình, hy sinh” khi phục vụ. Tắt một lời, cầu nguyện là sống “hết mình, hết sức” trong giao tiếp với Thiên Chúa và hoà giải với anh em.
Nếu chỉ hiểu cầu nguyện là xin, thì hãy xin cho được “ơn nước mắt” (xc. Sách Lễ Rô-ma) mà đoái nhìn và đến với anh em khó nghèo, tật bệnh, hoạn nạn; xin cho được “dũng khí, can đảm” trước ba thù; xin cho được “ơn giải thích” (1Cr 14, 13) trước nghịch cảnh, “ơn sáng suốt” khi bị cám dỗ. Tóm lại là hãy xin cho bản thân có được trọn vẹn điều răn quan trọng nhất trong “10 Điều Răn”, đó là điều răn YÊU THƯƠNG: “Mến Chúa, Yêu người”; bởi vì và trên tất cả, “cầu nguyện là ân huệ của Chúa Thánh Thần”.
KẾT LUẬN: Trong sứ điệp Mùa Chay 2015 (số 1), ĐTC Phan-xi-cô viết: “Giáo hội là cộng đồng hiệp thông của các thánh vì các thánh tham dự vào cộng đồng ấy, và cũng vì đó là một sự hiệp thông những sự thánh: tình thương của Thiên Chúa được tỏ lộ cho chúng ta trong Chúa Ki-tô và tất cả các hồng ân của Chúa... Trong cộng đồng hiệp thông của các thánh và trong sự tham dự vào những sự thánh, không ai sở hữu riêng cho mình, nhưng những gì họ có là để cho tất cả. Và vì chúng ta được liên kết với nhau trong Chúa, chúng ta cũng có thể làm được một cái gì đó cho những người ở xa, cho những người mà tự sức riêng chúng ta không bao giờ có thể đạt tới họ, vì cùng với họ và cho họ chúng ta cầu xin Thiên Chúa để tất cả chúng ta đều cởi mở đối với công trình cứu độ của Chúa.”
Như vậy thì cộng đoàn Hội Thánh địa phương (Giáo xứ) từ linh mục đến các gia đình thừa sai và nói chung là toàn thể giáo dân, tất cả “đều tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa Ki-tô theo cách thức riêng của mình” (Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”, số 10), đều có chung một trách nhiệm “là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1, 8) và một sứ vụ duy nhất “đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16, 15). Để thực thi sứ vụ cao trọng đó, không gì khác hơn là hãy chung tay góp sức kiến tạo một Gia đình thừa sai Giáo xứ nên như một “cộng đoàn hiệp thông trong thờ phượng”, nhằm tiến tới một tiêu chí nhất định “Giáo xứ: cộng đoàn thừa sai “Hiệp thông và Truyền giáo”. Ước được như vậy.
Ôi! “Lạy Mẹ, Mẹ muốn con cái của Mẹ đổi mới đời sống tâm linh và hoạt động tông đồ, bằng lời đáp yêu thương và tận hiến cho Chúa Ki-tô, chúng con tin tưởng dâng lên Mẹ lời nguyện cầu. Xưa Mẹ đã thi hành ý Chúa Cha, đã mau mắn khi vâng phục, can đảm khi khó nghèo, tiếp nhận trong sự trinh khiết phong phú của Mẹ, hãy xin Con chí thánh của Mẹ ban cho những kẻ nhận được hồng ân đi theo Người trong đời thánh hiến, biết làm chứng cho Người bằng một cuộc sống được biến hình, bằng cách vui vẻ tiến lên, cùng với mọi anh chị em, tới quê hương thiên quốc và tới ánh sáng không bao giờ tàn lụi. Chúng con xin Mẹ điều đó để Thiên Chúa cao cả, là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, được tôn vinh chúc tụng và yêu mến trong mọi người và trong mọi sự.” Amen. (T/H “Đời sống Thánh Hiến – Vita Consecrata”, số 112).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: