Sao không kể người kia?
Sao không kể người kia?
Cậu thiếu niên tên Hùng hỏi cha mình:
“Tại sao Thầy Giêsu nói các môn đệ rằng một người trong số họ sẽ phản bội Thầy trong khi có đến hai người sẽ làm điều đó vậy bố?”
“Ý con là sao?”
Hùng đáp: “Phêrô cũng phản bội Thầy Giêsu qua việc chối bỏ, không phải một mà đến ba lần, phải không bố?”
“Ồ, bố hiểu ý con rồi. Con nghĩ sao?” cha cậu hỏi.
“Con không biết nữa. Con suy nghĩ về điều này nhiều nhưng vẫn không hiểu ra.”
“Ừ, thật sự là có hai người phản bội như con nói. Nhưng con nhìn hãy xem hành vi của họ sau khi đã phản bội lần thứ nhất. Các hành vi này hoàn toàn trái ngược nhau.”
“Ý bố là Giuđa tự tử còn Phêrô thì không?” Hùng hỏi cha.
“Đúng thế con ạ.”
“Nhưng con vẫn không hiểu. Rõ ràng Phêrô vẫn là một kẻ phản bội vì đã chối bỏ Thầy mình đến ba lần.”
“Con ạ, lựa chọn của người ta sau khi vấp ngã làm nên sự khác biệt trong bức tranh cuối cùng. Lựa chọn của Giuđa hoàn toàn khác biệt với của Phêrô.”
“Con vẫn chưa hiểu ra.”
“Đừng lo. Bố gợi ý con tiếp tục suy tư về vấn đề này, nghiên cứu một chút và suy niệm trong một thời gian xem sao.”
Mặc dầu Hùng muốn biết câu trả lời ngay, cậu nghe theo ý của cha. Sau khoảng một tuần lễ, Hùng nói với cha:
“Bố ơi, con nghĩ con đã hiểu ra phần nào rồi.”
“Tốt quá. Hãy chia sẻ với bố.”
Hùng bắt đầu nói về khám phá của cậu:
“Chìa khóa của vấn đề nằm ở cách mỗi người hiểu Thầy Giêsu và tinh thần của Thầy. Trong trường hợp này, Giuđa đã hiểu sai Thầy trong khi Phêrô hiểu đúng.”
“Aha, bố nghĩ con đang đi đúng hướng rồi đấy. Tiếp tục đi con.”
“Dạ. Đây là cách hiểu của Phêrô: Thầy Giêsu luôn luôn độ lượng, thứ tha và yêu thương, đặc biệt là đối với những người tội lỗi. Không hề có ngõ cụt nào trong tinh thần của Thầy. Luôn luôn tràn đầy hi vọng. Luôn luôn có một cơ hội nữa dành sẵn cho những ai đã phạm sai lầm và tội lỗi. Đó là lý do Phêrô sám hối và đứng dậy. Ông đã phản bội Thầy mình nhưng, nhờ sự hiểu đúng về Thầy, ông đã biến kinh nghiệm quá khứ thành một lợi khí để rao truyền tình yêu của Thầy cho tội nhân.”
“Wow, bố thật sự ấn tượng về chia sẻ của con. Tiếp đi con.”
“Cảm ơn bố! Vì Giuđa hiểu sai về Thầy và tinh thần của Thầy, ông liên tiếp phạm phải hai sai lầm tội lỗi. Trước hết ông đã tính toán và ép Thầy sử dụng bạo lực chống những kẻ thù địch với Thầy. Rồi ông tự gây bạo lực trên bản thân ông. Nói cách khác, ông liên tiếp rơi vào hai cái bẫy của Satan. Cái bẫy thứ nhất là gây hại cho Thầy bằng cách giàn dựng cuộc bắt bớ Thầy. Sau tội lỗi kinh khủng này, thay vì hoán cải thì Giuđa lại rơi vào cái bẫy thứ hai là gây hại cho mình. Mục tiêu đầu tiên và cuối cùng của Satan là hủy diệt sự sống. Đó là lý do tại sao nó luôn tìm cách cám dỗ người ta phạm một tội nghiêm trọng nhất là tuyệt vọng. Giuđa đã làm theo cám dỗ này. Vì thế, trong lần đầu tiên, ông đã phản bội Giêsu. Trong lần thứ hai, ông phản bội niềm hi vọng của Giêsu. Vậy Giuđa đã phản bội gấp đôi.”
“Đúng thế con ạ. Satan rất quỷ quyệt và nguy hiểm.”
“À bố ơi, con còn phát hiện thêm một điều nữa.”
“Gì vậy con?”
“Con thấy não trạng của Giuđa rất dễ dẫn người ta đi lạc và rất nguy hại. Não trạng đó là thế này: Nếu bạn xúc phạm đến Chúa, bạn sẽ bị hủy diệt. Giuđa đã xúc phạm đến Chúa trong hành động phản bội và ông nghĩ mình không thể được tha thứ để rồi hậu quả là ông đã hủy diệt chính mình.”
“Con nói có lý lắm.”
“Bố, não trạng này vẫn tồn tại trên thế giới hôm nay đấy,” Hùng nói tiếp.
“Bằng cách nào? Cho bố một ví dụ đi.”
“Nhiều lắm bố ơi. Chỉ cần nhìn vào những người đang hủy diệt người khác nhân danh Thượng Đế. Họ giết người khác để bảo vệ danh dự Thượng Đế. Nhưng Thiên Chúa đâu có cần một phàm nhân nào bảo vệ Người đâu, phải không bố?”
“Đúng vậy con trai ạ,” cha cậu đồng ý.
Hùng nói tiếp: “Con thấy rõ rằng Chúa chúng ta hành xử theo cách hoàn toàn ngược lại với não trạng này. Nếu ta xúc phạm đến Người, Người vẫn tiếp tục yêu thương ta và còn hy sinh bản thân Người cho ta để có lại ta vì Người chỉ muốn ta sống chứ không phải chết (Ez 18:32). Khi Thiên Chúa yêu thương ta một cách vô điều kiện (Rm 5:6,8), ta không còn bất cứ lý do chính đáng nào để tránh xa Người nữa. Phêrô hiểu chân lý này nên ông không bao giờ tuyệt vọng.”
Cha cậu gật gù đồng ý. Rồi ông hỏi Hùng:
“Vậy con đã hiểu ra lý do tại sao Thầy Giêsu chỉ nói với các môn đệ về một kẻ phản bội chứ không phải hai chưa?
“Dạ chưa,” Hùng lắc đầu.
Cha cậu nói tiếp: “Kết quả cuối cùng của hai người thực sự làm nên một khác biệt rất lớn. Xét cho cùng, tất cả mọi người đều là kẻ phản bội theo một mức độ nào đó. Nhưng những ai tiếp tục tin tưởng vào lòng nhân hậu của Chúa sẽ biến tội phản bội của mình thành sự hoán cải, lòng biết ơn và trở thành môn đệ đắc lực. Làm sao để lớn lên qua những lầm lỗi của mình thì quan trọng hơn những gì mình đã sai phạm trong quá khứ. Thầy Giêsu chết cho tất cả mọi kẻ phản bội bằng máu của Thầy, nhưng chỉ những ai hành xử như Phêrô mới không lãng phí máu châu báu của Thầy và mới biến hy sinh của Thầy thành sự sống mới.”
Hùng gật gật đầu. Lúc này, có ai đó nhắn tin trong điện thoại di động của Hùng. Cậu liếc mắt nhanh xem thử.
“Wow, bố nhìn này.”
Hùng đưa điện thoại cho bố xem. Có một bức hình Thầy Giêsu treo trên thập giá đang nói với một trong hai tên trộm cùng bị đóng đinh. Và có một dòng chữ kèm theo bức hình:
“Mọi thánh nhân đều có một quá khứ. Mọi tội nhân đều có một tương lai.”
Giuse Việt, O.Carm.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: