Tỉnh thức con tim
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG – NĂM B
(Is 40, 1-5.9-11;2 Pr 3,8-14; Mc 1,1-8)
TỈNH THỨC CON TIM
Tiếp nối bài suy niệm “Đừng Vô Cảm” của chúa nhật I mùa vọng, hôm nay xin được chia sẻ chủ đề được rút ra từ cả ba bài đọc phụng vụ chúa nhật II mùa vọng hôm nay: tỉnh thức con tim.
Bài đọc 1, tiên tri Isaia mời gọi dân chúng tỉnh thức con tim mình mà qui hướng về Thiên Chúa là mục tử nhân lành hằng yêu thương con người: “Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo các thành miền Giuđa rằng: … Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt”.
Bài đọc 2, thánh Phêrô khuyên giáo đoàn luôn tỉnh thức và tin tưởng chờ đợi ngày Chúa quang lâm: “Vì thế, anh em thân mến, trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an”.
Bài Tin Mừng, thánh sử Maccô tường thật lại sứ mạng dọn đường của Gioan Tẩy giả. Ông kêu gọi mọi ngưởi tỉnh thức nhận ra tội lỗi của mình mà sám hối: “ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan”.
Cả hai chữ “tỉnh thức” (醒 識) trong tiếng Hán đều có mang nghĩa: thấu hiểu một cách rõ ràng; thoát khỏi mê lầm, … gần giống với hai chữ “giác ngộ” của Phật giáo. Tuy nhiên, cả ba bài đọc trên cho thấy: sự “tỉnh thức” để hiểu biết và thoát khỏi mê lầm không do bởi con người chúng ta, nhưng bởi ơn Chúa và cố gắng nổ lực sống theo ý Người.
Nhưng đâu là cái biết sâu nhiệm để chúng ta dựa trên cái biết ấy mà hành xử mà sống cho đúng? Đức tin Kitô giáo dạy cho chúng ta: cái biết sâu nhiệm ấy chính là nhận biết Thiên Chúa Tình yêu.
Cho đến nay người ta cũng không có một kết luận chính xác rằng từ khi nào con người đã dùng hình ảnh ‘con tim’ của mình làm biểu tượng cho tình yêu; và ‘con tim’ diễn tả bao nhiêu ý nghĩa cao cả nào của tình yêu. Một điều mà ai ai cũng chấp nhận nơi trái tim con người: đó là cơ quan hoạt động không ngừng nghỉ từ khi còn trong bụng mẹ cho đến khi chết đi. ‘Con tim’ cung cấp máu đỏ tươi có nhiều dưỡng chất và oxy cho mọi cơ quan, đồng thời cũng nhận từ các cơ quan máu đen có nhiều tạp chất, khí thải và làm cho máu đen ấy trở thành máu đỏ tươi tiếp tục cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể con người.
Như thế, Trái tim là biểu tượng của tình yêu vì trái tim diễn tả được bản chất của tình yêu là trao ban và đón nhận, đón nhận cả những điều xấu. Nếu không biết cho đi và đón nhận, đón nhận cả những điều xấu để cùng nhau biến đổi và thăng tiến thì chúng ta chưa đi vào mầu nhiệm tình yêu mà Chúa Giêsu đã sống và mời gọi mọi người chúng ta sống như Ngài. Bởi thế chúng ta cần phải:
Tỉnh thức con tim để nghe tiếng Chúa mời gọi, để nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta mà khiêm tốn sống xứng đáng và đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa. Chính nhờ có trái tim thức tỉnh mà Gioan Tẩy giả nghe tiếng Chúa, khiêm tốn làm người dọn đường cho Đấng Cứu thế: “tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (Mc 1,7); Người phải lớn lên còn tôi nhỏ lại (x.Ga 1,30).
Tỉnh thức con tim để nhận ra thân phận bất xứng của chúng ta mà thành thật khiêm tốn ăn năn, hoán cải và sửa đổi chính bản thân mình, thắng vượt những cám dỗ đam mê tràn thế.
Tỉnh thức con tim để rung nhịp yêu thương theo gương mẫu Chúa Giêsu, sống giáo lý Tình yêu của Ngài, biết rung nhịp yêu thương, cúi xuống xoa dịu nỗi đau của tha nhân, cũng như chung chia san sẻ hạnh phúc với mọi người.
Tỉnh thức con tim để dấn thân phục vụ, chung tay xây dựng gia đình, giáo xứ, xã hội, nhân loại trong tình liên đới hiệp nhất yêu thương của những người con cùng một Cha trên trời.
Ước mong Lời Chúa hôm nay biến đổi mỗi người chúng ta, giúp mỗi người chúng ta “tỉnh thức con tim” của mình để chuỗi ngày sống của chúng ta là nhịp điệu yêu thương hướng lên Thiên Chúa và mở ra với mọi người như lời mời gọi của thánh Phêrô trong bài đọc 2: “anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an”.
Thomas Nguyễn Văn Hiệp
- Loại bài viết: