Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tân Phúc Âm hóa GX: GX: cộng đoàn Hội Thánh tông truyền

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 TÂN PHÚC-ÂM-HÓA GIÁO XỨ:  GIÁO XỨ: CỘNG ĐOÀN HỘI THÁNH TÔNG TRUYỀN

 

Khi nói đến Hội Thánh, kinh Tin Kính có câu tuyên xưng: “Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Từ tín điều đó, trong “Gợi ý Mục vụ cho năm Tân Phúc-Âm-hóa Giáo xứ”, Hội Đồng GMVN đưa ra chủ đề cho tháng 5/2015: “Giáo xứ: Cộng đoàn Hội thánh tông truyền được dưỡng nuôi bằng LỜI – “Họ chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy” (Cv 2,42). Thử tìm hiểu xem Hội Thánh tông truyền là gì và được dưỡng nuôi như thế nào?

 

1- Hội Thánh tông truyền là gì?

 

Đức Giê-su  Ki-tô, Ðấng là Đầu, trước khi hoàn tất sứ mệnh cứu chuộc nhân loại, đã thiết lập một cấu trúc hữu hình trên trần gian mà Người không ngừng bảo vệ: đó là Hội Thánh – một cộng đoàn tin + cậy + mến “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Qua Hội Thánh, Người đổ tràn ân sủng cho mọi tín hữu. Hội Thánh là một cộng đoàn thiêng liêng (là Nhiệm Thể Chúa Ki-tô), đồng thời là một đoàn thể hữu hình (một tổ chức xã hội có qui củ chặt chẽ). Hai yếu tố nhân tính (xã hội) và thiên tính (thiêng liêng) của Hội Thánh kết hợp chặt chẽ với nhau trong một thân thể duy nhất như một con người cụ thể trên trần gian (bao gồm hồn và xác), đó là Đức Giê-su Thiên-Chúa-làm-người. Và vì thế, mới coi Hội Thánh là mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Thực vậy, Hội Thánh đã thực sự “sống theo sự thật và trong tình bác ái, lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái.” (Ep 4, 15-16).

 

Hội Thánh “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.” (Ep 4, 4-6). Thiên Chúa chí thánh là Ðấng sáng lập Hội Thánh, Ðức Phu Quân Giê-su Ki-tô đã hiến mình để thánh hóa Hội Thánh, Thánh Thần ban cho Hội Thánh sự sống thánh thiện; nhờ thế, Hội Thánh tiếp nhận và quản lý đầy đủ các phương tiện cứu độ, được sai đến với muôn dân, rao giảng một Tin Mừng nhất quán, bền vững trong mọi thời đại ("Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo Ý Ðịnh của Thiên Chúa Cha." – Sắc lệnh về Truyền Giáo “Ad Gentes”, số 2). Là Hội Thánh tông truyền vì “Hội Thánh được xây dựng trên nền móng vững chắc là "mười hai tông đồ của Con Chiên" (Kh 21, 14); Hội Thánh bất diệt; Hội Thánh được gìn giữ không sai lầm trong chân lý (Mt l6, l8): Ðức Ki-tô điều khiển Hội Thánh nhờ thánh Phê-rô và các tông đồ khác mà những người kế nhiệm các ngài là Ðức Giáo Hoàng và giám mục đoàn.” (Giáo lý HTCG, số 866-870).

 

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 17-9-2014 tại quảng trường thánh Phê-rô, ĐTC Phan-xi-cô đã giải thích ý nghĩa 2 từ “công giáo” và “tông truyền”. Với từ “tông truyền”, Ngài giải thích: “Giáo Hội sinh ra đã đi ra, nghĩa là truyền giáo. Và đó là điều mà chúng ta diễn tả bằng tính từ “tông truyền”, bởi vì apostolos là người được sai đi loan báo tin vui sự phục sinh của Chúa Giê-su. Từ này nhắc nhớ chúng ta rằng Giáo Hội, được xây dựng trên nền tảng các Tông Đồ và trong sự tiếp nối với các vị, các Tông Đồ đã ra đi thành lập các Giáo Hội mới, đã cắt cử các giám mục mới, và liên tục như thế trên toàn thế giới. Ngày nay chúng ta tất cả tiếp nối nhóm các Tông Đồ đã nhận được Chúa Thánh Thần rồi ra đi rao giảng, được sai đi đem lời loan báo Tin Mừng tới cho tất cả mọi người, đi kèm với các dấu chỉ sự hiền dịu và quyền năng của Thiên Chúa. Cả điều này nữa cũng phát xuất từ biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống: thật thế, chính Chúa Thánh Thần thắng vượt mọi kháng cự, chiến thắng cám dỗ tự khép kín trong chính mình, giữa ít người được tuyển chọn, và coi mình là những người duy nhất nhận được phước lành của Thiện Chúa.” (nguồn: Đài Vatican).

 

Rõ ràng Hội Thánh là Tông Truyền vì được thiết lập trên lời cầu nguyện và lời rao giảng của các Tông Đồ, trên thẩm quyền đã được chính Đức Giê-su Ki-tô trao cho các ngài khi Người sai các ngài đem Tin Mừng đến cho muôn dân (“Vậy, anh em hãy đi giảng dạy muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” – Mt 28, 19-20; Mc 16, 14-18; Lc 24, 36-49; Ga 20, 19-23; Cv 1, 6-8). Và cũng  từ đó, sứ vụ tông truyền được kế tục bằng bí tích Truyền chức Thánh cho những người đuợc Giáo hội chọn (giám mục, linh mục).

 

2- Hội Thánh tông truyền được dưỡng nuôi như thế nào?

 

Khi thành lập Hội Thánh, Đức Giê-su đã phán cùng tảng đá Phê-rô: “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16, 18). Vì Hội Thánh là một cộng đoàn, một tổ chức có quy củ, nên rất cần có thực phẩm nuôi dưỡng. Thực phẩm ấy không gì khác hơn là Mình và Máu Đấng sáng lập Hội Thánh hiến tế trên Thập Giá. Đó chính là bí tích Thánh Thể mà Đức Ki-tô thiết lập trong bữa Tiệc Ly và phán bảo: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới, anh em hãy nhận lấy mà uống.” (1Cr 14, 24-25).

 

Hội Thánh được dưỡng nuôi bằng Mình và Máu Thánh Đức Giê-su, mà Người là Ngôi Lời Nhập Thể, vậy cũng có thể nói: Hội Thánh được dưỡng nuôi bằng LỜI. Vâng, “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.” (Ga 6, 54-57). Ngoài ra, LỜI ở đây còn được hiểu là Lời Chúa được truyền tải trong Thánh Kinh, đó chính là suối nguồn thực phẩm tâm linh vô tận dành cho Hội Thánh.

 

Vì LỜI là Thánh Kinh, Thánh Kinh là LỜI, nên “Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Ki-tô để ban phát cho các tín hữu… Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội. Bởi thế, lời nói sau đây thật xứng hợp cho Thánh Kinh: "Thực vậy, lời Thiên Chúa sống động và linh nghiệm." (Dt 4, 12), "có khả năng gây dựng và ban gia tài cho mọi người đã được thánh hóa" (Cv 20, 32; 1Tx 2, 13).” (Hiến chế Tín lý về Mạc Khải “Dei Verbum”, số 21).

 

Được Chúa Thánh Thần bảo trợ, dạy dỗ, Giáo hội – Hiền thê của Ngôi Lời nhập thể – hiểu biết Thánh Kinh ngày càng sâu rộng hơn, không ngừng lấy Lời Chúa nuôi dưỡng con cái mình. Đồng thời, Giáo hội luôn khuyến khích việc học hỏi và thực hành Thánh Kinh, Thánh Truyền, Phụng vụ Thánh. Giáo hội luôn mong ước “nhờ việc đọc và học hỏi sách thánh, “Lời Thiên Chúa được trôi chảy và sáng sủa” (2Tx 3, 1), và ước gì kho tàng Mạc Khải, đã được ủy thác cho Giáo Hội, ngày một tràn ngập tâm hồn con người. Nếu đời sống Giáo Hội được tăng triển nhờ năng nhận lãnh Bí Tích Thánh Thể, thì cũng thế, có thể hy vọng đời sống thiêng liêng được đổi mới nhờ thêm lòng sùng kính Lời Chúa, là lời “hằng tồn tại muôn đời” (Is 10, 8; 1Pr 1, 23–25).” (Hc “Dei Verbum”, số 26). 

 

3- Giáo xứ: Cộng đoàn Hội Thánh tông truyền được dưỡng nuôi bằng LỜI: 

 

Cũng vì gia đình được coi là Hội Thánh tại gia, nên Giáo xứ chính là Hội Thánh địa phương, tất cả đều cùng uống chung một chén, ăn chung một tấm bánh Lời Chúa trong đại gia đình Hội Thánh toàn cầu. Nói cách cụ thể, từ Hội Thánh toàn cầu tới Hội Thánh tại gia, vì luôn được nuôi dường bằng Lời Hằng Sống nên mới có được sự tăng trưởng vượt bậc: Từ 12 Tông đồ tiên khởi đã phát triển, bành trướng khắp năm châu bốn biển tới con số hàng tỷ môn đệ của Chúa Ki-tô. Vấn đề đã hoàn toàn sáng tỏ: Hội Thánh tông truyền được dưỡng nuôi bằng LỜI.

 

Tuy nhiên, trong lời trích dẫn cho chủ đề Mục vụ tháng 5/2915 (-nt-) lại thấy ghi “Họ chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy” (Cv 2, 42). Vậy là sao? Thực ra nguyên văn câu đó là thế này “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.” (Cv 2, 42). Các tín hữu nói ở đây chính là Hội Thánh sơ khai đã “lớn lên về mọi phương diện” (Ep 4, 15), nhờ luôn chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, sốt sắng tham dự lễ bẻ bánh – tức là tham dự bữa tiệc Lời Chúa. Đó không gì khác hơn là các Tông đồ đem Lời Chúa dưỡng nuôi cộng đoàn tín hữu. Dĩ nhiên, tham dự mà không hiểu được ý nghĩa sâu xa của “bữa tiệc Lời Chúa”, tất nhiên sự sống thiêng liêng (đức tin nền tảng) không thể tăng trưởng, nếu không muốn nói sẽ bị hao mòn và triệt tiêu. Vì thế, rất cần thiết phải được giải thích thấu đáo, động viên nhiệt tình. Công việc đó chỉ có thể được thực hiện từ những Tông đồ đã thấm nhuần Lời Chúa.

 

Hiểu được vấn đề như vậy, các thừa sai Ki-tô hữu tại Hội Thánh địa phương hãy “chuyên cần nghe các Tông đồ (các Giám mục, linh mục, phó tế, kể cả các giáo lý viên giáo dân) giảng dạy, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh (Thánh lễ) và cầu nguyện không ngừng.” Cũng xin đừng tự ti mặc cảm để nghĩ rằng chỉ có các giám mục, linh mục mới nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời Chúa, mà tất cả chúng ta khi đã đón nhận thực phẩm LỜI đều có bổn phận chia sẻ cho nhau (“Ai có hai áo thì chia cho người không có, ai có gì ăn thì cũng hãy làm như vậy.” – Lc 3, 11). Ấy cũng bởi vì “Giáo Hội là mẹ sinh chúng ta vào cuộc sống trong Chúa Ki-tô và dưỡng nuôi chúng ta bằng Lời Chúa và các Bí Tích. Giáo Hội không phải là các linh mục hay các giám mục, mà là tất cả chúng ta. Chúng ta tất cả là con cái Giáo Hội nhưng chúng ta tất cả cũng là mẹ của các Ki-tô hữu khác.” (Lời ĐTC Phan-xi-cô phát biểu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 3-9-2014 tại quảng trường thánh Phê-rô – nguồn: Đài Vatican).

 

Kết luận:

 

Tóm lại, tất cả các thành viên của các gia đình thừa sai trong Giáo xứ cần phải ý thức mình cũng là linh mục, như Tông huấn Ki-tô hữu Giáo dân “Christi Fideles Laici” (số 14) đã khẳng định: “Thánh Au-gus-ti-nô viết: ‘Cũng như chúng ta tất cả được gọi là Kitô-hữu (Christiani) vì đã được xức dầu (Chrisma) một cách thiêng liêng, do đó tất cả được gọi là linh mục, bởi vì chúng ta là thành phần thân thể của Linh Mục Duy Nhất’ (De Civitate Dei - XX, 10)." Rõ ràng tất cả chúng ta cũng được dưỡng nuôi bằng LỜI, bằng chân lý và đặc sủng của Thiên Chúa khi chúng ta đón nhận Ơn gọi Ki-tô hữu (Phép Rửa). Nói cách khác, chúng ta đều là những Tông đồ mang trọng trách Tông Truyền. Vậy thì điều tất yếu là chúng ta phải luôn chuyên cần tham dự lễ Bẻ Bánh (Thánh lễ), lắng nghe Lời Chúa và sẵn sàng chia sẻ Tin Mừng với anh em. Ước được như vậy.

 

Xin cùng hiệp ý với Đức Giáo hoàng dâng lời cầu nguyện:

 

“Giêsu, Maria, Giuse, Trong các Ngài chúng con chiêm ngắm vẻ huy hoàng của tình yêu đích thực, và chúng con tin tưởng hướng về các Ngài.

 

Lạy Thánh Gia Nadarét, Xin biến gia đình chúng con thành những nơi hiệp thông và những nhà tiệc ly cầu nguyện, thành những trường học chân chính của Tin mừng và những Hội Thánh tại gia bé nhỏ.

 

Lạy Thánh Gia Nadarét, Xin cho các gia đình không bao giờ phải trải nghiệm bạo lực, cô lập và phân chia; Xin cho những ai bị tổn thương hoặc bị xúc phạm sớm cảm nghiệm được sự an ủi và chữa lành.

 

Lạy Thánh Gia Nadarét, Xin cho Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới khơi lại trong tất cả mọi người một ý thức về căn tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình, cùng vẻ đẹp của nó trong kế hoạch của Thiên Chúa. Amen. (Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Triều Yết Chung tại quảng trường Thánh Phê-rô ngày 25/3/2015. Nguồn: Đài Vatican).

 

JM. Lam Thy ĐVD.