Nước Trời ở đâu?
NƯỚC TRỜI Ở ĐÂU?
(CN VII/PS-B “CHÚA THĂNG THIÊN”)
Trong bốn sách Tin Mừng, chỉ có hai sách nói đến việc Chúa Giê-su lên trời, đó là Tin Mừng Mác-cô và Lu-ca. Thánh Mác-cô (Mc 16, 15-20) nói rất vắn tắt, chỉ nói Chúa Giê-su lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa, chớ không nói rõ Chúa lên trời ở đâu và sau khi sống lại được bao lâu. Còn đọc Tin Mừng theo thánh Lu-ca (Lc 24, 50-52), người đọc có cảm tưởng Chúa Giê-su lên trời ngay ngày Chúa sống lại và ở gần Bê-ta-ni-a. Tuy nhiên, theo sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 1, 1-11) cũng của thánh Lu-ca, thì Chúa lên trời sau khi sống lại được 40 ngày, và nơi Chúa lên trời là núi Cây Dầu (núi Ô-liu). Tuy thánh Mat-thêu không trình thuật cụ thể biến cố Đức Giê-su lên trời, nhưng có nói đến ngọn núi (núi Ô-liu) mà Người truyền cho các môn đệ đến (“Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến.” – Mt 28, 16). Cả mười một môn đệ đã biết chắc chắn Thầy mình đã sống lại nên mới vâng lệnh Người mà đến núi Cây Dầu, vậy mà “Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.” (Mt 28, 17).
Ngay những môn đệ thân tín đương thời được chứng kiến biến cố Phục Sinh cách tỏ tường, vậy mà vẫn còn có kẻ hoài nghi, huống hồ là sau hơn 20 thế kỷ! Vì thế, đề cập đến vấn đề Chúa Giê-su lên trời là một vấn đề rất khó nói, bởi những người tin thì ít mà những kẻ hoài nghi lại rất nhiều. Dù khoa học đã tiến bộ vượt bậc cũng mới chỉ cho biết trời là một khoảng không vô định và trong khoảng không đó, thì trái đất cùng với biết bao tinh tú bay lơ lửng. Quả đất tròn, nếu người ta nói trời ở trên đầu chúng ta, thì – với 2 người đứng ở hai mặt đối nghịch nhau của trái đất – trời cũng ở 2 phương trái ngược nhau hoàn toàn. Như vậy, đặt giả thử Đức Ki-tô lên trời ở Việt Nam cùng lúc với lên trời ở châu Âu (ở Pháp, chẳng hạn) thì Đức Ki-tô sẽ bay theo hai hướng ngược chiều nhau! Có lẽ cũng chính vì thế nên đã có một phi hành gia người Nga sau khi lên tới mặt trăng trở về đã nói một câu sặc mùi vô thần: “Tôi chẳng nhìn thấy Chúa ở đâu cả”. Như thế, vô hình chung khoa học đã mặc nhiên phủ định các tôn giáo chăng? Và với luận cứ ấy, thì người Ki-tô hữu phải có thái độ thế nào?
Kẻ viết bài này cũng đã từng bị một số đồng nghiệp (dạy hoc) sau 1975 cật vấn: “Hiện nay khoa học tiến bộ vẫn chưa xác định được trời ở đâu, vậy mà cách đây 2000 năm đã có chuyện Đức Giê-su lên trời. Đức Giê-su và về sau Mẹ của Người là Đức Maria được rước lên trời cả hồn lẫn xác, vậy thì với thân xác ấy phải có một nơi chốn cụ thể nào để cư ngụ chớ, chẳng lẽ cứ bay vòng vòng hoài sao? Còn nếu nói các Ngài là Đấng vô hình, ở khắp mọi nơi, thì tại sao trong Kinh Thánh lại có rất nhiều người được nhìn thấy tỏ tường Đức Giê-su sau khi sống lại bằng xương bằng thịt đã bay lên trời?” Quả thật đây là một vấn nạn rất khó trả lời. Thiên Chúa là Đấng vô hình đã là chuyện khó tin, mà lại nói Đức Ki-tô Thiên Chúa được rước lên trời ngự bên hữu Chúa Cha lại càng khó tin hơn. Tất cả đều là chuyện vươt quá sức hiểu biết và tưởng tượng của loài người.
Có một truyện cổ (Truyện “MẶT TRỜI XA GẦN” trong Cổ Học Tinh Hoa – Quyển thượng) kể rằng: Một hôm Đức Khổng Tử ra chơi ngoài đồng, thấy 2 đứa trẻ cãi nhau, hỏi tại sao, thì 1 đứa nói rằng: “Tôi, thì tôi cho mặt trời lúc mới mọc ở gần ta hơn, và buổi trưa ở xa ta hơn.” Nó lý luận: “Mặt trời lúc mới mọc to như cái bánh xe, đến giữa trưa nhỏ như cái bát ăn, thì chẳng phải xa ta mới nhỏ, gần ta mới to là gì?” Còn một đứa cãi: “Tôi, thì tôi cho mặt trời lúc mới mọc ở xa ta hơn, và buổi trưa ở gần ta hơn”. Nó lý luận: “Lúc mặt trời mới mọc thì mát mẻ, đến giữa trưa thì nóng nực, đó chẳng phải gần ta mới nóng, xa ta mới mát là gì?” Đức Khổng Tử nghe nói không giải quyết được ra làm sao. Hai đứa bé cười bảo: “Thế thì cho ông là người đa tri thế nào được” (Liệt Tử). Một nhà thông thái bậc thầy như Khổng Tử mà còn “bó tay.chấm.com” đến nỗi bị trẻ chê không phải là người biết nhiều (đa tri), huống hồ là bàn dân thiên hạ bình thường!
Chính vì thế, Thiên Chúa mới phải “dùng mạc khải để bày tỏ và thông ban chính mình Ngài cùng những ý định muôn đời của Ngài liên quan đến phần rỗi nhân loại, “nghĩa là cho họ được tham dự vào các ân thiêng hoàn toàn vượt khỏi trí khôn loài người”. Chính nhờ Thiên Chúa mạc khải mà “tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa tự nó vốn không vượt quá khả năng lý trí con người, trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, đều có thể biết được cách dễ dàng, chắc chắn mà không lẫn lộn sai lầm.” (Hiến chế “Tín Lý về Mạc Khải – Dei Verbum”, số 6). Nếu không được vén tấm màn che bí mật ra (mạc khải – “revelatio”), thì nhân loại mãi mãi vẫn ở trong tăm tối, không thể hiểu được những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm. Không hiểu biết thì không mộ mến, tin yêu (“Vô tri bất mộ”) là điều tất nhiên. Vì thế, Thiên Chúa phải mạc khải để con người hiểu rõ, mà muốn mạc khải thì phải làm sao để con người nhìn thấy tận mắt (“thực mục sở thị”: trông thấy nhãn tiền) họ mới tin. Thật vậy, “người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng." (1Sm 16, 7).
Mấu chốt vấn đề chính ở điểm này. Vâng, hiện tượng "Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa." (Mc 16, 19) đã được diễn ra rất cụ thể trước mắt tất cả mọi người hiện diện, cũng chỉ cốt để họ tin rằng Đức Giê-su đã chết, đã sống lại và lên trời. Rõ ràng Thiên Chúa thương yêu loài người như con cái, Người luôn luôn muốn đến với con cái để thể hiện tỉnh yêu vô bờ bến đó. Khốn nỗi loài người lại bất toàn, u mê tăm tối, không hiểu ra được ý nghĩa cao quý vô song đó. Vì thế, tấm màn che phủ bí mật cần phải được vén lên, được mở ra (mạc khải). Quả thật “mạc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người”, nên chi con người cần phải đáp trả tình yêu vô lượng đó, mà cách đáp trả vẹn toàn nhất chính là niềm tin, là đức tin vậy. Vâng, “Đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa.” (Thánh Au-gus-ti-nô).
Còn một điểm nữa khi suy niệm bài Tin Mừng hôm nay khiến phải lưu tâm. Đó là trong khi các thánh sử đều tường thuật sơ qua việc Chúa lên trời, thì chỉ có thánh Lu-ca trong sách Tông Đồ Công Vụ có tường thuật thêm một chi tiết rất đáng để suy niệm, đó là "Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: "Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời." (Cv 1, 9-11).
Các Tông đồ đã được “thực mục sở thị” mầu nhiệm thăng thiên của Thầy mình, cũng tức là đã được củng cố đức tin vững vàng về mầu nhiệm Con-Thiên-Chúa-làm-người, chịu khổ hình thập giá, đã chết vì tội lỗi loài người, đã sống lại và thật sự lên trời vinh hiển. Những việc làm, những Lời dạy của Thầy đã là hiện thực 100%. Vậy mà còn “đăm đăm nhìn theo bóng dáng Thầy” có nghĩa là vẫn hoang mang lo sợ sẽ không còn được gặp lại Thầy, và như thế Lời Thầy dạy "Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28, 20) sẽ trở thành vô nghĩa. Lời thiên sứ nhắc nhở (“Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.") quả không thừa; bởi chính điều này cũng đã được Thầy nhắn nhủ từ trước: "Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó." (Ga 14, 2-3). Người còn nói rất rõ chính Người sẽ đến: "Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người.” (Mt 25, 31).
Biến cố Chúa lên trời chỉ là một cách Thiên Chúa mạc khải cho con người dễ hiểu mà thôi. Còn thực chất trời không phải là một không gian cố định nào và kể từ khi Chúa phục sinh thì Người không còn bị giới hạn bởi thân xác phàm tục nữa, mà là cùng lúc Người vẫn kết hợp mật thiết với Ngôi Cha và Ngôi Ba, đồng thời Người còn ở khắp mọi nơi “cả trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ nữa”. Như vậy là đã rõ, trời không phải là ở chỗ này hay chỗ kia, ở trên cao hay dưới thấp, mà là ở khắp mọi nơi. Chúng ta vẫn thường nói khi con người sống thánh thiện là đã nên thánh giữa đời, lên thiên đàng ngay ở trần gian này. Và quả thật chỉ có như thế thì mới có "Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28, 20) được.
Vấn đề quan trọng không phải là cứ đăm đăm nhìn theo bóng dáng Thầy, để mà tiếc nuối, hoặc để mà thắc mắc xem trời ở đâu và Thầy lên trời sẽ cư ngụ chỗ nào (kiểu như những con người ở thế kỷ XXI này thắc mắc); mà là hãy nhớ lại lời Thầy đã truyền: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28, 19). Vì thế, nên “Các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.” (Mc 16, 20). Sở dĩ các Tông đồ tiên khởi làm được như vậy, chính là nhờ các ngài đã có một lòng tin sắt đá vào Thầy của mình, bởi “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ." (Mc 16, 17-18).
Tóm lại, khi Thiên Chúa đến với con người bằng con đường mạc khải, thì con người phải đến với Thiên Chúa bằng con đường đức tin. Vâng, “Đức tin là lời con người đáp trả lại Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải và hiến mình cho con người, khi ban ánh sáng chứa chan cho con người đang đi tìm ý nghĩa tối hậu của đời mình." (Giáo lý HTCG, số 26). Chính vì được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa, được mời gọi nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, nên đức tin là con đường giúp con người tìm gặp Thiên Chúa để “khám phá ra một số ‘con đường’ giúp nhận biết Người. Những con đường này còn được gọi là ‘bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa’, không theo nghịa bằng chứng khoa học tự nhiên, nhưng theo nghĩa những ‘luận chứng đồng quy và có sức thuyết phục’, giúp con người biết chắc có Thiên Chúa. Những ‘con đường’ đến với Thiên Chúa xuất phát từ thụ tạo: thế giới vật chất và con người.” (Giáo lý HTCG, số 31).
Ôi! Lạy Chúa, xin cho con biết sống đức tin của mình một cách chân thực. Vì quả thật rất nhiều khi con tuyên xưng đức tin của mình thật hùng hồn trước mặt mọi người, nhưng đời sống con lại chứng tỏ con chẳng tin bao nhiêu, thậm chí có nhiều khi con còn hoài nghi cả chính mình về một niềm tin con đã chọn cho đời mình! Vậy mà con lại luôn miệng chia sẻ niềm tin ấy cho mọi người, khiến người nghe cảm thấy những lời con nói chỉ là những sáo ngữ trên môi miệng, những lời giả dối... Thật chẳng khác gì cảnh "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm." (Mt 23, 2-3). Ôi! Lạy Chúa! Xin giúp con thật sự sống những điều con tin, và rao giảng những điều con sống. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: