Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sống văn hóa Thánh Thể, khởi đi từ gia đình

Tác giả: 
Lm Hương Quất

 

 

Lễ Mình Thánh Chúa Giêsu:

 

SỐNG VĂN HÓA THÁNH THỂ 

KHỞI ĐI TỪ GIA ĐÌNH (Mc 14, 12-16.22-26)

 

Đầu lễ: Hôm nay Giáo hội mừng lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu. Tình yêu thương của Chúa Giêsu không chỉ tận hiến trọn vẹn mà còn trao ban trọn vẹn cho con người, trở thành nguồn lương thực đảm bảo cho con người sự sống muôn đời.

 

Điều này càng có ý nghĩa bởi Năm Thánh Giáo phận (Xuân Lộc) sau 5 năm chuẩn bị đặt trọng tâm và lấy chủ đề Mầu nhiệm Thánh Thể để gia đình và giáo xứ chung sống.

 

Năm Thánh Giáo phận đã đi quá nửa chặng đường, nhìn lại chặng đường đã qua mỗi người trong chúng ta đều có những hối tiếc vì chưa là Tấm Bánh sẻ chia cho người khác, Tấm Bánh xây dựng hiệp thông yêu thương, biết giao hòa với Chúa và với anh chị em…

 

Do đó Thánh lễ hôm nay bên tâm tình Tạ ơn Chúa ta còn tạ lỗi Chúa, tạ lỗi nhau bởi chưa sống tốt hơn, thánh thiện hơn…

 

***

Bài Tin Mừng mừng trong ngày lễ trọng- Lễ Mình Máu Chúa Kitô hôm nay đưa ta đến bữa Tiệc Ly- bữa ăn cuối cùng trên dương thế của Chúa Giêsu. Nơi đây ta thấy Tình yêu đến cùng của Chúa Giêsu, không chỉ yêu đến độ sẵn sàng hy sinh tính mạng để làm lễ Đền tội cho muôn dân, trong đó cho riêng mỗi chúng ta, mà còn muốn ở mãi với Giáo hội- với nhân thế, muốn làm Hy tế cho đến ngày tận thế khi thiết lập Bí tích Thánh Thể.

 

Chúa Giêsu nói: “Không có Tình yêu nào lớn hơn Tình yêu  của người sẵn sàng hiến mạng sống mình cho người mình yêu”.

 

 Mỗi chúng ta là người Yêu của Chúa, và Người đã thực hiện tình yêu vĩ đại nhất ấy trên cây Thánh giá… Và tiếp tục Tình yêu trao ban ấy nơi các Bí tích, nhất là nơi Bí tích Thánh Thể. 

 

Chúa Giêsu  đã đi đến giới hạn cao nhất của Tình yêu đến cùng ấy khi hiến mạng mình, song dường như Trái tim Người vẫn chưa khát thỏa Tình yêu, lòng Thương  xót của Người  vẫn thao thức cho nhân thế, cho mỗi chúng ta, nhất là cho những người tội lỗi chưa chịu sám hối trở về đường ngay nẻo chính.

 

Tiếng kêu “ta khát’ trên triền đồi Canve ngăn năm trước, một trong 7 lời nói cuối cùng trước khi Chúa chết, như đang vang vọng cho tới hôm nay, khi mà ta còn thờ ơ trong bổn phận làm Con Chúa; vô cảm khi nhu cầu anh chị em cần chia sẻ yêu thương; hờ hững với sứ vụ Loan báo Tin Mừng; hay thiếu trách nhiệm trong bổn phận làm ông- bà –cha- mẹ- con- cháu, xin lưu ý cách riêng đến bổn phận hiếu thảo, nhất là những gia đình nào còn Hồng phúc có cha mẹ già…

 

“Ta khát”- Tình yêu cháy bỏng của Chúa Giêsu trên Thập giá vẫn còn nguyên nóng hổi, còn ‘hot’ tính thời sự bởi khao khát yêu thương, khao khát đem Tin mừng Cứu độ cho con người… dường như âm vang hơn, khẩn thiết hơn trong một thế giới còn hận thù; trong nền ‘văn minh sự chết’, nơi mà ‘chỉ một ít người thiệt hơn/ bao người vô tội hứng cơn điên cuồng’; trong một xã hội tục hóa, gian dối và dạy người khác sống gian dối, đố kỵ, lừa đảo nhau… Nhất là 1 ác  kinh tởm nhất- tội phá thai diễn ra cơm bữa, công khai với tốc độ kinh hoàng: mỗi phút qua đi có hàng chục thai nhi do chính cha mẹ khai tử… (trong đó Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ phá thai thuộc top đầu thế giới).

 

Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu- mừng cội nguồn Tình yêu, nhất là trong tháng Sáu- tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu – tháng Tình yêu, không biết mỗi chúng ta có còn trái tim nhạy cảm trước một xã hội hưởng thụ, tục hóa, ích kỷ?...

 

Đây là Mình Thầy- Đây là Máu Thầy’, lời Chúa Giêsu  trong bữa Tiệc ly khi lập Bí tích Thánh Thể. Trong bữa Tiệc ly này, ta thấy Chúa Giêsu  để lại cho ta ba kho tàng cao qúy làm nền tảng cho đời sống Giáo hội, cho mỗi chúng ta: Đấy là Bí tích Thánh Thể, gắn liền với kho tàng ấy là Chức Linh mục Thừa tácGiới răn yêu thương- yêu như Chúa yêu.

 

Mỗi khi chúng ta rước Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, hiệp nhất với Đấng Cứu độ trần gian- Vua Tình yêu, thế tôi đã sống, đã tận hưởng, đã phát huy 3 kho tàng cao qúy ấy thế nào?.

 

Nói cách khác, tôi đã sống Văn hóa Thánh Thể - nên giống Chúa Giêsu  thế nào (Mùa Chay vừa qua, được phép của cha xứ, Gia đình giáo xứ đã có dịp Tĩnh tâm, suy niệm về Sống Văn hóa Thánh Thể qua lời Truyền phép, với bốn chiều hướng cụ thể: Cầm lấy Bánh- xác định chính mình, tôi là ai; Dâng lời cảm tạ- đời sống cầu nguyện  với tâm tình Tạ ơn; Bẻ ra- đời sống hy sinh, hiến tế; Trao ban- đời sống tương quan với người khác trong phục vụ khiêm tốn).

 

Sống Văn hóa Thánh Thể để mỗi lúc mỗi nên giống Chúa chính là sống Tình yêu tận hiến- Yêu như Chúa yêu. Vậy chúng con đã sống Tình yêu cho tha nhân, yêu như Chúa yêu thế nào, khởi đi từ Gia đình?

 

Thánh Phaolô cho chúng con ‘bản xét mình’ về đời sống Đức ái Kitô giáo: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc; không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù; không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.  Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả ” (1 Cr 13, 4-7).

 

Căn cứ vào bản xét mình trên, xem ra mỗi chúng ta hàng ngày lỗi Đức ái không ít… Nếu ta- trong ơn Chúa không chịu biến đổi đời sống mình, bỏ đi những nết hư tật xấu- những thói quen không tốt, thì gia đình làm sao thành mái ấm được !

 

Sống Mầu nhiệm Thánh Thể nơi gia đình, ta cần lưu ý hai điểm đều nằm trong khả năng, rất dễ dàng:

 

1. Trao cho nhau nụ cười, nhất là những lúc gia đình đang nóng, lạnh. Có người đến hỏi mẹ Têrêxa Calcutta: Thưa Mẹ, xin cho chúng con một lời khuyên để chúng con sống tốt đẹp hơn?. Mẹ nói: “Anh chị hãy về nhà và hãy ban tặng cho nhau những nụ cười. Một nụ cười cho vợ anh; một nụ cười cho chồng chị; một nụ cười cho con cái của anh chị. Hãy cười với tất cả mọi người, bất luận người đó là ai. Với những nụ cười như thế anh chị sẽ lớn lên trong Tình yêu tương trợ”.

 

2. Bết nói lời ‘Cám ơn- Xin lỗi- Làm ơn… (mỗi khi cần giúp)’. Đây không chỉ là những lờ nói phát xuất từ nền tảng nhân bản mà theo Đức Thánh Cha Phanxicô  còn là ‘ba lời chìa khóa’ để xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình làm chứng nhân Tin Mừng. 

 

  Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trở thành Tấm bánh nuôi dưỡng chúng con. Đảm bảo cho chúng con hạnh phúc Nước Trời. Khi chúng con đón nhân Tấm Bánh Giêsu, Chúa cũng muốn chúng con hãy trở nên tâm bánh cho nhau trong hiệp thông và bác ái.

 

Lm. Đaminh Hương Quất