Hai tảng đá nền móng
HAI TẢNG ĐÁ NỀN MÓNG
(LỄ KÍNH 2 THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ – 29/6)
Nói về đá là nói về một vật thể cứng cáp, vững bền, chắc chắn. Đá là một loại vật liệu gắn liền với lịch sử phát triển của loài người. Từ thời đại đồ đá, con người đã biết dùng đá để làm vũ khí tự vệ, săn bắn, công cụ sản xuất. Đặc biệt, đá được dùng trong xây dựng những công trình mà ngày nay chúng trở nên nổi tiếng như Kim tự tháp, Angkor Wat, thành Babylon, El-Djem, Colisée… Không những thế, còn có những loại đá quý (kim cương, ngọc, cẩm thạch, thạch anh…) dùng làm đồ trang sức, hoặc trang trì những nơi thờ phượng (đền thờ, miếu mạo, đình chùa…). Cũng vì thế, ngay từ Cựu Ước đã tôn xưng Đức Chúa là Núi Đá, Tảng Đá (“Hỡi ai theo đuổi sự công chính, hỡi kẻ đi tìm ĐỨC CHÚA, hãy nghe Ta! Hãy đưa mắt nhìn lên Tảng Đá: từ Tảng Đá này, các ngươi đã được đẽo ra; hãy đưa mắt nhìn vào Hầm Đá: từ Hầm Đá này, các ngươi đã được lấy ra.” – Is 51, 1-2); “Con yêu mến Ngài! Lạy Chúa là sức mạnh của con! Là Núi Đá, lũy thành chở che.” – Tv 17; “Xin Ngài nên như Núi Đá cho con trú ẩn, như thành trì để cứu độ con, Núi Đá và thành trì bảo vệ con, chính là Ngài.” – Tv 71; “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta.” – Tv 94).
Chính Đức Giê-su Thiên Chúa cũng nhận Người là viên “Đá Tảng Góc Tường” khi Người kể dụ ngôn “Vườn nho” (Mt 21, 33-43) mà Con Ông Chủ vườn nho đã bị bọn tá điền sát hại, và Người trả lời thẳng các thượng tế và kỳ mục: "Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.” – Mt 21, 42). Thánh Phê-rô cũng xác quyết: “Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên Đá Tảng Góc Tường.” (Cv 4, 10-11); ”Quả thật, có lời Kinh Thánh chép: Này đây Ta đặt tại Xi-on một viên đá quý được lựa chọn, làm đá tảng góc tường: kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng.” (1Pr 2, 6).
Lễ kính hai thánh Phê-rô và Phao-lô là dịp cử hành mầu nhiệm Hội Thánh Chúa đặt nền móng trên 2 tảng đá kỳ diệu để Giáo hội bền vững và phát triển đến thiên thu vạn đại. Gọi các ngài là “tảng đá kỳ diệu”, bởi các ngài đã “được đẽo ra, được lấy ra” (Is 51, 1-2) từ Tảng Đá, Hầm Đá, Núi Đá là Đức Chúa Toàn Năng hằng hữu. Dù được lấy ra từ Núi Đá Thiên Chúa, hai tảng đá này cũng vẫn bị nứt rạn. Đó cũng chính là điều cho thấy hai tảng đá này là loài người bất toàn và tội lỗi – là con cháu tảng đá Nguyên tổ A-đam E-và đã rạn nứt tại vườn địa đàng Ê-đen và truyền tử lưu tôn đến muôn đời. Tuy nhiên, Nguyên tổ không biết hối cải, nên mới bị án phạt; còn 2 tảng đá Phê-rô và Phao-lô khi bị nứt rạn, đã được chính viên “Đá Tảng Góc Tường” mài giũa, sửa chữa cho nên hoàn hảo. Các ngài đã biết hối cải, nên đã thực sự trở nên bản sao trung thực của viên Đá Tảng Góc Tường làm nền móng cho Hội Thánh bền vững đến thiên thu. Thử tìm hiểu xem 2 viên đá bị rạn nứt và được sửa chữa như thế nào?
1- Tảng đá Phê-rô: Tên thường gọi của thánh Phê-rô là Si-mon, con ông Giô-na (Mt 16,17), gốc người Do-thái, sinh quán tại Bết-xai-đa, Ca-phac-na-um, xứ Ga-li-lê-a, bên hồ Ti-bê-ri-a (cùng quê với Phi-lip-phê và An-rê – Ga 1, 44). Thánh Phê-rô xuất thân nơi vùng quê ven biển, làm nghề đánh cá, tính tình ngay thẳng, bộc trực (thấy sao nói vậy, nghĩ sao nói vậy, thẳng thắn, chính trực, không nịnh hót, cũng chẳng a dua, dựa hơi, theo thời). Cũng vì có được đức tính tốt đẹp đó, nên ngay khi Đức Giê-su “đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.” (Mt 4, 18-20).
Biết rõ con người của Phê-rô như vậy, nên trong một lần trắc nghiệm sự hiểu biết của các môn đệ, Đức Giê-su đặt câu hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống." Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16, 15-19).
Được trao trọng trách như vậy, nhưng vì bản tính loài người, nên tảng đá Phê-rô cũng vẫn bị nứt rạn: Khi thấy Thầy bảo sẽ lên Giê-ru-sa-lem, biết là Thầy chuẩn bị bước vào cuộc thương khó, vì thương Thầy sẽ phải chịu khổ nạn, nên Phê-rô đã “xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy phải gặp cảnh ấy.” (Mt 16, 25). Thương Thầy đến độ bị Thầy gọi là Xa-tan! (“Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy. Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” – Mt 16, 23). Cả đến khi Thầy bị quân dữ bắt trói đánh đập tàn nhẫn, cũng vì hiền lành, nhút nhát, nên Phê-rô chỉ dám lẽo đẽo theo Thầy từ xa xa, và chỉ cân một đứa tớ gái nhà Cai-pha nói "Bác này cũng đã ở với ông Giê-su người Na-da-rét đấy." thì ngay lập tức đã "Tôi thề là không biết người ấy" tới 3 lần! Tuy nhiên, “Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. Ông Phê-rô sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói: "Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần." Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.” (Mt 26, 69-75).
Vết rạn nứt trên tảng đá Phê-rô đã được rửa sạch bằng những giọt nước mắt thống thiết ăn năn. Tuy nhiên, phải chờ tới ngày Lễ Ngũ Tuần, đúng như lời hứa từ trước của Đức Giê-su (“Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.” – Ga 14, 16), Chúa Thánh Thần đã hiện xuống, thì vết nứt rạn đó mới được xóa bỏ vình viễn, và tảng đá Phê-rô đã “cùng chết với Đức Ki-tô và cùng sống lại với Người” (Rm 6, 8) trở nên một Đá Tảng Góc Tường kiên trung của Giáo hội.
2- Tảng đá Phao-lô: Thánh Phao-lô khi bị bắt tại Giê-ru-sa-lem (Cv 21, 27-40) đã nói (bằng tiếng Hip-ri) với người Do-thái tại Giê-ru-sa-lem: "Thưa quý vị là những bậc cha anh, xin nghe những lời biện bạch tôi nói với quý vị bây giờ đây: Tôi là người Do-thái, sinh ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Ga-ma-li-ên, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt.” (Cv 22, 1-3). Tác-xô miền Ki-li-ki-a hiện nay là miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Thánh Phao-lô sinh ra trong một gia đình khá giả, cha là thợ dệt. Ngài cũng là công dân Rô-ma từ lúc mới sinh (“Chúng tôi là những công dân Rô-ma, không có án gì cả, mà họ đã đánh đòn chúng tôi trước công chúng, rồi tống ngục.” – Cv 16, 37).
Tảng đá Phao-lô tuy cũng “được đẽo ra, được lấy ra” từ Núi Đá Đức Chúa như tảng đá Phê-rô, nhưng đã nhiễm phải chất phóng xạ Do-thái giáo từ thời niên thiếu do chính người thầy là Ga-ma-li-ên truyền thụ, nên đã có một vết rạn nứt khổng lồ tự tâm can, đó là vết nứt “ngược đãi Hội Thánh” như lời ngài tự thú: “Tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Ít-ra-en, họ Ben-gia-min, là người Híp-ri, con của người Híp-ri; giữ luật thì đúng như một người Pha-ri-sêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi.” (Pl 3, 5-6). Cái vết nứt khủng khiếp đó không gì khác hơn là bệnh “mù nội tâm” do những kẻ “mù mà lại dắt mù” (Lc 6, 39) là đám kinh sư, luật sĩ Do-thái tác động vào Phao-lô vậy.
Nhưng qua biến cố Đa-mat, ngài đã được chính Đức Ki-tô Phục Sinh chữa lành căn bệnh “mù nội tâm” trầm kha đó (“Một cuộc trở lại như thế có nghĩa là được sinh ra một lần nữa. Biến cố này mang lại một sự mới mẻ tận căn. Phao-lô bị mù lòa trước sự mạc khải của Đức Ki-tô. Phép Rửa phục hồi thị giác cho Ngài (Cv 19, 8), một biểu tượng đầy uy lực. Con người cũ kỹ không thể nhìn thấy tỏ tường trước khi được sinh ra trong sự sống mới. Một thế giới mới đã được mạc khải cho Thánh Tông Đồ. Toàn bộ tư tưởng của Phao-lô đặt nền tảng trên kinh nghiệm này.” – “Sứ Điệp Ngày Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi 2008”, phần 2). Chính biến cố Đa-mat làm cho thánh Phao-lô bị mù thể lý đã mặc nhiên cho thấy ngài bị mù nội tâm và một khi bệnh mù nội tâm được chữa lành thì cũng là lúc đôi mắt của ngài “được thấy rõ ràng” (như nhận xét của ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI trong “Bài Giáo lý III”: “Tất cả những gì được ám chỉ theo thần học cũng được thể hiện cách thể lý nơi Thánh Phao-lô: Một khi bệnh mù nội tâm được chữa lành, ngài cũng được thấy rõ ràng.”). Từ đó, ngài đã trở thành một Tông đồ dân ngoại kiệt xuất, thành lập nhiều Giáo đoàn, mở mang phát triển Hội Thánh cách quang minh chính đại, khiến bản thân phải ra toà, tù tội, vất vả trăm đường. Cuối cùng, ngài với Thánh Phê-rô trở nên như 2 bản sao trung thực của Đá Tảng Góc Tường Giê-su Ki-tô, làm nền tảng vững chắc của Giáo Hội.
Tóm lại, nếu hiểu tất cả những Ki-tô hữu đều được sinh ra bởi Núi Đá Thiên Chúa, thi sẽ thấy tất cả đều là những viên đá nhỏ góp phần vào việc xây dựng tòa nhà Giáo hội đặt nền móng trên viên Đá Tảng Góc Tường Giê-su Ki-tô. Cũng bởi vì “Con là Đá, trên viên đá này Thầy sẽ xậy Hội Thánh của Thầy.” Lời Đức Giê-su nói với Phê-rô ngày nào, giờ đây cũng đang vang vọng với từng thành viên của Hiền thê Đức Ki-tô (Giáo hội): "Con là đá, Cha là đá, Mẹ là đá, Ông Bà là đá, Anh Chị Em là đá", tất cả đều là những viên đá bằng xương bằng thịt, mỗi ngày được Thần Khí Chúa thổi hơi, thổi Lời, tác động và thanh luyện, được Thịt Máu châu báu Thánh Thể nuôi dưỡng; tất cả đều cùng chung nhịp thở với Giáo hội, một tòa nhà được xấy bằng những viên đá Ki-tô hữu trên Đá Tảng Góc Tường Giê-su Ki-tô. Rõ ràng Phê-rô là đá, những người kế vị Phê-rô và các đấng bậc trong Hội Thánh là đá, tất cả những thừa sai trong mọi gia đình Ki-tô hữu đều là đá, trên đá nầy, Đức Giê-su xây nên toà nhà Hội Thánh của Người. Thật là một huyền nhiệm chỉ có bàn tay của Thiên Chúa mới tạo nên được. Và vì thế mới có danh xưng Mầu Nhiệm Giáo Hội.
Năm nay là năm Tân Phúc-Âm-hóa Giáo xứ, xin toàn thể các “Hội Thánh tại gia” trong tòa nhà “Hội Thánh địa phương” hãy cầu nguyện cho tảng đá quản xứ cùng hết thảy các viên đá thừa sai trong Giáo xứ, ý thức được trách nhiệm của bản thân trong sứ vụ thừa sai mà Đá Tảng Góc Tường Giê-su Ki-tô đã trao phó. Đồng thời, trong tâm tình con thảo, hiệp ý cầu nguyện cho vị đương kim kế thừa Tảng Đá Phê-rô: “Này con là đá, trên viên đá này Ta xây Giáo Hội muôn đời kiên trung. Này con là đá, satan sức hùng mưu ma vẫy vùng không làm chuyển rung. Ta hãy cầu xin cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô. Chúa gìn giữ Người tăng gấp sinh lực và ban cho Người đời này hạnh phúc. Đừng trao Người cho ác tâm quân thù. Đừng trao Người cho ác tâm quân thù.” (TCCĐ “Cầu cho Đức Giáo Hoàng” – Lm Hoài Đức). Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: