Chứng nhân được sai đi- Cánh tay của Chúa
Chúa Nhật XV Thường Niên B
CHỨNG NHÂN ĐƯỢC SAI ĐI – CÁNH TAY CỦA THIÊN CHÚA
Am 7,12-15; Ep 1,3-14; Mc 6,7-13
Câu truyện xẩy ra tại Đức khi thế chiến thứ hai kết thúc. Tại một ngôi làng kia, một toán binh sĩ Mỹ tình nguyện giúp dân chúng xây dựng lại cuộc sống của họ… Trong đó có việc xin tái thiết một pho tượng Chúa Giêsu bị đổ nát vì bom đạn.
Từ nhiều thế kỷ qua, tượng Chúa là niềm tự hào của họ, giờ đây, chỉ còn là những mảnh vụn. Liệu những binh sĩ Mỹ có thể làm được công việc khó khăn này không ? Qua bao ngày tìm tòi vất vả, họ cũng đã nhặt lại được từng mảnh và dựng lại pho tượng, chỉ có điều là có hai phần trong pho tượng họ không thể tìm thấy…
Họ dựng pho tượng lên giữa quảng trường ngôi làng và phủ lên bằng tấm vải lụa, tấm vải này chỉ được mở ra bằng một nghi thức do ông Thị trưởng chủ tọa.
Khi dân chúng trong làng tề tựu đông đủ, ông Thị trưởng đọc diễn văn cảm ơn các binh sĩ Mỹ và cho mở tấm lụa ra. Mọi người ồ lên với tất cả kinh ngạc, vì pho tượng tuyệt đẹp nhưng lại không có đôi cánh tay. Dưới chân pho tượng mọi người đọc được hàng chữ lớn: “Ta không có tay, các ngươi có thể cho ta mượn cánh tay của các ngươi không” ?
Trong dòng lịch sử, Chúa Kitô vẫn đang xử dụng đôi cánh tay của những người Chúa gọi và chọn sai đi để tiếp tục công cuộc cứu rỗi, loan báo Tin Mừng. Chúng ta qua Bí tích rửa tội ở trong Hội thánh, cũng được sai đi, và cũng là cánh tay nối dài của Chúa Kitô giữa thế gian cho công trình của Ngài...
Đức Giêsu đã chọn 12 vị tượng trưng cho 12 chi tộc Israel, ý định của Người muốn thành lập một dân tộc Israel mới, trên nền tảng mười hai Tông Đồ là những tổ phụ mới. Chúa gọi và chọn các ông như trong phần đầu của Tin Mừng. Việc Đức Giêsu “gọi lại với mình” Nhóm Mười Hai, chứng tỏ uy quyền của Người và sự chọn lựa của Người. Các ông được gọi, đi theo Đức Giêsu, trước tiên là ở "với Người" (Mc 3,14). Sống kết hợp mật thiết với Thầy, đồng hành với thầy và chứng kiến tất cả hoạt động giảng dạy và tất cả các hành vi quyền lực của Thầy. Được thầy trao quyền lưc ra đi, các ông nối tiếp công việc của Người, mang Tin Mừng theo ý Thầy đến khắp nơi trên thế giới.
Chúa Giêsu sai các môn đệ đi từng nhóm “hai người một”, có lẽ xuất phát từ truyền thống Do thái, theo luật Môsê, cần hai nhân chứng mới xác nhận được một lời khai (Đnl 19,15), có hai người thì chứng tá mới có giá trị (Ds 17,6; 19,5). Dân gian đã khôn ngoan đặt ra nhiều câu ngạn ngữ để nói về điều này: "Hai người có giá trị hơn một, nếu họ ngã, người này đỡ người kia dậy, nhưng khốn cho kẻ đi một mình" (Gv 4,9). Sau này vẫn trung thành theo ý Thầy, các Tông đồ luôn đồng hành từng cặp với nhau: Phêrô và Gioan (Cv 3,1; 4,13); Phaolô và Barnabê (Cv 13,2); Giuđa và Sila (Cv 15,22b), Banaba và Marcô (Cv 15,39), Phaolô và Sila (Cv 15,40), Timôthê và Sila (Cv 17,4)… Hơn nữa con số hai cũng là biểu tượng của cộng đoàn, hai người một nghĩa là các thừa sai không làm việc đơn lẻ mà làm việc theo Công đoàn.
Trên đường sứ mạng Đức Giêsu truyền cho các ông không mang gì ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, tiền bạc... Người Tông đồ không lo lắng của cải vật chất, chỉ mang trái tim mong mỏi của Tin Mừng, các Ngài nhớ lại và sống khó nghèo như Thầy : “Con chồn có hang, con chim có tổ, Con người không có nơi tựa đầu”. Theo lệnh truyền của Chúa Kitô chỉ lo về Tin mừng, mọi sự khác đã có Chúa lo: “Tiên vàn các con hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn các sự khác Ngài sẽ ban cho” (Mt 6,33-34). Sống tinh thần phó thác vào Chúa.
Chúa đã bảo các Tông đồ và nói chúng ta: “Các con là chứng nhân của Thầy”(Lc 24,48), Người Kitô hữu qua bí tích Thánh Tẩy cũng được sai sứ mạng ra đi loan báo Tin Mừng qua đó làm vinh danh Thiên Chúa, tuy nhiên vinh danh này là nhờ bám víu tín thác vào Chúa như Thánh Phaolô khẳng định: "Vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời lên gương mặt Đức Kitô, nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong bình đất, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi" (2 Cr 4,6-7)…
Trong sứ mạng sai đi, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta sống: “… chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời”(Pl 2,15).
Người chứng nhân sống ánh sáng như Đức Hồng Y Phanxicô gợi mở trong Đường Hy Vọng:
“Con khám phá giá trị Phúc Âm trong những biến cố vui mừng và hy vọng, lo âu và sầu khổ, trở ngại và tiến bước của dân Chúa trên đường về Đất Hứa.
Con lấy Phúc Âm nuôi tâm hồn con, sự thông hiệp liên lỉ với Chúa Giêsu sẽ cho con có tinh thần của Ngài: "Chúa nhìn trần gian thế nào?" Đức Chúa Cha đã yêu trần gian đến nỗi sai con một Ngài xuống cứu trần gian (ĐHV 630, 632)
Cho nên, nhờ sự ra đi của người môn đệ - người tin vào Chúa Kitô:
“Mỗi giây phút, con đang thực hiện chương trình của Thiên Chúa trong lịch sử"
(ĐHV 633).
Thật thế, đó là cánh tay của Thiên Chúa…
Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 11/07/2015
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: