Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Nhu cầu bảo dưỡng

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

NHU CẦU BẢO DƯỠNG            

  (CN XVII/TN-B)

 

Bài đọc 1 hôm nay (CN XVII/TN.B – 2V 4, 42-44) trinh thuật phép lạ Đức Chúa “hóa bánh ra nhiều”: Chỉ với 20 chiếc bánh lúa mạch mà cả 100 người ăn no mà vẫn còn dư. Điều này cho thấy Thiên Chúa không yêu cầu đàn con trần thế chỉ chuyên chăm lo cho đời sống tâm linh, mà không cần lưu ý tới đời sống thể chất. Thực thế, khi có một người từ Ba-an Sa-li-sa đến biếu “người-của-Thiên-Chúa” Ê-li-sa 20 chiếc bánh lúa mạch đầu mùa, thì ông lập tức sai tiểu đồng phân phát cho đám đông (khoảng 100 người). Tiểu đồng lo ngại với 20 chiếc bánh làm sao phát cho 100 người, nhưng ông trấn an liền: "Cứ phát cho người ta ăn! Vì ĐỨC CHÚA phán thế này: Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư." Tiểu đồng phát cho người ta. Họ đã ăn, mà vẫn còn dư, như lời ĐỨC CHÚA phán.” (1V 4, 43-44). Quả thật con người ta sống trên đời luôn luôn có những nhu cầu, mà trong đó nổi bật 2 nhu cầu thiết yếu: Đó là nhu cầu bảo dưỡng thể chất và nhu cầu bảo dưỡng tinh thần.

 

Cả 2 nhu cầu đều quan trọng như nhau. Thật vậy, nếu chỉ thuần tuý lo bảo dưỡng thể xác, con người nào có khác chi thực vật? Vì thế, vấn đề bảo dưỡng tinh thần, bảo dưỡng đời sống tâm linh cũng thật cần thiết. Cũng đã có những vấn nạn được nêu ra: “Những kẻ vô thần thì làm gì có đời sống tâm linh”. Nếu chỉ nghe tên thuyết “vô thần” thì dường như vấn nạn trên là đúng, nhưng nếu nhìn kỹ, đi sâu vào đời sống thực của họ, sẽ thấy họ cũng có một đời sống tâm linh, thậm chí còn phong phú hơn cả những người “hữu thần” nữa là khác. Thật vậy, không thiếu những người ngoài xã hội thì gắn mác “vô thần” rất bảnh, nhưng trong gia đình thì vẫn thấy đâu đó một bàn thờ ông Địa, Thần Tài, hoặc Tổ Ngành, Tổ Hội…, thậm chí còn có cả bàn thờ Phật, bàn thờ Chúa… ở mãi trên gác xép, trên sân thượng. Rồi mỗi khi đi đâu hay làm việc gì vẫn lén lút mở lịch xem ngày tốt xấu, rồi đứng trước bàn thờ xì xụp khấn vái cầu may. Kẻ viết bài này vẫn chưa quên lãnh tụ “vô-thần-năm-bơ-oăn” (Atheistic number one) của Việt Nam viết trong bảng di chúc rằng sẽ đi xa, sang thế giới bên kia để gặp cụ Mác, cụ Lê-nin. Cũng vì thế đã có một lập luận phản biện cho vấn nạn trên: “vô thần nhiều khi còn mê tín hơn cả hữu thần”. Nêu lên vấn đề tế nhị này, tác giả hoàn toàn không đứng trên lập trường phê phán hay phản bác, mà chỉ muốn minh hoạ cho lập luận chủ đề “Con người sống trên đời luôn luôn có 2 nhu cầu rất cần được bảo dưỡng: Thể chất và Tâm linh”.

 

Tới bài Tin Mừng hôm nay (Ga 6, 1-15), Thánh sử Gio-an trình thuật phép lạ Đức Giê-su hoá bánh ra nhìều lần thứ nhất: Khi nhìn thấy đoàn người rất đông đến nghe Người giảng dạy, Đức Giê-su đã hỏi môn đệ: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?" Điều này chứng tỏ Đức Ki-tô rất quan tâm tới nhu cầu ăn uống để bảo dưỡng thân xác cho con người. Nhưng như thế thì có gì mâu thuẫn với Lời dạy: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra." (Mt 4, 4)? Cũng đã có nhiều bài chia sẻ cho rằng khi dạy như vậy, Đức Ki-tô muốn các môn đệ và rộng ra là tất cả mọi Ki-tô hữu hãy lo sống bằng Lời Chúa, còn phần xác thì không cần quan tâm, hãy quên đi mạng sống trần thế để giữ lấy sự sống đời sau. Nếu hiểu vấn đề theo lập luận này thì rõ ràng Đức Ki-tô đã mâu thuẫn khi lo cơm bánh cho đông đảo dân chúng đi theo Người. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ văn phong trình thuật Lời dạy của Đức Ki-tô, sẽ thấy Thánh sử Mat-thêu đã dùng biện pháp ghi chép “không chỉ… mà còn…” (hoặc cũng có thể viết: “không những… mà còn…”) để liên kết 2 vế thành một câu hoàn chỉnh: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra." Như vậy là người ta sống phải nhờ cả hai: cơm bánh nuôi dưỡng thân xác + Lời Chúa nuôi dưỡng tinh thần.

 

Tục ngữ VN cũng có câu “Có thực mới vực được Đạo” (có ăn thì mới có sức khoẻ để làm việc Đạo). Nếu chỉ lo lắng việc đạo nghĩa mà không bảo dưỡng thân xác (không ăn uống gì hết) thì liệu cái thân xác ấy có tồn tại để tiếp tục lo vịêc đạo nghĩa được không? Hỏi tức là trả lời rồi vậy! Rõ ràng Đức Giê-su cũng không chỉ lo phần rỗi đời sau cho con người, mà còn lo cả những gì cần thiết cho đời sống hiện tại của họ nữa. Người cũng ra lệnh cho các môn đệ ngoài việc rao giảng Tin Mừng, còn phải giải quyết những nhu cầu cấp bách về thể chất của họ: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 10, 7-8). Lo cho người ta về thể chất chính là cách biểu lộ tình thương đối với họ, đó là tạo điều kiện để lo cho họ một cách hữu hiệu về tâm linh.

 

Để vấn đề thêm sáng tỏ, nên đồi chiếu lập luận trên với Lời dạy về ngày cánh chung (Mt 25, 31-46), hoặc Lời Đức Ki-tô nói với đám Pha-ri-sêu đang chê trách Người hay đi với bọn thu thuế và người tội lỗi (Đức Giê-su nói: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi." – Mt 9, 12-13). Như vậy là Đức Giê-su Thiên Chúa luôn quan tâm đến nhu cầu sống của con người về cả 2 mặt: thể xác và tinh thần. Hội Thánh vì có Đầu là Đức Ki-tô, nên nối tiếp truyền thống cao vời khôn ví đó, mà lo cho đàn con cái trên đường lữ thứ trần gian về cả hai mặt thể xác và tâm linh.

 

Quả thực "Không thể cắt đứt việc thờ phượng Thiên Chúa với việc chăm sóc người yếu kém, được Kinh Thánh mô tả một cách điển hình là “cô nhi, quả phụ và ngoại kiều” (x. Xh 22, 21-22; Đnl 10, 18; 27, 19), là những người dễ bị tổn thương nhất khi có bất công đe dọa. Thánh Gio-an Kim Khẩu viết: “Anh em có muốn tôn kính Thân Thể Chúa Ki-tô không? Vậy thì đừng bỏ qua Ngài khi thấy Ngài trần truồng. Đừng tôn vinh Ngài với đủ thứ gấm vóc lụa là trong đền thờ, trong khi lại bỏ mặc Ngài đang run lạnh và trần truồng ngoài trời. Đấng đã từng nói “Đây là mình Thầy” cũng chính là Đấng đã nói "Các ngươi thấy ta đói mà không cho ăn"… Có ích gì khi bàn tiệc Thánh Thể thì chất nặng những chén lễ bằng vàng, trong khi Đức Ki-tô đang hấp hối vì đói khát? Hãy cho Ngài hết đói khát đã, rồi mới lấy những gì còn lại mà trang hoàng bàn thờ!” (Tông huấn Giáo Hội tại châu Á “Ecclesia in Asia”, số 41§2).

 

Tóm lại, ờ đâu và ở thời nào cũng vậy, thế giới loài người muôn đời vẫn luôn cần đến những con người giầu lòng yêu thương, nhân đạo. Thế giới luôn cần những bàn tay nhân ái, luôn cần những con tim rộng mở để chia sẻ và yêu thương. Thế giới luôn cần những con người thiện nguyện dám hy sinh những tư lợi, dám quên mình cho hạnh phúc tha nhân. Cũng bởi vì “trong Năm Thánh này, dân Ki-tô giáo có thể suy tư trên các hoạt động thể lý và thiêng liêng của lòng thương xót. Đó sẽ là một cách để thức tỉnh một lương tâm quá thường khi mờ mịt trước cảnh nghèo đói. Và chúng ta hãy bước sâu hơn vào trung tâm của Tin Mừng nơi người nghèo có một trải nghiệm đặc biệt với lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa Giê-su giới thiệu với chúng ta những hoạt động của lòng thương xót trong lời rao giảng của Ngài để chúng ta có thể nhận ra liệu chúng ta có đang sống như những môn đệ của Ngài hay không. Chúng ta hãy tái khám phá những hoạt động thể lý của lòng thương xót: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, và chôn xác kẻ chết. Và chúng ta đừng quên các hoạt động thiêng liêng của lòng thương xót: lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cũng như cầu cho kẻ sống và kẻ chết.” (Tông thư “Misericordiae Vultus – Khuôn Mặt Xót Thương”, số 15).

 

Ôi! Lạy Chúa! Xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn biết sống yêu thương chia sẻ, hầu góp phần nhỏ bé của chúng con vào công việc phục vụ những anh em khó nghèo, khiếm khuyết, tật bệnh sống gần kề chúng con. Ôi! “Lạy Chúa! Xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu… Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.” (Kinh Hoà Bình – TCCĐ). Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.