Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Canh tân đời sống hôn nhân Kito Giáo

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

TÂN PHÚC-ÂM-HÓA GIÁO XỨ:

CANH TÂN ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN KI-TÔ GIÁO

 

          Tông huấn về Gia đình “Familiaris Consortio” (số 6) viết: “Hoàn cảnh trong đó các gia đình đang sống hiện có cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực: một số khía cạnh là dấu cho thấy ơn cứu độ của Đức Ki-tô đang tác động trong thế gian, một số khía cạnh khác là dấu cho thấy sự chối từ của con người đang chống lại tình thương của Thiên Chúa.” Chính vì thế, đời sống hôn nhân rất cần phải canh tân cho thích nghi với thời đại. Trong chiều hướng đó, “Gợi ý mục vụ cho năm Tân Phúc-Âm-hóa Giáo xứ” ấn định chủ đề tháng 10/2015 là: Tháng 10. Tân Phúc-Âm-hóa giáo xứ: canh tân đời sống hôn nhân “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (Ep 5, 7). Xin cùng tìm hiểu vấn đề:

 

I. Nguồn gốc và đặc tính hôn nhân:

 

Vì tình yêu, “Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, và phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất.” (St 1, 27-28). Đây là nền tảng và mục đích của hôn nhân giữa Thiên Chúa với nhân loại (thông qua It-ra-en): "Vì ngươi sẽ được Đức Chúa đem lòng sủng ái, Và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở người như trai tài sánh duyên cùng thục nữ. Đấng tạo tác ngươi sẽ cưới ngươi về, như cô dâu là niềm vui cho chú rể. Ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ." (Is 62, 4-5)”. Nhân loại được cứu chuộc bằng giá máu của Đức Giê-su đổ ra trên thập giá, để mang về cho Thiên Chúa một dân mới – là Hiền Thê của Chiên Thiên Chúa – và đó chính là hôn ước giữa Chúa Ki-tô với nhân loại quy tụ trong Giáo hội, được ví như người vợ yêu qúy của Người (Kh 19, 7-9).

 

Rõ ràng Thiên Chúa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật trên nền tảng tình yêu. Ðời sống chung này được liên kết bằng giao ước hôn nhân, hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị trong Giáo hội và xã hội. Vì lợi ích của lứa đôi, của con cái và của xã hội, nên sợi dây liên kết thánh thiện này không lệ thuộc sở thích của con người. Chính Thiên Chúa là Ðấng tác tạo hôn nhân, phú bẩm những lợi ích thiết thực và mục tiêu hết sức quan trọng đối với sự phát triển nhân loại.

 

Hiến chế về Mục vụ “Gaudium et Spes” (số 48) xác định: “Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh diễm phúc của hôn nhân. Như thế, bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ "không còn là hai, nhưng là một xương thịt" (Mt 19, 6), phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày mỗi đầy đủ hơn. Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly.” Quả thật, hôn nhân là một ơn gọi cao quý, bao hàm hai đặc tính cơ bản nhất: Tính “đơn nhất” (hay “đơn hôn” – một vợ một chồng) và tính “bất khả phân ly” (hay “vĩnh hôn” – hôn ước vĩnh viễn):

 

1- Tính “đơn nhất”: Ngay từ khởi thủy, nguyên tổ loài người đã được Thiên Chúa dựng nên bằng bụi đất, sau đó “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.” (St 2, 22-25). Sự hiệp thông nhân vị này được củng cố, thanh luyện, và hoàn thiện nhờ bí tích Hôn Phối đem lại sự hiệp thông trong Ðức Ki-tô. Sự hiệp thông đó càng thâm sâu hơn do cùng chia sẻ một đức tin và cùng đón nhận một Tấm Bánh trong tiệc Con Chiên (bí tich Thánh Thể).

 

2- Tính “bất khả phân ly”: Đức Giê-su Thiên Chúa đã khẳng định: "Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ", và Người đã phán: "Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt." Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly." (Mt 19, 4-6). Đó chính là “sự hiệp nhất và trao hiến trọn vẹn cho nhau trong tình yêu và hạnh phúc của con cái mà đôi vợ chồng phải vẹn nghĩa thuỷ chung với nhau, nghĩa là một sự hiệp nhất bất khả phân ly.” (Hiến chế Tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”, số 11).

 

Cũng vì những đặc tính cơ bản đó, mà chính Đức Giê-su Thiên Chúa đã nâng hôn ước lên hàng bí tích (“Do hôn ước, người nam và người nữ tạo nên một cộng đồng sống chung suốt đời, tự bản tính hôn ước hướng về thiện ích của đôi vợ chồng và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Ðức Ki-tô đã nâng hôn ước giữa những người đã chịu phép Thánh Tẩy lên hàng bí tích" (CIC, khoản 1055, triệt 1).” – Giáo lý HTCG, số 1601); “Khi nhìn giao ước của Chúa với Ít-ra-en dưới hình ảnh của một tình yêu hôn nhân độc hữu và chung thủy (x. Hs 1-3; Is 54; 62; Gr 2-3; 31, Ed 16; 23), các ngôn sứ đã dọn lòng Dân Tuyển Chọn để họ ý thức sâu xa về tính duy nhất và bất khả phân ly của hôn nhân (x. Ml 2,13-17).” (Giáo lý HTCG, số 1611). Bí tích Hôn Phối đã trở nên cần thiết và quan trọng hàng đầu (có hôn nhân mới có các nhân tố để nhận lãnh các bí tích khác).

 

II. Những thách đố trong hôn nhân:

 

Ngày thứ tư 19/8/2015, trong bài giảng về Giáo lý Gia đình (bài 26), ĐTC Phan-xi-cô phát biểu: “Trong hoàn cảnh này các gia đình Ki-tô hữu chấp nhận một thách đố cả thể cũng là một sứ vụ cao cả. Họ mang đến cho lãnh vực này những nền tảng của việc Thiên Chúa tạo dựng, đó là cái căn tính và mối liên hệ nam nữ, là việc truyền sinh con cái, là công việc làm cho trái đất trở thành ngôi nhà và thế giới có thể cư ngụ. Việc đánh mất đi những nền tảng ấy là chuyện rất trầm trọng, và trong ngôi nhà chung này đã có quá nhiều rạn nứt! Công việc này không dễ dàng gì. Có những lúc các hiệp hội về gia đình dường như thể là Đa-vít trước Gô-li-át vậy... thế nhưng chúng ta biết thách đố này được kết thúc ra sao rồi! Cần có đức tin và sự khôn khéo. Trong thời điểm khó khăn này của lịch sử chúng ta, xin Thiên Chúa giúp chúng ta lãnh nhận tiếng gọi của Ngài trong việc hân hoan và hy vọng làm việc, để cống hiến phẩm vị cho bản thân cũng như cho gia đình của mình.”  

 

Vì sao ĐTC nhắc đến vua Đa-vít trước Gô-li-át? Vua Đa-vít (con của Gie-sê) còn rất trẻ đã dám xin vua Sa-un cho ra trận để chiến đấu tay đôi với Gô-li-at - người Phi-li-tinh (một tướng lãnh tài giỏi và rất hung ác). Rất nhiều người (kể cả vua Sa-un) ngăn cản Đa-vit, nhưng cậu không nghe. Rồi chỉ với 1 cây gậy và 5 hòn đá cuội, cậu đã chiến thắng. Thậm chí khi chiến thắng, Đa-vit phải lấy gươm của Gô-li-at mà giết chết đối thủ! (xc. 1Sm 27, 1-58). ĐTC Phan-xi-cô dùng hình ảnh “Đa-vit trước Gô-li-at” với ngụ ý: Các hiệp hội gia đình có những lúc có khí thế rất hăng say dũng cảm (như Đa-vít), nhưng sau đó thì xìu như “gà mắc mưa” mất hết cả nhuệ khí ban đầu, và vì thế nên “chúng ta biết thách đố này được kết thúc ra sao rồi!” Chính đó là những thách đố của hôn nhân gia đình khiến ĐTC phải nhắc nhở: “cần có đức tin và sự khôn khéo” (ibid).

 

Dựa theo “Tài liệu làm việc và Phúc trình tổng kết Đại hội chung Ngoại thường lần thứ III (năm 2014)”, kể cả “Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình (năm 2015)”, bàn vềCÁC THÁCH ĐỐ MỤC VỤ VỀ GIA ĐÌNH”; có thể kể ra những thách đố trong đời sống hôn nhân gia đình Ki-tô giáo đang phải đối diện, như sau:

 

1- Khủng hoảng đời sống tâm linh: Nói cách cụ thể là đời sống hôn nhân bị khủng hoảng đức tin. Trong một thế giới có nhiều tiến bộ về khoa học ứng dụng công nghệ với những tiện nghi vật chất hiện đại, niềm tin tôn giáo rất dễ bị lung lay, mòn vẹt. Từ đó đi đến chỗ mất niềm tin vào căn tính của hôn nhân: Định chế hôn nhân là một mầu nhiệm xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu. Phải tin tưởng mới thật sư yêu thương, nên khi đức tin bị khủng hoảng, thì tình yêu (đức ái) cũng tiêu vong. Và vì thế, vợ chồng sống trong nghi kị, không còn tin tưởng lẫn nhau, thiếu vằng sự thân mật gần gũi, gia đình lủng củng, xáo trộn rồi chia lìa, tan rã cũng là điều tất nhiên.

 

2- Khủng hoảng đời sống xã hội:

 

a- Ảnh hưởng các chủ nghĩa duy thế tục: Đó là chủ nghĩa hưởng thụ, duy cá nhân, độc quyền độc đoán, duy khoái lạc, duy vật chất… Đời sống hôn nhân gia đinh hiện nay thường xuyên căng thẳng và xung đột giữa hai vợ chồng, bởi thiếu tin tưởng lẫn nhau, thiếu sự thân mật gần gũi, hoặc do một người phối ngẫu muốn thống trị người kia. Từ não trạng hưởng thụ (ăn chơi trụy lạc), tiến tới tâm thức triệt sản, phá thai, hủy diệt trứng, tinh trùng (để tránh có nhiều con làm ảnh hưởng đến nhu cầu thụ hưởng); gây nên tình cảnh rạn vỡ và ly tán do nạn ly dị, ly thân, khiến gia đinh không còn nguyên vẹn. Những chủ nghĩa duy thế tục còn phát sinh những phong trào sống thử, sống chung như vợ chồng (de facto unions) khi còn ở tuổi vị thành niên; rồi tình trạng đa thê – đa phu vẫn còn tồn tại đâu đó trên thế giới, làm tan vỡ cấu trúc gia đinh.

 

b- Bạo hành và lạm dụng: Thế giới không hiếm những tình trạng bạo hành về tâm lý, thể lý cũng như lạm dụng tính dục trong gia đinh, đặc biệt xâm hại đến phụ nữ và trẻ em. Đáng sợ hơn là các hiện tượng kinh khủng như đánh đập, thậm chí giết hại phụ nữ sau khi chiếm đoạt tình dục, nạn nô lệ tình dục. Đây là hệ quả của một thứ văn hóa chiếm hữu sai lạc. Cũng không thiếu những tình trạng cha mẹ đối xử chuyên quyền độc đoán, thiếu quan tâm chăm sóc giáo duc con cái. Còn phải kể đến bi kịch về nạn buôn bán và bóc lột trẻ em, đặc biệt là tai họa của “du lịch tình dục” và dùng trẻ vị thành niên trong các dịch vụ mãi dâm. Những tệ nạn ấy làm băng hoại đời sống hôn nhân cả về tinh thần lẫn vật chất.

 

c- Sự lệ thuộc mạng truyền thông và xã hội: Tình trạng nghiện ngập rượu bia, ma túy, phim ảnh khiêu dâm đôi khi được sử dụng chung trong gia đinh, chưa kể đến nạn nghiện bài bạc và các trò chơi trực tuyến, internet và các mạng xã hội. Rồi các phương tiện truyền thông truyền đạt và quảng cáo những giá trị sai trái và lầm lạc đi ngược với hôn nhân gia đinh. Hậu quả là một cản ngại thực sự cho sự đối thoại giữa các thành viên trong gia đinh, dẫn đến mối tương quan liên vị trong gia đinh bị biến chất, khi mà ngay cả việc đối thoại cũng ngày càng phụ thuộc vào công nghệ.

 

d- Khủng hoảng kinh tế: Yêu sách quá đáng từ công ăn việc làm tác động không ít tới các gia đinh. Nhịp lao động căng thẳng và đôi khi còn vắt kiệt sức người lao động; thời gian lao động thường quá dài (không còn giữ đúng luật 48giờ/tuần) khiến cuộc sống gia đinh thiếu vắng thời gian gần gũi thân mật bên nhau. Sự khủng hoảng kinh tế và sự bất ổn của thị trường lao động tạo nên tình trạng việc làm không ổn định, phải đi làm mỗi ngày một xa hơn; rồi nạn thất nghiệp gia tăng, làm cho mối quan hệ trong đời sống hôn nhân trở nên lỏng lẻo, các cá nhân dần dần bị tách biệt. Đó là chưa kể sự khủng hoảng kinh tế gây nên phong trào di dân lưu dân cũng đang là một thách thức nghiêm trọng mang tính toàn cầu.

 

III. Cần phải canh tân đời sống hôn nhân:

 

          Tông huấn về Gia đình “Familiaris Consortio” (số 3) xác quyết: “Trong một giai đoạn lịch sử mà gia đình đang bị nhiều sức ép tìm cách huỷ diệt hay ít ra là muốn làm méo mó nó, Hội Thánh – vì biết rằng lợi ích của xã hội và lợi ích riêng của mình đều được liên kết mật thiết với lợi ích của gia đình (x GS, 47) – nên đã ý thức một cách mạnh mẽ và bức thiết rằng, mình có sứ mạng công bố cho mọi người biết ý định Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình, bằng cách bảo đảm cho hôn nhân và gia đình có được sức sống tràn đầy cũng như sự thăng tiến về phương diện nhân bản cũng như Ki-tô giáo, và như thế là góp phần vào việc canh tân xã hội và canh tân Dân Thiên Chúa.”

 

          Như trên đã phân tích, hôn nhân là một giao ước tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu, nên căn tính của hôn nhân là mầu nhiệm Tình Yêu và Sự Sống ("gia đình là chiếc nôi của sự sống và tình yêu" – Giáo huấn xã hội và Giáo hội, số 209). Các đôi tân hôn và nói chung tất cả mọi Ki-tô hữu phải thấu triệt căn tính đó, nhiên hậu mới có thể canh tân đời sống hôn nhân:         

 

1- Kiên trì trong tính chất đơn nhất (một vợ một chồng): Dứt khoát nói không với những cám dỗ của “đứng núi nọ trông núi kia”, “chán cơm thèm phở”, “văn mình vợ người, ngoại hôn ngoại tình”, “chính thất thứ thất, đa thê đa phu” …

 

2- Chung thủy trong đặc tính “bất khả phân ly”: Kiên quyết không chấp nhận ly dị, ly hôn vì bất cứ lý do nào. Trong một số trường hợp có thể cho ly thân (biệt cư biệt sản), nghĩa là hai người không còn sống chung với nhau nhưng vẫn là vợ chồng nên không có quyền kết hôn với người khác. Không có một nghi thức hoặc thủ tục đặc biệt nào của tôn giáo về ly thân, bởi Giáo hội vẫn hy vọng rằng vì lợi ích của chính mình cũng như của con cái, rồi ra hai người sẽ hoà hợp lại. (Giáo Luật số 1151-1155).     

 

Trường hợp quá đặc biệt không thể cứu vãn, Giáo hội chấp thuận cho các bên phối ngẫu được quyền khởi kiện ra Tòa Án thuộc thẩm quyền Giáo hội, để xin “Tuyên bố Hôn nhân vô hiệu”. Tòa Án sơ thẩm (thẩm phán là Giám mục trong HĐGM địa phương) không phân xử được, thì kháng nghị lên Tòa Án Tối Cao Rô-ma (Roman Rota). Thủ tục Tố tụng Hôn nhân rất nhiều chi tiết rườm rà, kéo dài thời gian (xc Giáo luật, số 1671-1707); vì thế, ngày 8/9/2015, ĐTC Phan-xi-cô phải ban hành 2 Tự sắc nhằm “cải tổ thủ tục cứu xét tuyên bố hôn nhân vô hiệu”, đó là: *1- Tự sắc “Mitis Judex Dominus Jesus” (Chúa Giê-su là Thẩm phán nhân từ) dành cho GH Công giáo La-tinh; *2- Tự sắc “Mitis et Misericords Jesus” (Chúa Giê-su Từ bi) dành cho GH Công giáo Đông phương.

 

Việc làm này của ĐTC đã khiến các hãng truyền thông, báo chí (hãng thông tấn AP, tờ Washington Post, Catholic World News, New York Times, tập san Crux…), kể cả các Giáo sĩ, các nhà luật học trong Giáo hội, nhiệt liệt bày tỏ sự đồng tình hưởng ứng. Quả thật ĐTC đã “triệt để cải tổ diễn trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu, rà xét lại 300 năm thực hành của Giáo hội bằng cách tạo ra một lối vô hiệu hóa mới rất nhanh chóng và loại bỏ thủ tục tự động kháng án thường làm cho diễn trình chậm hẳn lại.” Như vậy, ĐTC đã “canh tân Giáo luật về Hôn nhân” một cách triệt để (xc “Đức Phan-xi-cô cải tổ thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu”; “Nhận định và tường thuật của một số báo chí về quyết định cải tổ thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu” – nguồn Thanhlinh.net).

 

3- Sẵn sàng đón nhận con cái: Đặc tính truyền sinh của hôn nhân không chỉ giới hạn trong gia đình mà còn là duy trì và phát triển sự sống của toàn thể nhân loại (“Các con hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất.” – St 1, 28), nên đôi lứa kết hôn phải sẵn sàng đón nhận con cái. Không chấp nhận phá thai, triệt sản, hủy diệt trứng, tinh trùng. Trường hợp hiếm muộn nên nhận con nuôi (thế giới không thiếu những trẻ em mồ côi, vô thừa nhận), hơn là hùa theo phương pháp thụ tinh nhân tạo hoặc “cấy tinh trùng”, “mang thai hộ” để “có con bằng mọi giá”. Trường hợp nhà nghèo mà có quá đông con, Giáo hội chỉ chấp nhận cho dùng phương pháp ngừa thai “Ogino Knauss” (ngừa thai bằng cách tránh giao hợp trong những ngày trứng rụng – xc “Điều hòa sinh sản tự nhiên” – nguồn www.dmhcg.org).

 

4- Canh tân hành vi nhân linh: Vì “Gia đình Ki-tô hữu là cộng đồng tin và rao giảng Tin Mừng” (T/H “Familiaris Consortio” – số 51-53), nên sứ vụ của gia đình cũng là sứ vụ nhất quán của Giáo hội: Truyền giáo. Nói đến truyền giáo là nói đến ngôn ngữ rao truyền và hành vi sống chứng tá Tin Mừng, mà kết hôn là một “hành vi nhân linh” (hành động có ý thức và tự do – GL/HTCG số 1750-1754), nên cần phải đổi mới hành vi ấy. Tức là phải sống chứng tá như Hiến chế “Gaudium et Spes” (số 52) chỉ dẫn: “Người Ki-tô hữu biết lợi dụng thời đại và phân biệt những gì trường tồn với những hình thức hay thay đổi, phải nhiệt thành đề cao những giá trị hôn nhân và gia đình bằng chứng tá của chính đời sống mình cũng như bằng hành động hợp tác với những người thiện chí.”

 

Kết luận:

 

Nói tóm lại, để thực sự canh tân đời sống hôn nhân, thì không những chỉ các đôi tân hôn, mà toàn thể Giáo hội (cách riêng toàn thể Giáo xứ) cùng chung tay góp sức giúp các gia đình sống trọn hảo vai trò và trách vụ gia đình trong kết ước hôn phối trên mầu nhiệm Tình yêu. Cụ thể là sống đức tin bằng hành động đức ái (Gl 5, 6), gia đình hãy sống yêu thương chung thủy với nhau, mở cửa ra chia sẻ mầu nhiệm tình yêu ấy với cộng đồng, giúp đỡ nhau vượt qua những thử thách trong đời sống hôn nhân.

 

Tất nhiên trong hoàn cảnh xã hội đương thời với biết bao thách đố nghiệt ngã, muốn canh tân đời sống hôn nhân không phải là chuyện dễ dàng. Để vượt thắng cản ngại trên hành trình đổi mới, xin hãy chạy đến với Đức Maria – Nữ Vương Gia Đình – như lời khuyên của Tài Liệu Làm Việc Của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình năm 2015 (số 61): “Trong sự dịu dàng, trong lòng từ bi và mẫn cảm mẫu thân của ngài, Đức Maria có khả năng nuôi dưỡng nhân loại đói khát và chính sự sống. Bởi đó, các gia đình và các Ki-tô hữu nên cậy nhờ sự cầu bầu của ngài. Việc mục vụ và việc sùng kính Đức Mẹ là một khởi điểm thích đáng để ta công bố Tin Mừng Gia Đình.” Ước được như vậy.

 

Ôi! “Lạy Nữ Vương gia đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ, Mẹ con cùng nhau chia sẻ. Xa Mẹ chúng con biết cậy trông ai? Đời chúng con gian nan khổ sở lắm, gia đình chúng con long đong tối ngày, nhưng có Mẹ ở bên chúng con, chúng con thấy quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu đày, mong ngày sau sung sướng cùng Mẹ muôn đời trên thiên đàng. Amen.” (Kinh Lạy Nữ Vương Gia Đình).

 

JM. Lam Thy ĐVD.