Bi quan hay lạc quan
BI QUAN HAY LẠC QUAN?
Con người sống trên đời thuờng có hai xu hướng: Bi quan và lạc quan. Bi quan là cách nhìn đời tiêu cực (Bi: đau buồn sầu khổ; Quan: nhìn ngắm, quan sát). Bi quan thường dẫn đến yếm thế (chán đời). Lạc quan là cách nhìn đời vui mừng, tin tưởng (Lạc: sung sướng, vui mừng). Lạc quan thường dẫn đến yêu đời. Phái bi quan yếm thế thì chẳng tin tưởng vào một sự gì trên đời, coi cuộc đời là bể khổ, bi lụy, đi tới chán đời và tìm cách lẩn tránh sự đời. Bi quan thái quá thường dẫn đến tiêu cực tột cùng và tìm đến cái chết để cầu mong sự giải thoát. Phái lạc quan thì ngược lại, tuy rằng vẫn biết có nhiều nghịch cảnh đau buồn, thử thách nghiệt ngã đối với con người, nhưng vẫn tin tưởng sẽ tìm được lối thoát tốt đẹp. Tuy nhiên, nếu lạc quan thái quá thường dẫn đến lạc quan tếu, coi tất cả chỉ là trò đùa và khi đối diện với hậu quả của cách nghĩ nông cạn đó, thì lại trở nên chán nản tột độ và chỉ còn cách bi quan thái quá một “sợi tóc” mong manh.
Ở đây không dám đi sâu vào triết học với hai trường phái tư tưởng bi quan và lạc quan, vì đó không phải là mục đích của bài viết này. Chỉ xin nhìn vào Kinh Thánh để xem thử có chứa hai quan niệm bi quan và lạc quan hay không mà thôi. Có thể nói Kinh Thánh rất bi quan bởi có những lời lẽ thật đau xót về một thế giới con người chứa đầy ghen ghét đố kỵ, thù hằn chém giết, tội lỗi nhuốc nhơ…, ấy là chưa kể (nhất là trong Cựu Ước) còn mô tả rất nhiều những cơn thịnh nộ lên đến đỉnh điểm của Thiên Chúa giáng xuống loài người. Tuy nhiên, ở một góc cạnh khác, thì Kinh Thánh lại rất lạc quan. Sự lạc quan ấy bắt nguồn bởi niềm tin (đức tin) của con người từ thời gian trông đợi ngàn xưa (Cựu Ước) và được đáp trả bằng hồng ân Thiên Chúa nhập thể (Tân Ước), kéo dài sự tin tưởng đợi trông đến hồi viên mãn, cánh chung. Chính vì tin tưởng mãnh liệt vào Thiên Chúa, cụ thể là Con Thiên Chua – Đấng Cứu Độ, nên hành trình Đức Tin vẫn luôn luôn và mãi mãi có hàng triệu triệu con người kiên trì nhẫn nại dấn bước.
Ba bài đọc hôm nay (CN III/MV) đều nhắc đến sự vui mừng: Bài đọc 1 (Is 61, 1-2a.10-11) nói về ngôn sứ I-sai-a được Ơn gọi là Ngôn sứ và ngài mừng rỡ Tạ ơn; Bài đọc 2 (1Tx 5, 16-24), thánh Phao-lô kêu mời “Anh em hãy vui mừng…”; đến bài Tin Mừng thì trình thuật lại sự kiện Thánh Gio-an Tiền Hô được sai đến làm chứng về ánh sáng và tự xưng mình chỉ là “tiếng hô trong sa mạc, được sai đến để dọn đường cho Chúa đi” (mừng đón vị Cưu Tinh thì đó chẳng phải là đem Tin Vui đến hay sao?). Như trên đã trình bày, ngay từ thời Cựu Ước được coi như thời gian nhân loại sống trong đêm đen, đêm trường, thì Kinh Thánh đã có không ít những Tin Vui. Đó có thể là những Tin Vui đã và đang xảy ra, đồng thời cũng sẽ xảy ra như một lời tiên báo (tiên tri). Bài đọc 1 hôm nay là một minh chứng: “Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc,/ như vườn tược cho nở hạt sinh mầm,/ ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính,/ làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân” (Is 61, 11). Bước sang Tân Ước, thì ngay ngày mở đầu đã là một Tin Vui không tiền khoáng hậu, độc nhất vô nhị, thực sự xảy ra: Đức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật giáng thế lảm người cứu độ nhân loại. Sự kiện vô cùng vĩ đại này đã được lịch sử minh chứng thông qua hàng triệu triệu chúng nhân (từ vua quan đến lương dân sĩ thứ không phân biệt tôn giáo, kể cả những kẻ vô thần)
Nguời Ki-tô hữu sống trong thời đại hôm nay đang ngày ngày nghe nhìn trên phát thanh truyền hình, đọc trên báo chí, kể cả chứng kiến tận mắt biết bao chuyện đau buồn, biết bao thảm cảnh do thiên tai thì ít mà do con người gây ra cho nhau thì nhiều, nhiều vô kể. Thiết nghĩ cuộc sống trần gian hiện đại còn tối tăm, thê lương gấp bội đêm đen Cựu Ước. Như vậy thì vấn đề đặt ra là nên bi quan hay lạc quan? Tất nhiên trước những thảm cảnh diễn ra trước mắt, không ai có thể tránh khỏi đau buồn, bi thương. Tuy vậy, bi thương chớ không thể bi luỵ, bởi bi luỵ sẽ đẩy con người vào bi quan không còn lối thoát. Hãy lạc quan tin tưởng vào Thiên Chúa, bởi chỉ có Thiên Chúa mới đem lại vui mừng hạnh phúc, chỉ có Thiên Chúa mới mở ra một lối thoát trong cơn khốn đốn cùng cực do tự mình gây ra của con người. Thánh Kinh Cựu Ước đã lạc quan tiên báo ngày Đấng Cứu Độ đến giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và ngày đó đã xảy ra. Vậy thì tại sao lại không tin tưởng vào lời tiên báo của Thánh Kinh Tân Ước lạc quan về một ngày “thời gian tới hồi viên mãn” đón Chúa quang lâm lần thứ hai?
Thiết tưởng không còn gì có thể phủ nhận “chỉ có cách sống lạc quan tin tưởng vào Kinh Thánh mới thực sự mang vui mừng hạnh phúc đến cho con người”. Muốn được như vậy thì không gì bằng hãy trở nên như một “Tiếng-hô-trong-hoang-địa”, luôn sẵn sàng “đi báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn,/ băng bó những tấm lòng tan nát,/ công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm,/ ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của ĐỨC CHÚA,/ một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta;/ Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than” (Is 61, 1-2). Không những thế, mà còn “Phải lấp cho đầy mọi thung lũng tị hiềm thù hận, phải bạt cho thấp mọi núi đồi ngạo mạn kiêu căng, phải uốn cho ngay mọi khúc quanh co gian hiểm, phải san cho phẳng mọi đường lồi lõm ghét ghen”. Vâng, hãy lạc quan tin tưởng vào cuộc lữ hành loan báo Tin Mùng luôn có Thần Khí soi đường chỉ lối, để trông đợi (Vọng) điều tốt lành (Hy) ngày mừng đón Đấng "đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến" (Lc 21, 27). Hy vọng được như ước nguyện. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: