Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Chứng nhân anh hùng

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

CHỨNG NHÂN ANH HÙNG  

 

(LỄ CÁC THÁNH TỬ VÌ ĐẠO VIỆT NAM)

 

Ngay từ sơ khai, Hội Thánh Công Giáo đã trải qua 300 năm bị bách hại dưới thời các hoàng đế La-mã. Cuộc bách hại trường kỳ đó đã khiến các tín hữu phải đào hang sâu dưới lòng đất để trốn tránh. Những hang hầm đó được gọi là hang toại đạo. Hang toại đạo là hệ thống đường hầm dài nhiều cây số nằm sâu dưới lòng đất tại các khu nghĩa trang ngoại thành Rô-ma. Có một sự trùng hợp kỳ diệu là Giáo hội Việt Nam cũng trải qua một thời gian 300 năm (từ cuối thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX) bị các vua chúa phong kiến bách hại và cũng có những cảnh các giáo sĩ phải đào hang trú ẩn hoặc cùng với tín hữu vào rừng sâu rao giảng Tin Mừng. Những cuộc bách hại khủng khiếp đó không tiêu diệt được Ki-tô giáo, trái lại còn làm tăng trưởng vượt bậc Hội Thánh Chúa.

 

Đó là lý do giải thích tại sao ngày 15/10/1989, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã xin Tòa Thánh ghi vào lịch Phụng Vụ Công Giáo: Ngày 24/11 hàng năm là ngày kính các Thánh Tử Vì Đạo, Bổn mạng Hội Thánh Việt Nam, nhằm kỷ niệm ngày thành lập Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (24/12/1958). Đề nghị này đã được Bộ Phụng Tự Toà Thánh chấp thuận ngày 14/02/1990, đồng thời còn được đặc biệt kính trọng thể vào Chúa nhật XXXIII/TN, áp Chúa nhật XXXIV (lễ Đức Giê-su Ki-tô Vua Vũ Trụ), với hàm ý: 117 vị Thánh Tử vì Đạo trong số 130.000 Ki-tô hữu tại Việt Nam đã anh dũng lấy máu của mình tô thắm thêm cho vinh quang Thập Giá của Vua Vũ Trụ Giê-su Ki-tô.

 

Vào ngày 19/6/1988, trong bài giảng lễ tuyên phong 117 hiển thánh Tử vì Đạo Việt Nam tại Rô-ma, Thánh Gio-an Phao-lô II đã phát biểu: “Lên tiếng với anh em để hô vang Chúa Ki-tô Tử nạn Thập Giá, tất cả chúng tôi hôm nay để lời cám ơn anh em vì tấm gương nhân chứng đặc biệt các vị Thánh Tử Đạo của Giáo hội Việt Nam anh em đã nêu cao, bất cứ các ngài là con dân Việt Nam hay là những Thừa sai, xuất xứ từ những nước đã in sâu mầm mống đức tin Chúa Ki-tô. Làm sao kể lại cho hết? Tất cả là 117 vị Tử Đạo, bao gồm 8 vị Giám mục, 50 vị Linh mục, 59 giáo dân, trong số đó có một phụ nữ là thánh A-nê Lê Thị Thành, mẹ của sáu người con.” (xc “Bài giảng lễ tuyên phong 117 hiển thánh Tử vì Đạo Việt Nam” – nguồn: Hội Đồng Giám Mục VN.net).

 

Nhìn vào “tấm gương nhân chứng đặc biệt” của các Thánh Tử vì Đạo Việt Nam, chiêm niệm về cây Thập giá Chúa Ki-tô, kẻ viết bài này lại như được nghe Thánh Tê-ô-pha-nô Ven nói với bọn quan quyền bách hại Đạo Chúa: “Tôi đã suốt đời thuyết giảng về Đạo Thập Giá, nay tôi lại đạp lên thập giá thế nào được? Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quý hoá đến độ tôi phải bỏ Đạo mà mua?” (Điệp ca Ca vịnh 3, Kinh Chiều II, Lễ kính CTTĐ/VN). Chỉ trong 3 thế kỷ, trên 130.000 Ki-tô hữu Việt Nam đã vác thập giá mình – đã đổ máu ra vì cây thập tự – mà theo Đức Ki-tô như vậy đó. Và trong số ấy, Giáo hội đã tuyên phong 117 vị lên bậc hiển thánh. Trên 130.000 chứng nhân Tin Mừng anh dũng tuyên xưng đức tin vào cây “Thập giá Chúa Ki-tô”! Thật là một con số kỷ lục đối với một đất nước nhỏ bé và tiếp cận với Ki-tô giáo hơi muộn. Muộn, nhưng vững vàng – muộn, nhưng khởi sắc – muộn, nhưng tốt đẹp (“Muộn thì muộn, muộn thì càng chắc. Khó thì khó, khó chẳng lụy ai.” – ca dao VN). Há chẳng phải đó là một niềm vinh dự, một niềm tự hào cho quê hương đất nước Việt Nam thân yêu sao?

 

Máu các Thánh Tử vì Đạo là nguồn ân sủng chan chứa tưới trên đất nước Việt Nam, làm cho cánh đồng truyền giáo ngày càng thêm màu mỡ, trổ sinh biết bao hạt giống đức tin đơm bông kết trái rực rỡ như ngày nay. Điều này khẳng định nguồn ân sủng đó chính là để dành cho con cháu các Thánh Tử vì Đạo trước tiên, để con cháu ngày càng thăng tiến trong đức tin. Đức tin của tổ tiên vẫn mãi tồn tại và còn tiếp tục truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai. Đức tin này chính là nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người là Việt Nam thuần túy sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn là người tín hữu đích thực của Chúa Ki-tô (công dân nước trần thế + công dân Nước Trời). Nói cách khác, gương chứng nhân của các Thánh Tử vì Đạo Việt Nam khiến cho “Ai là người tín hữu đều ý thức rằng: Lời kêu gọi của Phúc Âm vẫn là phải tuân phục các thể chế loài người, để tôn thờ tình yêu Thiên Chúa bằng cách làm việc thiện, sống xứng đáng con người tự do, kiêng nể tha nhân, yêu thương anh em, kính sợ Thiên Chúa và tôn trọng công quyền và thể chế quốc gia (1Pr 2, 13-17). Do đó, công ích của quốc gia vẫn là thời điểm người công dân phải dấn thân, nhưng đồng thời phải được tự do tuyên xưng chân lý của Chúa, được cảm thông với các vị chủ chăn và anh em đồng tín ngưỡng; và như thế là để sống an bình với mọi người và thực tâm xây dựng hạnh phúc cho toàn dân.” (xc “Bài giảng lễ tuyên phong 117 hiển thánh Tử vì Đạo Việt Nam” -nt-).

 

Đọc và suy nịêm các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay (Kn 3, 1-9 ; 1 Cr 1, 17-25), nhất là bài Tin Mừng (Mt 10, 17-22), tưởng chừng như những lời tiên báo từ Cựu Ước sang Tân Ước, đã thực sự xảy ra trên dải đất hình cong chữ S suốt 3 thế kỷ. Càng suy niệm, càng thấy lời dậy của Thánh Phê-rô là xác thực: “Anh em thân mến, anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em. Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ. Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em.” (1Pr 4, 12-14). Các Thánh Tử vì Đạo Việt Nam đã “thật có phúc”, vì “cùng được vui mừng hoan hỷ” khi “vinh quang của Đức Ki-tô tỏ hiện”.

 

Quả thật là “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. Lúc ra đi phải khóc than, vì công vất vả gieo hạt. Nhưng khi trở về, lòng hân hoan phấn khởi, vì sẽ ôm nặng nhiều bông lúa.” (Tv 126, 5-6). Tổ tiên chúng ta đã anh hùng làm chứng cho Tin Mừng, làm chứng cho Chân Lý, đem Công Lý gieo mầm tin yêu trên dải đất chữ S thân yêu này. Còn chúng ta thì sao, thưa các Ki-tô hữu Việt Nam – những thừa sai mang trọng trách “Chứng nhân Tin Mừng” – thân mến? Xin mượn lời của Thánh Gio-an Phao-lô II để trả lời câu hỏi trên:

 

“Một lần nữa, hỡi Giáo đoàn Việt Nam, chúng tôi nói lại cho anh em rằng: máu các thánh Tử vì Đạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để anh em thăng tiến trong đức tin. Giữa anh em, đức tin của tổ tiên vẫn tiếp tục và còn truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai.  Đức tin này tồn tại để làm nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người là Việt Nam thuần túy sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn còn là người tín hữu của Chúa Ki-tô. Ai là người tín hữu đều ý thức rằng: Lời kêu gọi của Phúc Âm vẫn là phải tuân phụccác thể chế loài người, để tôn thờ tình yêu Thiên Chúa bằng cách làm việc thiện, sống xứng đáng con người tự do, kiêng nể tha nhân, yêu thương anh em, kính sợ Thiên Chúa và tôn trọng công quyền và thể chế quốc gia. (x 1Pr 2,13-17). Do đó công ích của quốc gia vẫn là thời điểm người công dân phải dấn thân, nhưng đồng thời phải được tự do tuyên xưng chân lý của Chúa, được cảm thông với các vị chủ chăn và anh em đồng tín ngưỡng: và như thế là để sống an bình với mọi người và thực tâm xây dựng hạnh phúc cho toàn dân.” (xc “Bài giảng lễ tuyên  phong 117 hiển thánh  Tử vì Đạo Việt Nam” -nt-).

 

Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ, lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam).

 

JM. Lam Thy ĐVD.