Thư cảm nhận sau khi tham dự buổi hội thảo khoa học giáo dục
THƯ CẢM NHẬN
SAU KHI THAM DỰ BUỔI HỘI THẢO KHOA HỌC GIÁO DỤC
NGÀY 07/11/2015
Kính gửi: Uỷ ban Giáo dục Công Giáo (UBGDCG) trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Tôi viết lá thư này mong được chia sẻ những nhận định và góc nhìn cá nhân của tôi về giáo dục, đặc biệt giáo dục giá trị sống sau khi được tham dự buổi hội thảo Khoa học Giáo dục: “NGƯỜI THẦY VỚI VIỆC GIÁO DỤC GIÁ TRỊ SỐNG ĐỂ ĐẢM BẢO SỰ THÀNH CÔNG CỦA HỌC SINH – NHỮNG BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN NGHIÊN CỨU”, được tổ chức vào ngày 07/11/2015 tại trụ sở HĐGMVN.
Cảm nhận chung
Buổi hội thảo thực sự đã gợi lên cho tôi rất nhiều suy tư và câu hỏi. Dưới sự hướng dẫn của ba thuyết trình viên đầy tâm huyết, tôi tin chắc cử tọa đã hiểu được bước đầu thế nào là giá trị sống, và con đường thực hiện công cuộc giáo dục giá trị sống đã và đang được khởi sự và thực hành như thế nào.
Thực vậy, giá trị sống khác xa với kỹ năng sống, càng không thể nhìn nhận như những kiến thức phổ cập nói chung. Đơn giản hóa, nếu như giáo dục kiến thức cách chung trang bị cho người học kiến thức nền tảng và chuyên môn; nếu như giáo dục kỹ năng sống giúp cho người học dễ dàng áp dụng kiến thức vào thực tiễn cách khôn ngoan và mềm dẻo, thì giáo dục giá trị sống mới thật sự đem lại cho con người tính nhân bản, luân lý, tính cách và đạo đức phù hợp với xã hội hiện tại nhưng không làm mất đi giá trị tinh túy truyền thống. Quả thực, cả ba khía cạnh đều quan trọng và rất cần thiết để giáo dục nên một con người.
“Tiên học lễ, hậu học văn”. Chúng ta luôn kêu gọi như thế nhưng chúng ta đã thực hiện điều này như thế nào? Phải chăng chúng ta đã quá coi trọng giáo dục kiến thức và việc giáo dục đạo đức chỉ như một phong trào nửa mùa già cỗi, được kêu gọi từ biết bao năm qua nhưng để đánh giá hiệu quả thực sự thì chưa có con số cụ thể; thay vào đó là hàng loạt các biểu hiện xuống cấp đạo đức từ cấp nhỏ đến cấp lớn, thậm chí diễn ra ngay trong học đường không những giữa học trò với học trò mà còn cả thầy đối với học trò. Mặt khác, quả là điều đáng mừng khi trong những năm gần đây, xã hội rộ lên phong trào giáo dục kỹ năng sống thông qua hàng loạt các lớp học cho đủ mọi cấp từ tiểu đến đại học và sau đại học. Thế nhưng vấn đề giáo dục giá trị sống chỉ được nổi lên như một phong trào, lồng ghép một cách chưa khoa học hoặc tự phát vào các hoạt động giáo dục kiến thức và kỹ năng.
Giá trị của giáo dục không ai có thể phủ nhận. Nhưng nếu giáo dục đào tạo ra một con người có đầy đủ kiến thức, chuyên nghiệp về kỹ năng nhưng thiếu nhiều đạo đức, thì các “quái vật có học” (educated monsters) sẽ không còn gì xa lạ với tương lai xã hội. Giáo dục một con người thành công và thành nhân có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng, nhưng quan trọng nhất vẫn là vai trò của người thầy, buổi hội thảo đã chứng minh được điều ấy.
Tình hình thực tế từ góc nhìn cá nhân: nhận định yêu cầu và thách thức
Dưới góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng Giáo hội Công giáo đang đi đầu trong lĩnh vực giáo dục giá trị sống. Dù rằng phạm vi chỉ gói trọn trong nội bộ Giáo hội Công giáo và mang màu sắc tâm linh rõ nét, chúng ta không thể phủ nhận ảnh hưởng của Giáo hội trong việc hình thành và phát triển nền tảng đạo đức nơi mỗi Kitô hữu.
Giáo dục Công giáo đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Theo ý Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo phát biểu bên lề Thượng HĐGM thế giới về gia đình năm 2015, Giáo hội Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách khó khăn, đặc biệt với giới trẻ bao hàm sinh viên, công nhân và anh chị em di dân. Bằng trải nghiệm cá nhân, tôi xin mạn phép nói xa hơn một chút.
Mỗi Kitô hữu từ hồi nhỏ đã được cha mẹ đưa đến các lớp học giáo lý từ khai tâm đến sống đạo, là môi trường giáo dục nhân bản rất thích hợp cho độ tuổi thiếu nhi và thanh thiếu niên, giúp họ vững vàng trong đức tin và nhân cách trong suốt cuộc đời. Trong môi trường xứ đạo và gia đình, việc học hỏi giáo lý của các em mang lại sự gắn kết cùng các bạn đồng đạo, niềm vui được học hỏi trên tinh thần hăng say thoải mái.
Nhưng khoảng 20 năm trở lại đây, tình hình có nhiều biến chuyển. Hiện đại hóa và sự phát triển từng ngày ảnh hưởng rõ nét lên thế hệ học trò sau này. Các em ngoài việc học chính khóa trên lớp, còn phải tham dự rất nhiều lớp học thêm, học ngoại khóa kể cả thứ bảy và chủ nhật. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tâm lý một phần không nhỏ các em, cho rằng việc học hỏi giáo lý không khác gì lớp học thêm, thậm chí là khó chịu vì sự “ép buộc” dưới áp lực từ cha mẹ để đạt được những chứng nhận các Bí tích. Niềm vui khi được học giáo lý cứ nhỏ dần theo độ lớn cấp học, đó là chưa kể đến sự mệt mỏi vì các em phải học quá nhiều từ trường và các lớp học thêm. Thay cho niềm vui sẽ là tâm lý đối phó, cho qua. Những điều tôi đề cập, không phải là toàn bộ hiện thực, nhưng cũng không thể phủ nhận thực trạng đó đã và đang diễn ra.
Sự khác biệt giữa các bạn trẻ thành thị và nông thôn cũng cần đề cập tới, đặc biệt giai đoạn sau 18 tuổi. Phần lớn bạn trẻ tại các tỉnh thành sẽ đổ dồn về các thành phố lớn, xa gia đình để học tập hoặc mưu sinh; trong khi bạn trẻ tại thành phố phần nào vẫn nhận được sự khuyên bảo, dạy dỗ, hun đốc trực tiếp từ gia đình. Bạn trẻ sẽ gặp và tiếp xúc với một xã hội khá phức tạp và đang mang trong mình xu hướng thực dụng, trần tục. Nếu các bạn trẻ không có một nền tảng đạo đức thật sự vững chắc, cộng thêm sự tự do và thiếu vắng sự chăm sóc từ gia đình, thì việc xa rời các giá trị sống là điều hoàn toàn có thể xảy ra, rất dễ dàng.
Đứng trước thách đố này, Giáo hội đã rất nhanh nhạy nắm bắt. Các lưu xá sinh viên, các nhóm sinh viên Công giáo, các hội đồng hương Công giáo, các Đại hội giới trẻ,… được thành lập và đang hoạt động tại các thành phố lớn. Điều này đã đem lại hiệu quả rất tích cực và rõ nét. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế vẫn tồn đọng một số vấn đề lớn, nổi cộm là số lượng các bạn trẻ được phục vụ. Riêng tại Sài Gòn, Đại hội giới trẻ cấp giáo phận hằng năm đều được tổ chức rất hoành tráng, quy tụ hàng ngàn bạn trẻ. Qua một số lần tham dự tại Sài Gòn (và tại các giáo phận, giáo hạt khác), tôi tự hỏi trong số hàng ngàn sinh viên đó, bao nhiêu phần trăm là các bạn trẻ tự do tìm hiểu và đăng ký tham gia (không nằm trong phái đoàn từ các lưu xá, cộng đoàn, nhóm hội,…)? Tôi không dám chắc đó là một tỉ lệ cao, chưa kể đến việc Đại hội giới trẻ chỉ diễn ra một lần trong năm. Những điều tôi nói trên không phải phủ nhận vai trò và tầm ảnh hưởng tích cựu không thể chối cãi của các lưu xá, cộng đoàn, nhóm hội và các hoạt động hiện tại phục vụ cho giới trẻ. Nhưng để đặt câu hỏi về phổ rộng và tác động lâu dài đến phần lớn các bạn trẻ (sinh viên và di dân) tại các thành phố lớn.
Ý kiến và ủng hộ
Qua hội thảo, tôi biết được nỗ lực của Uỷ ban GDCG, cách riêng của Ban Giáo chức Công giáo đã và đang thực hiện các chương trình giáo dục giá trị sống (cụ thể: Ephata) dành cho lứa tuổi nhi đồng, thiếu niên. Tôi cũng rất vui mừng khi biết rằng sắp tới sẽ áp dụng chương trình này cho các bậc học cao hơn (hiện tại là lớp 8). Với những suy tư cá nhân như trên, tôi cho rằng Ủy ban GDCG đang đi rất đúng hướng và hoàn toàn ủng hộ mục đích cao đẹp trong việc giáo dục giá trị sống. Tôi thiết thực mong chương trình sẽ sớm được áp dụng cho các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên, mà theo tôi, là thành phần rất nhạy cảm và đương gặp những khó khăn rất lớn trong việc duy trì đức tin và các giá trị sống, giá trị đạo đức.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho Quý vị và cho những việc mà Ngài đã khởi sự nơi Quý vị!
Sài Gòn, ngày 09 tháng 11 năm 2015
Kính thư,
OT.
- Tổng Hơp: