Mục vụ gia đình qua việc tổ chức Rước lễ vỡ lòng
MỤC VỤ GIA ĐÌNH
QUA VIỆC TỔ CHỨC RƯỚC LỄ VỠ LÒNG
Khoảng thời gian gần đây chúng ta thấy rất nhiều nơi, với nhiều hình thức khác nhau mừng kỷ niệm 30 năm công bố Tông huấn “Về các bổn phận của Gia đình” (Familiaris Consortio) (FC), được xem là bảng “tuyên ngôn”, là “đại hiến chương” về Gia đình của Đức cố Giáo hoàng - Chân phước Gioan Phaolô II công bố ngày 22/11/1981; đồng thời cũng là dịp mừng 30 năm thành lập Hội đồng Tòa thánh về Gia đình.
Tiêu biểu và gần gũi với chúng ta là hội thảo của Ủy ban Mục vụ Gia đình thuộc HĐGMVN trong hai ngày 17&18/11/2011, tại Trung tâm Hành hương Thánh Mẫu Trà Kiệu, giáo phận Đà Nẵng. Tầm cỡ hơn là Hội nghị Khoáng đại tại Roma từ ngày 29/11 tới 1/12 năm 2011của Hội Đồng Tòa Thánh về Gia đình. Riêng giáo phận Phan Thiết đã có một ngày Thường huấn cho Linh mục đoàn về Tông huấn Familiaris Consortio dưới sự hướng dẫn của linh mục Agostino Nguyễn Văn Dụ (Roma).
Nhân cơ hội này, Giáo hội mong muốn khôi phục lại giá trị và vai trò vốn có của gia đình trong đời sống Giáo Hội và xã hội. Lời mời gọi “Hỡi gia đình, hãy trở nên cái mà ngươi là” (FC 17) của Tông huấn Familiaris Consortio vang vọng suốt 30 năm nay, tuy nhiên thế giới đang có sự sa sút ngày càng trầm trọng về đời sống gia đình. Lời vang vọng ấy khác chi tiếng kêu trong sa mạc của Gioan Tẩy Giả hơn 2000 năm qua "Anh em hãy sám hối…" (Mt 3,2).
Lời mời gọi của Tông huấn đòi buộc các vị chủ chăn luôn tận dụng mọi cơ hội, mọi điều kiện, cùng với sự linh hoạt và sáng tạo để mục vụ gia đình cho đoàn chiên được trao phó cho mình.
Quả thật, chính trong FC số 70 đã nhấn mạnh: “… mỗi Hội Thánh địa phương và nói rõ hơn, mỗi cộng đồng giáo xứ, phải ý thức mạnh mẽ về ân sủng và trách nhiệm đã nhận được từ Chúa để cổ võ mục vụ gia đình. Mọi chương trình mục vụ được tổ chức, ở mọi cấp độ, không bao giờ được lướt bỏ mục vụ gia đình”. Như vậy, FC đã đòi buộc các vị chủ chăn không quên mục vụ gia đình trong mọi công việc, mọi hình thức mục vụ. Ngoài ra, FC cũng đã đề cập đến giá trị thiết yếu không thể thiếu của bí tích Thánh Thể và bí tích Hòa giải trong việc mục vụ gia đình (x. FC 57-58).
Xin được đơn cử một hình thức mục vụ bí tích có kèm theo mục gia đình mà người viết đã tận mắt chứng kiến. Có thể gọi là “mục vụ gia đình qua việc tổ chức cho các em rước lễ vỡ lòng”. Hay cũng có thể gọi bằng một cụm từ dí dỏm là: “cha mẹ cùng xưng tội và rước lễ vỡ lòng với con cái”. Người viết thấy hình thức này đang thực hiện một vài năm gần đây tại giáo xứ Cù Mi, Giáo phận Phan Thiết. Hình thức mục vụ này chia thành 2 bước:
Bước 1: Cùng xưng tội với con cái
· Phương thức thực hiện: Mời gọi bố mẹ (nếu không có bố mẹ thì 2 người thân nhất trong gia đình) của mỗi em cùng tham dự tĩnh tâm, cùng xét mình và cùng xưng tội với con cái (có thể chung hoặc riêng tùy người hướng dẫn).
· Hiệu quả: Đa phần các cha mẹ đều đến với bí tích Hòa giải trong dịp này vì nhiều lý do:
- vì thương con cái: đa phần các gia đình trẻ rất ít con, nên rất thương con, không cha mẹ nào đành lòng để con bơ vơ thiếu cha, thiếu mẹ hoặc thiếu cả hai trong khi những gia đình khác thì sum vầy đầy đủ.
- vì danh dự của gia đình: không người cha người mẹ nào muốn tỏ ra gia đình mình khô khan nguội lạnh trong dịp này.
(Thực tế tại giáo xứ Cù Mi, cha xứ bảo: “Có rất nhiều cha mẹ bỏ xưng tội lâu năm đều đến với bí tích Hòa giải trong dịp này. Cho dù họ trăm công nghìn việc hay làm việc nơi xa, họ đều cố gắng có mặt đồng hành với con trong ngày hồng phúc”).
Bước 2: Cùng con rước lễ vỡ lòng
· Phương thức thực hiện: Ngày rước lễ lần đầu của các em thì giáo xứ nào cũng tổ chức long trọng. Nhưng càng long trọng và ấm cúng hơn khi nhất cử nhất động của con cái đều có sự đồng hành của bố mẹ. Cha mẹ cùng đi rước chủ tế với con, cùng ngồi chung với con (con chính giữa cha mẹ hai bên) và nhất là cùng rước lễ dưới hai hình với con con cái.
· Hiệu quả: sự kiện con rước lễ vỡ lòng là một biến cố của cả gia đình, của cả giáo xứ.
- Đây là cơ hôi để cha mẹ không chỉ quan tâm lo lắng cho con con cái mà còn lo cho chính mình, lo cho nhau cả phần hồn và phần xác, cả bên ngoài lẫn bên trong. Nói chung là cả gia đình quan tâm nhau về đạo cũng như đời.
- Cha mẹ ý thức hơn giá trị cao cả và thiết yếu của bí tích Thánh Thể và Hòa Giải đối với người Kitô hữu và nhất là với việc bảo vệ hạnh phúc gia đình.
- Cha mẹ ý thức hơn vai trò, trách nhiệm và bổn phận của mình, cách riêng là bổn phận giáo dục, làm gương sáng cho con cái trong đời sống đức tin.
Chính một vị đại diện phụ huynh của các em đã bày tỏ tất cả những điều trên trong bài cám ơn của mình sau Thánh lễ: “Đây là cơ hội để chúng con ý thức hơn vai trò làm gương sáng trong đời sống đức tin cho con cái trong vai trò và bổn phận của những người làm cha làm mẹ trong gia đình; ý thức hơn giá trị cao quí không thể thiếu của bí tích Hòa giải và bí tích Thánh thể trong hành trình đức tin của người kitô hữu chúng con.”
(Tại giáo xứ Cù Mi, Cha xứ cho các em rước lễ vỡ lòng vào chúa nhật I mùa vọng như một lời mời gọi cả cộng đoàn giáo xứ ý thức hơn sự sám hối đổi mới chính mình).
Trên đây là một vài ghi nhận của người viết khi được “mục kích sở thị” một hình thức mục vụ gia đình qua việc cử hành bí tích, cách riêng là tổ chức cho các em rước lễ vỡ lòng. Tuy là những ghi nhận và đánh giá hoàn toàn theo thiển ý cá nhân, nhưng âu cũng nằm trong lời mời gọi khẩn thiết của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Tôi thấy mình bị thúc bách phải yêu cầu các con cái Hội Thánh nỗ lực một cách đặc biệt cho vấn đề này. Trong đức tin, họ đã được hiểu biết đầy đủ về ý nghĩa kỳ diệu của Thiên Chúa, nên họ càng có lý do để lưu tâm tới thực tế gia đình, trong thời đại của chúng ta, thời đại thử thách và ân sủng. Họ phải yêu mến gia đình một cách đặc biệt hơn cả. Đó là một mệnh lệnh cụ thể và gắt gao.” (FC 86).
Thomas Nguyễn Văn Hiệp (Mùa vọng 2011)