Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Nhà truyền giáo mẫu mực của xã hội

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

NHÀ TRUYỀN GIÁO MẪU MỰC CỦA GIÁO HỘI (CN IV/MV-C)

 

Khi sứ thần truyền tin cho Đức Maria thì Mẹ đã thưa lại: “Việc ấy xảy ra cách nào vì tôi không biết đến việc vợ chồng”. Sứ thần trấn an Đức Mẹ và cho biết người chị họ là bà Ê-li-da-bet đã già mà cũng đang cưu mang một đứa con trai, “Vì đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 34-37). Vừa nghe sứ thần cho biết bà Ê-li-da-bét có thai được sáu tháng, Đức Maria liền vội vã lên đường đến thăm bà. Có thể Mẹ Maria tới thăm gia đình ông Da-ca-ri-a là để chia sẻ một niềm vui trong gia tộc, đồng thời cùng với người chị họ chúc tụng Thiên Chúa, vì cả 2 chị em đều được ân thưởng đặc sủng của Thiên Chúa.

 

Tuy nhiên, lý do chính Đức Mẹ tới viếng thăm bà Ê-li-da-bét chỉ có thể là vì Tình Yêu. Chính là vì tình yêu, vì lòng lân tuất, Mẹ đã lên đường tới thăm gia đình người chị họ neo đơn, cả hai ông bà đã già yếu, rất cần sự giúp đỡ trong những tháng cuối của thai kỳ và cả khi sinh nở. Mẹ đã ở lại với người chị họ tới 3 tháng cũng là vì thế. Mẹ đã đem Con Thiên Chúa – hiện thân của Tình Yêu cứu độ – đến cho người chị họ, kể cả người con mà bà đang cưu mang trong lòng là Gio-an Tiền Hô. Vì thế, khi thấy Đức Mẹ thì Gio-an Tiền Hô đã vui mừng nhảy lên trong lòng bà mẹ (Lc 1, 44). Như vậy, có thể nói Đức Mẹ đã ra đi thi hành sứ vụ truyền giáo là chia sẻ Tình Yêu Cứu Độ cho tha nhân.

 

Điểm đáng lưu ý trong chuyện này là trước những lời chân tình và khiêm tốn của bà Ê-li-da-bét, Đức Mẹ không nói gì ngoài những lời ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa trong bài ca Magnificat. Mẹ cảm tạ Chúa không chỉ cho riêng mình, nhưng cho hết thảy loài người. Lời lẽ chân thành của bà Ê-li-sa-bét xuất phát từ một tâm hồn chất phác khiêm nhu, nhìn nhận những gì Thiên Chúa làm cho bà và đứa con trong bụng qua cuộc viếng thăm của cô em họ Maria. Cả hai bà đều thâm cảm được tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa dành cho mình, nên đều bày tỏ lòng khiêm hạ tín thác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa giải thoát con người khỏi ách thống trị của tội lỗi và sự chết đời đời. Mẹ Maria đã thay mặt cho toàn thể nhân loại, cất lời ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa bắt đầu thực hiện kế hoạch lấy tình yêu làm vũ khí “dẹp tan phường lòng trí kiêu căng, hạ bệ những ai quyền thế, nâng cao mọi kẻ khiêm nhường, kẻ đói nghèo được  ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng.” (Bài ca Ngợi Khen “Magnificat” – Lc 1, 51-53).

 

Nói đến tình yêu là nói đến 3 nhân đức cốt tuỷ của người Ki-tô hữu: Tin + Cậy + Mến. Có Yêu thì mới Tin và càng Tin thì càng Yêu gấp bội. Chỉ đến khi dốc một lòng Tin Yêu thì mới dám Cậy nhờ trợ giúp. Một tấm gương sáng chói cho lập luận này chính là thánh Phao-lô Tông đồ dân ngoại: Kể từ khi trở về nẻo chính đường ngay, sau biến cố Đa-mát, thánh nhân đã rút ra được những kinh nghịêm quý báu về Tình Yêu trong quá trinh rao giảng Tin Mừng, mở mang Hội Thánh Chúa. Ngài khẳng định: "Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến." (1Cr 13, 13). Ngài còn xác quyết: "Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi." (1Cr 13, 3). Quả thật, muốn “yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” thì phải “yêu người thân cận như chính mình”. Chỉ có hết dạ “yêu người” mới chứng tỏ là thực lòng “mến Chúa”. Đó là quy luật tất yếu.

 

Có một điều rất đáng suy niệm là ngay từ trước khi Thánh Phao-lô đưa ra lập luận chắc nịch như vậy, thì Đức Maria đã thể hiện một cách rất sinh động: Đầu tiên là chia sẻ Tình Yêu với ngưới chị họ và sau đó là chia sẻ Tình Yêu cho toàn thể nhân loại trong suốt cuộc đời của Mẹ và cho mãi đến thiên thu vạn đại. Sau khi đón nhận Tình Yêu từ “Suối Tình Yêu cũng là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa”, Đức Mẹ đã vội vàng đem chia sẻ cho mọi người; đó phải chăng là Mẹ đã “xin vâng” thánh ý của Thiên Chúa Cha, lên đường thi hành sứ vụ truyền giáo? Vâng, “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo Ý Ðịnh của Thiên Chúa Cha. Ý định này tuôn trào từ "suối tình yêu" cũng là lòng thương của Thiên Chúa Cha, vì chính Ngài là Nguyên lý vô Nguyên lý, bởi Ngài mà Chúa Con được sinh ra, và cũng bởi Ngài và nhờ Chúa Con mà phát xuất Chúa Thánh Thần.” (Sắc lệnh Truyền Giáo “Ad Gentes”, số 2).

 

Quả thật Đức Trinh Vương chính là nhà truyền giáo mẫu mực đầu tiên của Giáo hội. Cuộc viếng thăm lịch sử của Đức Maria nêu bật những bài học quý giá cho hành trình thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng của mỗi Ki-tô hữu:

 

1)- Mẹ đã “yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực” nên Mẹ mới tin tưởng dâng mình trong đền thờ năm 16 tuổi, và vì thế Mẹ càng yêu Chúa gấp bội và tin tưởng tuyệt đối vào Lòng Thuơng Xót của Chúa bằng hành động “xin vâng” theo Thánh ý Chúa trong mọi tình huống.

 

2)- Vì tình bác ái, Mẹ rất quan tâm đến hoàn cảnh bà Ê-li-za-bét rất cần sự thăm hỏi động viên, giúp đỡ. Dù là chỗ họ hàng, mà chì là họ hàng xa, không bó buộc phải thăm nom, giúp đỡ; nhưng Mẹ đã nhận trách nhiệm ấy cho mình (Tình bác ái không phân biệt họ hàng xa hay gần, có họ hàng với nhau hay không).

 

3)- Mẹ đã không quản ngại đường xá xa xôi, núi non trắc trở, vì “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách nùi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Đường đi có thể khó khăn nguy hiểm, nhưng nếu  lòng người đã quyết thực thi tình bác ái, thì hiểm trở tới đâu cũng không quản ngại.

 

4)- Mẹ đã kiên tâm ở lại giúp đỡ người chị suốt 3 tháng ròng. Đó là đức mến được thể hiện bằng hành động cụ thể nhất. Cũng như “Đức tin không có hành động là đức tin chết”, đức mến mà chỉ ở nơi đầu môi chót lưỡi thì cũng chẳng hơn gì. Vì thế, nên giúp đỡ chia sẻ một cách cụ thể mới thực sự là những “chứng tá bác ái”.

 

5)-  Mẹ đã đem Đấng Cứu Độ đến cho cả 2 mẹ con bà Ê-li-za-bet (người Mẹ thì vui mừng thốt lên “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” còn người con thì nhảy lên mừng rỡ trong lòng mẹ – Lc 1, 43-44); đồng thời Mẹ còn đem Lòng Thương Xót đến cho toàn thể nhân loại vào đêm Ngôi Lời Nhập Thể Giáng Sinh.

 

Qua mẫu gương tuyệt hảo của Đức Mẹ, Giáo hội mời gọi mọi tín hữu hãy trở về với tinh thần đích thực của mầu nhiệm Giáng Sinh. Tinh thần ấy là khiêm nhường, cảm tạ và tín thác vào sức mạnh Tình yêu Thiên Chúa, để từ đó sẵn sàng lên đường tới viếng thăm tất cả mọi người, nhất là những người mà Đức Vua Tình Yêu – trong ngày chung thẩm – đã nhận là chính Người (“Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” – Mt 25, 35). Quả thật, "Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài" (Thánh Au-gus-ti-nô). Đức Mẹ đã cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu độ bằng tất cả con người và cuộc sống của minh.

 

Nói tóm lại, Đức Maria chính là nhà truyền giáo nhiệt thành đắc lực nhất vì Mẹ nắm giữ vai trò phổ quát và thủ lĩnh trong việc truyền giáo, đến nỗi phải nói Mẹ Maria chính là nhà sư phạm truyền giáo mà toàn thể Ki-tô hữu – những thừa sai trong sứ vụ loan báo Tin Mừng – cần phải học hỏi và noi gương Mẹ. Ấy cũng bởi vì “Đức Trinh Nữ Maria, Ngôi Sao của công cuộc truyền giáo mới, hướng dẫn chúng ta trong hoạt động truyền giáo, Mẹ là người đã ban tặng Chúa Ki-tô cho thế giới, Đấng được đặt làm ánh sáng muốn dân, để mang ơn cứu độ cho đến tận cùng thế giới (Cv 13,47).” (ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI – Sứ điệp Truyền Giáo năm 2009). ĐTC Phan-xi-cô cũng đồng quan điểm khi ngài công bố: “Đức Maria, Mẹ của Giáo Hội là mẫu gương của nhà truyền giáo, tôi phó thác tất cả những người nam nữ trong mọi nơi, mọi vùng của đời sống để loan báo Tin Mừng, ad gentes.”  (Sứ điệp Truyền Giáo năm 2015)

 

Học theo gương Đức Mẹ, người Ki-tô hữu hãy cộng tác với Thiên Chúa và Giáo hội trong sứ vụ Truyền giáo, bằng cách đem chính bản thân mình phục vụ mọi người. Hãy quan tâm đến niềm vui, nỗi khổ, và nhu cầu của từng người sống chung quanh; sẵn sàng hy sinh thì giờ cho dù rất quí báu của mình, để năng đến thăm viếng, gặp gỡ, chia vui sẻ buồn và tìm mọi cách để thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của họ. Chúng ta đã được nhận về từ Thiên Chúa biết bao ân sủng Tình Yêu, vậy thì không lý gì lại không biết chia sẻ Tình Yêu ấy cho anh em. Vâng, "Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy." (Mt 10, 8). Xin đừng bao giờ quên chân lý: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20, 35).

 

Với tâm tình “vui  mừng và hy vọng” bước vào Năm Thánh Lòng Thương Xót, xin cùng hướng về Mẹ của Lòng Thương Xót, hiệp dâng lời cầu nguyện: “Lạy Trinh Nữ Maria, Mẹ là Mẹ Hội Thánh và là Ngôi Sao dẫn đường loan báo Tin Mừng, xin đồng hành với tất cả các thừa sai Tin Mừng.” (Sứ điệp Truyền giáo năm 2012).

 

Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng con biết thật Ðức Ki-tô, Con Chúa, đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con, để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  Amen.” (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật IV mùa Vọng).

 

JM. Lam Thy ĐVD.