Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Phẩm giá con ngưới do lòng thương xót

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

PHẨM GIÁ CON NGƯỜI DO LÒNG THƯƠNG XÓT

 

 

Theo Thư Chung 2013 của Hội Đồng Giám Mục VN thì chủ đề mục vụ cho năm 2016 là “Tân Phúc-Âm-hóa Đời sống xã hội”. Năm 2016 lại là năm Giáo Hội Công Giáo sống Năm Thánh Lòng Thương Xót. Đó là lý do HĐGMVN chọn chủ đề mục vụ cho tháng 02/2016: “Phẩm giá con người do Lòng Thương Xót” (xc. “Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót”). Xin cùng tìm hiểu:

 

1- Phẩm giá con người (nhân phẩm) là gì?

 

Phẩm giá con người (nhân phẩm) là những giá trị tuyệt đỉnh trong tính cách con người, mà lý trí con người có thể nhận ra nó. Triết học từ xa xưa đã định nghĩa con người là con vật có lý trí và tự do, con người là động vật duy nhất trên trái đất có một đời sống tinh thần và đặc biệt là đời sống đạo đức, luân lý. Mỗi người đều có phẩm giá riêng làm cho họ luôn luôn là một chủ thể với nhân vỊ độc lập, và nhờ phẩm giá đó, họ vượt lên trên thế giới vật chất về mặt giá trị. Nơi khoản 1 và 2 trong Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc (công bố ngày 10/12/1948) đã khẳng định: “Nhân quyền, hay quyền con người (Human rights) là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng trong phẩm giá và quyền lợi, và mỗi một cá nhân, không phân biệt chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc dân tộc hay xã hội... đều được hưởng mọi quyền lợi và tự do.”

 

Tông huấn Ki-tô hữu Giáo dân “Christi Fideles Laici” (số 5) cũng nhận định: “Hiện nay ý thức về phẩm giá của con người ngày càng được minh định và phổ biên sâu rộng. Một luồng khí lành mạnh tốt đẹp đang thổi đến và bao trùm các dân tộc trên thế giới giúp ý thức hơn về phẩm giá con người: con người không phải là "một sự vật" hay "một đồ vật" mà người ta có thể sử dụng, nhưng nó luôn luôn và độc nhất là một "chủ thể" có lương tri và tự do, được mời gọi sống với tinh thần trách nhiệm trong xã hội và lịch sử, được đặt định để hướng về giá trị thiêng liêng và tôn giáo.”

 

Vì là công trình tạo dựng kỳ diệu của Thiên Chúa, nên ngay tự bản chất, con người đã có phẩm giá siêu việt, vượt trên muôn loài thụ tạo. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã cho con người có phẩm giá là có lý trí để hiểu biết trật tự vạn vật mà Người đã sắp đặt cho, có ý chí để tự mình hướng về sự thiện đích thực, và còn có tự do (được tự do chọn lựa cho mình một cuộc sống lý tưởng, hoặc cũng có thể buông theo những dục vọng do tiền tài, danh vọng, sắc dục lôi cuốn); đó là “dấu hiệu đặc sắc nhất về Thiên Chúa nơi họ” (Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội “Gaudium et Spes”, số 17). Nhờ khả năng đó, con người nhận ra tiếng nói Thiên Chúa thúc đẩy họ làm lành lánh dữ. Tiếng nói này luôn luôn vang lên trong lương tâm họ. Vì thế, khi thực thi đời sống luân lý là con người chứng tỏ phẩm giá của mình.

 

Chỉ có con người là "một nhân vị, một chủ thể hiểu biết và tự do", "trung tâm điểm và là cao điểm" của tất cả tạo vật khác sống trên mặt đất. Vị trí con người là thống trị mặt đất, làm chủ muôn loài, đủ nói lên giá trị cao quý của con người. Vì được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và được Máu châu báu của Con Thiên Chúa – Đức Giê-su Ki-tô – cứu chuộc, nên con người được kêu gọi trở thành “những người con trong Đức Chúa Con" và trở nên đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần (“Con người Ki-tô hữu khi trở nên giống hình ảnh Chúa Con là Trưởng Tử trong đoàn anh em đông đúc, họ nhận được "những hoa trái đầu mùa của Thánh Thần" (Rm 8, 23).” – Hiến chế “Gaudium et Spes”, số 22). “Vì lý do này nên mọi xúc phạm đến nhân phẩm con người đều bị báo oán trước mặt Thiên Chúa và là sự xúc phạm đến Đấng Tạo Hoá đã dựng nên con người.” (Tông huấn “Chisti Fideles Laici”, số 37).

 

2- Phẩm giá con người do Lòng Thương Xót :

 

Tất cả mọi người (kể cả những người không cùng đức tin với Ki-tô giáo) đều công nhận nền tảng đích thực của phẩm giá con người được xây dựng trên nền tảng siêu linh do một Đấng Tạo Hoá ban tặng – Đấng mà Ki-tô hữu tuyên xưng là Thiên Chúa Tình Yêu (“Phẩm giá con người là một giá trị siêu việt, luôn luôn được nhìn nhận như thế bởi những ai chân thành tìm kiếm chân lý. Quả thực, tất cả lịch sử nhân loại phải được giải thích trong ánh sáng của điều chắc chắn này. Mỗi người đều được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 1, 26-28), do đó được quy hướng một cách triệt để về Đấng Tạo Hoá, và sống trong mối quan hệ thường xuyên với những ai có cùng một phẩm giá.” – Sứ điệp “Ngày thế giới hoà binh – 1999”, số 2).

 

Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo (số 144) đã minh định: “Vì vinh quang của Thiên Chúa đã sáng lên phần nào trên khuôn mặt của mỗi người, nên phẩm giá của mỗi người trước mặt Chúa chính là nền tảng đem lại phẩm giá của con người trước mặt người khác. Ngoài ra, đó cũng là nền tảng cuối cùng đưa tới sự bình đẳng và tình huynh đệ căn bản giữa mọi người, bất kể chủng tộc, quốc gia, giới tính, nguồn gốc, văn hoá hay giai cấp.” Điều đó cho thấy, trước mặt Thiên Chúa, bất luận nam hay nữ, sang hay hèn, trí thức hay thất học, vua quan hay thảo dân, ai cũng đáng quý, đáng yêu, đáng được tôn trọng như một nhân vị, có nhân phẩm và nhân quyền như nhau. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng một xã hội trong đó mọi người sống bình đẳng trước luật pháp, đối xử với nhau một cách trọng thị, nhân bản, nhân văn, không có bất kỳ một hình thức kỳ thị nào vì lý do màu da, giai cấp xã hội hay chính trị, hoặc tín ngưỡng.

 

            Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 1700) đã tóm kết toàn bộ “CHƯƠNG MỘT – PHẨM GIÁ CỦA NHÂN VỊ CON NGƯỜI”: “Phẩm giá con người bắt nguồn từ việc con người được sáng tạo theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (mục 1, số 1701-1715). Phẩm giá này được kiện toàn trong ơn gọi đến hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa (mục 2, số 1716-1729). Con người có trách nhiệm dùng tự do đạt tới sự viên mãn ấy (mục 3, số 1730-1748). Bằng những hành vi có ý thức (mục 4, số 1749-1761), con người quy hướng, hay không, vào những gì tốt đẹp. Thiên Chúa hứa ban và lương tâm công nhận (mục 5, số 1762-1775). Con người sử dụng toàn thể đời sống giác quan và tinh thần làm chất liệu để xây dựng bản thân và tăng trưởng nội tâm (mục 6, số 1776-1802). Nhờ ân sủng trợ giúp, con người tiến triển trên đường nhân đức (mục 7, số 1803-1845), xa lánh tội lỗi và nếu lỡ phạm tội như người con hoang đàng (x. Lc 15,11-31 ), biết phó thác vào lòng thương của Cha Trên Trời (mục 8, số 1846-1876). Nhờ đó, con người đạt tới đức ái hoàn hảo.”

 

Cội nguồn của phẩm giá con người chính là nhờ con người có khả năng nhận biết và tuân giữ luật lệ Thiên Chúa ghi khắc trong lương tâm của họ. Nhờ có lương tâm, con người biết sống yêu thương, biết làm điều thiện và tránh điều ác. Thiên Chúa không ban đặc ân đó cho bất kỳ một loài thụ tạo nào khác. Mọi loài vật khác hoàn toàn chịu quy luật bản năng chi phối, định hướng. Duy chỉ có con người sống theo ơn có lý trí, có ý chí và có tự do. Chính vì vậy, mọi tư tưởng, ngôn từ và hành vi của con người, với phẩm giá là một nhân vị, đều có giá trị nhân văn, đồng thời có tính quy trách, nghĩa là con người phải chịu trách nhiệm, xét theo luật luân lý, về mọi hành vi của mình.

 

Cũng vì phẩm giá con người đòi hỏi sự ngay thẳng của lương tâm luân lý, có nghĩa là lương tâm phải phù hợp với lẽ phải và tốt lành dựa theo lý trí và Lề Luật của Thiên Chúa, nên tất nhiên phẩm giá con người đòi buộc phải được tôn trọng và bảo vệ.

 

3- Tôn trong và bảo vệ phẩm giá con người :

 

Con người là chủ thể của mọi sinh hoạt xã hội. Nhà nước, các đảng phái chính trị, cơ cấu tổ chức cũng như các hoạt động xã hội khác phải tạo ra những phương tiện và điều kiện thích hợp để giúp con người đạt tới sự phát triển toàn diện, nghĩa là hướng tới sự thăng tiến nhân phẩm, nhân vị mỗi người và mọi người. Đó là lý do đòi hỏi phải tôn trọng và bảo vệ phẩm giá con người, bỏi đây chính là nền tảng pháp lý về quyền lợi của con người (”nhân quyền”); mà “Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc, ‘nhân quyền’ là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người.” (xc “Nhân quyền” – nguồn: “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia”)

 

Theo yếu tính, con người không phải là một đối tượng hay một yếu tố thụ động trong đời sống xã hội; trái lại, con người phải là chủ nhân, là nền tảng, là cứu cánh của xã hội. Con người phải chiếm vị thế trung tâm trong tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội và kinh tế, trong phạm vi quốc gia, cũng như trong tương quan rộng lớn trên bình diện thế giới. Tất cả mọi tổ chức và cơ cấu xã hội phải nhằm phục vụ con người. Phục vụ con người là mục đích của xã hội. Với Ki-tô Giáo thì “mọi xúc phạm đến phẩm giá con người là xúc phạm đến Đấng sáng tạo nên con người  vì nguồn gốc và vận mệnh của con người được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa và được cứu độ bằng máu châu báu của Đức Ki-tô.” (Tông huấn “Christii Fideles Laici”, số 37).

 

Thánh GH Gioan-Phaolô II trong Thông điệp Quan tâm tới vấn đề xã hội “Sollicitudo Rei Socialis” (số 47) đã kêu gọi: “Điều quan trọng chính là phẩm giá con người, mà việc bảo vệ và thăng tiến đã được Đấng Sáng Tạo trao phó cho chúng ta. Trong mọi hoàn cảnh của lịch sử, tất cả chúng ta, nam cũng như nữ, chúng ta thật sự là những người có trách nhiệm và mắc nợ trong vấn đề này. Như nhiều người đã nhận thấy với ít nhiều rõ ràng, tình trạng hiện nay hình như không tôn trọng phẩm giá đó. Mỗi người trong chúng ta đều được tham gia vào chiến dịch không bạo động; với những phương tiện không bạo động để đạt được sự phát triển trong hòa bình, để cứu vãn chính thiên nhiên và thế giới chung quanh chúng ta. Giáo hội cũng cảm thấy liên đới sâu xa với đường hướng ấy, Giáo hội hy vọng nó sẽ dẫn tới đích… Chúng ta có thể tìm được ở đây một lời mời gọi mới, tất cả chúng ta hãy cùng nhau làm chứng cho những xác tín chung của chúng ta về phẩm giá con người được Thiên Chúa tạo dựng, được Chúa Ki-tô cứu độ, được Chúa Thánh Thần thánh hóa, và được mời gọi sống một đời sống xứng hợp với phẩm giá đó trong thế giới này.”  

 

Để thực hiện được yêu cầu đó, toàn xã hội và các tôn giáo phải chung tay góp sức phát triển toàn diện đời sống nhằm hướng tới sự thăng tiến con người về cả 2 phương diện thể xác và tâm linh.

 

Kết luận :

 

Tóm lại, “mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Bởi vì A-đam con người đầu tiên đã là hình bóng của A-đam sẽ đến, là Chúa Ki-tô. Chúa Ki-tô, A-đam Mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, đã cho con người biết rõ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ.” (Hc “Gaudium et Spes”, số 22). .Đức Ki-tô là hiện thân của Lòng Thương Xót, vậy thì phẩm giá con người chính là do Lòng Thương Xót mà có.

 

Hiểu rõ vấn đề như trên, người Ki-tô hữu cần phải ý thức trọng trách của mình là có bổn phận phải tôn trong và bảo vệ phẩm giá của bản thân, đồng thời cũng phải biết tôn trọng nhân vị, nhân phẩm, nhân quyền của tha nhân và sẵn sàng đóng góp sức mình vào việc củng cố và tăng trưởng phẩm giá của con người trong thời đại nhiễu nhương hiện nay, bởi “Giáo hội phải chu toàn trong mọi thời gian và mọi hoàn cảnh sứ mạng phục vụ chân lý nhằm xây dựng một xã hội xứng với con người, với phẩm giá và ơn gọi của họ.” (Thông điệp Bác Ái trong Chân Lý “Caritas In Veritate”, số 9). Chỉ có như thế mới xứng đáng là môn đệ đích thực của Lòng-Thương-Xót-Giêsu-Kitô.

 

Để sống xứng đáng với “phẩm giá con người do Lòng Thương Xót” ban tặng, xin hãy chạy đến với Mẹ của Lòng Thương Xót; bởi “Không ai đã bước vào mầu nhiệm sâu xa của việc nhập thể như Đức Maria. Toàn bộ cuộc sống của Mẹ được hun đúc theo sự hiện diện của lòng thương xót đã hóa thành nhục thể. Mẹ của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh đã bước vào cung thánh của lòng thương xót Chúa vì Mẹ đã tham gia mật thiết trong mầu nhiệm tình yêu của Ngài. Chúng ta hãy hướng về Mẹ trong lời kinh Salve Regina (1), một lời cầu nguyện luôn cổ kính và mới mẻ, để Mẹ không mệt mỏi ghé mắt xót thương nhìn đến chúng ta, và làm cho chúng ta xứng đáng để chiêm ngưỡng khuôn mặt của lòng thương xót, là Chúa Giê-su Con Mẹ.” (T/H Misericordiae Vultus”, số 24). 

 

Ước được như vậy. Amen.

 

 

JM. Lam Thy ĐVD.

 

------------------------

 

 Chú thích: (1) Kinh Salve Regina là kinh Lạy Nữ Vương mà giáo dân thường đọc: Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy…