Cú ngã đổi đời
Nội Dung:
1. Phaolô- con người cũ đặt Lề luật là Trung tâm, khủng bố Kitô hữu.
- Một Do Thái hữu theo phái Parisêu nhiệt thành, khao khát trở thành một Rabbi chính thống.
-Vết thương lòng: Một Kiều cư Do Thái bị liệt vào hàng ô uế.
2. Phaolô con người mới: Đức Kitô- Giêsu trở thành Trung tâm đời sống đạo.
Khởi đi từ biến cố Đamas:
- Được Đức Kitô Phục sinh chọn trao sứ vụ Tông đồ dân ngoại
- Khám phá căn tính Đức Kitô- Giêsu: Con Thiên Chúa- Đấng Cứu độ.
- “Mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô- Giêsu”
- Nhận ra con người đích thực của mình, nhất là Lòng Thương xót của của Thiên Chúa đối với tội nhân.
3. Bài học rút ra từ Phaolô:
- Biết Chúa biết mình: Quyết định ngay việc gắn bó trọn vẹn cuộc đời mình cho Sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
- Hoạt động Tông đồ không ngoài truyền thống nhóm Mười Hai, hết mình cho sự hiệp nhất Kitô hữu.
- Có thời gian ‘tu luyện’.
&
Dẫn nhập: Phaolô[1], thời Giáo hội sơ khai xuất hiện như vì sao sáng nhất, nổi bật nhất và độc đáo nhất. Phaolô độc đáo không hẳn vì ông là người Do Thái nhưng có quyền công dân đế quốc Rôma; hoặc bởi ông là ‘con người ba miền văn hoá’ (Do Thái- Hylạp- Rôma), nói tiếng Aram, học tiếng Hipri, lưu loát tiếng Hylạp. Ông độc đáo cũng không hẳn vì ông tuân giữ Lề luật theo phái nhiệm nhặt (Biệt Phái), được giáo dục theo truyền thống Rabbi, từng là học trò dưới chân thầy Gamaliel thời danh; hoặc bởi ông thông minh kiệt xuất, với lòng nhiệt thành Do Thái giáo không ai sánh bì…
Con người Phaolô phong phú, đa diện và đầy cá tính ấy sẽ chẳng là gì cả, hoặc sẽ chẳng có dịp trổ hoa nếu không có ‘cú ngã ngựa Đamas’- biến cố ông gặp Đấng Phục sinh. Biến cố này đã tạo ra ‘cú sốc khủng khiếp’, một cuộc cách mạng đảo lộn não trạng nội giới, thay đổi hoàn toàn và tận căn con người Phaolô. Từ đây, con người Giêsu Nazaret mà ông căm phẫn, kẻ thù không đội trời chung với Do Thái giáo mà ông đang dùng mọi cách có thể để triệt hạ, cụ thể lùng bắt các Kitô hữu, bất kể đàn ông, đàn bà,… thế mà, chỉ trong khoảnh khắc ông được biến đổi 180 độ. Biến cố Đamas khởi đầu cho một bước ngoặc cuộc đời Phaolô: Từ một tín đồ Do Thái giáo cuồng nhiệt, quá khích trở thành một Kitô hữu nhiệt thành kiên trung.
1. Phaolô- con người cũ đặt Lề luật là Trung tâm, hăng say bắt Kitô hữu
Thời đầu đầu Kitô giáo có tương quan khá giao hảo với Do Thái giáo bởi Kitô hữu lớp đầu tiên cũng chính là Do Thái truyền thống (Judeo-Christen) nhưng sớm xuất hiện rạn nứt, nhất là có nhiều kiều bào Do Thái trở thành Kitô hữu (Helleno- Christen, Kitô hữu gốc Do Thái sống theo văn hoá Hylạp), rồi không ngừng làn rộng sang cả dân ngoại. Lý do chính bắt hại vì nhóm Kitô hữu vô học kia tuyên xưng ông Giêsu Narazet là Đức Chúa mà ngắn liền là sự Phục sinh của Ngài. Vấn đề ở chỗ, nếu Thiên Chúa làm cho Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết, có nghĩa là Ngài không phạm thượng và hoàn toàn vô tội, như thế có nghĩa là Công nghị Do Thái đã đưa ra một bản án sai và không giá trị nào trước mặt Thiên Chúa. Sự xuất hiện của Đức Kitô- Giêsu là Lời của Thiên Chúa kết án Công nghị, có thể gây ra cuộc khủng hoảng Do Thái giáo… Chính vì thế giới lãnh đạo ‘chóp bu’ Do Thái giáo, nhóm Parisêu rất ‘bực tức’, rồi ngăn cấm- ‘bắt bớ’những ai giảng dạy danh Giêsu (Cv4, 1-3.18…).
Chính lúc dầu sôi lửa bỏng ấy người Do Thái hải ngoại có tên Phaolô xuất hiện với sắc diện cuồng tín, triệt để trong việc bắt đạo, kể cả đồng phạm giết Têphano (Cv 7,58;22,20). Trong cuộc bách hại Kitô giáo tiên khởi này chắc chắn có nhiều Parisêu tham sự nhưng tại sao Phaolô lại ‘máu’ hơn cả những Biệt phái Giêrusalem, dù ông không phải giới lãnh đạo tôn giáo, cũng chưa thuộc hàng Rabbi Biệt phái chính thức; hơn nữa ông là một kiều cư, lại là môn sinh thầy Gamaliel thời danh, người vốn có tư tưởng thông thoáng, khá tự do trong giáo dục?
Hẳn nhiên sống giữa dân ngoại, gia đình Phaolô vẫn giữa tinh thần Do Thái theo phái Pharisêu, nói tiếng Hipri (đối lại người Do Thái nói tiếng Hylạp)[2] và cha mẹ muốn hướng định Phaolô theo phái nhiệm nhặt ấy, muốn Phaolô trở thành một Rabbi chính thống[3]. Chính vì thế ngay từ nhỏ Phaolô đã được gởi lên Giêrusalem để học tận gốc Luật Môsê với một Rabbi thời danh. Bản thân Phaolô cũng say mê con đường hướng định của cha mẹ. Ta hãy nghe ông tự bạch trước người đồng hương ở Giêrusalem: “Tôi là người Do Thái, sinh ở Tácxô[4] miền Kilikia, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này, dưới chân ông Gamaliel, tôi đã được giáo dục để giữa luật cha ông một cách nhiệm nhặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay”. Và ông tự hào về lòng nhiệt thành Lề luật: “Trong việc giữa đạo Do Thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuội. Hơn ai hết tôi đã nhiệt thành với truyền thống cha ông” (Cv 22,3; Gl 1,14).
Tuy nhiên, trên đường trở thành một Rabbi chính thống ông gặp một trở ngại lớn- là một Hellenist- Do Thái kiều cư, và dưới con mắt của người Do Thái đạo đức bản xứ, nhất là nhóm Biệt Phái là loại người bị ô nhiễm, cấm vào Đền thờ bởi họ tiếp xúc với dân ngoại. Parisêu cũng từ chối quyển Kinh thánh Septante (viết bằng tiếng Hylạp) người Hellenist dùng. Phaolô ý thức rõ ‘trở ngại’ này. Ngoài ra, muốn để trở thành Rabbi thực sự, Phaolô phải trải qua cuộc khảo hạch vào khoảng 40 tuổi. Có lẽ Phaolô lên Giêrusalem chuẩn bị cuộc khảo hạch quyết định này đúng lúc với phong trào bài Kitô giáo. Phaolô nổi bật và xuất sắc trong cuộc truy lùng bách Kitô hữu cũng để chứng minh sự nhiệt thành với Lề luật, tính chính thống của mình trước mặt các Rabbi, giới lãnh đạo Do Thái giáo. Như thế, trên mặt nổi bắt hại Kitô giáo của Phaolô còn ẩn chứa ‘vết thương lòng’.[5]
Một Do Thái hữu ‘cuồng tín’ cộng thêm ‘vết thương lòng’ âm ỉ đã biến Phaolô thành một ‘lưỡi gươm’ khủng bố đáng sơ đối với Kitô hữu. Bắt bớ ở Giêrusalem chưa hả dạ, Phaolô còn diện kiến Thượng tế xin trát đi Damas (Cv 9, 1-2). Và trên đường Damas ông đã được Đấng Phục sinh quật ngã. Từ biến cố này, cuộc đời ông bị phân đôi: ông bắt đầu sống một cuộc đời mới, hành trình đối nghịch hành trình trước.
2. Phaolô con người mới: Đức Kitô- Giêsu trở thành Trung tâm đời sống đạo.
Biến cố Đamas được sách Công vụ Tông đồ kể lại ba lần, một của tác giả (Luca), hai do chính thánh Phaolô tự bạch (9,1-19; 22,5-16; 26,9-18) và được nhắc tới nhiều lần trong các thư của Phaolô (1Cr 9,1-18; 15,1-11; Gl 1,11-24; 1Tm1,12-17…). Điểm chung, biến cố như lời giải thích cho sự trở lại ngoại mục của Phaolô. Việc được nói lại nhiều lần cho thấy, biến cố có tầm quan trọng hàng đầu, không chỉ là điểm khởi đầu quyết định bước đường mới mà còn như bệ phóng- điểm quy chiếu cho toàn bộ cuộc đời và sứ vụ Tông đồ của Phaolô. Ngoài ra biến cố Đamas cho thấy sự trở lại- hầu như tức thời của Phaolô không phải kết quả bởi sự mở mang tư tưởng hay suy tư, hoặc một tiến trình tâm lý thẩm thấu nhưng là kết quả bởi sự can thiệp từ Thiên Chúa, từ chính Đấng Phục sinh.
Trước hết, biến cố Đamas nơi mà Phaolô nhận ra và xác tín ơn gọi Tông đồ do chính Đấng Phục sinh trao ban. Bởi ngài không thuộc nhóm Tông đồ hay môn đệ theo Đức Giêsu tại thế (tiền Phục sinh)[6] nên thường là ‘nguyên cớ’ cho các ‘siêu Tông đồ’, những đối thủ chất vấn về tư cách Tông đồ và Tin Mừng chính Tông của ngài. Biến cố Đamas hầu như ai cũng biết như một xác chứng hùng hồn để Phaolô khẳng định- biện giải cho vai trò Tông đồ cũng như nguồn gốc và bản chất Tin Mừng mà ngài rao giảng. Đối với Phaolô, biến cố này có một chỗ đứng riêng biệt quan trọng như những lần hiện ra của Đấng Phục sinh với các Tông đồ khác. Ngài thấy rõ Đức Giêsu là Đấng Phục sinh đang sống động. Chính nơi đây, được Đức Kitô- Giêsu trực tiếp trao cho ngài mạc khải Tin Mừng, không qua một trung gian nào (Gl1,16; Cv 26,16t…). Chính nơi đây đã đưa Phaolô lên hàng Tông đồ (1Cr 9,1) nhưng không đồng hoá vào Nhóm Mười hai. “Tôi là Phaolô, bởi ý Thiên Chúa được làm Tông đồ của Đức Kitô- Giêsu” là đề thư quen thuộc, mặc nhiên trong đó tư cách Tông đồ của ngài khởi từ biến cố Đamas. Biến cố Đamas như một xác chuẩn cho tư cách Tông đồ chính hiệu của Phaolô.
Biến cố Damas Phaolô nhận ra ơn gọi đặc thù của mình: Tông đồ dân ngoại (Cv9.15; 22,21). Phaolô bộc bạch: “Vậy khi nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, các ông Giacôbê, Kêpha và Gioan, những người được coi là trụ cột đã bắt tay tôi và Banaba để tỏ dấu hiệp thông: chúng tôi thì lo cho dân ngoại, còn các vị ấy thì lo cho những người được cắt bì” (Gl 2,9). Dù nhận sứ vụ Tông đồ dân ngoại nhưng thời gian đầu Phaolô vẫn ưu tiên cho người Do Thái. Bước ngoặc quyết định để Phaolô toàn tâm lo cho dân ngoại là do chính người dân tộc mình từ khước Tin Mừng (x.Cv13)
Biến cố Damas, điều nòng cốt làm xoay chuyển hoàn toàn con người Phaolô chính là nhận ra Đấng Phục sinh là Con Thiên Chúa- Đấng của Lời hứa (Messia). Được mạc khải cho biết căn tính Chúa Giêsu, Phaolô nhận ra sứ mạng Cứu thế của Người. Chân lý mới này đã thay đổi hoàn toàn thế giới quan về ơn cứu độ, về Lề luật, giá trị cuộc sống: ơn Cứu độ chỉ do Đấng Phục sinh chứ không phải do Lề luật. “Con người được nên Công chính không phải do Lề luật nhưng nhờ tin vào Đức Kitô- Giêsu” (GL 2,16; Rm 3,20.28; 4,5; 11,6; Ep 2,8) Lời tuyên tín này có tính cách mạng và xúc phạm nặng nề đến Do Thái giáo truyền thống, bởi giờ đây Đức Giêsu mới chính là Trung tâm đời sống đạo chứ không phải Lề luật. Hẳn nhiên, ơn cứu độ của Đấng Phục sinh luôn chỉ ngang qua Thập giá, và Phaolô coi đó là ‘sự khôn ngoan Thập giá” (x.1-2 Corintô). Phaolô quả quyết: “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu- Kitô mà là Đức Giêsu –Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2).
Gặp gỡ Đấng Phục sinh, Phaolô khám phá ra đâu mới thực là mối lợi- giá trị đích thực của cuộc sống. Những thứ mà ngày trước Phaolô coi là lý tưởng, phúc lợi… mà ông cất công đeo đuổi với tất cả lòng thành, bây giờ lộ diện là những thiệt thòi, phân rác so với ‘mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô- Giêsu”. Để được và thuộc trọn mối lợi tuyệt vời này Phaolô dã chấp nhận đánh mất tất cả, hy sinh tất cả (Pl 3,7-9). Phaolô đã gắn bó, say mê Đức Kitô- Giêsu với một con tim ‘điên dại’ đến độ ‘không có gì có thể tách lìa chúng tôi ra lòng mến Đức Kitô- Giêsu, ngày cả bách hại hay gian khó’; đến mức hiệp nhất nên một với Người, ‘Tôi sống nhưng không phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi’ (1Cr 4,10; Rm 8,35; Gl 2,20).
“Saun, Saun, tại sao người bắt bớ ta?... Ta là Giêsu ngươi đang bắt bớ” (Cv 9,4-5), Đấng Phục sinh gọi chính cái tên’cúng cơm’ Do Thái của Phaolô, Người đang sống trong mọi Kitô hữu… Biến cố Damas, khởi đầu cho một hành trình Phaolô nhận ra con người đích thực của mình, nhất là Lòng Thương xót của của Thiên Chúa đối với tội nhân. Phaolô thú nhận: ‘Đức Kitô- Giêsu đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi mà kẻ đầu tiên chính là tôi’ (1Tm 1,15); hay trong số các Tông đồ của Đấng Phục sinh ông là người ‘mạt nhất’, không đáng gọi là Tông đồ vì đã bắt bớ Hội thánh (1Cr 15,5-11). Con người Phaolô đầy tội lỗi ấy nhờ đặt trong ân sủng của Thiên Chúa là chính Đức Kitô- Giêsu đã trở thành ‘điểm son’ làm nên cuộc đời độc đáo. Từ trải nghiêm hiện sinh, thần học ân sủng- tội lỗi trở nên sinh động, tràn đầy hy vọng; đưa Phaolô đến một xác tín có tính tiên tri, dân Do Thái dù không tin sẽ trở lại (Rm, 1113-17)[7]. “Ở đâu tội lỗi lan tràn ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội’ (Rm 5,20). Quan niệm tội của Phaolô luôn gắn liền với Ân sủng, làm nổi bật thêm Thiên Chúa luôn yêu thương tội nhân một cách nhưng không.. Khám phá ra chân tính thực tại này, tội nhân không thể không như Phaolô, càng nỗ lực cộng tác với ơn thánh, cải hoá đời sống, ý thức tất cả là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa (1Cr 15,10).
Tóm lại: Biến cố Đamas quan trọng và trổi vượt trên tất cả các biến cố tạo nên cá tính Phaolô, bởi nơi đây Phaolô gặp gỡ trực tiếp được Đấng Phục sinh. Từ cuộc gặp gỡ này, Phaolô trở nên một ‘tạo vật mới’ đối nghịch lại con người cũ. Ngài được biến đổi tất cả quan niệm về Đức Giêsu, về giá trị Lề luật, về ơn cứu độ: Đức Kitô- Giêsu chiếm vị trí Trung tâm, nơi mà trước kia đối với ngài, với dân tộc ngài dành độc tôn cho Lề luật. Vì là Trung tâm, Chúa Giêsu trở thành nền tảng, là điểm quy chiếu cho toàn bộ cuộc đời của ngài, giúp ngài vững tâm giải quyết dứt kháot từng nố cụ thể phát sinh từ chính cuộc sống hiện sinh của cộng đoàn. Có thể nói: Không có biến cố Đamas thì không có Phaolô.
3. Bài học rút ra từ Phaolô:
1o. Điều chính yếu trong biến cố Đamas- Phaolô gặp gỡ Đấng Phục sinh, khám phá ra căn tính của Người, từ đó ngài cũng thấy rõ căn tính thật của mình. Biết Chúa biết mình, Phaolô dứt khoát đặt trọn cuộc đời mình trong Đức Kitô- Giêsu- Trung tâm đời sống đạo, “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng’ (1Cr, 9,16b). Phaolô trở nên con người mới nhưng không xoá bỏ con người cũ, nghĩa là con người cũ của Phaolô nhờ Đức Kitô kiện toàn trong Thánh Thần nơi con người mới, khiến con người mới trở nên phong phú hơn, mạnh mẽ hơn.
2o. Dẫu nhận mạc khải trực tiếp từ Thiên Chúa, nhưng đời truyền giáo của ngài không đi ra truyền thống Tông đồ- Nhóm Mười Hai. Phaolô trở thành ‘tạo vật mới’- thuộc trọn về Đức Giêsu trong Giáo hội, qua việc đặt tay của môn đệ Khanania (Cv 9, 10t). Ngài liên hệ với các giáo đoàn Tông đồ khác trong tình hiệp thông chia sẻ, nhất là đã lên Giêrusalem gặp gỡ các trụ cột Giáo hội để hiệp thông và được chính thức công nhận sứ vụ đặc thù (Gl1,11-2,10). Đấng Phục sinh hiện ra cho Phaolô cũng chính là Đấng đã từng hiện ra trước đó cho Kepha, Nhóm Mười hai… ‘Tiên vàn mọi sự tôi đã truyền dặt cho anh em, điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy’ (1Cr 15, 1-11). Thánh Phaolô luôn phấn đấu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Không thể nghi ngờ, thánh Phaolô trong mọi lúc, sẵn sàng tranh luận cho Đức Kitô- Giêsu, luôn là người kêu gọi mọi người sẵn sàng hoà giải (x.PL 2,5; 2Cr 5,14-21), khuyến cáo mọi người phải tôn trọng nhau (1Cr 8,1-13; 11, 17-220 và là mẫu gương trong việc thực hiện sự kiên nhẫn (Rm 5,3-5; 8, 25-27). Thánh Phaolô được chọn làm quan thày cho việc đại kết[8].
3o. Phaolô cho biết, sau biến cố Đamas, ‘đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên’, mà qua ngay Ảrập 3 năm ẩn tích (Gl 1,16-17). Đây là thời gian để Phaolô ‘tu học’, nghiền gẫm Thánh Kinh, trong Thánh Thần của Đức Kitô để cảm hiểu rõ hơn Tin Mừng Cứu độ; thời gian cần thiết để Phaolô sống mật thiết với Thiên Chúa. Điều này cho thấy, Ân sủng Thiên Chúa vẫn tôn trọng quy luật tự nhiên. Phaolô cần phải có thời gian suy niệm, lớn lên và trưởng thành. Hèn chi, đời truyền giáo của ngài gặp biết bao thách đố, gian nan nhưng Phaolô ứng xử không theo bản tính tự nhiên vốn trước: hung hăng, bốc đồng, say máu…
* Thay Lời kết: Phaolô trở nên độc đáo bởi cuộc đời ông gắn liền và quyết định từ và với biến cố Đamas. Nơi đây, Đức Kitô- Giêsu trở nên trọng tâm cho toàn bộ cuộc đời ngài; nơi đay căn tính Phaolô được đánh dấu cách rõ ràng. Qua Đức Kitô- Giêsu- hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Cl1,15), ngài ‘nhận ra căn tính thật của Thiên Chúa, một Thiên Chúa qúa đỗi yêu thương con người đến độ thí mạng Con Một chí yêu của Ngài để con người được cứu độ (Rm 5,8; 8,32).
Biến cố Đamas chỉ xảy ra một lần nhưng đi theo và sống động mãi trong suốt hành trình sứ vụ của vị Tông đồ dân ngoại. Nếu như Tông đồ Trưởng Phêrô, bài giảng lay động lòng người nhất chính bởi sự kiện ngài trối Chúa những ba lần, thì Phaolô trong hành trình truyền giáo với biến cố Đamas đã giúp gặt hái nhiều thành qủa, bởi đó là biến cố từ trải nghiệm con tim. Điểm chung của các ngài, qua những vấp ngã đau thương ấy không chỉ nhận rõ con người thật của mình mà trên hết thấy được Tình yêu, sự tin tưởng của Thầy Giêsu- Kitô; với riêng Phaolô còn là một bằng chứng xác đáng nhất cho tư cách Sứ đồ chính Tông của mình. Có thể nói, tất cả các lá thư của Phaolô đều nói đến hồng ân thị kiến này; mỗi lần gợi nhớ lại, thánh nhân đều xác tín Hồng ân cao quý đo và ơn gọi làm Tông đồ dân ngoại. Thị kiến Đamas không phải là duy nhất trong đời thánh nhân[9].
Và không chỉ của riêng Phaolô, biến cố còn là của mỗi người Kitô hữu- những môn đệ đích thực của Thầy Giêsu. Chỉ khi nào trong Giáo hội của Đức Kitô ta liên hệ trực tiếp với Nguồn sống- Đấng Phục sinh ta mới thực là Tông đồ của Người, mới thực khám phá ra tiếng Chúa vẫn luôn nói với ta qua những biến cố cuộc sống, chung cũng như riêng ./.
[1] Về năm sinh Thánh Phaolô chưa thống nhất, có ý kiến cho ngài sinh khoảng năm 10 tr.cn hoặc năm 8-9 scn; ĐTC Bênêdictô XVI chấp nhận ngài sinh khoảng năm 8-9 scn và năm 2008 tổ chức Năm Thánh mừng 2000 năm Thánh Phaoloô sinh ra.
[2] Theo truyền thống được Thánh Giêrônimô ghi lại, cha mẹ Phaolô gốc Gicala miền Galilê, thuộc chi tộc Bengiamin (Rm 11,2…), chi tộc có vị vua tiên khởi của dân tộc Israel là Saun. ‘Saun’ chính là tên cha mẹ đặt cho Phaolô khi làm lễ Cắt bì.
[3] Chương trình một người theo truyền thống Rabbi: 5 tuổi cậu bé phải đọc Kinh Thánh; 10 tuổi đọc Mischna; 13 tuổi phải tuân giữa các quy luật;15 tuổi học Talmud (cách giải thích Lề Luật)… Khoảng 40 tuổi phải qua một cuộc khảo hạch lần cuối.
[4]Taxsô- một Thành phố lớn của Đế quốc Rôma nổi tiếng về văn hoá- khoa học, nhất là triết học.
[5] Cần nói thêm, trong lớp Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem gồm Judeo- Christn và Helleo- Christen, chỉ chỉ có nhóm người thứ hai chịu sự bách hại (x. Hội Đồng Giám mục Đức, Tài liệu học hỏi về Năm Thánh Phaolô, tr 135tt)
[6] Có lẽ những năm Đức Giêsu hoạt động công khai, Phaolô không còn học ở Giêrusalem nên không biết Người.
[7]X. Thư Phaolô, giáo trình trên lớp, tr.64
[8] x. Hội Đồng Giám mục Đức, sđd, tr81t
[9] x. Hội Đồng Giám mục Đức, sđd, tr.143
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: