Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tôn vinh tình yêu thập giá

Tác giả: 
Nguyễn Văn Nội

 

 

TÔN VINH TÌNH YÊU THẬP GIÁ

 

CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM C (20/03/2016)

[Is 50, 4-7; Pl 2,6-11; Lc 22,14-23,56]

 

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

 

Tuần Thánh bắt đầu với Chúa Nhật Lễ Lá và kết thúc với Đại Lễ Chúa Phục Sinh. Tuần Thánh là thời gian thuận lợi nhất để các Ki-tô hữu suy ngắm và cảm tạ Thiên Chúa là Đấng có tấm lòng và hành động yêu thương vô bờ vô bến đối với loài người. Trong “cuộc khổ nạn” Chúa Giê-su, Con Một Thiên Chúa mang hình ảnh, dáng dấp và thân phận của Người Tôi Tớ Đau Khổ mà ngôn sứ I-sai-a đã miêu tả từng chi tiết từ mấy trăm năm về trước.

 

Chúng ta được Hội Thánh mời gọi chiêm ngắm dung nhan tàn tạ của Chúa Giê-su và đi sâu vào tâm hồn của Thiên Chúa để khám phá ra Tình Yêu Thập Giá dem lại ơn cứu độ cho loài người chúng ta!

 

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

 

[Ghi chú: Chúng tôi dùng bản dịch các bài Thánh Kinh của cố linh mục Giu-se Nguyễn Thế Thuấn, DCCT, đăng trên mạng Tin mừng cho người nghèo]

 

2.1 Trong bài đọc 1 (Is 50,4-7): Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ, tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.

 

4 Đức Chúa Yavê đã cho tôi lưỡi của môn sinh, để biết chống đỡ người kiệt lực.Người lay tỉnh khiến lời nên họat bát. Sáng sáng Người lay tỉnh tai tôi, cho tôi biết nghe như những môn sinh. 5 Đức Chúa Yavê đã mở tai tôi. Phần tôi, tôi đã không hề phản ngụy, tôi đã không lùi sau tháo chạy. 6 Tôi đã giơ lưng cho người đánh đập, và chìa má cho kẻ nhổ râu. Tôi đã không giấu mặt tránh nhục nhằn và khạc nhổ. 7 Đức Chúa Yavê sẽ hộ vực tôi, khiến tôi không bị nhục nhằn; khiến tôi mặt mày trơ trơ như đá cuội và tôi biết là tôi sẽ không phải thẹn thùng.

 

2.2 Trong bài đọc 2 (Pl 2,6-11): Đức Giê-su đã tự hạ, chính vì thế, Thiên Chúa đã suy tôn Người. 6 Ngài, phận là phận của một vì Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nghĩ phải giằng cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa. Song Ngài đã hủy mình ra không, là lĩnh lấy thân phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta; đem thân đội lốt người phàm, 8 Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết thập giá! Bởi vậy Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài! và ban cho Ngài Danh hiệu vượt quá mọi danh hiệu, 10 hầu trước danh hiệu của Ðức Yêsu, mọi gối đều phải quì xuống bái lạy, chốn hoằng thiên, trên địa cầu, dưới gầm đất, 11 và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng: Yêsu Kitô Là Chúa,

 

2.3 Trong bài Tin Mừng (Lc 22,14 - 23,56): Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

 

Ghi chú: Bài Thương Khó khá dài, nên chúng ta có thể tập trung tâm trí vào một số câu Phúc Âm làm nổi bật chân dung của Người Tôi Tớ Đau Khổ là Chúa Giê-su trong cuộc Thương Khó:

 

     22/42  "Lạy Cha! nếu Cha muốn, xin cất chén này đi khỏi con! Song đừng cho ý của con, mà là ý của Cha được thành sự! 

 

"Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha."… 44 lâm chiến Ngài cầu nguyện càng khẩn thiết hơn, và mồ hôi Ngài như máu nặng giọt rỏ xuống đất].

 

 48 Nhưng Ðức Yêsu bảo y: "Yuđa, ngươi dùng cái hôn để nộp Con Người sao?"

 

52 Ðoạn Ðức Yêsu nói cùng những người kéo đến bắt Ngài, các thượng tế, các lãnh binh Ðền thờ và hàng niên trưởng: "Như thể đi đánh cướp sao mà các ông phải ra đi với gươm giáo gậy gộc?53 Hằng ngày, tôi ở giữa các ông, nơi Ðền thờ, các ông đã chẳng tra tay làm gì trên tôi. Nhưng này là giờ của các ông, và là thời của quyền lực tối tăm".

 

63 Những ngươì giam giữ Ngài nhạo báng Ngài, họ đánh đập Ngài. 64 và họ che mặt Ngài lại mà gằn hỏi Ngài rằng: "Nói tiên tri xem: Ai đã đánh ngươi?" 65 Và họ còn nói lắm điều khác xúc phạm đến Ngài.

 

23/2 Họ bắt đầu cáo tôi Ngài rằng: "Tên này, chúng tôi đã bắt gặp thường xúi dân chúng tôi làm loạn, và ngăn cản việc nộp thuế cho hoàng thượng, và xưng mình là Ðức Kitô Vua".

 

10 Còn các thượng tế và ký lục đứng đó thì gắng gổ cáo tội Ngài. 11 Hêrôđê cùng quân binh của ông khinh bỉ và chế diễu Ngài, rồi khoác cho Ngài một cái áo bóng láng mà chuyển tống Ngài lại cho Philatô.

 

18 Nhưng tất cả dân chúng gào thét lên rằng: "Giết tên ấy đi! Hãy tha cho Barabba cho chúng tôi!" 

 

24 Philatô quyết nghị làm theo như họ thỉnh cầu. 25 Ông tha cho kẻ đã bị tống ngục vì dấy loạn và sát nhân, họ van xin ân xá; còn Ðức Yêsu thì ông phó nộp mặc ý họ.

 

33 Khi đến nơi gọi là "Cái Sọ", thì người ta đã đóng đinh Ngài nơi ấy, và hai tên gian phi kia, một tên bên hữu, một tên bên tả.

 

34 [Bấy giờ Ðức Yêsu nói: "Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đã làm"] Còn họ thì chia áo xống Ngài thành từng phần mà bắt thăm.

 

35 Dân thì đứng nhìn, còn các đầu mục thì nhạo báng mà rằng: "Nó đã cứu những ai khác, thì nó hãy cứu lấy mình! nếu nó là Ðức Kitô của Thiên Chúa, Ðấng đã được chọn!" 36 Cả lính tráng cũng chế diễu Ngài; xích lại bên, chúng dâng dấm cho Ngài, 37 mà rằng: "Nếu mày là vua dân Do Thái, thì hãy cứu lấy mình!" 38 Phía trên Ngài có tấm biển: Tên này là Vua dân Do Thái.

 

39 Một người trong các kẻ gian phi bị treo đó mắng nhiếc Ngài: "Phải chăng mày là Kitô? Hãy cứu lấy mình và chúng ta với!" 

 

44 Khi đã đến lối giờ thứ sáu, thì xảy ra có tối tăm trên toàn cõi đất, cho đến giờ thứ chín, 45trong khi mặt trời khuất bóng. Màn Ðền thờ bị xé ngay chính giữa. 46 Kêu lớn tiếng, Ðức Yêsu nói: "Lạy Cha, Con ký thác hồn con trong tay Cha". Nói đoạn, Ngài tắt thở.

 

47 Viên bách quản thấy sự xảy ra, thì tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Hẳn thật, ông này là người công chính!" 48 Tất cả đoàn lũ dân chúng tuôn đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy các sự xảy ra, thì đều đấm ngực lui về.

 

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI KINH THÁNH

 

3.1 Chân dung của Thiên Chúa

 

3.1.1 Bài đọc 1 (Is 43, 16-21) là một đoạn văn tuy ngắn nhưng rất quan trọng đối với I-sai-a và mạc khải Ki-tô giáo. I-sai-a nói về ơn gọi và thân phận ngôn sứ của chính mình. Nhưng I-sai-a cũng nói tiên tri về Đấng sẽ đến trong lịch sử Ít-ra-en mà chỉ sau khi Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá và trỗi dậy từ cõi chết thì người tin mới khám phá ra ơn gọi, dung mạo và thân phận của Người.

 

àTrong đoạn sách I-sai-a 43,16-21 trên, chúng ta thấy Thiên Chúa Ngôi Hai làm người đã tự chọn một thân phận có thể gọi là “hẩm hiu” mà không một ai lại dại đột và khùng điên đến độ tự chuốc lấy cho mình. Đó là thân phận của người mà Sách Thánh gọi là Người Tôi Tớ Đau Khổ.

 

3.1.2 Bài đọc 2 (Pl 3,8-14) là đoạn Sách Thánh đáng được xếp vào hạng hay nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ viết về Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Những lời nói trên chỉ được rút ra từ những giờ phút chiêm niệm đắm mình trong mầu nhiệm Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giê-su Ki-tô. Cũng có thể nói đó là những soi sáng, những mạc khải mà Chúa Thánh Thần đã ban cho Thánh Phao-lô để ngài chia sẻ với Hội Thánh là các tín hữu Phi-líp-phê và các tín hữu của mọi thời mọi nơi trong đó có chúng ta.

 

àTrong đoạn 2 Cr 5,17-21 trên, Thánh Phao-lô trình bày Chúa Giê-su ở ba giai đoạn: Trước, trong và sau cuộc Khổ Nạn. Trước & trong cuộc Khổ Nạn thì Chúa Giê-su mang thân phận và chân dung của Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa. Nhưng sau cuộc Khổ Nạn thì Chúa Giê-su mang thân phận và chân dung của Đức Chúa khải hoàn chiến thắng vinh quang. Trước và trong cuộc Khổ Nạn là mầu nhiệm Nhập Thể và Thương Khó. Sau cuộc Khổ Nạn là mầu nhiệm Phục Sinh và Thăng Thiên vinh hiển.

 

3.1.3 Trong bài Tin Mừng (Lc 22,14 - 23,56) là cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su theo Tin Mừng Lu-ca.

 

à Qua bài Thương Khó của Tin Mừng Lu-ca, chúng ta có được một tường trình về những nỗi ĐAU ngoài thân xác và những nỗi KHỔ trong tâm hồn của Chúa Giê-su, Chúa chúng ta:

 

* Những nỗi ĐAU ngoài thân xác là Chúa Giê-su bị bắt, trói, đánh đập, tra tấn, vác thập giá, bị đóng đinh vào cây gỗ và vị treo lên như một tên tội phạm. Gương mặt và thân xác Chúa bị bầm dập một cách tàn tạ khiến không ai chứng kiến mà có thể cầm được nước mắt!

 

* Còn những nỗi KHỔ trong tâm hồn của Chúa Giê-su thì khủng khiếp hơn nhiều. Đó là Chúa Giê-su bị người Do Thái và nhất là những người có quyền chức lãnh đạo trong tôn giáo khinh khi, thù ghét, tra vấn, đánh đập, chế diễu, kết án và giết chết. Nhưng còn một nỗi KHỔ tinh thần lớn hơn nữa là bị bán, bị chối và bỏ rơi bởi chính các môn đệ thân tín của mình! Thậm chí Người còn bị chính Chúa Cha bỏ rơi.

 

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa    

 

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là chúng ta hãy nhìn nhận Chúa Giê-su là Con Một Thiên Chúa, là Đấng đã vì yêu thương nhân loại mà chấp nhận mọi cực hình thập giá, để cứu chuộc chúng ta. Tình yêu vô biên ấy của Chúa Giê-su Ki-tô đòi chúng ta đáp lại bằng tình yêu của chúng ta.

 

IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

 

4.1 Sống với Thiên Chúa

 

Là Đấng thương yêu loài người đến độ đã ban Con Một Người cho thế gian để Người Cứu Chuộc thế gian bằng cái chết thập giá.

 

Là Chúa Giê-su, Thiên Chúa Ngôi Hai xuống thế làm người, Đấng đã yêu thương loài người đến độ đã chịu chết trên thập giá vì loài người.

 

4.2 Thực thi Sứ điệp của Người

 

Để thực thi sứ điệp của Lời Chúa hôm nay, tôi chẳng những phải biết cảm tạ ngợi khen Thiên Chúa Tình Yêu mà tôi còn phải biết rao giảng Mầu Nhiệm Tình Yêu Thập Giá cho người xung quanh!

 

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI & HỘI THÁNH

 

5.1 «Khi vừa nghe Danh Thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các dân các nước trên địa cầu này được ơn nhận ra Chúa Giê-su bị đóng đinh thập giá là Cứu Chúa của mọi người!

 

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

 

5.2 «Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho tất các cả các Ki-tô hữu, cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế, để mọi thành phần Dân Chúa sống mật thiết với Thiên Chúa bị đóng đinh thập giá và nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng Thập Giá!

 

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

 

5.3 «Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao!» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người phản bội Tình Yêu và từ chối Sự Chăm Sóc của Thiên Chúa để họ được ơn hoán cải mà trở về trong Mùa Phục Sinh này.

 

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

 

5.4 «Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về.» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, để ai nấy khám phá ra ý nghĩa của Mầu Nhiệm Thập Giá mà sống cho thích hợp với Tình Yêu Thập Giá của Thiên Chúa!

 

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.