Chai Cứng & Mềm Mại
CHAI CỨNG và MỀM MẠI
Tuần Thánh là đỉnh cao của Phụng Vụ – đặc biệt là Tam Nhật Thánh, Tam Nhật Vượt Qua. Tuần Thánh có nhiều màu, đa sắc, cảm xúc thay đổi cũng đa dạng. Tuần Thánh khiến chúng ta cảm thấy miên man… miên man… với cảm giác khó tả.
Niềm vui tưng bừng mà bí ẩn khi Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể và Chức Linh Mục, nỗi buồn trầm hùng chứ không trĩu nặng khi Chúa Giêsu chịu chết trên Đồi Can-vê để cứu độ nhân loại, nỗi mừng tột độ khi Chúa Giêsu phục sinh khải hoàn. Lòng người bị hút sâu vào Mầu Nhiệm Cứu Độ.
Một bản nhạc có thể nghe nhiều lần nhưng rồi cũng chán, một vở kịch có thể xem nhiều lắm là vài lần rồi cũng nhàm – dù là bi kịch hoặc hài kịch, với sách hoặc phim cũng vậy. Tuy nhiên, có một vở kịch xem hoài không chán: Thánh Lễ. Thật lạ lùng là không thấy chán khi tham dự Thánh Lễ, dù rất quen và thuộc lòng; ngược lại, càng tham dự Thánh Lễ thì càng bị thu hút. Một điều rất kỳ diệu!
Hai động thái “lấn cấn” khiến chúng ta cảm thấy “khó chịu” là sự phản bội của ông Giuđa và ông Phêrô. Sự “khó chịu” đó không phải để xét đoán người mà là PHẢI “tự rờ gáy” mình: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.
1. PHẢN BỘI và CHAI CỨNG
Chai cứng hoặc xơ cứng là tình trạng “tê liệt” của một cơ phận nào đó, dạng xơ cứng đó thường là ung thư – chẳng hạn, chứng xơ gan. Và như vậy là “bất trị” 99% rồi!
Trình thuật Mt 26:14-25 cho biết rằng ông Giuđa Ít-ca-ri-ốt đã đi gặp các thượng tế và đặt vấn đề với họ: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?”. Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Và từ lúc đó, ông ta CỐ TÌM DỊP THUẬN TIỆN để nộp Đức Giêsu.
Ông Giuđa đã cố ý phản bội dù biết lâu nay người ta vẫn luôn tìm cách gài bẫy hãm hại Thầy Giêsu, và ông ta đã nỡ lòng bán đứng Thầy của mình cho bọn gian ác, những kẻ lòng lang dạ thú.
Ông Giuđa phạm tội phản bội nhưng lòng ông đã chai cứng, vẫn cứ trơ trơ và còn “giả nai” nữa. Thánh Mátthêu cho biết rằng vào ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ hỏi Đức Giêsu về nơi ăn lễ Vượt Qua. Ngài bảo họ vào thành, đến nhà một người kia và nhắn lại lời Thầy là Thầy sẽ đến nhà ông ta để ăn mừng lễ Vượt Qua. Các môn đệ ra đi và làm y như Thầy Giêsu đã truyền.
Chiều đến, Đức Giêsu vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. Đang bữa ăn, Ngài nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Thầy xem kẻ đó là ai. Ngài nói: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!”. Dù đã có ý định bán Thầy mà chính Giu-đa cũng vẫn giả hình, vẫn tỏ vẻ thản nhiên và “vô tư” hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?”. Chúa Giêsu nhìn ông và trả lời: “Chính anh nói đó!”.
Sự xơ cứng của cơ thể là bất trị, thật là nguy hiểm, nhưng sự xơ cứng của tâm hồn càng nguy hiểm hơn. Chai lì trong tội lỗi là chứng “ung thư tâm linh” nguy hiểm nhất! Và đó cũng chính là tội phạm tới Chúa Thánh Thần. Thánh Mátthêu cho biết: “Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả ĐỜI NÀY lẫn ĐỜI SAU” (Mt 12:32). Thánh Máccô nói rõ chi tiết hơn: “Mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn MẮC TỘI MUÔN ĐỜI” (Mc 3:28-29).
Người tin thì không cần giải thích, người không tin thì có giải thích cũng vô ích. Cũng vậy, người muốn được tha thứ thì cậy nhờ Lòng Chúa Thương Xót, người không muốn được tha thứ thì làm sao mà tha thứ đây? Đúng là Chúa cũng “bó tay” thôi mà!
Sự phản bội của ông Giuđa “đại diện” cho sự phản bội của chúng ta – phạm tội là phản bội Chúa. Để rồi chính Con Thiên Chúa phải đích thân nhập thế và nhập thể, hóa thành nhục thể, hầu cứu độ chúng ta. Vì sự phản bội liên tục của mỗi chúng ta mà Chúa Giêsu phải chịu vô vàn nỗi ô nhục, như Thánh Vịnh đã mô tả: “Con bị lún sâu xuống chỗ sình lầy, chẳng biết đứng vào đâu cho vững, thân chìm ngập trong dòng nước thẳm, sóng dạt dào đã cuốn trôi đi. Kêu hoài nên kiệt sức, họng con đã ráo khô; đôi mắt đã mỏi mòn bởi trông chờ Thiên Chúa. Kẻ vô cớ ghét con nhiều hơn tóc trên đầu, bọn thù con vô lý lại mạnh thế hơn con. Chẳng lấy chi của người, thế mà con phải trả!” (Tv 69:3-5).
Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Đau khổ dồn dập, ngay cả những người thân cận nhất cũng quay lưng: “Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con!” (Tv 41:10). Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, đau khổ cứ phải chịu cho đến tận cùng: “Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng, con khát nước, lại cho uống giấm chua” (Tv 69:22). Đau khổ không thể nào diễn tả bằng phàm ngôn, đau khổ cùng cực đến nỗi mà Chúa Giêsu, theo nhân tính, cũng đã phải thốt lên: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46; Mc 15:34).
Tất cả chúng ta đều có “máu phản bội” như Giuđa (kể cả máu giả hình” của nhóm Pharisêu). Tất cả chúng ta cũng đã và đang, thậm chí là sắp hoặc sẽ phản bội Thầy Giêsu. Lạy Chúa tôi!
2. PHẢN BỘI và MỀM MẠI
Ông Phêrô cũng phạm tội phản bội, nhưng tâm hồn ông không chai lì mà lại hóa mềm mại, mềm nhũn luôn, sau khi “chạm” ánh mắt của Thầy Giêsu.
Sau khi Chúa Giêsu nói rằng Satan đã xin được sàng thế gian như sàng gạo, nhưng Ngài đã cầu nguyện để chúng ta đủ sức duy trì đức tin, ông Phêrô đã mạnh mẽ nói ngay: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng” (Lc 22:32). [Thánh Mát thêu và Thánh Máccô ghi: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26:35; Mc 14:31)]. Tất cả các môn đệ cũng đều quyết tâm như vậy. Thế nhưng… hỡi ơi, nói hay mà làm không được. Đúng là “nói trước, bước không qua” mà!
Chối Chúa là phản bội. Tội to lắm. Mà không chỉ MỘT lần, ông Phêrô đã chối Chúa đến BA lần (Mt 26:34; Mc 14:30; Lc 22:34). Phạm tội ba lần trong một khoảng thời gian ngắn thôi. Kinh khủng thật! Mà đâu phải chối Chúa trước mặt vua quan quyền thế chi cho cam, những người nói ông Phêrô có “quen biết” với Chúa Giêsu chỉ là đám dân đen, mấy đầy tớ, lũ nữ tỳ. Thế mà ông Phêrô đã run như cầy sấy vì sợ “dính líu” với Thầy Giêsu, sợ liên can, sợ liên lụy, sợ khó đến thân nên bỏ của chạy lấy người. Tội to lắm!
Thế nhưng khi ông lén nhìn theo Thầy, ánh mắt ông đã gặp ánh mắt Thầy. Và ông biết mình sai, trái tim ông đã mềm mại. Ông nhớ lại lời Thầy đã nói trước, thế là ông bật khóc, khóc vì xấu hổ, khóc vì đã hèn nhát.
Vâng, Thiên Chúa chí minh, thấu suốt mọi sự, biết trước tất cả những điều chưa xảy ra. Thật vậy, Ngài cũng đã nói trước với ông Phêrô: “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22:32).
Tội phản bội của ông Giuđa và của ông Phêrô đều là “tội tày trời”, nhưng hai người có kết cuộc khác nhau. Một người để cho trái tim hóa chai cứng, còn một người để cho trái tim hóa mềm nhũn.
3. VĨ NGÔN
Tam Nhật Thánh khởi đầu. Khi tưởng niệm và thông hiệp với Đức Kitô – Người-Tôi-Trung-Đau-Khổ, chúng ta cùng nhau chân thành cầu xin: “Lạy Chúa Trời, Ngài biết con điên dại, lỗi lầm con, làm sao giấu được Ngài! Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, xin cho những người trông đợi Chúa đừng vì con mà phải thẹn thùng (Tv 69:6-7), xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ (Tv 51:12), xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con” (Tv 51:14).
Và chúng ta cùng cầu nguyện với Thánh nữ Faustina: “Lạy Chúa, niềm hy vọng duy nhất của con, con xin đặt trọn niềm tín thác vào Ngài, và con biết con sẽ không thất vọng” (Nhật Ký, số 317).
Lòng Chúa Thương Xót bao la, vô biên, khôn tả, chúng ta không thể lý giải và không thể hiểu hết. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha tha thứ cho chính những kẻ thủ ác: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).
Ôi, Lòng Chúa Thương Xót quá đỗi kỳ diệu. Thật là mầu nhiệm. Chúng ta chỉ còn biết cúi đầu sám hối, để cho trái tim mềm nhũn, chân thành tín thác để được hưởng nhờ Ơn Cứu Độ từ Máu và Nước tuôn trào từ Thánh Tâm của Thầy Giêsu chí thánh: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”.
TRẦM THIÊN THU
Tam Nhật Vượt Qua – 2016
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: