Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lao động: thể hiện phẩm giá thụ tạo

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

LAO ĐỘNG: THỂ HIỆN PHẨM GIÁ THỤ TẠO

 

 

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam quy định chủ đề Mục vụ cho tháng 4/2016 là: “Lao động: thể hiện phẩm giá thụ tạo theo hình ảnh của Đấng Hay Thương Xót.“ (xc “Gợi ý Mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót”). Nói đến “lao động” thì không thể quên tài liệu “Giáo huấn Xã hội Công Giáo”. Tài liệu giá trị này đã dành toàn bộ Chương Sáu (từ số 255 tới 322) để biện phân ý nghĩa, mục đích, hiệu quả của lao động dựa trên quan điểm Giáo hội và xã hội. Cũng vì nội dung đề tài rất phong phú, mà bài viết trình bày có giới hạn, nên chỉ xin đặt trọng tâm vào Thánh Kinh, đồng thời dựa vào tài liệu nêu trên cùng các văn kiện khác của Giáo Hội (“Giáo lý Hội Thánh Công Giáo”, Hiến chế về Mục vụ “Gaudium et Spes”, Thông điệp Xã hội “Centesimus Annus”, Thông điệp về Lao động  “Laborem Exercens”…), để cùng tìm hiểu vấn đề:

 

1- Lao động là gì?

 

Lao động là sự tiêu dùng sức lực (làm việc bằng chân tay hoặc bằng trí óc) trong hiện thực cuộc sống. Lao động là hoạt động có mục đích, có ý thức nhằm tạo ra các sản phẩm phục vụ cho các nhu cầu của đời sống con người, gia đình và xã hội. Vai trò của lao động trở thành một yếu tố mỗi ngày một quan trọng hơn trong việc sản xuất ra của cải tinh thần và vật chất; ngoài ra lao động của một con người đan kết một cách hết sức tự nhiên với lao động của những người khác. Việc lao động càng phong phú và sản xuất càng tăng trưởng khi con người nhận biết các nguồn tài nguyên của trái đất và thấu hiểu được đâu là những nhu cầu sâu xa của người khác mà mình phục vụ.

 

Trong ý niệm đó, Giáo lý HTCG (số 2428) đã giải thích: “Trong lao động, con người sử dụng và thể hiện một phần các khả năng tự nhiên của mình. Giá trị hàng đầu của lao động hệ tại ở chính con người, là tác giả và là người thụ hưởng nó. Lao động vì con người, chớ không phải con người vì lao động. Mỗi người có quyền nhờ lao động mà có được các phương thế để nuôi sống bản thân và những người thân, cũng như phục vụ cộng đồng nhân loại.”

 

2- Xuất phát điểm của lao động: 

 

Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa và giao cho cặp vợ chồng đầu tiên của nhân loại (Nguyên tổ A-đam và E-và) nhiệm vụ thống trị trái đất và làm chủ mưôn loài (St 1, 28). Theo kế hoạch của Đấng Tạo Hoá, các thực tại được tạo dựng, tự bản chất vốn tốt đẹp, là để cho con người sử dụng. Ngạc nhiên trước mầu nhiệm về sự cao cả của con người, tác giả Thánh Vịnh đã thốt lên: “Con người là gì mà Chúa cần nhớ đến? Phàm nhân là gì mà Chúa phải quan tâm? So với thần linh, Chúa chẳng để con người kém thua là mấy. Đem vinh dự, huy hoàng làm mũ triều thiên. Cho thống trị mọi công trình Chúa đã dựng nên; đặt muôn loài muôn sự dưới chân con người.” (Tv 8, 5-7).

 

Thiên Chúa kêu mời con người lao động, canh tác và chăm sóc trên đất đai vườn Ê-đen, là nơi mà Thiên Chúa đặt con người vào trong đó. Con người được ăn tất cả mọi trái cây trong vườn, ngoại trừ trái cây “cho biết điều thiện điều ác” thì không được ăn (“ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: "Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết." – St 2, 15-17).

 

Cũng bởi con người được hưởng môt ân sủng cao quý là được hoàn toàn tự do, nên A-đam và E-va mới phạm tội (không nghe lời Thiên Chúa mà lại tin nghe lời ma quỷ cám dỗ: “ăn trái cây đó, ông bà sẽ trở nên những vị thần biết điều thiện điều ác." – St 3, 5), phá vỡ mối quan hệ tin tưởng và hoà thuận với Thiên Chúa (St 3, 6-8). Họ muốn thống trị tuyệt đối trên mọi sự mà không phải phục tùng ý muốn của Tạo Hoá. Kể từ lúc đó, đất đai trở nên nghèo nàn, cằn cỗi, thù nghịch với con người một cách tệ hại (St 4, 12); lao động trở thành vất vả và cực nhọc, chỉ khi nào đổ mồ hôi trán, con người mới gặt hái được kết quả (St 3, 17-19).

 

Lệnh truyền không được “ăn trái cây cho biết điều thiện, điều ác” (St 2, 17) chỉ là lời răn đe nhằm thử thách con người, nhắc con người nhớ rằng mọi sự con người có đều là ân huệ Thiên Chúa ban cho một cách nhưng không, và vì thế nên “con người vẫn chỉ là thụ tạo chứ không phải là Tạo Hoá." (GH Xã Hội Công Giáo, số 255-257). Vấn đề tổ tiên loài người phạm tội là do “mình tự kết án mình”, nhưng Thiên Chúa vốn giàu lòng thương xót, Người vẫn bảo lưu kế hoach tạo dựng với đầy đủ ý nghĩa của các thụ tạo – trong đó có con người, được kêu gọi canh tác và chăm sóc tạo vật (cần cù lao động) – vẫn không thay đổi. Nói cách cụ thể thì “lao động” vẫn giữ được giá trị của nó cho dù con người có muốn vo tròn bóp méo cách nào đi nữa.

 

3- Giá trị của lao động:

 

Giá trị của sức lao động là giá trị của toàn bộ những tư liệu sinh hoạt cần thiết để duy trì cuộc sống của bản thân và gia đình người lao động cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Trên nguyên tắc, lao động là một hành vi hữu hiệu để chống lại sự nghèo đói (“Kẻ biếng nhác phải chịu cảnh nghèo hèn, người siêng năng được giàu sang phú quý.” – Cn 10, 4). Theo Giáo huấn Xã Hội Công Giáo (số 270-275), lao động của con người có hai ý nghĩa: khách quan và chủ quan.

 

a- Theo nghĩa khách quan, lao động là tổng hợp những hoạt động, những tài nguyên, những phương tiện và công nghệ mà con người dùng để sản xuất ra của cải vật chất (nói theo sách Sáng Thế, con người lao động là để thi hành quyền thống trị của mình trên trái đất). Lao động theo nghĩa khách quan chính là khía cạnh hay thay đổi của hoạt động con người, vốn được biểu lộ dưới nhiều hình thức khác nhau tuỳ theo sự thay đổi của những điều kiện công nghệ, văn hoá, xã hội và chính trị.

 

b- Theo nghĩa chủ quan, lao động là hoạt động của con người trong tư cách là một hữu thể năng động có khả năng làm nhiều việc trong tiến trình lao động, phù hợp với ơn gọi riêng của mình: Con người phải khuất phục trái đất và thống trị nó, vì trong tư cách là “hình ảnh của Thiên Chúa”, con người là một ngôi vị, nghĩa là một chủ thể có khả năng hành động một cách có lý trí và có kế hoạch, có khả năng quyết định về bản thân mình và luôn tìm cách thể hiện bản thân mình. Vì thế, trong tư cách là một ngôi vị, con người là chủ thể của lao động. Lao động theo nghĩa chủ quan là khía cạnh bền vững của lao động, vì nó không tuỳ thuộc cái người ta sản xuất ra hay loại hoạt động người ta đang tiến hành, mà chỉ lệ thuộc phẩm giá của con người.

 

Sự phân biệt này rất quan trọng, vừa giúp hiểu được giá trị của lao động dựa trên nền tảng nào, vừa giúp nhận thức được những khó khăn khi tổ chức các hệ thống kinh tế và xã hội biết tôn trọng các quyền của con người. Vì lao động có được một giá trị đặc biệt, không ai được phép coi lao động chỉ là một hàng hoá hay chỉ là một yếu tố phi ngôi vị trong guồng máy sản xuất. “Chân giá trị của lao động vẫn là một sự biểu hiện căn bản của một con người, nó chính là một “hành vi của con người” (actus personae). Bất cứ một khuynh hướng, một chủ nghĩa hay một lập trường kinh tế nào đòi giản lược người lao động thành một công cụ sản xuất, một lực lượng lao động chỉ có giá trị vật chất không hơn không kém, chắc chắn sẽ đi tới chỗ bóp méo bản chất của lao động, làm mất đi giá trị nhân bản then chốt và cao cả nhất của nó. Con người mới chính là thước đo giá trị của lao động.” (GH Xã Hội Công Giáo, số 271)

 

4- Lao động thể hiện phẩm giá thụ tao:  

 

Sách “Toát Yếu Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo” (bản dịch của HĐGMVN, số 513) đã khẳng định: “Ðối với con người, lao động vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi, nhờ đó con người cộng tác với Thiên Chúa là Ðấng Sáng Tạo. Thật vậy, bằng lao động cách cẩn trọng và tinh thông, con người phát huy những khả năng đã được ghi khắc trong bản tính của mình, biểu lộ những hồng ân của Ðấng Sáng Tạo và những tài năng mà họ đã lãnh nhận; thỏa mãn những nhu cầu của bản thân và những người thân cận; cũng như phục vụ cộng đồng nhân loại. Ngoài ra, với ân sủng của Thiên Chúa, lao động có thể là một phương tiện để thánh hóa và cộng tác với Ðức Ki-tô để cứu độ những người khác.”

 

Nói chung, các sinh vật thụ tao đều phải lao động mới có thể tồn tại. Tuy nhiên, với con người thì phải nói Lao động chính là phẩm giá tột cùng cao quý mà Thiên Chúa đã ban tặng. Có 2 điểm then chốt cần lưu ý:

 

            a- Cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa: “Nhờ lao động và nhờ sử dụng trí khôn cũng như tự do của mình, con người thống trị trái đất, biến trái đất thành nơi cư ngụ thích hợp cho mình. Như vậy, con người chiếm hữu một phần đất, phần mà con người dành được do lao động của mình. Đó là nguồn gốc của quyền tư hữu cá nhân.” (Thông điệp xã hội “Centesimus Annus”, số 31). Con người có trách nhiệm tôn trọng quyền tư hữu cá nhân của bản thân cũng như của tha nhân bằng cách cộng tác với người khác để cùng nhau thống trị toàn thể trái đất. Và đó chính là cách cộng tác cụ thể vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

 

Như vậy, các thắng lợi trong lao động của nhân loại là dấu hiệu vinh danh thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Tuy nhiên, quyền lực con người càng gia tăng, trách nhiệm cá nhân hay tập thể lại càng nới rộng. Do đó, bổn phận con người không những chỉ lo cho cá nhân mình mà còn có bổn phận xây dựng thế giới cho ngày một tốt đẹp hơn như mong muốn của Đấng Tạo Hóa. “Thực vậy, trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu đều có lý để tin rằng nhờ lao công của mình, họ tiếp nối công trình của Ðấng Tạo Hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử.” (Hiến chế về Mục vụ “Gaudium et Spes”, số 34).

 

            b- Cộng tác với Con Thiên Chúa trong công trình cứu độ: Nói “đóng góp công lao mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử”, cũng tức là đem mồ hôi và vất vả lao động trong tình trạng điều kiện sống hiện tại cộng tác với sứ vụ cứu độ mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến để hoàn tất (Ga 17, 4). Công cuộc cứu độ này được thực hiện qua sự đau khổ và qua cái chết trên thập giá của Đức Giêsu Kitô. Vì vậy, “Có thể nói, con người cộng tác một cách nào đó với Con Thiên Chúa trong công cuộc cứu chuộc nhân loại bằng cách chấp nhận sự vất vả khó nhọc trong lao động, với tinh thần hiệp nhất với Đức Ki-tô chịu đóng đinh vì chúng ta. Con người chứng tỏ mình đích thực là môn đệ Chúa Giêsu khi họ vác thánh giá hằng ngày trong sinh hoạt của riêng mình (Lc 9, 23).” (Thông điệp về Lao động “Laborem Exercens”, số  27).

 

Rõ ràng “Vì con người vừa là tác giả, vừa là mục tiêu của lao động, nên con người là yếu tố quyết định cho giá trị chính yếu của lao động. Qua lao động, con người tham gia vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Lao động có thể có giá trị cứu độ, nếu con người biết kết hợp với Đức Kitô.” (GL/HTCG số 2460)

 

Kết luận: 

 

Tóm lại, con người là một thụ tạo vượt trên tất cả các loài thụ tạo, là trung tâm điểm của xã hội. Con người luôn phải lao động để có sản phẩm phục vụ bản thân, gia đình và xã hội; nhưng vật chất không phải là cứu cánh của đời người mà nó chỉ là phương tiện giúp ích cho con người được thăng tiến. Sở dĩ Học thuyết Xã hội của Giáo hội có giá trị trường tồn bởi vì học thuyết ấy đặt nền tảng trên nhân vị, phẩm giá con người do Thiên Chúa sáng tạo và cắm rễ sâu vào Tin Mừng (“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” – St 1, 27). Đấng Sáng Tạo là Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót, nên có thể kết luận: “Lao động: thể hiện phẩm giá thụ tạo theo hình ảnh của Đấng Hay Thương Xót.“

 

            Vâng “chính Thiên Chúa – chứ không phải lao động – mới là nguồn gốc của sự sống và là mục tiêu cuối cùng của con người” (Giáo huấn XHCG, số 257). Cũng bởi vì “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân.” (Tv 8, 6-7). Nhận chân được vấn đề, người Ki-tô hữu hãy nhìn vào tấm gương sáng chói phẩm giá lao động là Thánh gia Na-da-rét, mà dâng lời chúc tụng: “Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!” (Tv 8, 10). Đồng thời, cầu xin cùng Đấng Bảo trợ giới Lao Động – Thánh Cả Giuse – xin Ngài cầu bầu cùng Thiên Chúa ban Thánh Linh cho mỗi người trong gia đình thừa sai, ý thức được chân giá trị của lao động, đồng thời hăng say lao động cộng tác với Đức Giê-su Ki-tô trong công trình cứu độ. Ước được như vậy.

 

Ôi! “Lạy Thiên Chúa tạo thành trời đất, Chúa đã muốn cho con người lao động để tiếp tục công trình của Chúa. Xin nhận lời thánh cả Giu-se chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương người để lại là chu toàn nhiệm vụ Chúa đã trao phó hầu được hưởng niềm vui Chúa đã hứa cho tôi tớ trung thành. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguỵên nhập lễ lễ Thánh Giuse Thợ).

 

JM. Lam Thy ĐVD.