Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bảo Vệ Mẹ Thiên Nhiên

Tác giả: 
Tạ Ân Phúc

Bảo Vệ Mẹ Thiên Nhiên

 

Ngay từ khởi nguyên, Thiên Chúa đã giao cho con người trông coi công trình sáng tạo của Ngài bằng cách tạo ra con người theo hình ảnh Ngài, và để con người làm chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất, nghĩa là làm chủ thiên nhiên. Thế nhưng, qua dòng thời gian, trái đất đã bị ngược đãi và cướp phá, đang kêu than, và những tiếng than trách của trái đất đang hiệp với những tiếng rên xiết của tất cả những người bị bỏ rơi trên thế giới ngày nay.

 

Trước tình cảnh đó, Giáo hội đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ trái đất. Mới đây nhất, vào ngày 18/06/2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Thông điệp Laudato Si’ với câu hỏi mở đầu: “Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên?”, đồng thời xác định rõ trái đất là căn nhà chung của chúng ta, “cũng như người chị chúng ta, chúng ta chia sẻ cuộc sống với chị ấy, và như người mẹ tươi đẹp đón nhận chúng ta trong vòng tay của mẹ”. Thông điệp mời gọi mọi người hãy hoán cải về môi sinh”, đón nhận vẻ đẹp và trách nhiệm dấn thân để 'săn sóc căn nhà chung'.

 

Trong thời gian gần đây, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rõ rệt đến người dân Việt Nam. Tuy nhiên, ý thức bảo vệ môi trường sống lại chưa được chú trọng một cách xác đáng, và hậu quả rõ ràng nhất là xâm nhập mặn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long và hạn hán khắc nghiệt ở Tây Nguyên đang được báo động trong những ngày qua. Trước tình cảnh đó, cũng như hòa chung cùng nhịp đập của Giáo hội, Chương trình Chuyên đề Giáo Dục – Ban Mục vụ Gia Đình TGP Sài Gòn đã tổ chức buổi chia sẻ chuyên đề “Bảo Vệ Mẹ Đất” do ông Martino Trần Tuấn Huy, Giám đốc Trung tâm Giá trị sống – Kỹ năng sống YMCA, trình bày vào tối thứ Bảy, ngày 09/04/2016, nhằm góp phần kêu gọi ý thức bảo vệ thiên nhiên bằng những hành động thiết thực.

 

Mở đầu buổi trò chuyện, các tham dự viên được xem một video clip mô tả vẻ đẹp của thiên nhiên, của ngôi nhà chung mà con người đang sống với những cảnh đẹp của rừng rậm, biển sâu, chim trời, cá nước, động vật… hết sức sinh động. Nhưng thiên nhiên là có hạn, trong khi đó lòng tham của con người thì vô hạn, khai thác một cách quá đáng như: nạn phá rừng, săn bắt, khai thác mỏ… làm cho thiên nhiên bị tổn thương. Hậu quả là thiên tai rất nặng nề như: cháy rừng, bão tố, băng tan.

 

Bảo vệ môi trường là gì?

Sau khi xem video, các tham dự viên được tham gia trò chơi để trắc nghiệm kiến thức về bảo vệ môi trường với những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng biết. Qua các câu hỏi và trả lời, mọi người được cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về môi trường và bảo vệ môi trường:

 

-         Môi trường có mấy loại? Kể tên?

Môi trường có 2 loại: môi trường thiên nhiên và nhân tạo.

-         Hãy kể các chức năng/vai trò của môi trường?

 

Không gian sống; Chứa đựng các chất phế thải; Cung cấp tài nguyên; Giảm nhẹ các tác động có hại của thiên nhiên; Lưu trữ và cung cấp thông tin cho con người.

 

-         Hãy kể ít nhất các lý do cần bảo vệ rừng?

Rừng là lá phổi xanh của trái đất; Rừng có tác dụng làm trong sạch không khí; Rừng bảo vệ và cải tạo đất; Rừng có tác dụng điều hoà dòng chảy trong sông ngòi và dưới đất; Rừng có giá trị lớn về du lịch.

 

-         Bảo vệ môi trường là gì?

Giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; Cải thiện môi trường; Đảm bảo cân bằng sinh thái; Ngăn chặn, khắc phục các hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường; Khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

 

-         Thời gian phân hủy của một số vật:

 

Tấm vé số: 1 tháng; Vải coton: 1-5 tháng; Chiếc  vớ: 1 năm; Đoạn tre nứa: 1-3 năm; Khúc gỗ: 13 năm; Ly nhựa: 450 năm; Túi nilon: 500-1000 năm; Chai thủy tinh: không thể phân hủy.

 

Sau bài trắc nghiệm, số tham dự viên trả lời đúng các câu hỏi là rất ít. Qua đó, có thể thấy người ta nắm bắt kiến thức về môi trường rất hạn chế và việc giáo dục về môi trường chưa được chú trọng đúng mức.

 

Thực trạng về tài nguyên, môi trường nước ta hiện nay

Việt Nam có nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, là nước giàu khoáng sản đứng thứ 7 thế giới với gần 12.000 loài thực vật bậc cao, có đường bờ biển dài 3.260 km. Nhưng:

 

-         Rừng tiếp tục bị thu hẹp, trước 1945 có 14 triệu ha rừng, đến năm 2013 còn 13.862.043 ha rừng, chỉ có 10% là rừng nguyên sinh, phần còn lại là rừng tái sinh. Bên cạnh đó, đa dạng sinh học giảm sút, đã có 200 loài chim bị tuyệt chủng và 120 loài thú bị diệt vong.

-         Khoáng sản có nguy cơ cạn kiệt, với số doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản năm 2000 là 427 doanh nghiệp và con số hiện nay là hơn 1.500 doanh nghiệp.

-         Tài nguyên biển vùng gần bờ suy giảm đáng kể do đánh bắt bừa bãi, không hiệu quả.

-         Đất canh tác bị thu hẹp do đô thị hóa, chất lượng đất suy giảm.

 

Các loại ô nhiễm môi trường tại Việt Nam:

-         Ô nhiễm biển: Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia xả rác ra biển nhiều nhất trên thế giới. Việc ô nhiễm này làm ảnh hưởng nặng nề đến du lịch và giao thông của tàu bè.

-         Ô nhiễm đất: Do sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, gây hậu quả làm đất cằn cỗi, nghèo chất dinh dưỡng, làm hại đến các loài vi sinh vật có lợi, hệ sinh thái mất cân bằng, sâu kháng thuốc. Các loại thuốc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người nông dân, người tiêu thụ lương thực, thực phẩm.

-         Ô nhiễm không khí: Khói xe, khói bụi từ các nhà máy trong các khu công nghiệp. Việt Nam nằm trong số 10 nước ô nhiễm không khí nhất thế giới, chưa kiểm soát được nguồn ô nhiễm. Hậu quả là con người dễ mắc bệnh về đường hô hấp.

-         Ô nhiễm nước: Phần lớn lượng nước thải sinh hoạt (khoảng 600.000 m3 mỗi ngày, với khoảng 250 tấn rác được thải ra các sông) và nước thải công nghiệp (khoảng 260.000 m3 nhưng chỉ có 10% được xử lý) đều không được xử lý, mà đổ thẳng vào các ao hồ.

-         Ô nhiễm tiếng ồn: Trước năm 2008, mức tăng trung bình tiếng ồn trên địa bàn TP.HCM khoảng 0,2-4 dBA nhưng từ năm đến năm 2009, độ ồn đã tăng chóng mặt bằng 14 năm trước đó cộng lại.

-         Thực phẩm bẩn: Bò heo bơm nước tăng trọng tăng 10-15kg làm cho động vật chết trước khi giết mổ, máu đông trong cơ thể gây hại cho sức khỏe cho con người. Rau củ quả nhiễm chất độc hại, hằng ngày con người nạp chất độc hại vào cơ thể.

 

Tóm tắt thông điệp Laudato Si’

Thông điệp Laudato Si’ là tiếng nói của Giáo hội mời gọi các Kitô hữu quan tâm đến vấn đề môi sinh. Thông điệp kêu gọi các Kitô hữu quan tâm đến Tạo hóa và đừng làm ngơ trước những vết thương của mẹ thiên nhiên. Đức Thánh Cha đã mô tả cách rõ ràng những gì mà các chuyên gia về khoa học đã tán thành bao gồm:

 

-         Sự ô nhiễm dẫn đến cái chết sớm.

-         Hiện tượng nóng lên toàn cầu đi đôi với mực nước biển dâng cao.

-         Những người nghèo khổ ngày càng ít được tiếp cận với ước uống.

-         Sự tuyệt chủng của động vật và cây trồng vốn mang tính thiết yếu cho nhiều loài khác.

 

Đức Thánh Cha viết rằng những điểm này ít nhất là do những hành động của loài người gây ra, do đó chúng ta phải hành động. Vấn đề không phải là về môi trường nhưng thường là vấn đề đạo đức. Ngài lên tiếng chống lại những công ty gây ra sự ô nhiễm và độc hại tăng cao ở những nước thuộc thế giới thứ ba, vì những hành động này bị nghiêm cấm ở những nước phát triển.

 

Ngài kêu gọi các Kitô hữu sống nghiêm túc cái được gọi là “sự hoán cải về môi sinh” để sống ơn gọi trở thành những người bảo vệ công trình sáng tạo của Thiên Chúa vốn không phải là điều tùy thích hoặc thứ yếu. Thông điệp thách đố các Kitô hữu trong mỗi ngày sống vì vấn đề nằm ở khía cạnh đạo đức, giải pháp phải bao gồm sự suy gẫm về nội tâm. Đức Thánh Cha khuyến khích việc yêu quý thiên nhiên vì những ảnh hưởng của tình trạng mất cân bằng hiện tại chỉ có thể suy giảm bằng hành động kiên quyết của chúng ta, ngay tại đây và ngay lúc này. Những người bình thường cũng có thể giúp đỡ mẹ thiên nhiên, do đó Thông điệp đề nghị sự thay đổi trong lối sống, những cử chỉ nho nhỏ mỗi ngày.

 

Hành động thực tiễn để bảo vệ môi trường

Đáp lại lời mời gọi của Thông điệp Laudato Si’, Ông Martino Nguyễn Tuấn Huy đã đưa ra giải pháp cho việc bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực hằng ngày với những từ khóa dễ nhớ, dễ áp dụng: Giảm bớt - tái sử dụng - tái chế - tiết kiệm.

 

Giảm bớt – Reduce

-         Không mua nhiều hơn những gì chúng ta cần: mua quần áo, giày dép, thực phẩm đủ dùng, đừng để dư thừa.

-         Chọn các sản phẩm ít bao bì: tận dụng lại những bao bì.

-         Chọn các sản phẩm có thể tái chế: nên mua loại sản phẩm chứa trong chai nhựa thay gì chứa trong chai thủy tinh, chất liệu không thể phân hủy.

-         Hạn chế dùng bao nilon.

-         Chọn các sản phẩm tiết kiệm năng lượng và an toàn đến môi trường.

 

Tái sử dụng - Re-use

-         Góp quần áo, đồ đạc, vật dụng để tặng.

-         Sửa chữa hơn là bỏ đi.

-         Dùng pin sạc hơn là pin dùng một lần.

-         Tận dụng chai lọ, túi nilon.

-         Sử dụng giấy 2 mặt.

Tái chế - Recycle

-         Phân loại rác: Đồ nhựa, thủy tinh, giấy, rác phân hủy.

-         Vận động bạn bè, gia đình, mọi người trong nhà, trường học, nơi làm việc tái chế các vật dụng.

 

Tiết kiệm

-         Hạn chế sử dụng xe máy: Đi bộ, đi xe đạp rất tốt cho sức khỏe; sử dụng các phương tiện công cộng.

-         Hạn chế sử dụng máy điều hòa: Để nhiệt độ vừa đủ: 22-26 độ vì tăng 1 độ sẽ giảm 10% điện năng.

-         Dùng bóng đèn tiết kiệm điện, mua các sản phẩm tiết kiệm điện.

-         Sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng bao bì hoặc có thể tái chế được.

-         Dùng ít nước nóng lại.

-         Tắt đèn, quạt khi không cần thiết.

 

Thay lời kết

Để kết thúc bài chia sẻ, Ông Martino còn đưa ra giải pháp bảo vệ môi trường áp dụng trong thực tế của giáo xứ, giáo phận. Có thể tổ chức các khóa huấn luyện cho các thiện nguyện viên bảo vệ môi trường trong từng giáo xứ; các thiện nguyện viên này sẽ được đào tạo bài bản không những về kiến thức mà còn về hành động thực tiễn để giúp đỡ cộng đồng. Các cha xứ có thể tổ chức các hội chợ đồ cũ trong giáo xứ để giáo dân có thể chia sẻ những đồ vật không dùng đến. Các cha xứ khi nhắc nhở giáo dân ý thức không xả rác sau lễ, sau những sự kiện lớn, thì không những nhắc nhở bằng lời nói mà phải hành động thực tế; chẳng hạn như trang bị những thùng rác, có lực lượng chờ gom rác và nhắc nhở trực tiếp những hành vi xả rác bừa bãi. Có như thế việc giáo dục ý thức sẽ ngày càng hiệu quả hơn.

 

Tạ Ân Phúc